Thứ bảy, 20/04/2024,


Vĩnh biệt nhà văn Sao Mai! (25/11/2008) 

 

 

Nhà văn Sao Mai, một trong những nhà văn sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (Lucbat.com đã có bài viết chân dung ông mang tựa đề 'Một ông mà có ba bà') đã từ trần vào ngày 24 -11-2008 tại xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Hưởng thọ 85 tuổi.

Lễ viếng từ hồi 13 giờ ngày 25-11-2005. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 14 giờ ngày 26-11-2008, tại xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

 

 

 

MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ NHÀ VĂN SAO MAI

 

Các bút danh khác: MAI ĐIỆP, TÂN ĐẠT CƠ.

Họ và tên khai sinh: Tân Khải Minh. Sinh ngày 15 tháng 2 năm 1924. Quê quán: xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: xã Văn Luông, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vào Hội năm 1957.

Tháng 10-1943 hoạt động Việt Minh và dạy học truyền bá quốc ngữ tại khu tế bần Hải Phòng. Tháng 3-1944 hoạt động ở tổ Thanh niên Cứu quốc, bí mật tuyên truyền cho Việt Minh ở huyện Vụ Bản, Nam Định, mở lớp truyền bá quốc ngữ trong huyện. Từ tháng 9-1945 đến 12-1946 công tác ở Bình dân học vụ Nam Định, kiểm soát viên rồi Trưởng Ty bình dân học vụ, nhà báo. Năm 1947-1951 làm báo Nam Định kháng chiến, báo Công dân, báo Cứu quốc Thủ đô (Hà Nội), biên tập viên báo Thủ đô,  công tác văn nghệ Liên khu III. Năm 1948 tham gia đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc. Năm 1951 đến đầu năm 1955 ở tổ công tác đặc biệt của Sở Công an Hà Nội tại nội thành, làm báo, làm văn chống địch. Bị phản gián Pháp (BCE) bắt giam 8 tháng ở Hà Nội. Chống cưỡng ép di cư vào Nam và đốt kho xăng Thượng Lý của Pháp ở Hải Phòng. Năm 1955 đến nay công tác Hội Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam.  Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn (khoá I), Phó Chủ tịch, quyền chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phú.

 

            Nhà văn Sao Mai bên người thân những ngày cuối đời.

 

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Uất (tập truyện, 1946); Nhìn xuống (tiểu thuyết, 1952); Ánh mắt mùa thu (tập truyện, 1953); Đôi chim gi đá (truyện, 1953); Trại di cư Pagốt Hải Phòng (phóng sự, 1954); Thôn Bầu thắc mắc (tiểu thuyết, 1957); Tìm đất (ký sự, 1966); Làng Cao (tiểu thuyết, 1972); Ba Vì núi mới (truyện ký, 1968); Sông Rừng (tiểu thuyết, 1977); Tiếng gọi rừng xa (tiểu thuyết, 1990); Mắt chim le (tiểu thuyết, 1990); Thơ Lê Đạt - Sao Mai (in chung, 1991); Lông chim nhạn (tập truyện, 1994); Tuyển tập Sao Mai (năm 2003).

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (phóng sự Trại di cư Pagốt Hải Phòng). Giải nhất Hội Văn nghệ Vĩnh Phú 1978 (tiểu thuyết Sông Rừng). Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Vĩnh Phú (tiểu thuyết Tiếng gọi rừng xa, 1990); Tặng thưởng của Uỷ ban Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (tiểu thuyết Lá về mây).

SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: 'Tôi đang làm tự truyện hai tập: Sáng tối mặt người, Mặt người sáng tối. Những hành vi xấu của tôi, tôi cũng phô ra. Vì sự tốt đẹp. Còn với bạn bè, tất nhiên không. Xưa, cụ Tú Xương nói: 'Vị Xuyên có Tú Xương / Vừa dở lại vừa ương / Cao lâu thường ăn quỵt / Thổ đĩ vẫn chơi lường'. Thế đấy! Nhưng tôi không thể dám như cụ Tú. Mà chỉ mới nghĩ đến câu của Mark Tuwain: 'Mỗi con người là một vầng trăng với một mặt tối thường không bao giờ muốn để ai nhìn thấy'. Tôi đã làm ngược lại ý nghĩ ông này. Vì lúc nào tôi cũng thiết tha với ba chữ 'Bồ Tát hạnh'.

Nguồn: Trannhuong.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: