Thứ sáu, 29/03/2024,


3 tác giả Huế ra sách mới dịp Festival (15/04/2014) 

Nhân dịp Festival Huế 2014 (diễn ra từ ngày 12 đến 20/4), ba đầu sách Trò chuyện với những người Huế thú vị (nhà báo Hoàng Văn Minh), Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế (nhà báo Hoàng Thị Thọ), Hoa để mùa sau (cô giáo Nguyễn Thị Duyên Sanh) vừa xuất hiện trên các kệ sách trong nước.


hoa-4427-1397200646.jpg

Bìa cuốn "Hoa để mùa sau".


Trong 3 ấn phẩm này, cuốn Hoa để mùa sau là tuyển tập các truyện ngắn chọn lọc của cô giáo Nguyễn Thị Duyên Sanh - nữ giáo viên dạy Văn nổi tiếng ở Huế. Suốt cuộc đời gắn bó với đất cố đô thâm trầm nên truyện nào của cô Duyên Sanh cũng bàng bạc không gian Huế, con người Huế. Những nắng mưa của đất cố đô, giọng nói, tâm tư tình cảm xứ mộng mơ này hài hòa trên từng dòng chữ. Và trên hết, những câu chuyện về tình yêu xứ Huế, những người thiếu nữ, những người đàn bà lận đận trong tình yêu, cũng đủ khiến cho ai một lần được ghé mắt nhìn vào cuộc đời họ không khỏi buồn, thương và nhớ cho những tâm hồn đa mang, đa cảm của Huế.

"Nhân vật của Duyên Sanh thường sợ hãi cô đơn, trăn trở với số phận không may mắn, nhưng dường như họ rất sợ đưa tay ra chạm vào hạnh phúc", đó là cảm nhận của nhà văn Trần Thùy Mai - một nữ tác giả Huế nổi tiếng - khi đọc tập truyện của đồng nghiệp.

Với Duyên Sanh, dường như hạnh phúc cũng như trăng, như sương khói, là những thứ để mà ngắm nghía, mơ nghĩ, chứ hễ chạm đến là tan thành bọt biển. Nên trong truyện Sanh, những Hiên, những Trâm, những Ngọc Diệu... đều chỉ mới chạm khẽ vào tình yêu chứ chưa hề hưởng được quả ngọt nồng nàn của một mối tình đích thực. Còn với Ái (Điện thoại lúc năm giờ), với Khanh (Chủ nhật, sao quên?) thì lại chới với trong bi kịch muôn thuở của những người đàn bà cả tin, rốt cục trở thành nạn nhân của sự phản trắc và gian dối...


Bìa cuốn "Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế".

Bìa cuốn "Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế".


Cuốn sách thứ hai, Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế, lại là một tuyển tập bút ký của nữ tác giả Hoàng Thị Thọ sau mấy mươi năm chắt chiu vốn sống để trải lòng trên những bài báo. Mỗi trang viết của Hoàng Thị Thọ là nỗ lực mang đến một Huế trầm buồn, cổ kính với vẹn nguyên những giá trị truyền thống, văn hóa bám chặt vào cội rễ văn hóa của dân tộc, đồng thời, là một Huế với những dòng chảy tất bật hòa vào nhịp chảy chung của sự phát triển hôm nay.

"Tôi có được niềm vui là qua những bài viết về Huế của chị trên các báo ở Sài Gòn, cảm xúc sâu lắng và văn phong nhẹ nhàng của tác giả đã cho tôi tìm lại nhiều kỷ niệm của một thời đi học mà hơn nửa thế kỷ xa xứ mưu sinh chừng như đã quên gần hết. Chẳng hạn như cảm giác lâng lâng về mấy tháng nghỉ hè ở quê ngoại, hay ngồi học thi mà tâm trí cứ đi theo tiếng rao văng vẳng của O bán chè ngoài ngõ. Rồi nhớ đến vành nón nghiêng nghiêng của cô bạn gái cùng xóm; mối tình Ô-Lý qua giọng ngâm 'nước non ngàn dặm ra đi' thiết tha của cô giáo dạy văn trẻ trung xinh đẹp...", nhà báo Trần Trọng Thức đồng cảm với các bút ký của nữ tác giả.


Bìa cuốn "

Bìa cuốn "Trò chuyện với những người Huế thú vị".


Quyển cuối cùng trong bộ ba ấn phẩm, cuốn Trò chuyện với những người Huế thú vị, là góc nhìn của nhà báo Hoàng Văn Minh về Huế thông qua những nhân vật. 24 nhân vật nổi tiếng được tái hiện qua 25 bài viết, vẽ nên chân dung về những con người vùng đất cố đô mà chính bản thân họ lại là những mảnh ghép để tạo nên một Huế đầy bản sắc. "Với tôi, họ là hiện thân một Huế trầm nhã, thú vị đến mức nếu bỗng chốc họ biến mất theo nhiều nghĩa khác nhau, thì Huế vốn đã vắng lặng sẽ còn vắng lặng hơn. Đọc bản thảo cuốn sách này, nhiều người trêu là tôi đang 'nghiên cứu' các nhà nghiên cứu Huế. Thực ra, tôi chỉ 'chụp ảnh' họ trong một vài khoảnh khắc mà đôi khi, điều muốn nói lại không tìm thấy nơi bề mặt câu chữ...", Hoàng Văn Minh chia sẻ.

Nhân dịp ra mắt sách mới, 3 tác giả có buổi giao lưu diễn ra tại Book cà phê Phú Xuân, Huế vào 9h, chủ nhật ngày 13/4.


Theo Vnexpress

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: