Thứ sáu, 19/04/2024,


Giải thưởng Văn học sông Mê Kông 2016 "Uống chung một dòng nước - Cần chung một tấm lòng" (11/06/2016) 


    Ngày 11.6, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, diễn ra Lễ trao Giải thưởng Văn học sông Mê Kông năm 2016. Đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam làm trưởng đoàn. Giải thưởng văn học Mê Kông năm nay được trao cho nhiều nhà văn các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc. 2 nhà văn Việt Nam được trao giải lần này là nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và nhà thơ Lê Văn Vọng. Lucbat.vn xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong lễ trao giải thưởng này.



                                                                

                                                    Nhà thơ Trần Đăng Khoa (ảnh Internet)


    TRẦN ĐĂNG KHOA
    Thưa các quý vị!

   Trước hết, thay lời nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng chào mừng các quý ông quý bà cùng các bạn đồng nghiệp. Đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ vừa được trao Giải thưởng Sông Mê Kông.

  Thật thú vị khi chúng ta được ngồi với nhau, vui vẻ và yên bình tại đây, trong một thế giới quay đảo đến chóng mặt. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Nạn khủng bố kinh hoàng và chiến tranh đẫm máu ở nhiều khu vực trên thế giới. Không ngày nào hành tinh của chúng ta không có máu đổ. Vậy mà giữa thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam xinh đẹp và thơ mộng, các nhà văn đại diện cho nhiều vùng văn hóa dọc triền sông Mê Kông lại gặp nhau ở đây, lại nói với nhau bằng ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ của tình yêu và hòa bình. Nếu vị Tổng thống nào, nếu vị Tướng lĩnh phụ trách các bộ máy chiến tranh nào cũng như các nhà thơ nhà văn chúng ta ngồi đây thì tình yêu sẽ tràn ngập thế gian. Sẽ không có chiến tranh. Không có máu chảy. Không có những kiếp người bị đọa đày. Nếu có xung đột thì chỉ là cuộc giao chiến của các nhà phê bình văn chương. Nhưng đó lại là những cuộc giao chiến hòa bình. Các nhà văn chúng ta có thể mỉm cười ngồi xem họ, như xem những ngài Hiệp sĩ Đonkiote đang chiến đấu với những cái cối xay gió.

   Thưa các quý vị!

   Cùng ngồi ở đây, nhưng chúng ta lại đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, và cùng uống chung một nguồn nước trong lành. Đó là nguồn nước sông Mê Kông, con sông huyền diệu và kỳ vĩ đã bồi đắp lên đất nước của mỗi chúng ta, cùng các nền văn hoá phong phú, trong đó, tinh tuý nhất là văn chương. Hôm nay, những đại diện của các nền văn chương tinh tuý ấy đã có mặt ở đây, đã được trao Giải thưởng cao quý mang tên con sông Mẹ vĩ đại. Mong sao các tác phẩm xuất sắc này, còn đi được xa hơn, đến được với đông đảo các tầng lớp bạn đọc, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, và sau nữa là bạn đọc toàn cầu. Đó là quảng bá, là dịch các tác phẩm đoạt giải cùng các tác phẩm xuất sắc khác của mỗi nước.

   Hiện nay ở Việt Nam, việc dịch và xuất bản những cuốn sách dịch chúng tôi làm rất tốt. Có thể nói trên trời dưới sách. Trong đó có đến một nửa là sách dịch. Một cuốn sách mới vừa có tiếng vang trên thế giới thì ngay lập tức đã có bản dịch in ra ở Việt Nam. Và đó là việc chúng tôi đã làm từ nhiều chục năm nay. Có cuốn có nhiều bản dịch khác nhau, in ở nhiều nhà xuất bản khác nhau. Tôi có thể nói rằng, ở Việt Nam bây giờ, ngay cả người không biết ngoại ngữ cũng không hề lạc hậu với văn học thế giới. Trong đó có nhiều bản dịch được các học giả có chuyên môn cao đánh giá là hay không thua kém bản gốc. Quả thật tinh hoa của nhân loại đã hòa nhập với Việt Nam, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đất nước chúng tôi. Không kể các nước phương Tây, như Mỹ, Pháp, Đức và rất nhiều nước khác, chỉ riêng Trung Quốc, tác phẩm của các bạn đã tràn ngập Việt Nam, bao gồm tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, truyện ngắn và cả phim truyện, phim truyền hình. Không chỉ các tác gia kinh điển hay các tác giả lớn đương đại, mà ngay cả các tác giả trẻ cũng được dịch rất nhiều. Nhưng tác phẩm của Việt Nam, cũng như của các nước bạn trong khu vực, được dịch sang Trung Quốc lại rất ít. Nếu không nói là các bạn dường như chưa biết gì về văn học của chúng tôi, cũng như các nước khác trong khu vực này. Vậy chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Bởi dịch thuật rất cần phải có sự hợp tác. Trước hết là hợp tác chọn tác phẩm xuất sắc nhất, những tác phẩm có giá trị đích thực. Nếu chỉ căn cứ vào thị trường sách hoặc căn cứ vào sự đánh giá của một vài nhà phê bình nào đó thì có khi lại nhầm lẫn. Vì nhiều nhà phê bình làm công việc quảng cáo. Dịch là một công việc rất khó. Nhưng chúng ta đã làm được và rất thành công. Đôi khi cũng có tác phẩm dịch, so với nguyên bản, hoá ra chúng chẳng có họ hàng gì với nhau, đấy là những bản dịch tồi của các dịch giả tồi. Còn với những bản dịch hay, chúng là bạn tâm giao, như hai tấm gương cùng soi vào nhau và cả hai cùng sáng lấp lánh.

   Sứ mệnh của các nhà văn chính là những đại sứ tinh thần. Chúng ta cần xé đi mọi rào cản, để con người yêu thương con người nhiều hơn, nhất là những người cùng uống chung nước một dòng sông, cần phải có chung một tấm lòng, không chỉ trong văn chương, trong dịch thuật các tác phẩm văn học, mà trong cả đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội, vì sự hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, của các nước vùng Sông Mê Kông và trên thế giới

  Xin cảm ơn các quý vị và các bạn.

 

                                                           


                                              Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (ảnh Internet)

 

   PHÁT BIỂU CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN BẮC SƠN

 

   Thưa các quý vị,
    Năm nước chúng ta cùng da vàng máu đỏ. Nước sông Mê Công chiếm một phần lớn thành phần máu trong cơ thể chúng ta, nuôi sống chúng ta, tắm mát chúng ta, cho chúng ta không những nét đa dạng, khác biệt trong tính nhân loại thống nhất toàn cầu. Giải thưởng Văn học sông Mê Công hằng năm là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối giữa những nét riêng trong cái thống nhất chung ấy.
Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh nước chúng tôi, nhiều năm trước đã làm một phóng sự trường thiên Mê Công ký sự vô cùng hấp dẫn người xem bởi đời sống văn hoá, phong tục tập quán của cư dân sống hai bên sông từ ngọn nguồn mà các bạn Trung Quốc gọi là sông Lan Thương qua Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia toả xuống đồng bằng miền Nam nước tôi mà chúng tôi gọi là Cửu Long - Chín con Rồng.

  Với Mê Công ký sự, những người làm phim muốn gửi đến người xem thông điệp: Năm nước chúng ta có một mạch máu, một nguồn sống chung. Hãy bảo vệ, giữ gìn, sử dụng nó với tinh thần đùm bọc, chia sẻ để nó làm mát lòng, no lòng tất cả chúng ta, như các bạn Trung Quốc và Lào đã xả bớt nước để giúp đồng bào chúng tôi chống hạn và mặn xâm nhập vừa rồi.

  Tiếc là tôi chưa có dịp thăm Mianma nên chưa viết được gì. Các nước khác nhất là Trung Quốc qua lại nhiều lần đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp, không thể quên trong tập ký Chúng ta đến với nhau có một hình vẽ biểu trưng là những bàn tay thân thiện nắm chặt với nhau thành một khối này.

  Đây là lần thứ ba đến Côn Minh, nơi cha tôi làm tài xế tầu hoả (đã mất), chú ruột tôi trưởng tàu năm nay tròn trăm tuổi đã chạy suốt nhiều năm tuyến Hà Nội - Vân Nam. Bố mẹ tôi đã sống ở đấy nhiều năm, sinh hạ hai chị gái tôi nên một người có tên là Tiết Vân, một người là Khai Viễn.

   Lần đầu đến Côn Minh đúng dịp thành phố bắn pháo hoa mừng Dương Lệ Vĩ, người Trung Quốc đầu tiên bay lên vũ trụ. Lần sau để dự Công viên triển lãm nghệ thuật làm vườn thế giới. Và lần này, một niềm vui văn chương mà nước chủ nhà Trung Quốc trao.
Tôi cảm ơn nước chủ nhà, chúc các bạn đồng nghiệp tiến xa hơn trong sự nghiệp sáng tác.

  Mong sông Mê Công mãi là dòng sông Hoà bình hữu nghị trong lành, tươi mát của chúng ta.

 
                                                                   
Nguồn vanvn.net

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: