Thứ năm, 18/04/2024,


Chúc mừng 18 tác giả đã vượt qua vòng Sơ khảo Cuộc thi thơ “Tổ quốc và Đạo pháp” lần thứ Ba, năm Ất Mùi – 2015! (18/08/2015) 

Sau những thành công của Cuộc thi sáng tác Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” năm Quý Tỵ 2013 và Giáp Ngọ 2014, năm nay là năm thứ Ba Website Lục Bát Việt Nam tổ chức sơ kết và trao giải. Tính từ ngày 16/7/2014 tới ngày 31/7/2015, Ban Tổ chức đã nhận được trên 2000 bài thơ của hơn 300 tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về; gần 600 bài thơ trong số đó đã được lựa chọn và giới thiệu qua 42 chùm thơ dự thi trên chuyên mục “Văn hoá tâm linh” của lucbat.vn. Theo quy chế giám khảo: Mỗi uỷ viên Ban Sơ khảo được quyền độc lập giới thiệu 4 tác giả dự thi có bài đạt chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Hội đồng Chung khảo lựa chọn các tác giả xứng đáng để trao giải Trăng Vàng và Trăng Bạc.

Tuy so hai năm trước, số lượng người tham gia dự thi năm nay có sụt giảm, nhưng cuộc thi sáng tác thơ Lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” vẫn là một trong những cuộc thi thơ nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các tác giả ở khắp nơi trong nước và cả kiều bào đang học tập, định cư ở nước ngoài. Bên cạnh những tác giả đã từng đoạt giải ở hai đợt trao giải trước vẫn tiếp tục nhiệt tình tham gia như: Lương Thế Phiệt, Nguyễn Ngọc Hưng, Hậu Cốc Ngang, Nguyễn Phi Diếu, Ninh Đức Hậu, Nguyễn Tấn On…, đã xuất hiện thêm nhiều tác giả lần đầu tham dự cuộc thi. Điều đó không chỉ phần nào cho thấy tính hấp dẫn của cuộc thi mà còn là cơ hội để Ban Tổ chức chọn lựa ra những nhân tố mới của Lục bát.

Hầu hết các tác phẩm gửi dự thi đều bám sát chủ đề “Tổ quốc và Đạo pháp”. Bên cạnh những bài ngợi ca quê hương, đất nước, đề cao Phật pháp, cũng không ít bài trăn trở trước những vấn đề mang tính thời sự như vấn đề biển đảo hay sự băng hoại về đạo đức, lối sống diễn ra đâu đó quanh ta… Điều đó cũng thật dễ hiểu khi đề cập đến ý thức công dân của người cầm bút. Có bài thiên về khái niệm Tổ quốc, có bài lại nghiêng về ý nghĩa Phật pháp một cách rõ rệt; nhưng cũng có bài hoà trộn cả hai khái niệm, ý nghĩa này… Chọn được một tứ thơ hay và thể hiện nó trong một khuôn khổ chặt chẽ về niêm luật như thơ Lục bát là điều bất cứ tác giả làm thơ Lục bát nào cũng mong muốn. Và điều đáng mừng ở một cuộc thi rộng rãi dành cho mọi thành phần tác giả này, hiếm thấy những bài thơ mắc lỗi niêm luật; có nhiều bài có sự tìm tòi về ngôn ngữ, hình ảnh… Cũng không khó khăn lắm để tìm ra những câu thơ có thể neo lại trong lòng người đọc.

Sự khắc hoạ hình ảnh con người sẽ không thơ, nếu như tác giả chỉ dừng lại ở mức độ quan sát. Đây là nét phác hoạ rất đặc trưng hình ảnh người mẹ, hình ảnh quê hương một thời chưa xa:

Mùa lụt. Đói ngậm. Đói ngùi

Mẹ đem một mớ bùi nhùi ra hong

Khói lên gọi lúa xanh đồng

Níu nhau cùng bước qua giông bão đời.

(Bếp của mẹ - Lê Văn Hòa)

 

Hay cảnh mưu sinh của con người trên cao nguyên đá:

Sau chân vạn khách tham quan

Lúa ngô vẫn lép mây ngàn chẳng xanh

Đá giăng như lũy như thành

Mà không che nổi mong manh kiếp người.

(Ông già trên đá – Lương Thế Phiệt)

 

Hoặc tình cảnh của những người lầm lạc:

Láng giềng thành thế địch thù

Quên rinh hở tóm kẻ trù người than

Cua còng chi bước bò ngang

Xó đời bạc cảnh lá vàng cành khô

(Ngõ cụt – Thái Văn Lợi)

 

Quê hương, xứ sở là cái gì đó rất mộc mạc, gần gũi nhưng quá đỗi thiêng liêng:

Buổi về lội qua bến đò

Chạm mây cố xứ vườn nho xanh rì

Leo lên đồi cát - nắng tỳ

Hoa xương rồng nở - thầm thì ban mai.

(Khi hoa xương rồng nở - Nguyễn Tấn On)

 

Sân đình vấn vít trúc mai

Hội làng lẻ bạn lăn dài giọt xuân

Quê người nhuộm thắm bước chân

Vẫn mong sợi nắng trong ngần cố hương.

(Nắng cố hương – Bùi Thị Nhài)

Đề tài chiến tranh cách mạng nói chung và đề tài biển đảo nói riêng vẫn thu hút được khá nhiều cây viết, từ nỗi đau chiến tranh trước đây đến những trăn trở về vấn đề chủ quyền biển đảo hiện nay, như một lời cảnh tỉnh để con người ta có ý thức trách nhiệm hơn với non sông:

À ơi... Một tấc chủ quyền

Một gang biển đảo, bố nguyền chắc tay

À ơi... Con ngủ cho say

Nghìn con sóng biển Đông này ru con...

(Tiếng ru vọng từ biển đảo - Huy Trụ)

 

Mộ bia giữa lạ giữa quen

Bao hồn chiến sĩ giữ miền đảo xa

Tử sinh tam cõi giao hòa

Tâm thầm niệm Phật Di Đà nam mô…

(Bốc mộ ở Côn Đảo - Đặng Thị Vân)

 

Cuối chiều vạt nắng dần tan

Câu thơ đầy ắp chứa chan nỗi buồn

Bạn nằm dưới cỏ xanh non

Tôi ngồi như đứa trẻ con khóc thầm

(Bên nghĩa trang đồng đội – Vũ Nhang)

 

Đề tài Đạo pháp, dù gián tiếp hay trực tiếp ca tụng thì cũng đánh thức được ở người đọc tinh thần Phật pháp:

Đất từ bi độ bụi trần

bông sen trong bão mấy lần... cánh rơi

hoa thơm ướp ngát hương đời

nỗi sen nâng nhịp đầy vơi nỗi người!...

(Nỗi sen – Ngô Bình Thanh)

 

Thả thiền rong ruổi cõi mờ

Nhẹ tênh lời gió hững hờ xô mây

Bước chân mòn vẹt gót ngày

Bát cơm thí thực trên tay... nghẹn ngào.

(Nữ tu khất thực – Nguyễn Thị  Thùy Linh)

 

Giọt nến căn chuỗi ngụ cư

Giấu mùa mật ngữ kinh thư hạt tràng

Hóa thân vào ngọn lửa vàng

Một làn khói mỏng hòa tan - nẻo về.

(Cây đèn trước Phật - Nguyễn Tấn On).

Là những người được BTC giao trách nhiệm đọc vòng sơ khảo, chúng tôi cũng đã nỗ lực nhằm lựa ra các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi. Song chúng tôi cũng nhận thấy rằng: Cuộc thi này còn ít những tứ thơ hay, hiếm bài toàn bích và số đông tác giả trong cuộc thi còn chưa lưu tâm nhiều đến việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật.

Với 18 tác giả vượt qua vòng Sơ khảo năm nay, xem như Cuộc thi sáng tác thơ Lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” đã đi được gần nửa chặng đường. Sự tham gia góp ý kiến của độc giả sẽ là cơ hội tốt để cuộc thi hoàn thành nốt chặng đường tiếp theo.

Theo Quy chế Giám khảo Cuộc thi Tổ quốc và Đạo pháp, trước khi Hội đồng Chung khảo làm việc, Ban Tổ chức xin công khai danh sách Tác giả và Tác phẩm, kính mời quý Bạn đọc cùng giám khảo trong 05 ngày (từ ngày 17/8 đến ngày 22/8/2015).

Hải Phòng, tháng 8 năm 2015

Nhà thơ Đinh Thường
              (Trưởng Ban Sơ khảo)

 

 

 

DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM VƯỢT QUA SƠ KHẢO
(Tổng hợp của Ban Sơ khảo, được xếp theo vần A, B, C…)

1- Tác giả Lê Hòa (Chùm thơ dự thi 122): Một lần với biển; Bếp của mẹ; Bên kia bóng tối.

2- Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng (Chùm thơ dự thi 126): Ngút ngàn lá xanh; Nhật nguyệt hương đầy; Trăng vương bụi phố; Không đề; Về lại tuổi hoa niên; Hương thiền. (Tác giả đã xin rút khỏi danh sách đề cử).

3- Tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh (Chùm 112 + 114): Sinh linh; Nữ tu khất thực.

4- Tác giả Thái Văn Lợi (Chùm 107): Lời của biển; Thằng còi; Ngõ cụt; Gò Công quê tôi.

5- Tác giả Nguyễn Xuân Môn (Chùm 121): Nhớ cha; Tâm sự với con; Tâm sự với dâu.

6- Tác giả Nguyễn Thánh Ngã (Chùm thơ 136 + 115): Về thăm đất Tổ; Bóng tôi; Tiếng mẹ.

7- Tác giả Bùi Thị Nhài (Chùm thơ 133): Bóng quê; Đợi đò; Em về; Lạc phố; Nắng cố hương.

8- Tác giả Vũ Nhang (Chùm 136): Bên nghĩa trang đồng đội.

9- Tác giả Nguyễn Tấn On (Chùm thơ dự thi 114): Cây đèn cầy trước Phật; Nắng thiền; Sợi khói; Đêm hát; Xông núi; Khi hoa xương rồng nở.

10- Tác giả Lương Thế Phiệt (Chùm thơ dự thi 104): Nghe tiếng Trường Sa; Ông già trên đá; Cánh bãi; Xin giời.

11- Tác giả Ngô Xuân Thanh (Chùm 125): Thương con; Nỗi người; Nỗi sen; Nhịp ưu tư; Chuông lòng.

12- Tác giả Đặng Văn Toàn (Chùm 131): Tôi tin; Quê mùa; Chân trời.

13- Tác giả Dương Phượng Toại (Chùm 129): Huơ lên chiếc quạt chú hề… ta đây; Hẹn; Trả em.

14- Tác giả Trịnh Toại (Chùm 132): Bán mua; Vu vơ; Hương đồng nội; Nợ.

15- Tác giả Hoàng Tự (Chùm 99): Tập tàng; Mùa chưa ngâu.

16- Tác giả Huy Trụ (Chùm 95): Tiếng ru vọng từ biển đảo; Chuyện tình lính đảo; Cúi đầu lạy mẹ.

17- Tác giả Đặng Thị Ngọc Vân (Chùm 134): Nhớ Mỵ Châu; Bốc mộ ở Côn Đảo; Nhiệm màu; Rượu lá Sa Pa; Tượng cổ chùa Phật Tích.

18- Tác giả Lê Minh Phúc - Pháp danh Viên Thông: Xét đặc cách Tác phẩm truyện thơ Lục Bát dài 3028 câu "Đời mẹ và đời con", Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2015; theo đề nghị của Nhà thơ Trương Nam Hương - thành viên Chung khảo.

 

DANH SÁCH THÀNH VIÊN CHUNG KHẢO

Để công việc Chung khảo tiến hành thuận lợi và tìm ra những tác giả xứng đáng để vinh danh, Ban Tổ chức cuộc thi đề xuất mời các thành viên sau đây tham gia Hội đồng Chung khảo cuộc thi Tổ quốc và Đạo pháp Ất Mùi - 2015:

1. Nhà thơ Vương Trọng – Trưởng Ban Chung khảo;

2. Nhà thơ Lê Đình Cánh – Ủy viên;

3. Nhà thơ Trương Nam Hương (TP.HCM) – Ủy viên;

4. Nhà phê bình Chu Thị Thơm  – Ủy viên;

5. Nhà thơ Đặng Vương Hưng – Thường trực.

Lục Bát Việt Nam

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Dương Phượng Toại - camphuong50@gmail.com - 0982367982 - Cẩm La-TX Quảng Yên-Quảng Ninh  (Ngày 22/08/2015 8:58:25)


Trân trọng cảm ơn bạn Trần Thị Sao Mai đã góp ý! Nhưng xin bạn đọc kỹ lại bài thứ 4 của tôi thực sự là một bài thơ dài gồm 4 tiết (chủ ý viết đề tựa nhỏ) viết theo chủ ý từ A đến Z tập trung cho một chủ đề về thiện tâm trong cuộc sống đời thường hướng tới cái đẹp của Đạo Pháp. Đạo Pháp nằm ngay trong mỗi sat na của mỗi cái đẹp bình thường .

4. CHÙM BỐN CÂU

Chùa Hoa Yên

Mây bay vào tận cửa chùa
Hạt mưa còn níu lại mùa chưa tan
Sóng mây dồn, nắng rơi ngang
Bông hoa đại rụng thơm sang cả chiều!

Đồng xanh

Gặt mùa lại nhớ gieo chiêm
Hạt mầm nẩy trắng cả đêm không lời
Đồng xanh vẫn đợi tay người
Dưới trăng em hát góc trời cũng thơm!

Giọt chuông

Mọc từ cát bụi lên trời
Kiếp người như giọt chuông rơi… lặng dần
Một sat na cũng bâng khuâng
Thăng hoa để lại giáng trầm chiều thu!

Bóng sen
Long lanh sen rụng mặt hồ
Hương còn theo ngọn gió xô vào lòng
Cánh sen dưới đáy nước trong
Vớt lên ngỡ mảnh trăng cong… đem về!
----------
Đây là một bài thơ dài ý tưởng như nói về chùm quả với kết quả nhân hậu của thiền tâm! Người bước vào cửa chùa, nhìn lại đồng xanh là đời người, là cuộc sống để tiếp tục tu tâm khi nghe tiếng chuông, hãy hóa thành tiếng chuông để rồi khát vọng hóa hoa sen đính trên vòm trời như mảnh trăng cong! Đời người chỉ mong sao được trong sáng và thanh thản như thế là trọng lắm thay, hơn mọi quyền quý cao sang! Khi tôi quyết định gửi tham gia đã cân nhắc kỹ chỉ tham gia 4 bài. Trong đó có bài số 4 là hoàn toàn độc lập theo ý tưởng của tác giả và cố ý thể hiện cách bố cục riêng của một bài thơ lục bát. Xin bạn và mọi người hãy hiểu theo ý đó! Thiết nghĩ chùm bốn bài của tôi không phạm quy! Rất chân thành cảm ơn! Kính chúc sức khỏe Ban tổ chức, Ban sơ khảo, Ban giám khảo cuộc thi và bạn Trần Thị Sao Mai!

  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, HP  (Ngày 20/08/2015 13:53:28)

Cám ơn tác giả Đỗ Tất Đạt- Quang Nam đã thẳng thắn trao đổi về bài thơ Nợ của Trịnh Toại. Thật bất ngờ, khi anh Đạt chia sẻ trên facebook với bạn của Trịnh Toại...TT mới biết mình có bài đăng trên trang HP... Giữa tháng 12/2014 tôi có gửi chùm dự thi văn Hải Phòng, vì nghĩ gửi cận ngày và đến khi đã trao giải cuộc thi một thời gian, tôi xem vẫn ko có thơ đăng, (vì có phải tất cả được đăng cả đâu), tôi đinh ninh là ko được đăng trên vanhaiphong.
Vâng, 2 bài của tôi là một. Tôi có thói quen mỗi lần đọc lại thơ của mình tôi đều tìm cách chỉnh sửa cho phù hợp, cả đề tôi để Nợ chung chung hơn...
Qua đây, tôi rút kinh nhgiệm cho những lần sau. Một lần nữa cám ơn tác giả Đỗ Tất Đạt! Trân trọng cám ơn tất cả những ai vào đọc tin này cũng chia sẻ với Trịnh Toại

  Trần Thị Sao Mai - tranthisaomai@gmail.com - 01213276835 - Nam Định  (Ngày 20/08/2015 10:01:29)

Kiến nghị với Ban tổ chức cuộc thi thơ "Tổ quốc và đạo pháp" hai việc sau:
1/ Trong thể lệ đã quy định: Mỗi tác giả tham gia tối đa 1 năm là 6 bài thơ
Trường hợp của tác giả Dương Phượng Toại tham gia 7 bài- trong đó 3 bài dài và 4 bài tứ tuyệt là phạm quy. Đề nghị Ban tổ chức xem xét lại.
2/ Trường hợp của nhà thơ Trương Nam Hương giới thiệu tập thơ của một tác giả trong giới (cho là đặc cách). Tôi nghĩ là không công bằng với hàng triệu tác giả tham gia dự thi:
- Tập thơ đa xuất bản khi nhà thơ TNH đã đọc thì tôi tin là đã được rộng rãi độc giả trong giới và bạn bè đã đọc
- Hàng triệu tác giả dự thi phải được công bố tác phẩm công khai trên mạng để mọi độc giả được đọc, nay tập thơ đưa lên xét đặc cách mà âm thầm không ai biết, việc làm này gây nên nhiều dư luận trái chiều trong độc giả yêu thơ.
Đề nghị Ban tổ chức đối chiếu với thể lệ để có quyết định dân chủ và công bằng.
- Nếu xét đặc cách thì đề nghị Ban tổ chức phải có giải riêng cho những tác phẩm đặc cách (vì trong nhân dân và trong giới còn rất nhiều tập thơ vì không quen biết nên không biết ai giới thiệu đặc cách cho).
Kính chúc sức khỏe Ban tổ chức, Ban sơ khảo, Ban giám khảo cuộc thi.
Sao Mai

  Đỗ Trọng Khơi - dotrongkhoi1@gmail.com - 0169 327 6294 - TP. Thái Bình  (Ngày 20/08/2015 0:20:27)

    VỀ VIỆC TÁC GIẢ NGUYỄN NGỌC HƯNG, QUẢNG NGÃI, XIN RÚT TÊN KHỎI DANH SÁCH ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG
    Kính gửi Ban tổ chức cuộc thi, cùng các thành viên trong ban Sơ/Chung khảo
    Tôi vừa nhận được thư của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, ở Quảng Ngãi, là một trong 4 tác giả có thơ dự thi và đã được tôi đưa vào đề cử cho giải thưởng thơ lục bát Tổ quốc và đạo pháp năm nay.
     Đúng là, khi đề cử chùm thơ của nhà thơ NNH cho ban chung khảo, tôi có tin vui cho NNH hay và sau đó đã nhận được tin lại từ NNH là cho anh rút khỏi danh sách đề cử. Tuy vậy, tôi vẫn động viên và đề cử chùm thơ của nhà thơ NNH vào dự chung khảo với ý nghĩ sẽ tốt hơn cho việc cộng điểm chung cục giải Kim cương cho tác giả..
    Nay, thêm lần nhà thơ NNH, qua thư email, xin tự nguyện rút tên ra khỏi danh sách đề cử vào chung khảo. Vậy, để tôn trọng ý kiến của tác giả, tôi đề nghị Ban tổ chức, cùng các nhà thơ trong ban Sơ/Chung khảo đồng ý cho nhà thơ NNH rút chùm thơ đề cử vào Chung khảo trên.
    Kính báo
    Đỗ Trọng Khơi
    (Tôi xin gửi kèm thư xin rút tên khỏi danh sách đề cử của nhà thơ NNH)

    Kính gửi: Ban Tổ chức và Ban Sơ/Chung khảo cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” năm 2014-2015,
    Tôi là Nguyễn Ngọc Hưng ở Quảng Ngãi.
    Rất yêu thơ lục bát và vô cùng trân trọng tôn chỉ mục đích cuộc thi thơ lục bát “Tổ quốc và Đạo pháp” nên tôi đã nhiệt tình tham gia. Ngay từ năm đầu tiên - 2013 - tôi đã may mắn nhận giải Lục Bát Trăng Vàng. Tiếp đó, năm 2014 tôi lại có chùm thơ lọt vào vòng chung khảo. Và tôi đã rất tán thành quyết định của Ban Tổ chức và Ban Sơ khảo: “Để khuyến khích tác giả mới, theo sự thống nhất của Ban Tổ chức cuộc thi: Không đưa những tác giả đã được giải cao trong Sơ kết lần Một vào Chung khảo năm nay; tuy nhiên, chúng tôi vẫn công bố danh sách 2 tác giả Nguyễn Ngọc Hưng và Đỗ Bá Cung, để tính điểm cho việc xét giải Kim Cương vào dịp Tổng kết cuộc thi năm 2018”.
    Cách đây vài tuần, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi nhắn tin cho tôi: Mình đã đề cử thơ Hưng vào chung khảo thơ lục bát năm nay đấy, thích nhất là bài Hương thiền... Tôi đã cám ơn và trao đổi trước với Khơi: Mình rất vui nhưng cho mình rút khỏi đề cử giải năm nay. Vì mình đã được trao giải một lần rồi. Với lại mình cũng rất tán thành cách nghĩ của Ban Tổ chức là nên khuyến khích các tác giả mới để thơ lục bát phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu… Có lẽ vì Khơi có cách nghĩ khác nên cuối cùng tôi vẫn có tên trong DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM VƯỢT QUA SƠ KHẢO.
    Nay, với tất cả thành ý tôi xin được rút chùm thơ của mình ra khỏi danh sách đề cử giải năm 2015.
    Chân thành cám ơn Ban Tổ chức, Ban Sơ/Chung khảo, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Rất mong các anh chị thông cảm và thể tất cho!
    Thân kính,
    Nguyễn Ngọc Hưng.

  Đinh Phóng Nguyễn Vũ - dinhphong54@yahoo.com - 0125845254 - Thạch Thất - Hà Nội  (Ngày 19/08/2015 12:00:13)

Tôi cũng cảm nhận giống bạn Ngọc Quang khi đọc bài "Không đề" trên! Kính đề nghị BGK xem xét lại trường hợp bài thơ "Không đề" của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng về tứ và câu chữ "rất giống" bài "Hư Vô" của nhà thơ Quang Huy.

  Hoàng Trường - hoangtruongvn2006@gmail.com - 0987014387 - TP. Hồ Chí Minh  (Ngày 19/08/2015 9:38:41)

Tôi rất ấn tượng với lục bát của Nguyễn Thị Thùy Linh, đặc biệt những bài viết về cõi thiền. TG này như từng có những trải nghiệm nhất định nên thơ rất giản dị mà lại ma mị, cuốn hút vô cùng. Còn nhớ từng đọc ở đâu đó bài thơ khi viết về quả chuông của Thùy Linh:
"Coong coong đồng sắt lên chùa
Hóa thân tu úp nặng thừa coong coong"
Rồi đến bài dự thi "Sinh linh" cũng có những câu thật giàu sức gợi:
"Oa oa tiếng thét run mềm
Hơi trăng xanh lạnh chặt nêm nỗi người"
Có thể thấy một tâm hồn thánh thiện, giàu lòng nhân hậu và sức sáng tạo tiềm ẩn trong thơ Thùy Linh. Thật bất ngờ là qua tìm hiểu trên mạng tôi được biết TG này sinh năm 1991, một cây bút còn rất trẻ. Chúc TL đạt giải cao trong vòng chung khảo và có nhiều bài lục bát hay nữa trong tương lai!

  Đỗ Tấn Đạt - dodat963@gmail.com - 0905967839 - Quảng nam  (Ngày 19/08/2015 8:28:25)

Đề nghị BGK xem lại bài thơ Nợ của tác giả Trịnh Toại đã được đăng trên thơ dự thi Hải Phòng 2014 với một tựa đề na ná là 'Nợ em'.
Nguyên văn hai bài thơ như sau:
NỢ EM (http://vanhaiphong.com/xem/15-tho-du-thi/1422-chum-th-d-thi-s-47-ngo-th-thuy-nga-tp-hcm-trn-vng-qung-nam-va-tnh-toi-hi-phong.html)

Nợ em góc khuất cuộc đời
Cứ ngong ngóng nhớ, cứ vời vợi trông
Nợ dòng sông mắt xanh trong
Sóng thời gian vỗ bềnh bồng trôi xuôi
Nợ em khoảng lặng trong tôi
Càng ghim càng nổi, càng bồi càng sâu
Cho tằm nợ lá xanh dâu
Cho anh nợ trắng tóc đầu vì em.

NỢ (chùm 132) (http://lucbat.com/news.php?id=15469)

Nợ em góc khuất cuộc đời
Cứ ngong ngóng nhớ, cứ vời vợi trông
Nợ em một chuyến đò không
Sóng thời gian vỗ bềnh bồng khôn nguôi
Nợ em khoảng lặng trong tôi
Càng ghìm càng nổi, càng bồi càng sâu
Cho tằm nợ lá xanh dâu
Cho anh nợ trắng mái đầu vì em.

Thiết nghĩ đây là hành động cố ý xào nấu lại bài cũ, không xứng tầm của một người cầm bút và hơn nữa là để dự thi.
Tôi tin rằng sau khi đọc BGK hãy cố gắng chăm chút hơn cho cách kiểm tra sàng lọc bài qua vòng sơ khảo. Nếu cứ mãi như thế này thì sau này độc giả sẽ mất niềm tin rất nhiều ở các cuộc thi thơ quá nhiêu khê.
Trân trọng!
Đỗ Tấn Đạt

  Ngọc Quang - ngocquang@gmail.com - 0123768532 - Quảng Nam  (Ngày 18/08/2015 23:33:14)

Mấy câu thơ này trong bài "Không đề" của Nguyễn Ngọc Hưng:
"Cái chi rồi cũng một thời
Chỉ tình nghĩa mãi đầy vơi miên trường
Dốc lòng khơi mạch yêu thương
Câu thơ còn với vô thường bể dâu?"
Sao na ná giống mấy câu trong bài Hư Vô bất hủ của nhà thơ Quang Huy vậy nhỉ?
"Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban
....
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ

Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi có hư vô như mình?"
Tác giả này chắc đọc "Hư Vô" nhiều quá bị "ảnh hưởng" chăng?

Các bài khác: