Thứ năm, 28/03/2024,


Thôi nhé Hà Trần! (17/11/2008) 

           Phải thừa nhận, album “Trần Tiến” là một album nghe được. Bố cục bài vở hay, chân dung Trần Tiến được khắc họa đẹp, rõ nét. Nghe album, tôi biết Hà cũng ý thức chú trọng vào các bản phối, lúc điện tử, lúc unplugged,... tóm lại là nhiều màu mè, và giọng trau chuốt, dùng nhiều kỹ thuật, nhưng vẫn không che được sự xuống về thể lực và cảm xúc.

Hà Trần trở lại và mang theo một album với cái tên gần gũi “Trần Tiến”. Đây không phải là album của riêng Hà, nhưng người ta nói rằng, sự xuất hiện của Hà bao giờ cũng mới mẻ, độc đáo; và rằng, dù xa quê hương, Hà vẫn chứng tỏ được mình là người giàu nội lực làm mới.

 

Sự thông minh khiến Hà Trần không phải là mẫu nghệ sĩ bản năng. Sự bướng bỉnh và không chịu yên ổn của Hà làm Hà hiện đại. Giọng Hà mỏng thì Hà hát giọng pha để chuyển âm khu không ai nhận thấy. Giọng Hà thiếu cá tính thì Hà dùng sự tinh tế của đầu óc để xây dựng cá tính riêng biệt. Hà biết thu mình lại khi cần, biết hòa mình vào đám đông khi cần, biết trở nên lạ lẫm khi cần. “Đạp đổ thần tượng là cách để mình lớn lên”, câu này Hà nói trong một cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả của Netlife, chắc đó cũng là suy nghĩ thật lòng của Hà.

Vài năm gần đây, Hà Trần hát nhiều ở hải ngoại. Tuy nhiên, Hà không cần phải thay đổi phong cách hoàn toàn như Thu Phương, hay chiều theo đám đông như Bằng Kiều, Hồ Lệ Thu... mà rất khôn khéo khi lựa chọn cho mình một trong những gu thưởng thức chính (và cũ kỹ) của công chúng hải ngoại: nhạc phẩm trữ tình, tiền chiến. Hà hát, đan xen giữa những bài cũ là vài bài hát (không được) mới (lắm), và xác định rõ ràng: chỉ hát trong những chương trình không nhạy cảm.

Những ca khúc “em yêu anh” hay “anh yêu em” bây giờ mang ra hát có lẽ cũng nhạt miệng (đại ý lời của Hà). Thế là Hà chuyển qua làm album “Trần Tiến” với những đề tài rất rộng. Ngoài mảng ca khúc về chiến tranh, người nghe còn có thể bắt gặp những cô gái ăn sương qua “Nhăng nhố”, nghe câu chuyện đời người ở “Vật đổi sao dời”... và nhiều nữa. Tất nhiên, ca khúc Trần Tiến quá hay, nhạc hay, triết lí trong bài hát thì vừa sâu sắc lại vừa gần gũi, giản dị. Thêm nữa, người nghe sẽ được du ca qua các vùng miền: bắt đầu từ Hà Nội (“Ngẫu hứng phố”), rồi lên miền núi trung du phía Bắc (“Nhăng nhố”, “Ta vui xòe nhé”), rồi lại được xuống Bắc Ninh nghe dân ca quan họ (“Chị tôi”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”), hay lên cao nguyên (“Ra ngõ tụng kinh”), vào Đà Nẵng nghe hò (“Vật đổi sao dời”), đến thành phố Hồ Chí Minh nghe Pop (“Đen trắng”)... như một vài lời giới thiệu album trên báo chí.

Tôi phải công nhận: “Trần Tiến” là một album thông minh. Tuy nhiên, nghe cả album, tôi chỉ có một ý nghĩ: không phải cái gì thấy bở thì cũng đào mãi được. Nhiều thứ bở nhưng đào mãi cũng nhàm lắm!


            Hà có gì ngoài sự thông minh?

 

Tất nhiên, tôi không phải là người cực đoan đến mức quá đề cao bản năng của người nghệ sĩ. Nhưng tôi vẫn khăng khăng cho rằng, một ca sĩ, nhất là ca sĩ được xếp vào hàng Diva (Hà được mặc định là Diva thứ 4 của nhạc Việt sau Lam, Nhung, Linh, hoặc theo một trật tự thay đổi chút ít), thì trước hết phải là người có tố chất bẩm sinh về quãng giọng, chất giọng, làn hơi, rồi từ đó mới dùng sự “thông minh” để xử lý sắc thái, phô diễn kỹ thuật, kỹ xảo. Còn như Hà, thông minh đấy, nhưng nhiều lúc như tôi thấy, cũng “lực bất tòng tâm” thôi.

Phải thừa nhận, album “Trần Tiến” là một album nghe được. Bố cục bài vở hay, chân dung Trần Tiến được khắc họa đẹp, rõ nét. Nghe album, tôi biết Hà cũng ý thức chú trọng vào các bản phối, lúc điện tử, lúc unplugged,... tóm lại là nhiều màu mè, và giọng trau chuốt, dùng nhiều kỹ thuật, nhưng vẫn không che được sự xuống về thể lực và cảm xúc. (Những bản phối nhiều khi nặng tính kỹ thuật hiện đại này còn làm tôi thấy bức bối, khó chịu. Hà đã thể hiện một gu thẩm mỹ cấp tiến khi nói: “Nhạc điện tử chính là cảm xúc của con người đương đại”. Nhưng chính sự cấp tiến ấy lại làm tôi thấy xa lạ và nguy hiểm. Rõ ràng ngoài sự rung cảm này nọ, còn là thứ cảm xúc Âu Mỹ tạo cho tôi cái cảm giác rờn rợn khó gọi tên. Hay là tôi đã quá “nhà quê” rồi?!).

Một người bạn vong niên của tôi, làm lý luận văn học, khi nghe tôi kể về sự thông minh của một cô ca sĩ, có bình luận rằng: “Một giọng hát không có cá tính thì dẫu kĩ thuật đến mấy cũng có kết thúc thảm hại. Giống như một người làm thơ không có năng khiếu độc đáo thì sớm muộn cũng chỉ là một nhà thơ xoàng xĩnh. Những kẻ không có giọng hát tuyệt vời thì đừng hòng trở thành ca sĩ tuyệt vời, dù cho có vay mượn tâm hồn nghệ sĩ.

Sự thông minh của người nghệ sĩ là cung cách cư xử với đòi hỏi sáng tạo của nghệ thuật mà anh ta lựa chọn. Họ từ đầu đến cuối chỉ sáng tạo theo quy luật của cái Đẹp. Một người làm thơ chỉ giở trò xảo quyệt với ngôn từ là một nhà thơ thất đức. Một tác phẩm không có khám phá gì mới về con người là một tác phẩm vô đạo đức”.

Tôi nói với người bạn già của tôi rằng, biết đâu, cô ca sĩ ấy lại là một tài năng kỳ dị? Và ông nói với tôi rằng: “Đó là sự nổi tiếng phản nghệ sĩ. Không có sự khổ luyện thuần túy nào làm nên tâm hồn nghệ sĩ. Người nghệ sĩ chân chính là kẻ khổ luyện với nguồn năng nghệ sĩ thiên bẩm của mình. Những người tài năng hơn cô ta rút cục vẫn là người tài năng hơn, dẫu cô ta có biết bao thủ đoạn nghề nghiệp biểu diễn. Nghệ sĩ thông minh đích thực, có lẽ là người ngơ ngác rất thông minh, hay nói cách khác, là người thông minh ngơ ngác”.

 

Và Hà đã cũ rồi?


Có thể thấy ngay lối hát “tỉnh” của Hà, cách thể hiện cảm xúc tinh tế của Hà làm người nghe thấy ca khúc Trần Tiến thật gần gũi, thương đấy mà không quá buồn. Nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, các sáng tác chưa công bố trong CD này hơi nhạt và giai điệu loãng. Có phải sức sáng tạo của Trần Tiến cũng cạn rồi? “Ngẫu hứng phố” hình như là bản tóm gọn của “Trần trụi 87”. “Vật đổi sao dời” thì vẫn phố, xích lô, vé số... trong “Phố nghèo” từ xa lắc. Và tất nhiên, giọng của Hà Trần vẫn không mới mẻ gì nhiều so với thời “Đối thoại 06”.

Bạn bè tôi khi nghe album này có nhiều ý kiến cho rằng phần hòa âm phối khí quá cầu kỳ, nhất là cho một dòng nhạc giàu chất tự sự của Trần Tiến. Nhưng thật ra, tôi nghĩ, nếu hòa âm đơn giản thì sự nhạt và loãng sẽ lộ ra quá rõ (mà cái sự unplugged hay điện tử này có khác gì nhiều so với “Hà Trần 98-03” hay “Đối thoại 06”? Nghe “Ra ngõ tụng kinh” thấy rõ mồn một sự lặp lại kiểu phối của “Mưa bay tháp cổ” hay “Nước sâu”. Còn “Vận đổi sao dời” hay “Nhăng nhố” nguyễn-y-vân “Hoa gạo”).

Có thể, Hà hát để khiến người ta có một hình dung khác về sự trình diễn bài hát. Tức là, Hà muốn mở ra một ý niệm mới, trong đó, giọng hát không còn là nhân tố quan trọng hàng đầu. Trong mỗi bài hát, giọng ca sĩ chỉ có tính chất như một nhạc cụ tham gia vào chỉnh thể cấu trúc âm thanh. Về điểm này, tôi thừa nhận Hà có nhiều thủ thuật tinh vi. Nhưng cách hát của Hà, thì vẫn là lối hát dùng kỹ thuật, kỹ xảo để che đi những hạn chế về quãng yếu, chất giọng mảnh. (Tất nhiên, yếu tố xử lí quan trọng nhất bây giờ là sắc thái). Thời của “Hoa gạo”, “Dệt tầm gai” hình như đã xa rồi. Cái “tâm thế đen” mà người ta dùng để nói về Hà, ở “Nhật thực” thì đó là sự thông minh, khám phá mới mẻ, nhưng ở album “Trần Tiến”, có lẽ chỉ còn là chạy theo vệt hoàng kim còn dư lại.

 

                  Một ê-kíp làm chương trình cho Hà Trần.

 

           Trong CD này, Hà Trần cũng mời David Tran, một người bạn gốc Việt nhưng không nói được tiếng Việt tập hát và hát rất ngộ nghĩnh, suồng sã bài “Mặt trời bé con”, Hà bè phụ họa. (Hà Trần cũng hay được nhắc đến với cái thương hiệu "Hà Trần Harmonize", bởi không phải ca sĩ nào cũng biết background cho chính giọng hát của mình. Tôi hiếm khi thấy Lam, Nhung, Linh hát bè. Chắc vì giọng hát của họ tự thân đã tròn trịa và giàu cảm xúc quá rồi, Hà không có may mắn được thừa hưởng giọng hát ấy). Nhưng rõ ràng, đây cũng là một sự tính toán khôn ngoan. (David Tran là biểu tượng cho thế hệ trẻ, dù trưởng thành trong môi trường và ngôn ngữ khác, nhưng vẫn yêu nhạc Trần Tiến?

Tất nhiên, cũng sẽ có người nói, Hà Trần ở album này có tư cách là nhà sản xuất nhiều hơn. Hà không có ý thi thố hay thể hiện tư tưởng hoặc kỹ thuật cá nhân. Và Hà thành công vì đã nắm bắt được cái “thần” của ca khúc, chứ không phải sự khoe giọng. Còn tôi thì thấy đó cũng là một điều may mắn. Album có cả ba ca sỹ: Hà Trần, Hòa T. Trần và Tùng Dương thể hiện (dù Hòa T. Trần hát lều phều và Tùng Dương quá màu mè, uốn éo) thì sẽ sinh động hơn nhiều so với khi phải nghe một mình giọng hát của Hà từ đầu đến cuối.

                                  Theo Nam Hoàng (Vietimes)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: