Thứ năm, 25/04/2024,


Những nghệ sĩ nổi danh… không bằng tác phẩm (18/11/2008) 

 

Có người nhận xét: ở Việt Nam để trở thành người nổi tiếng… quá dễ. Nghe có vẻ liều lĩnh nhưng rất có lý, lại là một thực tế đáng buồn vẫn đang xảy ra. Cái ranh giới của khái niệm nổi tiếng, hay được nhiều người biết đến rất mơ hồ. Và sự mơ hồ này là mảnh đất cho nhiều kẻ tự nhận là nghệ sĩ tài ba thao túng. Chính họ là người biết rất rõ điều này - lợi dụng nó để loè bịp thiên hạ.


           Đúng là nổi tiếng quá dễ! Đến mấy cô phát thanh viên ở mục dự báo thời tiết trên truyền hình cũng “nổi tiếng”, cũng kiêu kỳ trước mọi người. Đã rất nhiều bạn trẻ bị mê hoặc chỉ vì được xuất hiện trước bàn dân thiên hạ. Chỉ cần xuất hiện thật nhiều - xuất hiện đến quen mặt trên truyền hình - lập tức trở thành người nổi tiếng. Thế mới lạ! Và thế là có những nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn, hoạ sĩ… nhà gì gì đó cứ đều đặn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lập tức trở thành nghệ sĩ nổi tiếng.

Người ta chỉ nhớ khuôn mặt ấy, giọng nói ấy, chứ người ta không đủ thời gian để thẩm định những tác phẩm của anh ta. Có lần tôi đã chứng kiến người ta nói về một nhạc sĩ nọ: “… Ông ta nổi tiếng ra phết đấy, thấy xuất hiện trên truyền hình suốt…”. Thế rồi cũng một lần trong chuyến công tác về tỉnh lẻ, tôi đã được mục sở thị nhạc sĩ nọ nổi tiếng như thế nào. Phải nói là oai phong lẫm liệt, vểnh cổ nhìn trí thức tỉnh lẻ bằng nửa con mắt, được cung phụng như một nghệ sĩ trứ danh thực thụ.

Anh ta diễn thuyết, dạy dỗ… còn những văn nghệ sĩ địa phương ngây thơ cứ cúi đầu răm rắp. Cái uy ảo được anh ta dày công thiết lập từ công nghệ truyền thông trong suốt nhiều năm đã phát huy hiệu quả. Nhưng nếu lật lại “hồ sơ” sáng tạo của anh ta thì chẳng có gì để bàn. Tất nhiên, trong quá khứ cũng có một bài hát, phải nói là duy nhất được mọi người biết đến.

 

 

Cái sự biết đến ấy, xuất phát từ sự nghèo nàn của truyền thông thời đó. Cái bài hát của anh ta, được phát đi, phát lại trên đài phát thanh và thế là nổi tiếng. Nhưng bây giờ nghe lại chán kinh khủng, nó lẫn vào vô vàn những bài hát gọi là sạch nước cản của thời nay. Nói toẹt ra: chẳng có giá trị nghệ thuật gì, đẳng cấp loại nghệ sĩ ấy chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền không hơn không kém. Chỉ may mắn là nó ra đời trong hoàn cảnh công chúng quá khát văn hoá, cũng như lúc người ta đói, ăn gì chẳng thấy ngon.

Và anh nhạc sĩ nọ đã biết được điều đó, nên tìm mọi cách “vặt quá khứ” để thiết lập hình ảnh của mình. Xét cho công bằng, điều này chẳng có gì sai trái. Nhưng nếu là nghệ sĩ thực thụ, có lòng tự trọng sẽ phải thấy xấu hổ với chính mình, với khán giả. Nhưng không! Anh ta dẹp lương tâm vào một chỗ và bắt đầu “hành nghề” bằng cách đó vì biết chắc khả năng sáng tạo của mình chỉ có thế. Thay vì tìm tòi trong sáng tác, anh ta quay ra tìm kiếm lợi ích vật chất từ sự ngây ngô của người đời. Và thường những kiểu “nghệ” ấy có cuộc sống rất sung túc, luôn nhìn người khác bằng nửa con mắt.

Điều này cũng phải nói rằng, một phần do lỗi của công chúng. Đơn giản vì họ còn quá ngây thơ, bỡ ngỡ trước thời cuộc, đặc biệt với nghệ thuật. Họ không có đủ sự tỉnh táo để xác lập giá trị của anh nhạc sĩ nọ. Với họ, chỉ cần thấy quen mặt là đủ. Họ vẫn nghĩ, phải là người như thế nào mới xuất hiện nhiều như thế trên các phương tiện truyền thông. Thế là họ tin, họ sợ hãi.

Tôi cũng đã từng trải qua thời kỳ ngây thơ như thế. Hồi học trong trường nghệ thuật, có một ông thầy cũng thuộc tuýp “nghệ” kiểu ấy. Mỗi lần lên lớp giảng bài, thay vì dạy kiến thức thì ông ta xoay sang việc khoe mẽ chính mình. Nào là hôm qua vừa trả lời báo nọ, hôm kia vừa tham gia chương trình kia, ngày mai phải tham dự một buổi hội thảo… rồi bao giờ cũng nói về cái gọi là tác phẩm nổi tiếng một thời của ông ta.

Ban đầu tôi cũng bị choáng ngợp trước những lời bóng bẩy đó, lại sợ hãi vì quá khứ hào hùng với cái bài hát ời ời xưa cũ kia. Mỗi lời nói, mỗi hành động của ông ta đều là tiêu chí để tôi học tập. Nhưng rồi khi gần gũi, làm việc trực tiếp với thầy một thời gian dài tôi mới nhận ra con người thật - nghệ sĩ thật của thầy mình. Phải nói: quá thất vọng. Hoá ra, không phải như những gì bóng bẩy, bề ngoài mà ta thường nhìn thấy. Chỉ là kiểu “nghệ” khôn lỏi, giỏi nói phét, biết lợi dụng cái gọi là bề nổi của mình để trục lợi.

Có lần, tôi đã chứng kiến, thầy nịnh một người có uy tín trong làng nghệ sĩ viết bài giới thiệu mình. Tôi phát ớn! Thầy nịnh đến nỗi người có uy tín kia từ cáu chuyển sang sợ, rồi nhắm mắt viết một bài cho xong chuyện. Ngay lập tức, đi đâu thầy cũng cầm cái bài báo ấy ra khoe. Đến nỗi tờ báo rách nhàu, thầy lệnh cho tôi đi photo lại rồi tiếp tục khoe… Chỉ thiếu nước đóng khung treo trong nhà.

Lại có lần, tôi chứng kiến, thầy nằm dài trong nhà, nhưng vừa thấy chuông cửa reo liền bật dậy ngồi vào đàn dương cầm say sưa sáng tác. Thấy diễn đến mức khách ngồi rất lâu rồi mới chợt như tỉnh ra khỏi cơn mơ sáng tác, xin lỗi vì tôi còn dở việc. Hờ hờ… kiểu này phải là những người thật gần gũi như tôi đây mới nhận ra, còn người ngoài chỉ có lác mắt vì sự nghiêm túc trong sáng tạo của thầy.

Cứ thế, trong rất nhiều năm, thầy nguỵ trang bằng chính cái hình hài của mình để loè thiên hạ. Thầy kiếm ra tiền từ những chiêu thức tinh vi đó và thầy “nổi tiếng” phải nói là lềnh phềnh đến nao lòng.

Rất nhiều sinh viên, sau này đều nhận ra con người thật của thầy như tôi. Sẽ có người cho rằng tôi là đứa học trò lếu láo vì dám nói xấu thầy. Xin thưa, tôi không dám lếu láo. Tôi chỉ nói ra sự thật! Hơn nữa, từ khi nhận ra con người thật của ông ấy, cũng là lúc tôi coi ông ta không phải thầy của tôi rồi. Cũng có lần ông ta mắng tôi vô ơn khi nhờ một việc đê hèn mà tôi không thực hiện. Tôi đã im lặng, tìm cách xa con người ấy, cành nhanh càng tốt. Cũng rất nhiều học trò sau này đã hành xử như tôi. Họ đều nói: xa ông ta ra, phiền toái lắm.

Đó là kiểu “nghệ” khôn lỏi biết vặt quá khứ của mình ra bịp công chúng. Còn kiểu nữa là lợi dụng vào cái gọi là kiến thức để nổi tiếng. Họ học hành nhanh kinh khủng, chỉ trong vòng vài năm họ gặt một lúc mấy cái bằng liền. Tất nhiên chỉ là kiểu học cấp tốc, hay chuyên tu thế nào đó. Nhưng toàn bằng xịn, bằng thật - của nhà nước cấp hẳn hoi. Chỉ cần nhìn vào cái cạc-vi-dít của “nghệ” đã choáng ngay. Này nhé: giáo sư, nhà nghệ thuật học, triết học, tâm lý học, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ… Đấy mới chỉ là một mặt, còn mặt bên kia lại có: nghệ sĩ ưu tú, hội viên Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Sử học… đến cả Hội Cây cảnh và phải xem tiếp kỳ sau mới hết.

 

 

Phải nói rằng, ông ta là người có cái đầu đầy “kiến thức” như một cái thư viện sống. Nói tóm lại, cái gì cũng biết, mà không phải nói suông, có bằng cấp hẳn hoi, ai dám cãi?! Kiểu “nghệ” này rất chăm chỉ xuất hiện ở những nơi đông người. Rất dễ hiểu vì không có quá khứ hào hùng để làm bệ phóng. Họ tìm mọi cách được xuất hiện và khoe mẽ, như kiểu con công đực luôn xèo cánh trước đồng loại. Họ nói năng bặm trợn, táo tợn khiến những kẻ yếu bóng vía phải sợ hãi. Và lúc nào cũng dùng bằng cấp làm tiêu chí cho cuộc trò chuyện của mình. Họ phủ nhận tất cả, với họ, phải học hành nghiêm chỉnh, phải thấu hiểu kiến thức, am tường Đông, Tây, Kim, Cổ mới trở thành nghệ sĩ được.

Trước những người có quyền thế, có uy tín thì họ cúi rạp nịnh nọt đến kệch cỡm. Còn với những kẻ trẻ người non dạ, mới chập chững bước vào nghề thì họ khinh thường, dạy dỗ. Có lần một “nghệ” kiểu ấy đã nói với tôi: “… Nếu cậu cảm thấy mình không có khả năng nghệ thuật thì nên đi làm nghề khác… Đừng tham gia cuộc chơi vô tăm tích này… Tớ khuyên cậu thực lòng đấy. Học hành như tớ đây còn không ăn thua nữa là…”. Và không chỉ mình tôi, bất cứ ai mà “nghệ” cảm thấy non non là lập tức giở cái bài khuyên bảo “chân tình” ấy ra. Còn với người có quyền thế thì ôi thôi! “Nghệ” lấy tác phẩm của họ ra mà bình luận, mà khen ngút trời, như thể đó là tác phẩm kinh điển của nhân loại. Và cái chiêu thường đưa ra là đem so sánh với những thiên tài nghệ thuật của thế giới. Mệt kinh khủng!

Ấy thế mà “nghệ” trở nên nổi tiếng, loè được khối người, đi giảng dạy ở các trường nghệ thuật hẳn hoi. Có những lúc “nghệ” tự nhận mình nằm trong giới phê bình nghệ thuật vì có rất nhiều bằng cấp. Cũng có lúc “nghệ” lại tự xưng dân sáng tác và đưa vài sáng tác dở ẹc ra tự bình luận. Khối sinh viên cứ há miệng mà nghe. Một đứa cháu của tôi đang theo học năm thứ nhất ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã “say nắng” một ông thầy. Suốt ngày nó ca ngợi thầy nó, chỉ những gì của thầy mới là nghệ thuật đích thực. Hỏi tên thầy mới vỡ lẽ gặp phải kiểu “nghệ” các càng cạc kia. Tôi không biết giải thích với nó thế nào. Đơn giản nó đã “say nắng” thầy rồi. Nếu nói xấu thầy nó ăn đòn chứ chẳng đùa. Chỉ buồn, nó sẽ học được cái kiến thức rởm trăm phầm trăm của thầy mà thôi! Không khéo lại ảnh hưởng tính nết thì toi đời nghệ thuật còn gì. Nhưng cũng phần nào yên tâm vì của giả bao giờ cũng lộ - sớm muộn nó cũng nhận ra con người thật của thần tượng. Nó còn quá trẻ mà.

Có thể kể thêm một loại “nghệ” mà người ta thường gọi là núp dưới bóng của người khác. Kiểu “nghệ” này như những tay ăn xin chuyên nghiệp, họ lấy một nghệ sĩ thực thụ thành danh và bao giờ cũng đã khuất để làm hào quang cho mình. Những nghệ sĩ bị lợi dụng thường là Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Sáng, Xuân Quỳnh… Các cụ đã về với trời xanh cả rồi, làm gì còn nói được. Thế là mấy vị kia liền huênh hoang tuyên bố: tôi đã từng là học trò, là bạn, có kẻ còn kệch kỡm là bồ của Xuân Quỳnh (thế mới láo!) để làm oai với thiên hạ.

Bao giờ xuất hiện trước công chúng, “nghệ” đó cũng kể vài câu chuyện về nghệ sĩ nọ. Và thường kết luận: anh ấy, chị ấy, thầy ấy… nói với tôi rằng… Phải nói là mặt dày vài gang. Nếu những vị nghệ sĩ kia còn sống, tôi tin chắc sẽ tát vêu mặt cho mà xem. Một minh chứng rõ ràng nhất là khi những vị kia còn sống họ đã im thin thít, chẳng dám hé răng, thậm chí chẳng quen biết. Hơn nữa còn rất nhiều bạn bè của các vị kia còn sống. Họ rất tức giận khi thấy thằng oắt con kia xuất hiện trên truyền hình tự nhận là bạn của Trinh Công Sơn, của Nguyễn Sáng… Họ bảo: Láo quá, nó là thằng nào?

Cái kiểu ăn nhờ thương hiệu ấy cũng lợi ra phết, đã có rất nhiều báo, đài tìm đến vị nói khoác kia phỏng vấn, đặt bài. Đặc biệt là nhân những dịp giỗ chạp của nghệ sĩ đã khuất. Nếu một ngày kia, khi “nghệ” rởm ấy lìa bỏ thế giới này, về với hư vô chắc lại cúi đầu nói với mấy cụ rằng, con xin cụ, khó khăn quá, con làm liều, cụ tha cho con! Loại “nghệ” này quỳ xuống trước mặt người khác là chuyện thường xuyên.

Đó là những kiểu “nghệ” già đời, có kinh nghiệm chế tác của rởm. Còn bây giờ xuất hiện những “nghệ” trẻ tuổi rất thông minh tìm kiếm danh lợi. Sự loè bịp của các “nghệ” trẻ này còn cao tay hơn mấy ông già lỗi thời kia. Tất nhiên, họ cũng bám víu vào giới truyền thông, tìm mọi cách để lọt vào nghề đó. Và họ tạo ra những hiệu ứng ngược, theo kiểu kỳ lạ. Nói nôm na như cởi bỏ hết quần áo, bôi lung tung vào người rồi vừa đi vừa hét - sẽ được để ý. Tức là bằng mọi cách, chỉ cần người ta để ý, hoặc biết đến là được. Có một “nghệ” vẫn được coi là nhà thơ trẻ, có một cách viết thơ rất lạ. Cái lạ này thực ra chẳng lạ chút nào. Đơn giản vì vẫn dùng chiêu sex làm chủ đạo. “Nghệ” cứ nhằm những chỗ kín, chỗ tế nhị mà viết - viết với một kỹ thuật cầu kỳ đến lằng nhằng - thế là thành thơ.

Rồi không hiểu thế nào, mấy vị “nghệ” già lại xúm vào lăng xê, vì mấy vị già đời kia cũng cần xuất hiện. Lăng xê lớp trẻ cũng là tự lăng xê mình. Giới truyền thông ầm ĩ lên một hồi. Thiên hạ bắt đầu để ý, thế là nổi ầm ầm. Nhưng ở đời, cái gì là lạ, kỳ kỳ cũng đi qua rất nhanh. Thiên hạ dường như quên mất nhà thơ nọ. Lập tức “nghệ” lại xoay sang chiêu thức khác: rất muốn người khác viết bài “đánh” mình. Chiêu này mới hay, cứ đánh thoải mái, chê thoải mái - càng chê càng tốt - miễn là xuất hiện. Cứ mỗi lần có bài trên báo thì “nghệ” trẻ nọ lại photo gửi khắp nơi. Gặp ai cũng kêu là ông kia, bà nọ, thằng đó… đánh cháu dữ quá! Bác xem có đúng không, có ý kiến gì không? Nhiều nhà phê bình bị lừa kiểu đó, đâm ra viết bài tranh luận. Thế là tên của “nghệ” trẻ lại xuất hiện. Lại nổi tiếng lềnh phềnh, thế mới cao tay.

Ai cũng nhớ đợt triển lãm tranh toàn quốc vừa rồi có một “nghệ” trẻ háo danh đã đạo tranh của Liên Xô cũ mà đoạt giải. Khi bị phát hiện, thay vì nhận lỗi, xấu hổ muốn chết, lại hùng hồn tuyên bố: tôi chỉ muốn thử trình độ của Hội đồng nghệ thuật. Tài thật! Trơ trẽn thế là cùng. Ấy vậy mà khối người tin, còn gân cổ lên cãi hộ mới đau cho văn hoá nước nhà. Rồi cuối cùng “nghệ” trẻ ấy mới thò cái đuôi ra khi thổ lộ: “…dù sao người ta cũng đã biết đến tên tôi…”.

Lại còn một số “nghệ” trẻ học đòi của Tây. Họ làm mọi cách thật kỳ dị để gây ấn tượng. Tỷ dụ như cái trò nghệ thuật sắp đặt gì đó ấy. Cái trò này là lợi kinh khủng vì quá ít người hiểu biết về nó. Cứ làm loạn lên là thành. Nào: vài cái bàn, hai cái bát, mấy sợi vải, rồi thì những thứ lung tung cứ xếp vào, đặt vào là thành cái gọi là tác phẩm nghệ thuật. Mấy cô cậu nhà báo non nghề, thích viết bài cứ thế đoán mò, viết mò chẳng cần biết nó là cái gì. Và tên tuổi của các “nghệ” trẻ ấy lại lên báo - lại “nổi tiếng”. Thế mới tài!

Có hoạ sĩ đã nói: “Vẽ làm gì, làm sắp đặt là nổi tiếng nhanh nhất.” Đúng thế, cái sự nổi tiếng, hay được người ta biết đến ấy quả là mơ hồ với công chúng, lại thêm giới truyền thông võ đoán thì nổi tiếng chứ còn gì. Chẳng cần học hành vẽ vời làm gì cho mệt, cứ cởi truồng ra, bôi màu vào người, đứng ở ngã tư đường phố là thành nghệ thuật sắp đặt rồi. Nổi tiếng rồi. Vẽ làm gì! Mệt lắm!

Nếu kể ra thì còn quá nhiều trò bịp bợp của các nghệ sĩ rởm kia, nhưng làm sao kể xuể. Chỉ khi công chúng có một trình độ nhất định, có sự tỉnh táo nhất định và thời gian minh chứng nhất định mới phát hiện được những trò loè bịp ấy.

Nên nhớ rằng, những nghệ sĩ thực thụ, những người yêu nghệ thuật chân chính luôn thầm lặng làm việc. Họ ở trong xưởng vẽ, ở bàn viết, ở sàn tập… miệt mài lao động. Những người như thế rất ngại xuất hiện những nơi không cần thiết. Họ sợ sự ồn ào, xô bồ của dối trá. Họ thích lao động hơn là kêu ca. Đơn giản, họ biết mình là ai, cần phải làm gì trên con đường nghệ thuật của đời họ. Những người như thế - sẽ thành danh bằng tác phẩm.

 

Theo Ngọc Khê (VieTimes)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: