Thứ hai, 06/05/2024,


Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kì Đổi mới: thực trạng và triển vọng” (29/05/2015) 



     Nhằm tiếp tục đi sâu đánh giá, luận giải, tổng kết một cách toàn diện những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam 30 năm đổi mới, tiếp nối thành công của Hội thảo “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” (5/2014), ngày 28/5/2015, tại hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (số 1 Liễu Giai, Hà Nội), Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kì đổi mới: thực trạng và triển vọng” .

 

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: P.V)

 

     Hội thảo có sự hiện diện của TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; PGS.TS. Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đông đảo các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học trên cả nước.

 

    Gần 30 năm qua, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới, văn học Việt Nam đã có nhiều bước chuyển sâu sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của con người và xã hội. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, văn học Việt Nam từ 1986 đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi phải có sự lí giải thấu đáo, khoa học. Hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kì đổi mới: thực trạng và triển vọng” là diễn đàn khoa học mở, mời gọi và kích thích những trao đổi khoa học nhằm hướng tới kiến tạo sự phồn vinh của văn học dân tộc trong thời đại mới. Với mục tiêu này, Hội thảo tập trung bàn thảo những chủ đề chính sau:
       
 - Phân tích, đánh giá khách quan, chính xác về đội ngũ sáng tác, các hiện tượng, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của văn học thời kì đổi mới;
        - Nhận diện, lí giải thấu đáo những đổi mới trên phương diện thể loại và những thử nghiệm mới trong sáng tạo nghệ thuật;
        - Đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo và tiếp nhận văn học thời kì đổi mới;
        - Dự báo khả năng phát triển của văn học, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác của văn học trong thời kì mới.

 

     Báo cáo đề dẫn Hội thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, nêu rõ: “Trọng tâm của Hội thảo lần này là phân tích, đánh giá thực tiễn sáng tác văn học đổi mới, vì hơn lĩnh vực nào khác của đời sống văn học, đây là lĩnh vực năng động nhất, dấu ấn đổi mới hiện lên rõ nét nhất. Tại đó, bạn đọc nghe thấy hơi thở nóng hổi của cuộc sống, những tri nhận mới mẻ của nhà văn về thế giới, về lịch sử và con người, nơi thai nghén, phát lộ những tư tưởng mĩ học mới, nơi thể hiện rõ nhất sự nhạy cảm văn hóa của nhà văn. So với trước đây, thực tiễn sáng tác văn học thời kì đổi mới hiện diện và phát triển trong một không gian văn hóa mang hai đặc tính lớn của thời đại là đổi mới và hội nhập. Đổi mới và hội nhập chính là những từ khóa quan trọng nhất khi nói về văn học từ sau 1986. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với câu hỏi: Văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Chúng ta đã góp thêm gì để làm giàu có hơn di sản tinh thần của nhân loại?...

 

     Nhà văn, anh là ai? Sứ mệnh của nhà văn là gì?... Đây là những câu hỏi chưa bao giờ cũ. Bởi thế, bên cạnh ý kiến của các nhà khoa học, của những người yêu văn chương, Hội thảo lần này đặc biệt coi trọng và muốn lắng nghe ý kiến của các nhà văn, về quan niệm cầm bút của họ, về những trăn trở sáng tạo và khát vọng đổi mới, về những thành tựu và hạn chế của văn học trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế”.

 

    Hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học đến từ các viện nghiên cứu, các hội nghề nghiệp, các trường đại học, các tòa soạn báo, tạp chí lớn trên quy mô cả nước. Với điều kiện thời gian 01 ngày, Ban Tổ chức đã lựa chọn gần 20 tham luận để báo cáo và thảo luận tại Hội thảo.

 

    Được biết, sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục chọn lọc, biên tập, chỉnh lí các tham luận để in 01 số chuyên đề trên Tạp chí Nghiên cứu văn học và in Kỉ yếu Hội thảo.

 

ĐĂNG HOÀNG
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: