Thứ sáu, 19/04/2024,


Nhà văn tuổi Dậu nổi tiếng (05/02/2017) 

 

Những dịp năm hết tết đến là thời điểm nhìn lại thành quả các nhà văn mang tuổi con giáp đã đạt được trong năm và cùng điểm lại những gương mặt các nhà văn đang chuẩn bị bước vào năm ‘tuổi’ sắp tới, đó là một niềm vui nho nhỏ của chúng tôi.

Trong những ngày đầu xuân mới Đinh Dậu, bên tách trà nóng, kính mời độc giả cùng làm công việc thường niên này. Họ- những tên tuổi lớn đã có nhiều đóng góp định hình nền văn học nghệ thuật nước nhà, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên thế giới. Có thể sau họ còn nhiều nhà văn tên tuổi khác nhưng vì một vài lý do nên chỉ xin nêu những gương mặt sau với bạn đọc của báo. 

http://old.toquoc.gov.vn/Upload/Article/khanhvan/2017/1/30/rez_527_khoa%20vietnamfineart.jpg

 

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

 

Nhà thơ Đoàn Thị Điểm sinh năm Ất Dậu (1705), quê làng Giai Phạm (sau là Hiến Phạm), huyện Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), bút hiệu Hồng Hà nữ sĩ, là người xinh đẹp, tài hoa, ham học hỏi, lại thuộc dòng dõi quý tộc và nổi tiếng tài thơ phú nên bà được đón vào triều làm Giáo thụ, dạy dỗ cung tần. Bà được đời sau đánh giá là một tác gia lớn của văn học Việt Nam trung đại.

Năm 1743, bà kết hôn với Tiến sĩ Nguyễn Kiều (đời Vua Lê Dụ Tông) và cùng chồng dạy học, hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bà nổi tiếng với bản dịch song thất lục bát tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản dịch được đánh giá là công trình dịch thuật thơ chữ Hán sang thơ Nôm hoàn hảo nhất trong thi ca nước ta thời xưa.

 

Đại thi hào Nguyễn Du

 


Nhà thơ Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765), quê Hà Tĩnh, là danh sĩ thời Nguyễn sơ, có tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên.

 

Với nghị lực, sự mẫn cảm, và tài trí của mình, ông đã sớm phò giúp nhà Nguyễn, giữ nhiều cương vị quan trọng, làm tới Hữu Tham tri Bộ Lễ và từng lãnh đạo đoàn đi sứ Trung Quốc năm 1813. Say mê thi phú, ông là tác giả của nhiều bài thơ đa chiều mà nhuần nhị, dạt dào tình cảm trong: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục…

Đặc biệt, kiệt tác Truyện Kiều với thể thơ lục bát, ngôn ngữ tài hoa, tinh tế và thấm đẫm tinh thần nhân đạo đã đưa ông trở thành thi sĩ vĩ đại trong đàn thơ Việt Nam. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới.

Khu lưu niệm Nguyễn Du tại quê hương Hà Tĩnh đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/10/2013, Đại hội đồng UNESCO đã vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là “Danh nhân Văn hóa thế giới”.

 

Nhà phê bình Hoài Thanh 

 


 

    Nhà phê bình Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm Kỷ Dậu (15/7/1909), quê Nghi Trung, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà văn hóa, nhà phê bình văn học. Thuở nhỏ ông học ở Vinh, Huế, sau đó làm việc và dạy học tại Huế, là người nhiệt tình nghiên cứu văn hóa dân tộc. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có nhiều đóng góp xuất sắc cho lĩnh vực văn học nghệ thuật cách mạng. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Với ngòi bút mạnh mẽ, hiện đại, sáng tạo, sắc sảo, ông được đánh giá là nhà phê bình văn học nổi bật nhất ở Việt Nam và là một nhà nghiên cứu văn hóa cần mẫn, kỳ cựu, thể hiện qua nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn: Văn chương và Hành động, Thi nhân Việt Nam, Có một nền văn hóa Việt Nam, Nói chuyện thơ kháng chiến, Nam Bộ mến yêu, Phê bình và Tiểu luận, Phan Bội Châu, Chuyện thơ, Tuyển tập Hoài Thanh…

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoài Thanh là cuốn “Thi nhân Việt Nam” (viết cùng với Hoài Chân, in lần đầu năm 1942), vừa là hợp tuyển vừa là công trình nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới ở Việt Nam (1932-1941). Cuốn sách bình luận theo phương pháp chủ quan, được nhiều nhà văn đánh giá rất cao về cách bình và trình độ cảm nhận thơ của tác giả đã đưa tác giả lên đỉnh cao của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

 


 

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng sinh năm Tân Dậu (01/01/1921), quê ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, theo học đến bậc thành chung và đậu tú tài ở Huế, nhà văn đã từng đi dạy học tư thục và viết báo (từ 1942).

Ông thuộc thế hệ những nhà văn đầu tiên của nền văn học mới, là một trong số các nhà văn sáng lập Hội Nhà văn từ 1957 và được tín nhiệm vào các cương vị: Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (Khoá 1), Ủy viên thường vụ Hội NVVN (Khóa 2, 3). Năm 1963, nhà văn trở về miền Nam, là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Ông từng làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nổi bật là nhà văn - chiến sĩ rất tiêu biểu, luôn sẵn sàng làm theo yêu cầu và tiếng gọi của nhiệm vụ cứu nước.

Các sáng tác của ông tập trung vào hai mảng đề tài lớn. Bên cạnh các tác phẩm được nhiều người biết đến như Say nửa chừng, Cửu Long cuộn sóng, Đường đất nước, Chuyện bên cầu chữ Y, Tiểu thuyết cuộc đời, Thời đã qua… Các tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu, Rừng U Minh, Áo trắng, Sài Gòn 67 là những tác phẩm có nhiều tác động tới đời sống xã hội, và là những tác phẩm đưa nhà văn đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

 

Nhà văn Lưu Quang Thuận 

 


 

   Nhà văn Lưu Quang Thuận sinh năm Tân Dậu (14/7/1921) tại Đà Nẵng. Ông là con cả trong một gia đình trí thức gốc Hoà Khánh, Đà Nẵng. Thuở nhỏ ông học tại Đà Nẵng rồi ra Huế trọ học. Năm 1943 ông ra Hà Nội, chỉ trong vòng 2 năm, ông đã sáng tác nhiều vở kịch như: Lữ Gia, Lê Lai đổi áo, Người Hoa Lư, Kiều Công Tiễn, Yêu Ly, Phượng Trì thôn, Hoàng Hoa Thám, Quán Thăng Long... Hầu hết các vở này đã được các ban kịch tài tử và đoàn học sinh hướng đạo công diễn ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội... Năm 1944 ông tham gia Ban kịch Anh Vũ do Thế Lữ chủ trì. Không chỉ say mê với công việc sáng tác, ông còn chủ trương thành lập Tạp chí Sân khấu và năm 1945 ông mở Nhà xuất bản Hoa Lư. Ông tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1946. Năm 1948 ông gia nhập quân đội Việt Minh và hoạt động trong Đoàn kịch Chiến thắng cho đến khi chuyển về Đoàn văn công Nhân dân trung ương năm 1951. Từ năm 1954 đến 1964 làm việc tại Đài phát thanh tiếng nói Việt nam, Nhà xuất bản Văn học, Báo Văn nghệ. Từ 1965 cho đến khi mất, ông làm nghiệp vụ tác gia tại Nhà hát chèo Việt Nam. Ông là cha của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Ngoài là tác giả của khoảng 40 tác phẩm sân khấu, ông còn xuất bản 5 tập thơ: Tóc thơm (1942), Việt Nam yêu dấu (1943), Lời thân ái (1950), Mừng đất nước (1960), Cảm ơn thời gian (1980)

 

Nhà thơ Quang Dũng

 


Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh năm Tân Dậu (1921), quê làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay là Hà Nội), là nhà thơ bản tính năng động, nhiệt thành yêu nước, hăng hái tham gia cách mạng tháng Tám, vào bộ đội chiến đấu khắp chiến trường Bắc Bộ và say mê sáng tác thi ca.

Trước Cách mạng ông theo học trường Thăng Long, sau đó ông vào quân đội, công tác ở phòng Quân vụ Bắc bộ, là phóng viên báo Chiến đấu khu II. Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau đó ông làm Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến, tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai mở đường qua Tây Bắc.

Bút pháp tài hoa và khí tiết nam nhi cùng tình cảm sâu đậm với quê hương đã giúp ông sáng tạo nhiều bài thơ nổi tiếng, tràn đầy tinh thần lạc quan, lãng mạn mà hùng tráng: Tây Tiến, Đôi bờ, Đường trăng, Đôi mắt người Sơn Tây…

Hòa bình lập lại, ông tham gia công tác trong ngành văn hóa nghệ thuật, làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học. Ông để lại các tập thơ: Một chặng đường Cao Bắc, Gương mặt Hồ Tây, Nhà đồi, Hoa lại vàng tháng Chạp, Phiên chợ Bắc Hà, Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì.

Nhà thơ Quang Dũng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.

 

Nhà lý luận, phê bình văn học Phan Cự Đệ 

 


 

  Ông sinh năm Quý Dậu (20/7/1933), quê tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III (1983-1989). Trên cương vị Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa quốc tế, ông đã có nhiều đóng góp xúc tiến quá trình giao lưu văn học, văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Năm 2000, ông được phong tặng là Viện sỹ chính thức Viện Hàn lâm thông tin quốc tế Liên bang Nga. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Ông cầm bút viết tiểu luận văn học đầu tiên đăng báo từ khi đang còn là sinh viên Văn khoa (1955). Trong hơn nửa thế kỷ, ông đã xuất bản gần 30 công trình, gồm các tập phê bình tiểu luận, chuyên luận đứng tên riêng; những giáo trình văn học sử, chuyên luận do ông chủ biên hoặc viết chung; các bộ sưu tập, tuyển chọn giới thiệu tác phẩm và công trình nghiên cứu các tác giả văn học Việt Nam hiện đại: Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Ngô Tất Tố, Hàn Mặc Tử, nhóm Tự lực Văn đoàn…

Ngoài hàng trăm bài tiểu luận, phê bình đăng tải trên báo chí chuyên ngành trong nước và ngoài nước, sau này được tập hợp vào các tập phê bình - tiểu luận như: Cuộc sống và tiếng nói nghệ thuật (1971); Tác phẩm và chân dung (1984); Văn học đổi mới và giao lưu văn hóa (1997) và Tuyển tập Phan Cự Đệ (3 tập, 2006), ông từng nhiều lần chủ biên hoặc đồng tác giả các tập Giáo trình văn học sử Việt Nam giai đoạn 1930-1945, Văn học Việt Nam thế kỷ XX… Song nói đến Phan Cự Đệ, không thể không đề cập đến những công trình công phu, tâm huyết, ghi dấu đậm nét trong đời sống học thuật nước nhà mà ông nỗ lực thực hiện. Đó là: Phong trào Thơ Mới 1932-1945 (1966); Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập, 1974-1975); Nhà văn Việt Nam (2 tập - in chung 1979-1983) và Văn học Việt Nam thế kỷ XX - lịch sử và lý luận (chủ biên 2004).

*

Trong danh sách các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng sinh năm Dậu của Việt Nam ở thế kỷ XX còn có nhiều gương mặt nổi tiếng như các nhà văn: Trần Đình Hiến, Ngọc Trai, Nguyễn Bùi Vợi, Lại Nguyên Ân, Thái Bá Lợi, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Đạo, Inrasara (Phú Trạm), Triệu Kim Văn, Phan Cung Việt, Mai Ngọc Thanh, Quang Chuyền, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Tử Văn, Nguyễn Bảo Chân… Các nhà văn sinh năm Dậu, như con giáp tuổi của họ luôn mang sự may mắn đến cho mọi người, cùng các tác phẩm của họ đã góp phần làm nên diện mạo của nền VHNT Việt Nam như ngày nay.

 

Vân Vân

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: