Thứ bảy, 20/04/2024,


Một nghẹn ngào kín ẩn khi gạt bỏ hão danh (24/11/2008) 

 

Nhà thơ Thanh Quế thường thúc giục những người viết trẻ ở Đà Nẵng cần lao động sáng tạo miệt mài hơn nữa. Ông lo ngại dòng chảy của cuộc sống với những ngã rẽ khác nhau sẽ nhấn chìm nội lực và tình yêu văn chương trong người viết trẻ. Thanh Quế là như thế, giản dị, xuề xòa và nhiệt thành. Bây giờ, ông viết ít hơn. Song, thơ của ông vẫn luôn là sự nén chặt tinh tế, và đằng sau tứ thơ ấy là những thông điệp đầy chất nhân văn.               

 

Nhà thơ Thanh Quế đã có vài chục năm làm công tác quản lý, giữ nhiều trọng trách trong làng văn chương như: Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc các nhà văn miền Trung, Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP Đà Nẵng... Ở vị trí nào, ông cũng là một người mẫn cán và đầy trách nhiệm. Giờ đây, khi ở tuổi 63, Thanh Quế vẫn phải đảm đương công việc Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) TP Đà Nẵng, Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước bởi vẫn chưa hết nhiệm kỳ và hơn nữa, cái công việc bầu bán trong giới văn nghệ thường rối rắm.

           

Một nghẹn ngào kín ẩn

 

Thanh Quế giản dị, xuề xòa, nói chuyện oang oang đến mức hồn nhiên. Nhà thơ quê gốc ở Phú Yên theo học khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi năm 1969 vào chiến trường khu 5. Ông sinh sống tại Đà Nẵng từ sau khi đất nước thống nhất cho đến nay.

Thanh Quế làm thơ, viết văn, bút ký và cả truyện thiếu nhi - điều không phải nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp nào cũng làm được. Hiện ông sở hữu 13 tập thơ, 28 tập văn cùng nhiều giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và TP Đà Nẵng.

Nhà thơ Trúc Thông gọi thơ của Thanh Quế là nguồn sáng trầm dịu, khiêm nhường, trong trẻo mà ông đã dâng tặng cho đời. Thơ của ông là sự cô chắt, kìm nén tự nhiên. Hơn nửa đời người cầm bút, nếm trải đủ đắng cay của cuộc đời, ông mang hơi thở cuộc sống vào thơ và phản ánh nó bằng bút pháp giản dị. Ông thẩm thấu sâu sắc giá trị nghệ thuật của thơ ca không phải bằng ngôn từ hoa mỹ mà chính là ý nghĩa nhân văn mà nhà thơ Trúc Thông cho rằng, đó là “nguồn trong của tình thương, của điều thiện”. “Nguồn trong” ấy được lọc ra từ khói lửa chiến trường, từ những số phận khắc nghiệt trong và sau khi ngừng bom đạn. Đối với ông, sáng tạo văn chương còn như là sự tri ân, trả nợ cuộc đời bởi rất nhiều nhà văn - đồng đội của ông đã nằm lại ở chiến trường Quảng Đà khốc liệt năm xưa. Vì thế, bút ký của ông ngồn ngộn hơi thở của những tháng ngày hào hùng ấy. Và ở thơ của Thanh Quế là những nghẹn ngào kín ẩn cùng một tiếng thở dài nội tâm không bao giờ cất lên: “Trên bàn thờ là chiếc ảnh của anh/ Trong tấm bằng Tổ quốc ghi công tên anh chói lọi/ Vậy mà ngày ngày mẹ vẫn hằng chờ đợi/ và chân anh bước vội lên thềm…”.             

Năm 1981, khi chấm tiểu thuyết 'Cát cháy', nhà văn Tô Hoài đã quyết hạ Thanh Quế từ giải nhất xuống giải nhì chỉ vì một đoạn ngắn bị cho là thiếu tính nhân văn. “Cát cháy” (NXB Kim Đồng), viết về đội du kích Hòa Hải, cũng tiểu thuyết đầu tay của Thanh Quế. Và từ ấy, ông hiểu sâu sắc hơn về sự cần thiết phải gạn lọc, đắp bồi cho tư duy, ý tưởng và câu chữ thật chín. Năm 1989, ông đã phải chịu kỷ luật vì cho đăng một bài viết chống tham nhũng mang tên “Hoàng hôn quê ngoại” với một số chi tiết không đúng. Thanh Quế bị kiện nên suốt một tháng ông đã phải ngồi ở Văn phòng Tỉnh ủy và viết kiểm điểm. Lúc đó, ông thấy buồn và tưởng như sẽ phải làm một công việc khác thay cho nghề cầm bút. Nhưng rồi mọi việc qua đi, ông lại trở về làm công việc thường nhật ở Hội VHNT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Dường như niềm đam mê sáng tác và sự nhiệt thành của ông với mọi người đã lấn át hết những suy nghĩ được - mất và khiến ông nhanh chóng quên đi chuyện buồn đó.

 

Gạt bỏ cái hão danh

 

Đánh giá văn thơ của mình, Thanh Quế chỉ tự nhận mình thuộc dạng “thường thường bậc trung”. Đã có nhiều năm công tác ở Ban Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ quân đội tại Hà Nội, tiếp xúc nhiều với những nhà văn, nhà thơ tên tuổi ở 2 đầu đất nước nên ông hiểu những thiệt thòi và sự ảo tưởng thường có của không ít văn nghệ sĩ ở tỉnh lẻ. Ông cho rằng, hãy để độc giả thẩm định tác phẩm, nếu nó có giá trị thì sẽ sống cùng thời gian hơn là nghe các nhà văn, nhà thơ khen nhau vì trên trường văn trận bút thì mấy ai chịu đọc tác phẩm của nhau, có chăng đó thường là lời tâng bốc kiểu xã giao.

 

Nhà thơ Thanh Quế và con trai Phan Tuy An (ảnh của Dương Bình Nguyên)

 

 

Tháng 8-2001, khi Phan Tuy An, con trai của Thanh Quế, được chọn tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 6 tại Hà Nội, ông phải chịu không ít điều tiếng. Người ta cho rằng, có sự dàn xếp của Thanh Quế trong việc này vì lúc đó ông là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Đã có bài báo viết về Thanh Quế và đại biểu nhỏ tuổi nhất của Hội nghị rằng cậu bé 14 tuổi này lạc lõng giữa thế hệ đàn anh và dường như mê mải với những chiếc mặt nạ ngoài phố hơn là không khí ở một hội nghị văn chương. Thanh Quế đã xé ngay tờ báo này vì không muốn làm vẩn đục suy nghĩ trong trẻo của Tuy An và càng không muốn con trai bị ảnh hưởng bởi những thứ danh hão. Thực tế, chỉ với tập thơ đầu tiên “Chú mèo ham ăn” (NXB Phụ nữ, 1999) đoạt giải khuyến khích Sáng tác văn học cho thiếu nhi cùng những bài thơ xuất hiện trên báo Văn nghệ, Tuy An đã được xem là “hiện tượng”. Đó là chưa kể đến những năm sau đó, em có thơ thường xuyên trên các báo và tạp chí, đồng thời “ẵm” giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong. Hiện tại, cậu bé Tuy An năm nào đang là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Tuy An không còn làm thơ nhiều như trước nữa. Cậu vẫn đùa vui rằng: “Thơ của em tắt ngấm rồi”, nhưng niềm đam mê thi ca của cậu không hề tắt. Tuy An muốn làm mới thơ của mình và sáng tác thơ cũng như hội họa với cậu là lao động nghệ thuật thật sự thiêng liêng, phải dành cho nó cả tâm hồn, tư duy.

Tuy An không trở thành nhà thơ để nối nghiệp cha, Thanh Quế không buồn bởi từ trước đến nay, ông không tạo áp lực gì cho con trong việc lựa chọn hướng đi. Ông cho rằng, năng khiếu chỉ là một phần, còn nuôi dưỡng năng khiếu mới là chuyện khó hơn. Và Thanh Quế vẫn tin cả ông lẫn Tuy An khi tình yêu văn chương chưa cạn kiệt, với nội lực sẵn có thì một ngày nào đó, những ngọn lửa trong tâm hồn sẽ lại cháy sáng.

Hoàng Trần Tú Phương

(Điện thoại: 0985009490)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: