Thứ ba, 16/04/2024,


Thầy Phạm Kiêm Âu - Có một người thầy như thế... (20/11/2014) 

Trong lời mở đầu, nhóm thực hiện nêu rõ:

Trong lời mở đầu, nhóm thực hiện nêu rõ: “Cuốn sách này được biên soạn, ấn hành và xuất bản như một nén hương tỏ lòng hoài nhớ của học trò, đồng nghiệp, bạn bè và người thân, nhân hai mươi năm ngày mất của của thầy Phạm Kiêm Âu (1919 - 1994), một nhà giáo suốt đời tận tụy với học trò và canh cánh mối lo làm trọn thiên chức người thầy như mình mong muốn”.

Với 60 bài viết và những di cảo của thầy Phạm Kiêm Âu, người đọc được có dịp thấy rõ các chặng đường của thầy.

Sinh năm 1919 ở quê hương làng Hội An, tỉnh Sa Đéc nay là Đồng Tháp, đi học tại trường Trung học Cần Thơ và Trung học Pétrus Ký Sài Gòn. Khi đang học trường Dược ở Sài Gòn, xếp bút nghiên tham gia kháng chiến tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Sài Gòn. Tham gia cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn phản đối việc bắt bớ học sinh Trần Văn Ơn. Năm 1950 lần lượt bị mật thám Pháp và Phòng Nhì nhà binh Pháp bắt. Bị giam giữ ở bót Catinat Sài Gòn.

Ra tù, tiếp tục hoạt động. Cuối cùng bị mật thám địch bắt lại, trục xuất khỏi Nam Bộ và đày an trí tại Đồng Hới (Quảng Bình). Thầy đã dạy một số trường ở Sài Gòn. Bị đày ra Đồng Hới, thầy dạy ở trường Công giáo Chơn Phước Phượng. Từ năm 1953 thầy vào Huế và dạy ở trường Khải Định (Quốc học), Đồng Khánh (Hai Bà Trưng), Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Du, Nông Lâm Súc, Bồ Đề, Bán Công, Jeanne D’Arc… Ở đại học, thầy dạy các khoa Pháp Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế. Thầy còn tham gia giảng dạy ở trường Phan Thanh Giản (Đà Nẵng) và có thời kỳ làm hiệu trưởng trường này.

Trường nữ trung học Đồng Khánh là nơi thầy lưu lại lâu nhất, dạy giờ từ năm 1954 - 1955, giáo viên chính thức từ 1956 - 1957 đến năm 1976. Năm 1976, thầy được chuyển về trường Quốc học Huế và sau đó chuyển hẳn về trường Đại học Sư phạm Huế.

Trong lời mở đầu, nhóm thực hiện nêu rõ:

Với 25 bài viết trong “Thầy Phạm Kiêm Âu - Chấm phá chân dung từ nhiều phía”, các tác giả đã gợi lên hình ảnh của thầy qua nhiều cách nhìn, bổ sung cho nhau để người đọc thấy rõ Thầy là một nhà giáo đầy tâm huyết với công việc dạy học, hết lòng yêu thương học trò, theo dõi từng học trò bằng những phiếu cá nhân và những tấm sơ đồ của lớp có gắn ảnh của thầy trò ngay mỗi dịp khai giảng.

Hà Thúc Hoan trong bài “Thầy Kim Âu với những lời thệ nguyện” cho biết trong giấy khai sinh và trên văn bản hành chính tên thầy là Phạm Kiêm Âu. Nhưng tên chính xác của thầy là Kim Âu, do người được gia đình nhờ đi làm giấy khai sinh lại ít học, không biết chữ nên không phân biệt được Kim và Kiêm. Hai từ Hán Việt Kim Âu có xuất xứ là hai câu thơ Thượng hoàng Thánh Tông nhà Trần cảm tác sau hai lần chiến thắng quân Nguyên:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
(Đất nước hai phen chồn chân ngựa đá/ Non sông vạn thuở vững thế âu vàng).

Trong bài “Ước gì có một con đường…”, nhà báo Nguyễn Lương Phán kể lại anh được học với thầy Âu ngay sau vụ Trần Văn Ơn năm 1950 khi thầy bị trục xuất khỏi Nam Bộ và chỉ định cư trú ở Đồng Hới. Là học sinh nhỏ nhất lớp, Nguyễn Lương Phán được ngồi bàn đầu tiên và được thầy dành tình cảm đặc biệt.

Sau tháng 3 năm 1975, anh về Huế và tìm thăm thầy. “Tôi không ngờ, ngay lúc ấy từ trên lầu thầy đã bước vội xuống, dang rộng hai cánh tay như thuở nào và thốt lên: “A!!! Nguyễn Lương Phán rồi lại chậm rãi nhắc lại từng tiếng một, rồi quay lại bảo cô gái: con lên lầu lấy tập số hai… và tôi thật sự xúc động, bật khóc… khi ông mở cuốn hồ sơ ra, có một cái sơ đồ lớp Đệ lục của tôi với chỗ ngồi của từng học trò, ảnh tôi đang mặc bộ đồng phục áo trắng quần xanh, có thắt cà vạt xanh… đứng ở hàng đầu của lớp và cùng đó là bút tích của tôi, hơn 22 năm trước đó mà thầy vẫn lưu giữ.

Tôi đi tìm thầy và thầy lại ra Bắc để tìm thầy giáo của thầy gần 30 năm xa cách. Thầy giáo của thầy là cụ Phạm Văn Bạch, lúc bấy giờ đang là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Vậy, thầy tôi, một người ròng rã nửa thế kỷ chèo đò đưa hàng ngàn, hàng vạn con người đến bến bờ trí tuệ… đã gắn bó với Đồng Hới, với Huế… thì có cách chi để Thầy tôi cũng có một đoạn đường mang tên Phạm Kiêm Âu! Và còn nhiều thầy giáo, cô giáo xứng đáng lắm… đáng được đặt tên cho những con đường mà họ từng gắn bó…”.

Trần Lạc Thư trong bài “Con đom đóm nhỏ” đã viết:

“… Tôi run run mở ra trang đầu tiên, và trước mắt tôi là dòng chữ: Tổ quốc trên hết, tất cả cho Tổ quốc, vì Tổ quốc, chỉ vì Tổ quốc được kẻ nét lớn, chân phương trang trọng. Trang thứ hai là 5 điều nguyện cũng được viết một cách nắn nót, nội dung tự khuyên mình sống khiêm tốn, hy sinh. Đây là “tuyên ngôn” của một nhà giáo chân chính. Và đúng là cả cuộc đời thầy đã sống trọn vẹn với 5 điều nguyện của mình.

Năm 1976, trong lúc ông Trưởng Ty Giáo dục đi vắng, không hiểu sao thầy nhận được quyết định chuyển về một trường phổ thông cơ sở. Vì không bố trí được, thầy vẫn vui vẻ làm việc như một lao công thực thụ: quét dọn, khiêng bàn ghế và ngày nào cũng không quên mang nước theo để uống; đi, về đúng giờ giấc theo quy định. Sau đó, thầy được chuyển về dạy Pháp văn lớp 6 tại trường Vĩnh Lợi đến tháng 4/1977, Ty Giáo dục đồng ý cho thầy về lại trường Đại học Sư phạm Huế.

Trần Lạc Thứ sau một lần đến thăm thầy đã kể lại: Tiễn tôi ra cửa, thầy nói: - Một con én không làm thành mùa xuân, mà tôi chưa được là con chim én. Tôi chỉ là con đom đón nhỏ… Ôi! Những con đom đóm nhỏ mà ánh sáng khiêm tốn lập lòe trong sâu thẳm của mỗi con người! Nơi ấy, ngay cả mặt trời chói chang cũng không soi thấu được”.

Trong bài “Tưởng niệm người thầy kính yêu”, nhà thơ Tưởng Phong Nguyễn Đình Niên kể việc tháng 4 năm 1991 anh Trương Quang Minh từ Pháp về đã đến thăm thầy Âu và được thầy cho xem các cuốn sổ khi thầy dạy Lý Hóa cho 6 lớp Đệ Tứ từ B1 đến B6 niên khóa 1953 – 1954. Anh Trương Quang Minh vui mừng xin thầy sao lại bản danh sách hơn 300 người của 6 lớp Đệ tứ hồi đó gửi cho bạn bè. Khóa chúng tôi nhờ đó mà trong 25 năm qua đã tìm cách liên lạc với nhau. Danh sách 6 lớp đệ tứ trường trung học Khải ĐỊnh (Quốc học Huế) niên khóa 1953 – 1954 đã được đăng lại trong bộ sách “Quốc học Huế xưa và nay” do Trần Phương Trà chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2013 trang 1471 – 1475.

Những bài viết của Trần Viết Ngạc, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Tự Hỷ, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Nguyên Vấn, Lê Bá Vận, Võ Đăng Nam, Trương Quang Đệ, Thái Thị Ngọc Dư, Thanh Trí, Quỳnh Anh, Quế Hương, Trần Thùy Mai. Phan Mộng Hoàn, Nguyễn Thị Thu, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị An Tâm, Vũ Ngọc Dung, Phạm Thị Anh Nga… khẳng định sự đóng góp của thầy và những tình cảm sâu sắc của học trò, của đồng nghiệp đối với thầy.

Francois Berriot trong bài: “Phạm Kiêm Âu, một trí thức Việt Nam” đã nhấn mạnh: “Từ rất sớm năm 1955 - 1960, việc thầy Phạm Kiêm Âu đã viết cho các giáo viên, học sinh và sinh viên một bộ văn học sử Pháp xuất sắc”.

Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ cố Hiệu trưởng trường trung học Khải Định trong bài: Huế! “Tôi chọn nơi này làm quê hương” đã ghi lại những tâm sự của thầy Phạm Kiêm Âu với Huế và thầy kết thúc:
“Như thế, thầy đã chọn Huế làm quê hương thứ hai và sống tại đây hơn nửa đời người. Tại đó, thầy đã đóng góp nhiều vào nền giáo dục địa phương”.

Thầy Phạm Kiêm Âu từng viết:
“Tôi nghĩ rằng ở xã hội Huế, chuyện “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là phổ thông. Song trong thâm tâm, tôi lấy làm hãnh diện và xin thú thật, tôi càng cố gắng hơn nữa để cho xứng đáng với cách đối xử quá đẹp của người Huế”.
… “Với thời gian, tôi mến Huế quá, thương học sinh nên đem cả tâm hồn mà dạy”.

Trong lời mở đầu, nhóm thực hiện nêu rõ:

Biết bao kỷ niệm của học trò và đồng nghiệp với thầy Âu. Từ quy định không được đi học trễ dù là một bước chân sau khi thầy vào lớp đã để lại nhiều câu chuyện thật cảm động. Với mười một ngàn học trò, trong hơn 40 năm dạy học, thầy đã để lại 64 cuốn sổ (dù đã bị mất đi một số trong chiến tranh) trong đó có sơ đồ lớp với hình ảnh thầy trò cùng những nhận xét của thầy. Sau này, nhiều học trò cũ trong nước và nước ngoài đã được nhận lại những lá thư của thầy kèm những bức ảnh và tư liệu thầy lưu giữ mấy chục năm…

Sau khi thầy Phạm Kiêm Âu mất, nhiều học trò cũ của thầy góp tiền để xây lăng cho thầy nhưng gia đình thầy đã lo xây một ngôi mộ đơn giản. Số tiền đó được dùng làm học bổng trao cho một số học sinh nghèo học giỏi. Học bổng Phạm Kiêm Âu đã trao cho nhiều học sinh gần 20 năm nay.

Không thể nào nói hết những tâm sự của học trò và bạn bè về thầy. Chỉ xin dẫn ở đây một đoạn trong điếu văn của môn sinh do nhà văn, nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc trong lễ tang của thầy:
“… Mỗi người trong chúng con đều giữ rất nhiều kỷ niệm riêng về Thầy, và tất cả hợp lại thành dung nghi rạng rỡ của Thầy: một nhà giáo dục hiểu biết sâu rộng về nghề nghiệp của mình, một vị thầy đòi hỏi nghiêm khắc nhưng đầy lòng từ ái đối với học trò, một nhân cách trí thức biết giữ bản lĩnh không thay đổi trong mọi hoàn cảnh, làm gương soi chung cho hậu bối. Cả trong những thời kỳ thử thách gay gắt nhất đối với số phận trí thức, lòng chúng con tràn đầy tự hào khi nhìn về chốn Hạnh-Đàn, nơi đó hình ảnh Thầy vẫn ung dung sáng lạn như là trúc biếc ngô xanh...”

Nhóm thực hiện đã tốn nhiều công sức để sưu tầm tài liệu đưa vào sách được chính xác, ghi xuất xứ của mỗi bài viết từ những cuốn sách, những đặc san trong và ngoài nước. Những ký họa đơn giản của họa sĩ Bửu Chỉ về Huế, về trường nữ trung học Đồng Khánh rải rác trong sách làm tăng thêm vẻ đẹp tâm hồn của cuốn sách.

Có thể khẳng định “Thầy Phạm Kiêm Âu
Có một người thầy như thế…” là một cuốn sách hay.


Theo Dân trí

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: