Thứ sáu, 29/03/2024,


Yêu ghi-ta, yêu Hà Nội (24/11/2008) 

Câu lạc bộ ghi-ta cổ điển Hà Nội quy tụ hơn 400 hội viên nam nữ, hoạt động thường xuyên. Mỗi tháng một lần CLB tổ chức biểu diễn ghi-ta cổ điển tại Cung văn hóa-lao động Hữu nghị Việt-Xô...

Nghệ sĩ Nguyễn Phương Hà - Chủ nhiệm CLB ghi-ta Hà Nội cho biết: 'CLB ghi-ta cổ điển được thành lập từ năm 1970, tiền thân gồm nhóm nghệ sĩ ghi-ta đầu tiên tên tuổi như: Hải Thoại, NSƯT Văn Vượng... Hiện nay chúng tôi nối tiếp thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục duy trì CLB ghi-ta hoạt động, mục đích tạo sân chơi văn hóa bổ ích cho những người yêu thích đàn ghi-ta. CLB ghi-ta thường xuyên mở các lớp dạy đàn từ lớp cơ bản đến nâng cao, phổ cập âm nhạc và biểu diễn đàn ghi-ta cho mọi lứa tuổi và đối tượng...'.

 

Phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ của tuổi trẻ Thủ đô diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong các trường đại học, cao đẳng và trung học. CLB ghi-ta cổ điển Hà Nội có đội ngũ giảng viên tốt nghiệp Khoa Ác-coóc-đê-ông - Ghi-ta - Nhạc Jazz thuộc Học viện âm nhạc quốc gia, trực tiếp dạy đàn và lý thuyết âm nhạc, góp phần đào tạo hạt nhân văn nghệ cho các trường trong địa bàn thành phố. Nghệ sĩ ghi-ta Phương Hà (người đã đoạt giải tài năng trẻ ghi-ta toàn quốc, lần thứ III, năm 1997, đoạt giải Một trong 10 nghệ sĩ chơi đàn ghi-ta xuất sắc nhất toàn quốc tại Đại nhạc hội ghi-ta Việt Nam lần thứ nhất), đã đóng góp nhiều tâm huyết và công sức cho phong trào phổ cập đàn ghi-ta dành cho sinh viên và học sinh các trường ở Thủ đô.

 

Hiện nay CLB ghi-ta Hà Nội có 6 địa điểm hoạt động dạy đàn là: Số 25, phố Giang Văn Minh (Trường THPT Nguyễn Trãi); Số 131A, phố Thái Thịnh; Số 80, ngõ 40, phố Tạ Quang Bửu; Số 46A, phố Nguyễn Văn Ngọc (Trường THCS Thăng Long); Số 21, ngõ 12, phố Nguyễn Phúc Lai và Lớp ghi-ta Cung văn hóa-lao động Hữu nghị Việt-Xô. Các trung tâm dạy đàn ghi-ta nhận đào tạo các cấp trình độ từ bắt đầu, cơ bản đến nâng cao.

 

Các lớp dạy đàn ghi-ta đang thu hút được nhiều lứa tuổi đến đăng ký theo học, trong đó có học viên cao tuổi nhất là cụ Linh, 79 tuổi, nhà ở phố Bạch Mai. Cụ đã đăng ký theo học lớp ghi-ta cổ điển Romance (trữ tình) 6 tháng. Chị Dung, 51 tuổi, nhà ở huyện Từ Liêm, cũng kiên trì theo học nhiều tháng đàn ghi-ta tại trung tâm. Cháu Minh Phương, 6 tuổi, đang theo học đàn ở cơ sở phố Giang Văn Minh. Một số sinh viên người Ấn Độ, Hàn Quốc, Cam-pu-chia và ông Triệu Khúc (người Trung Quốc-Huấn luyện viên trưởng Đội thể dục dụng cụ quốc gia Việt Nam) đã đăng ký theo học tại CLB.

 

CLB ghi-ta Hà Nội mỗi tháng tổ chức một lần đêm giao lưu độc tấu đàn ghi-ta cho các hội viên theo học đàn. Giáo viên ghi-ta cùng biểu diễn với học viên. Chương trình giao lưu được thay đổi thường xuyên phong phú theo từng chủ đề: Chương trình ghi-ta nghệ thuật tháng 7 (mời NSƯT Văn Vượng, Phương Hà biểu diễn). Chương trình cảm xúc mùa hè (mời hội viên 6 cơ sở CLB tham gia độc tấu ghi-ta), Chương trình Giai điệu mùa thu... Các tác phẩm độc tấu ghi-ta gồm các tác phẩm kinh điển quốc tế và các bản nhạc nổi tiếng Việt Nam (Bài ca hy vọng, Du kích Sông Thao, Người Hà Nội và các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn...). Câu lạc bộ còn mời CLB ghi-ta Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) đến tham gia giao lưu, tổ chức các đêm ghi-ta giới thiệu các nhạc sĩ cổ điển và hiện đại, biểu diễn các tác phẩm của các nhạc sĩ soạn cho đàn ghi-ta.

 

           

 

CLB ghi-ta Hà Nội đã lập một trang điện tử: guitarvietnam.com làm nơi trao đổi thông tin, diễn đàn giữa các hội viên, giới thiệu các tác phẩm nhạc soạn ghi-ta cho các hội viên và những người yêu thích ghi-ta. Hà Nội hiện nay có nhiều CLB ghi-ta cổ điển đang hoạt động như: CLB ghi-ta Hàng Trống (nghệ sĩ Nguyễn Văn Dị phụ trách), CLB ghi-ta Việt Nam-Tây Ban Nha (anh Phạm Phương phụ trách-trực thuộc Hội hữu nghị Việt Nam-Tây Ban Nha) và các CLB ghi-ta sinh viên các trường đại học: Bách khoa, Luật Hà Nội, Thăng Long, Học viện Tài chính... Mỗi CLB sinh viên đều lập trang web riêng.

 

Phương hướng hoạt động của CLB ghi-ta cổ điển Hà Nội trong thời gian tới dự tính sẽ chuyển từ CLB dạy đàn ghi-ta thành trường dạy các loại đàn dây và âm nhạc cho mọi đối tượng. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, CLB dự tính chuẩn bị một dàn ghi-ta gồm 100 cây đàn hòa tấu bản giao hưởng ca ngợi Thăng Long-Hà Nội. CLB ghi-ta Hà Nội cùng với các CLB ghi-ta trong thành phố đã và sẽ góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng rộng khắp trong giới sinh viên và học sinh, phát hiện tài năng trẻ ghi-ta, tiến tới giới thiệu và đề cử hội viên tài năng tham gia các cuộc thi khu vực và quốc tế...

 

HOÀNG NAM

(QĐND)

 

 

Chú thích ảnh:

- Nghệ sĩ Nguyễn Phương Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ghi-ta cổ điển Hà Nội biểu diễn trong 1 chương trình từ thiện.

- CLB Guitar Hà Nội trong một buổi sinh hoạt.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: