Thứ sáu, 29/03/2024,


Nhà văn Nguyễn Quang Thiều ra mắt sách (16/11/2016) 


  Tập ghi chép và chân dung Trong căn phòng một người bại liệt của Nguyễn Quang Thiều mang đến cảm giác chân thành, ám ảnh, mất mát, trôi dạt, cô đơn… qua từng số phận, từng gương mặt người. Nhưng tận trong sâu thẳm và vượt lên trên tất cả là ánh lửa của niềm tin yêu, như lời thưa ông viết đầu cuốn sách: “Tất cả họ, những nhân vật chính của cuốn sách này, đã thành người thiên cổ. Cho dù tôi có mong muốn đến đâu và làm bằng cách gì thì họ cũng không trở về để sống một lần nữa. Nhưng họ vẫn trở về với tôi bằng một con đường khác. Họ đứng đâu đó quanh tôi, nhìn tôi và lắng nghe tôi...”

 



Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại lễ ra mắt sách



  Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, cuốn sách này ông dành để viết về những con người quen thuộc trong kí ức của ông, đó là cha mẹ, là ông hàng xóm, là người anh họ, một người đi xe đạp, người Việt kiều, người đàn bà quê… Nhưng nổi bật trong cuốn sách là hình ảnh và yêu thương mà ông dành cho bà nội của mình. Bà nội là người gắn bó thiết tha nhất đối với Nguyễn Quang Thiều từ thuở ấu thơ. Mọi chi tiết về bà: mái tóc, bóng hình, màu áo, hương thơm của bà, những câu chuyện bà kể, mùi trầu, mùi cao con hổ mà bà hay dùng, mùi nước tiểu của bà trong những năm tháng bà đau ốm nằm liệt giường... đều để lại cảm xúc đặc biệt cho ông. Có thể nói bà là một trong những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới tâm trí, tình cảm và là nguồn cảm hứng sáng tác của Nguyễn Quang Thiều.

   "Có một lần tôi trở về căn phòng của mình, tôi nghĩ rằng có một nơi viết quá hay mà mình đã quên mất. Đó chính là căn phòng của chúng ta, với tất cả đồ đạc, tất cả mọi thứ" - Nhà văn chia sẻ thêm.

   Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhận xét Trong căn phòng một người bại liệt tồn tại sự đối lập rõ ràng. “Đó là người viết những câu chuyện sống và làm việc hiện đại trong môi trường, nếp sống đô thị, còn những tâm tư, suy nghĩ đều hướng về làng Chùa, hướng về nguồn cội, về văn hoá và những con chữ nặng tâm tình”.

   Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Sau khi tôi đọc cuốn sách này, tôi cũng nghĩ rằng có lẽ một ngày nào đó tôi cũng sẽ ngồi xuống và vẽ chân dung những người thân của tôi" . Ông cũng cho rằng, qua tác phẩm, người đọc không chỉ thấy được những nhân vật mà tác giả hồi tưởng lại, khắc hoạ lại, mà còn thấy được Nguyễn Quang Thiều qua những bức chân dung ấy. Đó chính là ở cách mỗi nhân vật, tác giả lại phát hiện ra được một chi tiết “găm” vào lòng người đọc.

   Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ ông vốn là độc giả âm thầm từ sau khi đọc truyện ngắn Mùa hoa cải ven sông, tới cái duyên xây dựng tiểu thuyết hình sự Kẻ ám sát cánh đồng thành kịch bản phim truyền hình gây được nhiều tiếng vang Chuyện làng Nhô. Nhận xét về Trong căn phòng một người bại liệt nói riêng và văn chương Nguyễn Quang Thiều nói chung, nhà văn Ngọc Tiến nói rằng nó đặc biệt từ tâm can, từ cội, cảm động, thuyết phục.

   Nhà văn Hữu Ước cũng tới chúc mừng và chia sẻ nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ông nói rằng, Nguyễn Quang Thiều là một trong những nhà văn ông khâm phục nhất bởi tình yêu thương và sức lao động bền bỉ. Ông chia sẻ: “Tác phẩm viết về những điều giản dị trong mỗi chúng ta, vì cuộc sống gấp gáp chúng ta đã đi qua và không kịp nhìn lại. Khi đọc những trang viết của Nguyễn Quang Thiều sẽ thấy điều gì đó thân thuộc nhưng cũng mới mẻ mà ta từng nhìn thấy mà không viết ra được. Nếu nói văn Nguyễn Quang Thiều là cánh đồng, thì nhà thơ chính là người mót lúa trên cánh đồng xuân hạ thu đông ấy.”

                                             (Nguồn: VNQĐ)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: