Thứ hai, 06/05/2024,


Nhà văn Đoàn Giỏi ( 1925- 1989) (27/05/2015) 


     Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17 /5/1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân trong một gia đình địa chủ lớn. Ông từng theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định trong những năm 1939-1940. Khi Cách mạng tháng Tám thành công và toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện đi theo Kháng Chiến.

 

     Trong những năm tháng chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ.Vốn có một tài năng thiên phú nhiều mặt, Ông đã vẽ tranh, viết kịch, làm thơ, viết văn để phục vụ kháng chiến chống Pháp với những tác phẩm Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ, 1947); Khí hùng đất nước ( Ký sự lịch sử, 1948); Đường về gia hương ( truyện , 1948); Chiến sĩ Tháp Mười (Kịch thơ, 1949).Sau 1954, ông tập kết ra Bắc và chuyển hẳn sang sáng tác và biên tập sách báo với những tác phẩm nổi bật như Trần Văn Ơn (truyện ký- 1955),Cá bống mú ( tập truyện 1956), Ngọn tầm vông (tập truyện ký 1956) . Ông là một trong những người dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ I- Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1-4/4/1957).

 

     

    Tháng 2 năm 1957, Đoàn Giỏi nhận được lời đặt hàng của Hội văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ, thời gian viết trong 4 tháng. Do bận rộn nhiều công việc, ông vẫn chưa động bút, mãi đến tháng 5 khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, lúc đó đang phụ trách việc chuẩn bị thành lập NXB Kim Đồng đã gặp gỡ ông và bày tỏ lòng mong muốn một tác phẩm viết về miền Nam cho thiếu nhi, đồng thời nhấn mạnh thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng vào tháng 6 năm 1957. Nhờ sự khích lệ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, với một cảm hứng mãnh liệt- nỗi nhớ quê hương da diết, Đoàn Giỏi bắt đầu chấp bút, chỉ trong một tháng, ông đã kịp hoàn tất tác phẩm đúng thời gian dự kiến.

 

   Tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã thành công vượt mức mong đợi. Đất rừng phương Nam được các đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt liệt, để đáp ứng như cầu của độc giả, tác phẩm đã được tái bản rất nhiều lần, mỗi lần tái bản nhà văn Đoàn Giỏi đều có bổ sung sửa chữa và lần hoàn chỉnh cuối cùng là bản in năm 1982, đó cũng là bản Đất rừng phương Nam hay nhất được in đi in lại cho đến ngày nay.Sau Đất rừng phương Nam nhà văn Đoàn Giỏi còn viết tiếp tác phẩm Cuộc truy tầm kho vũ khí ( NXB Kim Đồng- 1962), một cuốn sách rất hấp dẫn bạn đọc thiếu niên ngày ấy.

 

    Tôi được đọc Đoàn Giỏi từ bản in đầu tiên 1957, từ những ngày mới biết chữ. Văn của Ông hoàn toàn mới lạ với người Hà Nội ngày ấy. Nhờ Đoàn Giỏi mà người đọc được thả hồn vào tận nơi xa xôi mờ mịt đằng sau Vĩ tuyến 17 ...Để biết cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang xôn xao tiếng chèo động nước rổn rảng, con sông Tiền, sông Hậu mêng mang...Thấp thoáng xanh biếc lá dừa nước bay trong gió, văng vẳng tiếng đàn kìm và giọng ca vọng cổ đâu đây... Ngày ấy chưa có ti vi, chưa có phim ảnh gì nhiều...Cuốn Đất rừng phương Nam với cuộc phiêu lưu hấp dẫn hồi hộp của chú bé An đã đến với bạn đọc học trò miền Bắc thập kỷ 60, 70... như một món quà kỳ diệu thỏa lòng mơ ước bay cao bay xa của những tâm hồn như cánh chim non.

 

     Có thể nói rằng vào lúc đất nước còn bị chia cắt Bắc Nam, Đất rừng phương Nam là một lời vẫy gọi nóng bỏng, thôi thúc hàng triệu trái tim thanh thiếu nhi muốn ra đi, muốn được đặt chân đến tận mũi Cà Mau, đến rừng U Minh để mà biết được những chuyện kỳ lạ của một vùng rừng ngập mặn, để được gặp gỡ với những con người nhân hậu hào phóng. Đó là cái thời Miền Nam đau đáu trong trái tim mọi người:


Ôi Miền Nam vì sao mỗi lúc
Mây chiều sa bay giục cánh chim
Đêm khuya một tiếng bầu tiếng trúc.
Một câu hò cũng đọng trong tim.
( Miền Nam- Tố Hữu)


    Không phải chỉ có Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi còn có một loạt các truyện ký, tùy bút như Ngọn tầm vông,Cây đước Cà Mau, Cá bống mú, Chim bay trên trời HàNội, Tiếng gọi ngàn...Đã được viết trong nỗi nhớ da diết vời vợi của người Nam bộ xa quê . Tình cảm đó đã gặp gỡ và được nhân lên trong trái tim người đọc cả người miền Nam tập kết và cả người miền bắc chưa từng biết vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long…


    Vậy phải chăng, cuốn Đất rừng phương Nam chỉ là một cuốn sách giới thiệu đất nước con người phương Nam, và chỉ lạ chỉ hấp dẫn người đọc khi việc đi lại trên đất nước hình chữ S này còn bị ngăn trở, Bắc Nam chưa liền một dải?
Cũng là nhà văn Nam Bộ, Đoàn Giỏi có gì khác Nguyễn Quang Sáng? Và, cho đến hôm nay, khi người đọc cả nước đã biết nhiều hơn về Nam Bộ với những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, rồi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư...Vì sao Đất rừng phương Nam vẫn có một vị trí đặc biệt trong văn học Việt Nam?

 

    Ngược trở lại thời điểm nhà văn Đoàn Giỏi một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc bước vào con đường văn học, ta sẽ thấy sự ảnh hưởng dìu dắt của các nhà văn đàn anh với ông . Khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời, trong bài viết "Nguyễn Huy Tưởng - một người thầy - một người bạn - một người anh", Đoàn Giỏi đã bộc bạch cảm xúc: Điều anh luôn nhắc nhở tôi là chú trọng sắc thái địa phương nhưng đừng có abusé (lạm dụng) ngôn ngữ, luôn dặn dò tôi phải chịu khó ghi chép hàng ngày và nghiêm túc học tập...
Quả thật là với những lời khuyên chí tình như thế nhà văn Đoàn Giỏi đã sáng tạo ra một lối văn riêng, văn chương trong Đất rừng phương Nam thật đậm đà phong vị Nam bộ, nhưng hoàn toàn hòa nhập cùng một dòng chảy chung của ngôn ngữ Việt Nam.Đoạn mở đầu Đất rừng phương Nam:" Có lẽ từ hôm trước bước lên xóm chợ này, mình đã bắt đầu cuộc sống lưu lạc rồi chăng? Những đêm giật mình thức giấc nằm nghe tiếng gió rít thê lương từ các cánh đồng xa mông quạnh và lắng nghe tiếng nước chảy ào ào dưới chân cầu nước...bắc ra con kênh thẳng tắp chạy dài vô tận trước ngôi chợ này, tôi vẫn thường vơ vẩn nghĩ vậy..."

 

     Theo tôi, cái tài tình của đoạn văn này là người đọc thẩm thấu được với dòng cảm xúc "tiếng nước", "tiếng gió" trong một câu văn dài rộng miên man gợi tả miền sông nước Nam Bộ mà không hề có một tiếng địa phương nào xuất hiện. Giọng nói Nam bộ trong Đất rừng phương Nam chỉ xuất hiện ở những dòng đối thoại , trong tiếng nói của nhân vật. Trong những đoạn dẫn chuyện, miêu tả, nhà văn Đoàn Giỏi hoàn toàn viết bằng một ngôn ngữ chuẩn mực tiếng Việt.

 

    Có lẽ đây là một điểm văn phong của nhà văn Đoàn Giỏi khác với các nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Tư...Văn phong Đoàn Giỏi mang đậm dấu ấn văn hóa của các nhà văn một thời mở đầu cho văn học thiếu nhi quy tụ xung quanh Nhà xuất bản Kim Đồng như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài , Võ Quảng, Phạm Hổ...

 

 

    Nếu đọc kỹ hơn nữa Đất rừng phương Nam ngoài những cảm xúc "vùng miền" man mác ta bỗng nhận ra một chiều sâu thăm thẳm trong tâm trạng của chú bé An nhân vật chính và vì thế ta mới cảm nhận được tầm vóc nhân văn của tác phẩm.
Không hiểu sao dù đọc đã lâu rồi, nhưng trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng câu văn nói lên tâm sự của An trong cuộc phiêu dạt trên miền sông nước:" Mình như chiếc lá rơi xuống dòng sông, nước trôi tới đâu mình đi tới đó..."

 

     Phải chăng đó chính là nỗi niềm thương cảm của tác giả trước số phận của những đứa trẻ ngây thơ non nớt bị lâm vào cảnh bơ vơ trong cuộc chiến tranh. Chiến tranh thực sự là đau khổ, những đứa trẻ phải sống trong cuộc chiến tranh bị lạc khỏi bàn tay ôm ấp của mẹ cha, phải rời xa tổ ấm gia đình, đột nhiên phải đối mặt với những thử thách vượt quá sức chịu đựng của một tâm hồn non dại...Vâng chiến tranh đâu phải là một cuộc đi chơi thú vị, một chuyến du lịch sang trọng...Chú bé An trong Đất rừng phương Nam thực sự bị lâm nạn, rơi vào cảnh phiêu bạt giang hồ...Tấm lòng nhân hậu của tác giả đã không đảy nhân vật chính đến bi kịch, đến thảm cảnh hay cái chết đau đớn, ông đã khiến An đã tìm được hơi ấm của tình người trong miền rừng sâu thẳm ngập nước đó là tình người mộc mạc nguyên sơ biết chia sẻ đùm bọc đứa trẻ trong loạn ly...Đó là tình người nằm sâu trong truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được giữ gìn nảy nở trong mọi cảnh ngộ bất thường trong cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng ác liệt.

 

    Không chỉ có tâm huyết và tư tưởng, tài năng nghệ thuật của nhà văn Đoàn Giỏi đã biến “đất rừng phương Nam” trở thành thân thuộc, đáng yêu đối với độc giả, không chỉ là độc giả nhỏ tuổi.Nhà thơ Tế Hanh đã nói : “ Khi tác giả viết chắc chỉ với mục đích là viết cho các em. Có lẽ anh không ngờ người lớn đọc cũng rất thú vị…”.Những trang văn của nhà văn Đoàn Giỏi thấm đượm hơi thở của sông nước, rừng cây, những câu chuyện cả thực cả kỳ bí của thiên nhiên Nam bộ hoang sơ và truyền được hơi thở ấy cho độc giả. Có được điều đó không những là nhờ tình yêu của ông đối với miền đất Nam bộ quê hương mà còn ở óc quan sát tỷ mỷ, tinh tế, lối văn kể chuyện hấp dẫn trong tác phẩm của mình.

 

     Và, cũng nhờ ở sức truyền cảm của nghệ thuật những trang văn Đất rừng phương Nam đã âm vang một thông điệp bảo vệ cho trẻ em được sống yên lành trong một thế giới còn tràn đầy những biến động, rất dễ dàng xẩy ra những xung đột chiến tranh khốc liệt đẫm máu...Có lẽ chính vì ý nghĩa nhân văn đó mà Đất rừng phương Nam đã trở thành một tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam được dịch và xuất bản ở nhiều nước như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Trung Quốc, Hungari, Cu Ba…

 

     Không chỉ là một nhà văn chăm lo sự nghiệp sáng tác của riêng mình, nhà văn Đoàn Giỏi còn là một người tham gia công tác Hội Nhà văn tận tình với anh chị em bạn bè nhất là với những bạn viết trẻ. Ông đã từng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III và là giảng viên trong các khóa học của Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ có trụ sở ở Quảng Bá, Tây hồ( nơi giờ đây là Trung tâm văn học và Bảo tàng văn học Việt Nam).

 

    Tôi là một người may mắn được gặp gỡ và được là học trò của nhà văn Đoàn Giỏi khi ông còn tại thế. Ông có một giọng nói Nam bộ giầu âm sắc, nhưng rất dễ nghe. Khi học ở Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ - Quảng Bá ( 1974-1975) tôi được phân công đưa tác phẩm thực tập của mình để ông góp ý. Sau này, khi tham gia Trại sáng tác văn học thiếu nhi Nha Trang (năm 1979), tôi lại được dự trại cùng ông và với nhiều nhà văn nổi tiếng khác như Võ Quảng, Hà Ân, Trần Hoài Dương... Những kỷ niệm bên bờ biển Nha Trang tuyệt đẹp luôn lưu giữ ở trong tâm trí tôi, đôi khi trong lúc đọc lại các tác phẩm của ông, tôi thấy như hiển hiện trước mắt tôi hình ảnh Đoàn Giỏi bơi như con cá kình trên sóng nước...

 

     Thế rồi vào một ngày cuối xuân năm 1989, nhà thơ Phạm Hổ xúc động báo tin buồn tới Nhà xuất bản Kim Đồng: “ Anh Đoàn Giỏi mất…”. Ông từ trần ngày 2 tháng 4 năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh ung thư. Trong ký ức của tôi còn mãi ấn tượng xúc động của buổi Lễ truy điệu nhà văn Đoàn Giỏi do Hội Nhà văn tổ chức tại trụ sở 65 Nguyễn Du, do điều kiện xa cách (ngày ấy việc đi lại còn khó khăn) nhiều nhà văn không đến dự được tang lễ của Ông ở TP Hồ Chí Minh, các nhà văn ở Hà Nội đã tập trung rất đông đủ, lắng nghe bài điếu văn thấm nước mắt khóc bạn của nhà thơ Phạm Hổ. Mười năm sau, ngày 2/4/1999, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm nhà văn Đoàn Giỏi, nhà văn Ma Văn Kháng đã thay mặt BCH Hội Nhà văn đọc một bài phát biểu có tựa đề “ Đoàn Giỏi- Những trang văn nặng tình đất nước”với những nhận định rất sâu sắc: “…Ông ( nhà văn Đoàn Giỏi) viết về thổ sản miền Nam hay như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng viết về thổ sản đất Bắc. Không phải là không có lý khi nhà thơ Hoài Anh gọi ông là cái gạch nối văn hóa thông minh giữa hai miền Nam- Bắc.”

 

    Sau khi nhà văn Đoàn Giỏi đã qua đời, năm 1997, tác phẩm Đất rừng phương Nam được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài 11 tập có tựa đề Đất phương Nam do nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc là Giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Vinh Sơn là đạo diễn và viết kịch bản. Phần âm nhạc của bộ phim do nhạc sĩ- nhà nghiên cứu âm nhạc Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang sáng tạo. Cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, âm nhạc của bộ phim đã ra đời Bài ca đất phương Nam, một ca khúc nổi tiếng rung động biết bao trái tim người, không chỉ riêng với người Nam bộ.
Để ghi nhớ công lao một nhà văn lớn của đất nước, ngày 7 tháng 4 năm 2000, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đặt tên nhà văn Đoàn Giỏi cho một phố thuộc Quận Tân Phú.

 

    Nhà văn Đoàn Giỏi đã xa cách chúng ta hơn 25 năm, tác phẩm Đất rừng phương Nam cũng đã trên 55 tuổi, thế nhưng những trang văn nồng ấm tình yêu đất nước, yêu con người, chan chứa ý nghĩa nhân văn của Ông chắc chắn vẫn còn được đọc đi đọc lại, lứa bạn đọc này sẽ tiếp nối lứa bạn đọc khác tiếp tục đón nhận tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi như tiếp nhận dòng suối mát trong lành cội nguồn của văn hóa dân tộc Việt Nam. Hôm nay chúng ta cùng gặp nhau để tưởng nhớ đến ông- nhà văn Đoàn Giỏi kính mến, chúng ta hãy cùng tin rằng giờ đây nơi cao xanh xa xôi, nhà văn Đoàn Giỏi đang lặng lẽ mỉm cười thanh thản với những gì Ông đã để lại cho đời.


Tháng 5/2015- L. P. L

Tài liệu tham khảo:


1/ Các tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi.
2/ “Đôi điều nhớ lại-Đoàn Giỏi với thiếu nhi”- Nhà văn Thy Ngọc ( bài viết đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1/4/1999).
3/ “Đọc lại Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi”-Nhà thơ Tế Hanh (Bài đăng trên báo Văn Nghệ số 453,16/6/1972)
4/ “ Đoàn Giỏi Những trang viết nặng tình đất nước”-Nhà văn Ma Văn Kháng-( Lời tưởng niệm của BCH Hội Nhà văn VN trong Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Đoàn Giỏi-Báo Văn Nghệ ngày 3/4/1999.
5/ “Uống rượu với nhà văn Đoàn Giỏi”- Nhà văn Lê Vân ( Báo Văn Nghệ số Tết Ất Mùi-16/12/1991)-
6/ “ Đoàn Giỏi với Đất rừng phương Nam” Bài viết của nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi VN Vân Thanh- đăng trên Tạp chí Văn học của Bộ giáo dục và đào tạo-1992).
7/ Nhà văn Việt Nam hiện đại- Hội Nhà văn Việt Nam-(NXB Hội Nhà văn-tháng 7/2010)
8/ Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam tập I ( 1957-1975) NXB Hội Nhà văn tháng 12/2013.

 

Lê Phương Liên

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: