Thứ sáu, 26/04/2024,


Một di cáo của Chế Lan Viên về Chuyện tình của Hàn Mặc Tử với người trong bài (21/12/2016) 


   Gần nửa thế kỷ qua đã có nhiều sách báo viết về chuyện những người tình thơ của Hàn Mặc Tử, trong đó có chuyện Hàn Mặc Tử yêu Hoàng Thị Kim Cúc (tức Hoàng Cúc) và viết nên bài thơ bất hủ Đây thôn Vỹ Dạ.



    Hàn Mặc Tử và những người tình trong thơ ông


    Cuối năm 1986, ngồi ở khách sạn Lê Lợi - Huế viết Tựa cho tập Bài thơ thôn Vỹ (thơ viết về Huế trước năm 1945), do tạp chí Sông Hương thực hiện, Chế Lan Viên không thể không nhắc đến “chuyện tình” của Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc.
    Bài Tựa dài 17 trang (từ trang 5 đến 22) có nhan đề Sông Thương, sông Hương, trong dòng văn học. Tại trang 18, Chế Lan Viên viết: “Lẽ nào lại không nhắc đến Hoàng Cúc. Chính Mai Đình mang đến tôi một tập Nắng xuân có đăng bài Sao anh không về chơi thôn Vỹ của Tử tặng cho Hoàng Cúc. Tử cộng tác cùng anh Nguyễn Minh Vỹ (nguyên trong phái đoàn ta ở Paris, nguyên thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương) in ở Quy Nhơn năm 1937. Chị Cúc không như trong các sách nói là đã đi lấy chồng. Chị sống độc thân, tu hành, năm nay 73 tuổi rồi, nhưng tập thơ 50 năm xưa chị vẫn giữ, bút tích Tử chị còn giữ, chị còn nhắn tôi: “Tôi già rồi, chỉ còn có tập Nắng xuân, anh giữ cho tôi”.
    Bốn mươi ngàn bản Bài thơ thôn Vỹ với lời Tựa của Chế Lan Viên ra đời tháng 6/1987 được độc giả trong và ngoài nước rất hoan  nghênh. Nhiều độc giả mua sách đem về Vỹ Dạ tặng cô Hoàng Cúc. “Sự kiện” ấy không ngờ đã làm xao động tình cảm của người đã từng gửi thư hỏi Hàn Mặc Tử “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” năm mươi năm trước. Cô Cúc không muốn nhắc đến “chuyện cũ” nữa nên nhờ tôi (trong Ban Biên tập tạp chí Sông Hương) vào đầu tháng 9/1987 đưa cô đến tiếp xúc với Ban Biên tập tạp chí Sông Hương để yêu cầu “Nếu tái bản bài thơ thôn Vỹ thì xin cắt bỏ đoạn Chế Lan Viên viết về Hoàng Cúc”. Cuộc hẹn không thành, tôi khuyên cô nên viết thư thẳng cho Chế Lan Viên, tôi sẽ chịu trách nhiệm chuyển thư. Và cô đã thực hiện theo lời khuyên của tôi.
Tôi không rõ cô Hoàng Cúc đã viết những gì cho Chế Lan Viên nhưng sau đó Chế Lan Viên đã hồi âm một thư dài đến 8 trang, viết bằng mực tím vừa tình cảm vừa thẳng thắn. Trước lý lẽ của Chế Lan Viên, cô Hoàng Cúc không “chống chế” gì được nữa(*). Cô gọi tôi về Vỹ Dạ và giao cho tôi giữ lá thư của Chế Lan Viên cùng với một số tài liệu lúc cô theo học ở trường Nữ công Học hội của bà Đạm Phương những năm 30 của thế kỷ trước. Cô Hoàng Cúc giao cho tôi những tài liệu này vì cô muốn giúp tài liệu cho công cuộc nghiên cứu văn hóa lịch sử của tôi.
   Nhận thấy lá thư 8 trang viết tay ấy của Chế Lan Viên có nhiều thông tin liên quan đến văn học Việt Nam nói chung, cuộc đời và sự nghiệp văn học của Hàn Mặc Tử nói riêng, cho nên tôi xin công bố lá thư mà tôi đã giữ từ cuối năm 1987.


THƯ CHẾ LAN VIÊN GỬI CÔ HOÀNG CÚC
Viên Tĩnh Viên 19/9/1987
Kính gởi chị Kim Cúc
Thưa chị,
  Tôi được thư chị chiều nay, đọc xong thì thú thật, tôi rất buồn. Không hiểu vì sao một việc tôi làm với ý định tốt cho văn học, cho Hàn Mặc Tử, bạn chị và bạn tôi, thậm chí tốt cho chị nữa lại bị khiển trách.
Một là tôi từ khi làm tuyển anh Tử đến giờ rất quý, biết ơn các người cung cấp tài liệu. Một hôm, chị Vân Khanh - cháu ruột anh Tử và chị Mai Đình đem tậpNắng xuân lên tôi nói là chị cho mượn, dặn là: “Chỉ còn chừng ấy, đừng làm mất”. Lại còn nói là có bản thảo Hàn Mặc Tử chị đã đưa nơi anh Võ Long Tê có cần lấy lại không. Tuy là bây giờ có một bút tích của anh Tử thì là vô giá, nhưng tôi nói “thôi ở đâu cứ để đó” chừng ấy là đủ.

   Sau đó, tôi có viết tấm thiếp cảm ơn chị “đã đóng góp cho nền văn học” như chị nhắc đó. Nếu nhận tấm thiếp ấy mà chị cho tôi ngay mấy chữ, bảo là Vân Khanh, Mai Đình tự ý đưa tôi, không có ý chị thì chắc tôi không có mấy dòng trên. Dù sao cũng cảm ơn chị đã gởi tập sách, cảm ơn Vân Khanh và Mai Đình đã “lén” đưa (có lẽ chị muốn nói thế) nhờ thế, tuy tôi có bị chị mắng, nhưng cả nước đã được đọc bài Ông Nghị Gật. Riêng bài này Sông Hương có gởi tôi 1.000đ, tôi không hiểu là vì sao viết lời giới thiệu mà cũng được nhuận bút, tôi đã viết thư và nhắn miệng Sông Hương là phải gởi nhuận bút, hoặc mua hoa, quà tặng chị, vì chị là người giữ tác phẩm này.
  Nhắc đến chị vì tôi rất cảm động là qua nửa thế kỷ tôi gặp lại một tập sách ngày nhỏ. Càng cảm động hơn khi biết chị đã giữ gìn. Vân Khanh và Mai Đình nói như tôi đã viết là chị dặn: “Chị chỉ còn chút kỷ niệm này, bảo quản cho tốt”.
Vì cảm động đó tôi muốn đính chính những lời không hay đã viết về chị. Chị là một cá nhân, ai đề cập đến phải thận trọng, xin ý kiến. Khốn nỗi, chị Kim Cúc là cá nhân ấy, nhưng chị Hoàng Cúc thì vào lịch sử văn học rồi. Và họ viết không như tôi viết đâu. Tôi xin trích các câu chị rõ.
Trong quyển Hàn Mặc Tử của ông Trần Thanh Mại in năm 1942 và tái bản sau đó đến 5 lần, lần cuối là 1970 ở chương “Những người đàn bà đã kinh qua đời Hàn Mặc Tử”, ông Mại viết: “Bài Đây thôn Vỹ Dạ ra đời là do một bức ảnh của một người thiếu nữ ở Huế, cô K.C gởi tặng”.
Trong tập L’expérience poétique et l’itinéraire spirituel de Hàn Mặc Tử ông Võ Long Têviết: “Le père de celle-ci (la belle Hoàng Cúc Chrysanthème Jaune) était justement le chef du service provincial du Cadastre à Quy Nhơn. En raison de sa modeste situation de fonctionnaire dans ce service, Hàn Mặc Tử dût l’aimer en silence, car elle avait été destinée par son père à un jeune home plus intéressant parce que plus fortuné”.
  Ông Võ Long Têlấy tài liệu ở anh Quách Tấn. Trong tập Văn (73-74) in ở Sài Gòn rất lâu trước ngày giải phóng anh Tấn viết (trang 92):
  Cũng đừng tưởng mối tình của Tử đối với Hoàng Cúc không nồng nàn... Cho nên đối với Hoàng Cúc có lần Tử muốn gác lễ nghĩa một bên. Tử có đọc cho tôi một bài thơ, theo Tử, chưa đọc cho ai nghe hết và dặn tôi phải giấu kín.

Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương


  Gần hai trang (92-93) về việc này. Và có những câu như: Nhưng hôn sự bất thành. Bất thành vì... Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm Tham tá Đạc Điền Quy Nhơn mà Tử là tùy thuộc - nhà Tử không xứng mặt đông sàng(**). Tử thôi làm việc ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn để vào Sài Gòn làm báo chính vì bị chê không có địa vị cao sang. Ghé vào Nha Trang thăm tôi, khi đi Sài Gòn, Tử nói:
- Đi chuyến này tôi quyết xây sự nghiệp văn chương cho thật vững vàng, thử xem người ta có còn dám khi dễ.

Trang 44 lại viết:
   Khi Tử đau nằm ở Quy Nhơn, Hoàng Cúc có gởi vào tặng Tử một phiến ảnh “cô gái Huế” với lời mời “ra chơi Vỹ Dạ”...
Bài Đây thôn Vỹ Dạ khi được in ở tập sách của ông Võ Long Tê năm 1972 lại được chú thích: Ce poème fût composé en souvenir d’une photo de Hoàng Cúc. Etablie avec sa famille à Vỹ Dạ, elle a eu la délicate pensée de l’offrir au poète lépreux qui a été son soupirant...
  Trên các vở cải lương, kịch, ảnh vô tuyến truyền hình của Sài Gòn, tên của chị, của chị Mai, chị Cầm, anh Tử được gán với nhiều chuyện bóp méo, ly kỳ, phi lý nữa kia. Nghĩa là tính từ 1942 đến 1987 có đến 45 năm rồi, tên chị đã được nhắc trên báo sau nửa thế kỷ, tôi mới nói đến, nói rất có tình cảm, thêm uy tín cho chị, vứt bỏ cái câu chuyện "trọng tiền coi rẻ tình cảm” khá tổn hại cho chị và gia đình. Thế mà tôi bị "mắng”, tôi rất buồn. Tôi thử phân tích vì sao bao nhiêu người viết về chị mà chị không giận. Mà chị lại bực mình về sự thông tin khá trân trọng của tôi.
Xa chị nên tôi có thể đoán sai:
   Một là chị không cho mượn thật. Các cô Mai Đình, Vân Khanh bịa ra mà đưa cho tôi mượn. Thế thì sao khi tôi viết thư cảm ơn chị cho mượn, chị không phản đối cho tôi biết. Chị nói chị còn giữ cái thiếp ngày 13/11/1986 ấy mà.
Hai là có thể khi chưa công bố những lời tôi, chị có thể cho chả có gì quan trọng mà bàn đi bàn lại. Nay báo nói đến, người này hỏi, người kia hỏi, chị thấy phiền. Chả hiểu tôi có chủ quan không, tôi thấy từ khi có bài tôi, người ta hiểu đúng hơn về chị là chị tu hành chớ không phải tham tiền phụ nghĩa đi lấy chồng giàu sang như các bài báo, bài văn, kịch, và kể cả các đoạn tôi trích trên làm cho thiên hạ hiểu lầm như thế. 50 năm im lặng giữ một kỷ niệm đẹp và trong sáng biết chừng nào.
Tôi có bàn với vợ tôi vì sao. Vợ tôi bảo: "Có thể chị là người tu hành. Chị ở trong xóm chùa Phước Duệ như địa chỉ... ”. Tôi bỗng thấy hối hận khi vợ tôi nhắc chuyện ấy. Vì gia đình tôi vốn là Phật tử. Tôi chợt nhớ bốn câu thơ của Jean Leiba:

Trần thế đã nhiều duyên nghiệp lắm
Lửa lòng mong cạn chốn am không
Cửa thiền một khóa duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng


   Chắc chị muốn quên hết. Hoặc đã quên hết. Riêng tôi nghĩ: dù chị có nhớ, có giữ lại một kỷ niệm, thì cũng chả phải là khuyết điểm gì. Chả ai lại nói là chị còn chưa thành tâm, là còn lưu luyến. Chị đọc thơ của Sư tổ Huyền Quang đời Trần (một trong Tam tổ Trúc Lâm và là nhà thơ lớn của dân tộc), chị sẽ rõ. Việc của chị giữ tập thơ, đứng về đời là rất có ích, đứng về đạo cũng là rất đẹp. Dù sao, trong lúc chị tuổi cao, mà việc tôi làm lại gây cho chị phiền não, tôi xin lỗi chị. Kính mong chị sức khỏe. Và ngày nào về Huế, tôi sẽ đến chùa thăm chị. Xem như là không có chuyện này. Còn các việc trên, chị cứ hỏi lại chị Mai Đình, cháu Vân Khanh, anh Võ Long Tê, anh Quách Tấn...

 

Thân ái
Chế Lan Viên

NGUYỄN ĐẮC XUÂN 

(Nguồn: Văn hóa Nghệ An)
(*) Giường kê về phía đông; dùng để gọi chàng rể. HV
(**) Theo nhà thơ Trần Nhật Thu, bà Hoàng Cúc có đến thăm Chế Lan Viên tại Viên Tĩnh Viên và Chế Lan Viên có giới thiệu bà với Trần Nhật Thu

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: