Thứ bảy, 20/04/2024,


NSƯT Thanh Thanh Hiền: Tôi là người ham học! (20/11/2008) 

Ở cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” năm 2008, có một thành viên của Hội đồng nghệ thuật là “ngôi sao” cải lương đất Bắc, người từng được mệnh danh là “Con sóng thủy thần”. Chị là NSƯT Thanh Thanh Hiền. Một sáng ở Sài Gòn, bên tách cà phê, chị đã trò chuyện cùng chúng tôi về những năm tháng dấn thân theo nghiệp hát…

Chị kể: “Từ bé, tôi đã theo mẹ (nghệ sĩ Kim Thoa) đi lưu diễn khắp nơi, rồi ngày qua ngày, những bài bản của nghệ thuật cải lương thấm dần trong tôi. Năm 6 tuổi, ở đoàn hát của mẹ, tôi được lên sân khấu ca bốn câu vọng cổ qua bài Mùa xuân nào cho em… và rồi tôi nối nghiệp của mẹ cho đến tận bây giờ!”.

 

PV: Có vẻ như tuổi thơ của chị khá bình yên...

 

NSƯT THANH THANH HIỀN: Là con của nghệ sĩ nên trong tôi cũng sớm có cái chất… nghệ sĩ, lúc vất vả cũng cảm thấy vất vả hơn người khác và khi sung sướng cũng thế. Dù vậy, tuổi thơ của tôi cũng có những khổ cực mà nếu nói ra, chắc không ai ngờ “con nghệ sĩ mà sao tội thế”!
Tôi là chị cả trong gia đình có ba chị em, nên những lúc mẹ đi diễn xa nhà, tôi phải thay mẹ lo lắng, chăm sóc cho hai em. Tôi phải trồng rau, nuôi lợn, nuôi vịt… phụ giúp gia đình. Có một lần đang đi vớt bèo, tình cờ gặp các cô chú, anh chị của Nhà hát cải lương Việt Nam đi biểu diễn, dừng xe dọc đường, tôi sợ mọi người nhận ra mình là con của nghệ sĩ Kim Thoa mà đi vớt bèo nên liền kéo cái nón sụp xuống mặt, không dám nhìn ai. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ, biết đâu mai này mình sẽ đi hát cùng các cô chú, anh chị này. Và đúng thật, năm 14 tuổi, tôi về đầu quân cho Nhà hát cải lương Việt Nam, được ca – diễn cùng các nghệ sĩ ấy… Sau đó không lâu tôi được đưa lên đóng chính trong nhiều vở diễn.

 

* Từ khi nào chị được mệnh danh là “Con sóng thủy thần” trên sàn diễn cải lương?

 

-  Năm 1994, tôi cùng anh em nghệ sĩ đi hát phục vụ bộ đội ở đảo Trường Sa. Sau khi hát các bài tân nhạc, các anh bộ đội yêu cầu “Thanh Thanh Hiền là dân cải lương phải hát cải lương nữa chứ!”. Vậy là tôi hát trích đoạn Dương Quý Phi. Giữa đảo xa, đêm khuya, tiếng sóng biển vỗ ào ạt, giọng ca của tôi cất lên thanh thoát, lấn át cả tiếng sóng biển. Mọi người vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Sau đêm diễn ấy, Trung tướng Lê Hai gọi tôi là “Con sóng thủy thần”, và từ đó nhiều người cũng gọi tôi như thế!

 

* Trở thành “ngôi sao” sân khấu khi còn rất trẻ, chị thấy mình may mắn hay nhờ nỗ lực luyện tập trui rèn ca-diễn?

 

-  Có rất nhiều cách trở thành ngôi sao, đôi khi chỉ vì được nhiều người “tâng bốc”… và cũng có nhờ vào yếu tố may mắn… Cho nên mới có hiện tượng, có những ngôi sao không đi kèm với tài năng thực thụ. Riêng tôi, ngoài yếu tố chịu khó học hỏi, trui rèn nghề nghiệp, còn là cộng chút may mắn vì tôi xuất hiện đúng thời điểm sân khấu cải lương sáng đèn thường xuyên nên ... “phát sáng”, vậy thôi!

 

* Chị nhận xét gì về thế hệ nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương hôm nay, đặc biệt các giọng ca trong cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” năm 2008?

 

-  Theo tôi, hiện nay sân khấu cải lương cũng có các tài năng trẻ, nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có một điều mà tôi luôn trăn trở là đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ trẻ dường như chưa được nhiều người quan tâm. Đời sống nghệ thuật một khi có nhiều nghệ sĩ ganh ghét, đố kỵ thì thật khó lòng phát triển được. Với cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” năm nay, tôi nhận thấy các thí sinh khá ngang tài, ngang sức. Thật không ngờ, mỗi năm cuộc thi đều đặn diễn ra, nhưng vẫn có những gương mặt mới, những giọng ca mới xuất hiện. Điều đó cho thấy, đất phương Nam đang dồi dào giọng ca cải lương. Thật đáng mừng.

 

* Có khi nào chị nghĩ sẽ tham gia công tác giảng dạy, đào tạo để có một lớp diễn viên mới tài năng cho sân khấu cải lương?

 

- Tôi là người thích thể hiện mình trên sàn diễn hơn là dấn thân vào công tác sư phạm. Tuy tôi không mở lớp đào tạo hoặc tham gia bất kỳ buổi giảng dạy nào ở các trường nghệ thuật, nhưng hiện nay học trò của tôi cũng khá nhiều. Tôi dạy các em bằng những vai diễn, những câu chuyện đạo đức nghề nghiệp cụ thể. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với các diễn viên trẻ.

 

                                   

 

* Tôi đã xem vai diễn ấn tượng cung phi Điểm Bích (trong vở cải lương cùng tên của đạo diễn trẻ Hoàng Huỳnh Mai) được thấy chị chăm chút từng chi tiết?

 

-  Cung phi Điểm Bích là một vai diễn hay, tôi rất thích. Qua vai diễn này, tôi đưa vào cải lương cả hát ả đào, chầu văn, ca trù… Thú thật, sau vai diễn này, nếu không có vai diễn nào ngang bằng hoặc hay hơn thế, tôi sẽ không tham gia nữa. Mỗi khi xuất hiện, tôi luôn muốn đem đến cho khán giả những cái gì mới, hay, lạ của Thanh Thanh Hiền…

 

* Đúng là qua vai cung phi  Điểm Bích  có thể nhận thấy một Thanh Thanh Hiền không chỉ ca-diễn cải lương giỏi mà còn hát hay nhiều làn điệu, thể loại âm nhạc. Điều này mang đến cảm nhận mới cho người xem đối với nghệ thuật cải lương…

 

-  Quả thật, ở mỗi vùng miền của đất nước Việt Nam đều có những làn điệu, thể loại âm nhạc khác nhau, rất hay. Tôi vốn là người ham học hỏi, cho nên mỗi khi cảm thấy làn điệu, thể loại âm nhạc nào hay là tôi tìm người chỉ dạy và quyết học cho bằng được. Nhờ vậy mà giờ đây tôi có thể kết hợp nhuần nhuyễn những gì mà mình đã học trong suốt thời gian qua để đưa vào cải lương, làm cho cải lương thêm phong phú, thăng hoa hơn.

Tôi luôn quan niệm, là một nghệ sĩ, mỗi khi mình xuất hiện trên sân khấu cải lương, mình phải làm mới cải lương, để có cái cho khán giả xem, cảm nhận và chiêm nghiệm, miễn sao không làm mất cái chất của cải lương. Hiện nay, thú thật một điều, tôi rất hiếm khi xem hết một vở cải lương. Vì sao ư? Dễ hiểu là hiện có không ít đạo diễn dàn dựng cải lương quá đơn giản và có phần giả tạo, chính điều này khiến cho người xem rất khó chịu…

 

Đỗ Hạnh

(Báo SGGP)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: