Thứ năm, 25/04/2024,


TRUYỆN KIỀU: 5 kỷ lục Thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam - Kỳ 2: Phạm Đan Quế “khóa cửa buồng chung sống với Kiều” (02/07/2008) 

Phạm Đan Quế bộc bạch: 'Mặc dù Truyện Kiều chỉ có 3.254 câu thơ nhưng với tôi lại là một tác phẩm độc đáo và kỳ diệu của văn chương Việt Nam. Một đề tài nghiên cứu hết sức hấp dẫn. Mỗi ngày đọc Kiều rồi suy ngẫm, phân tích lại khám phá ra những ẩn ý mới trong từng câu, từng chữ của Truyện Kiều'.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 1991 Phạm Đan Quế được NXB Hà Nội chọn in một lúc 2 tác phẩm Truyện Kiều đối chiếuBình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều (GS Phan Ngọc viết lời giới thiệu). Năm 1994, có một chuyên gia viết sách tham khảo thuộc Tủ sách Văn học trong nhà trường gợi ý ông nên biên soạn một cuốn sách tập hợp những đánh giá (bình, vịnh) của các nhà Nho thế kỷ XIX về Truyện Kiều, bởi hiện nay những đánh giá của các nhà nghiên cứu hầu hết đều thuộc thế hệ Tân học (thế kỷ XX). Trong quá trình thực hiện cuốn sách này, bởi chỉ tốt nghiệp môn... toán nên ông đã phải 'khóa cửa buồng chung sống với Kiều': vừa làm vừa học, vừa nghiên cứu mày mò, có khi phải nghiên cứu giáo trình của bậc cao học. Nhờ đó, ngoài tác phẩm Truyện Kiều và các nhà Nho thế kỷ XIX (1994) ông còn hoàn thành được 25 cuốn sách cho Tủ sách Văn học trong nhà trường. 'Có đà', chỉ trong vòng 10 năm ông cho ra mắt tiếp 10 tác phẩm nghiên cứu về Kiều. Ngoài ra, ông cũng có 2 tác phẩm sắp được in là Truyện Kiều bình chú và Cuộc đời chìm nổi của Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong các tác phẩm này, Phạm Đan Quế đặc biệt tâm đắc với cuốn Truyện Kiều đọc ngược do chính ông kỳ công nghiên cứu, ráp nối câu vần một cách xuyên suốt từ... phần cuối ngược lên đầu!

           Mỗi cuốn sách của Phạm Đan Quế đều chứa đựng rất nhiều điều mới mẻ và thú vị liên quan đến Truyện Kiều. Những nghiên cứu của ông cho thấy Truyện Kiều không những có một sức cuốn hút mạnh mẽ đối với độc giả qua bao thế hệ mà còn giữ những kỷ lục mà khó có một tác phẩm văn học nào có thể vượt qua. Một trong những kỷ lục đó là tập Kiều (Phạm Đan Quế đề xuất Kỷ lục thế giới 1: Truyện Kiều là quyển sách duy nhất trên thế giới có hiện tượng tập Kiều - nghĩa là chắp nhặt những câu Kiều ở những chỗ khác nhau để ráp vần thành một bài thơ mới có ý nghĩa, chủ đề nhất định, tình ý nhất quán). Tập Kiều đã trở thành thú chơi tao nhã thu hút biết bao văn nhân thi sĩ: Lý Văn Phức, Bùi Viện, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Mạnh Danh, Nguyễn Hữu Khanh, Tản Đà, Nguyễn Bính, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Trung Thông... với hàng trăm thi phẩm gồm đủ các thể loại lục bát, ngũ ngôn, tứ tự, thất ngôn, khoán thủ... đến văn tế rồi tập Kiều để dịch Hán thi.

          Người đầu tiên tập Kiều chính là bạn đồng liêu với cụ Nguyễn Du: Lý Văn Phức (tác giả Nhị thập tứ hiếu). Năm 1847, Lý Văn Phức vâng mệnh vua Tự Đức làm liền 20 bài tập Kiều ứng với 20 hồi. Ta có thể xem qua hồi thứ 20 'Tái hồi Kim Trọng' (những số trong ngoặc đơn là số câu trong nguyên bản):

'Nguyên người quanh quất đâu xa (0147)

Người còn, sao bỗng làm ma khóc người (2978)

Thấy lời quyết đoán hẳn hoi (1031)

Duyên ta mà cũng phúc trời chi không (2694)

 Được rày tái thế tương phùng (3039)

Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài (0760)

Cùng nhau trông mặt cả cười (3283)

 Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa (3012)'.

            Công phu và độc đáo nhất phải kể đến Phan Mạnh Danh với 10 bài tập Kiều dịch thơ chữ Hán (Đường thi) rất đặc sắc. Chẳng hạn dịch bài thơ Tặng Hoa Khanh của Đỗ Phủ:

 'Cẩm thành ca quản nhật phân phân

Bán nhập giang phong, bán nhập vân

Thử khúc chỉ ưng thiên thượng hữu

Nhân gian ninh đắc kỷ hồi văn'.

 Dịch tập Kiều:

'Đùng đùng gió giục mây vần

Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ai tri âm đó mặn mà với ai'.

            Đặc biệt, Phan Mạnh Danh còn chắp những câu cổ thi Trung Hoa để dịch rất nhiều đoạn trong Truyện Kiều (nghĩa là làm ngược lại kiểu làm vừa rồi, tức là tập Hán thi để dịch Kiều). Bằng cách ấy, ông đã dịch 688 câu (1/5 Truyện Kiều) trong đó có 46 đoạn bốn câu, chẳng hạn:

 'Đào viên đã bén tay phàm

Thì vin cành quýt cho cam sự đời

Dưới trần mấy mặt làng chơi

Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa'.

Dịch bằng cách tập Hán thi (chữ trong ngoặc là tác phẩm có câu thơ được rút ra để dịch):

'Bích đào tiên chủng bản phi phàm (Thi lâm)

Đáo thủ hề phương nhiệm nhĩ tham (Thập mỹ)

Tối thị Lạc Dương hoa hạ khách (Ngũ mỹ)

Giã ư hoa sự vị tằng am (Nữ nhi tình)'...

         Thực tế có rất nhiều bản tập Kiều trong dân gian với rất nhiều hình thức mà không thể thu thập được hết. Ví dụ Tạp chí Thế Giới Mới đã từng tổ chức cuộc thi có hình thức tập Kiều kéo dài trên 2 năm (1996-1998) với các đề tài: màu sắc trong Truyện Kiều, loài vật trong Truyện Kiều, cây cỏ trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đánh đàn gì?... với khoảng 30 số báo.

    (còn tiếp)
Hà Đình Nguyên

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: