Thứ sáu, 17/05/2024,


Chùm thơ của các thành viên CLB Lục Bát Sài Gòn (25/04/2012) 
  
 
LÁ KHÓC
 
Chiều nay
gió chỉ lay êm
Cớ chi
lá cuốn lên thềm người dưng
Quạnh lòng
lá bỗng rưng rưng
Xót mình
một thuở cũng từng ngôi cao

Trách Trời
 nổi ngọn ba đào
xanh xao phận lá
hanh hao nỗi niềm
Lầu mây
ai nối mộng thêm...
Giật mình
ngỡ gió gọi tên.
Một mình...
 
Lê Minh Dung

*
 
HUYỀN THOẠI CÔN SƠN

Côn Sơn di tích hồn thiêng
Không gian tĩnh lặng vô biên tuyệt vời
Danh nhân Nguyễn Trãi một thời
Sống trong ẩn dật quãng đời bi thương
“Quốc âm thi tập” nhiều chương
Côn Sơn cảm hứng miên trường thi ca
Rừng thông vi vút bao la
Thoảng hương thơm ngát công cha vun trồng
Tìm về đất tổ cha ông
Côn Sơn mây trắng bồng bềnh cõi tiên
Ẩn mình sống cảnh thiên nhiên
Không màng danh lợi, đoàn viên quê nhà
Gió mây non nước bao la
Chim muông ,núi,nguyệt,thi ca tâm tình
Nơi đây là chốn địa linh
Côn Sơn huyền thoại hữu tình thảnh thơi
Dù ai đi chốn xa xôi
Nhớ ngày kính bái bao đời tiền nhân
“Côn Sơn,Yên Tử, Quỳnh Lâm
Ai chưa đến đó thiền tâm chưa đành”

 Kiều Huệ
 
*

VƯỜN HỒNG
 
Nhà em qua bảy nhịp cầu
Vườn hồng bảy cửa bảy màu bảy hương
Lối vào bảy vấn bảy vương
Nẻo ra bảy nhớ bảy thương bảy chờ.
 
Thanh Trắc Nguyễn Văn
 
*

BÁN

Cô gái bán
cái quí nhất

Được mấy đồng tiền?
xanh mặt…! đỏ mắt…!

Vẻ được giá, Vẻ như đắt
Em còn gì? Hay dằn vặt mai sau !!!

MUA

Mua
cái đầu lâu
thành thực

Trữ những trái tim
háo hức cảm hóa

Biết bao cuộc đời đày đọa!
Giữ làm chi những cái quá riêng mình?!

TẶNG

Cho
những gì
mình cần có

Yêu thật tình
cả ngọn cỏ sương áy

Giữ làm gì?
Hoài giữ…
ấy!

Thả tay ra, xem dầy dậy cuộc chơi…

Thoại Nguyên

*

BUÔNG XẢ
 
Mây bay được bởi mây buông
Nước trôi khắp nẻo vì buông theo giòng
Làm người an lạc thong dong
Nghiệp trần dứt bỏ một lòng xả buông.
 
SẦU ĐÂU

Ai về ai bỗng ngẩn ngơ
Cất sâu chôn chặt vẫn ngờ nhớ nhau
Dặn đi hứa lại chưa làu
Đành ngâm nga nỗi sầu đâu một mình.
 
QUÊN TRĂNG
 
Hôm qua không ngắm vầng trăng
Vì bận cơm áo quên trăng mất rồi
Mải lo danh lợi nửa đời
Ngoảnh lại trăng đã lên đồi ngao du.
 
Việt Đăng Linh
 
*
 
VÌ THƠ
 
Câu thơ lục bát gieo vần
Chao ơi nghiêng ngã thơ văn nhọc mình
Bao lần thi tứ lặng thinh
Đêm dài tìm chữ - bình minh vật vờ
Hay chăng lận đận vì thơ
 
Hay chăng ngơ ngẩn như chờ đợi ai
Đợi chờ chẳng dáng hình hài
Xin tìm cảm tác một vài câu thôi
Không tô thơ trắng màu vôi
Cho thơ thổn thức mồ côi ngôn từ
Nhân sinh như thực như hư
Bên bờ ảo vọng trầm tư kiếp người.
 
Kim Hương
 
*
 
TÌNH KHÔNG
 
Vàng son mộng đẹp là ai
Xây lầu ảo tưởng bên đài trăng suông
Còn ta lang bạt nẻo đường
Về đâu góc chợ mà vương lụy tình?
 
Đất trời say giấc lưu linh
Quàng tay bốn biển kết tình anh em
Nằm nghe lá gió lay rèm
Bóng em ẩn hiện gọi miền chiêm bao
 
Rượu đầy vơi nỗi lao đao
Bước chân xiêu vẹo ngả vào tình không
Mai kia chợt tỉnh giấc nồng
Lang thang làm kẻ hát rong giữa đời…
 
Nguyễn Chinh
 
*
 
NẮNG SÀI GÒN...
 
Nắng
nắng
nắng
 
nắng Sài Gòn
từng chùm hoa lửa vây tròn không gian
gió trưa thiêm thiếp ngủ lang
mặc cho nắng đỏ huênh hoang đầy trời
... và cây quạt giấy
Nóng
nóng
nóng
quạt giấy ơi!
luôn tay phe phẩy nhớ thời xa xăm
hớ hênh áo lụa phơi nằm
gió mơn trớn yếm quạt thầm thì yêu.

Phạm Thị Cúc Vàng
 
*

 HÌNH NHƯ
 
Hình như trời đã chuyển mùa
Hình như có bóng ai vừa qua đây
Mùi hương nào khiến ta say
Thoảng trong làn gió lắt lay cõi hồn
Ráng chiều vàng úa trên sông
Nghe như có giọt mưa lòng nhẹ rơi
 
Trương Nam Chi
 
*
 
ĐÊM CUỐI CÙNG
 
Đêm nay đêm cuối cùng rồi...
Linh hồn thoi thóp, cuộc đời lắt lay!
Tám mươi năm quãng đường dài
Muôn vàn khổ cực, đó đây sớm chiều...
Đã kinh qua hết mọi điều
Thói đời ngậm - nuốt, tình yêu ấu - tròn!
Phút lâm chung tím mỏi mòn
Tim ngừng mắt vẫn chờ con phương trời...
 
Nguyễn Vĩnh An
 
*
 
BÙA ANH
 
Bùa anh chừ chẳng hiển linh
Em đi một nước-Nghi Đình còn đâu?
Mùa xuân rớt lại bên cầu
Bóng anh với bóng nước sầu cùng trôi…
Bùa yêu, ngải nhớ xa rồi
Tháng giêng còn lại mảnh đời ngu ngơ…
Còn gì đâu để tôn thờ
Sắc phong tình ái đã lờ mờ phai ?
Bùa anh hết hiển linh rồi
Em đi một nước-một trời tà huy…
 
Trần Dzạ Lữ
 
*
TÌNH CỜ
 
Dòng sông quê vẫn êm đềm
Trên cầu trà khúc gặp em tình cờ
Ngỡ là thực ngỡ là mơ
Nhìn nhau tưởng tưởng, ngờ ngờ chiêm bao
Tình lao xao, nghĩa lao xao
Môi hồng đã nhạt, má đào đã phai
Chim mỏi cánh, lạc hướng bay
Buông xuôi phận số, theo ngày tháng trôi
Qua đi giây phút bồi hồi
Nước mang hình bóng em, tôi lững lờ
Tỏ ra chỉ chút hững hờ
Tình xưa nghĩa cũ, bất ngờ chết oan
 
Bùi Anh sắc
 
*
 
SÔNG TRĂNG
 
Sông khuya trăng xuống khỏa trần
Cùng trăng em cũng hóa thân tan vào
Tưởng như là giấc chiêm bao
Em đưa anh tới phương nào tuyết trinh
Xôn xao sóng xôn xao tình
Ngẩn ngơ trăng ngắm bóng hình mỹ nhân
Mắt huyền môi thắm my cong
Đôi tay ôm nước vào lòng đầy vơi
Em bơi dưới ánh trăng soi
Sông nâng suối tóc mây vời vợi xa
Mơn man huyền ảo bao la
Bức tranh tuyệt mỹ như là cảnh tiên 
Hằng Nga cũng ngẩn ngơ nhìn
Huống chi anh trước giai nhân tuyệt vời
Dẫu rằng chỉ một lần thôi
Sông trăng em tắm bao người tương tư.
 
Nguyễn Lương Sơn
 
*

THAY LỜI TỰA
 
Thơ tôi như nắng trên cao
Cho con ấm áp lời ru thuở nào
Thơ tôi như nắng hồng đào
Dâng lên Cha mẹ tình cao, nghĩa đầy
Thơ tôi cũng lắm men say
Thắm tình bằng hữu dù ngày hay đêm
Thơ tôi cũng làm dịu êm
Nỗi lòng người vợ gạo cơm hàng ngày.
Nhạc tôi là nỗi mê say
Làm nên ca khúc góp tay với đời
Ngày ngày những lúc thảnh thơi
Thơ - Nhạc thư giãn cho đời thêm yêu.
 
Tấn Xuân
 
MỘT VÀI HÌNH ẢNH BUỔI SINH HOẠT THƠ
CỦA CÁC THÀNH VIÊN CLB LỤC BÁT SÀI GÒN


Tuyển chọn và thực hiện:
Nhà thơ Lê Minh Dung

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com - 01668383020 - CLB lục bát Đoàn thị điểm Hưng Yên  (Ngày 28/04/2012 9:21:20)

CLB LỤC BÁT ĐOÀN THỊ ĐIỂM HƯNG YÊN ĐƯỢC MỜI THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH CỦA CLB THƠ ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM

Những người yêu thơ và các tác giả sáng tác thơ trên đất Hưng Yên lâu nay ngưỡng mộ và để tâm theo dõi các cương trình Câu Lạc Bộ thơ của Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình này giúp ích rất nhiều cho những nhà thơ và những người yêu thơ trong cả nước, ở nước ngoài và tỉnh Hưng Yên.
Nhiều nhà thơ già cũng như trẻ tâm sự rằng, nhờ theo dõi lắng nghe, học hỏi các nội dung của Chương trình CLB thơ của Đài Truyền hình Việt Nam, của Trang mạng WWW.Lục bát. com và của các CLB thơ nói chung, CLB thơ lục bát nói riêng, qua thời gian, đều đã được "nâng cao tay nghề" nhất là phương pháp sáng tác và niêm luật của thể thơ lục bát, thể thơ dân tộc độc đáo của Việt Nam.
Trong niềm vui kỷ niệm 37 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà,ngày 27-4, nhận lời mời của Chương trình CLB thơ đài truyền hình Việt Nam, một nửa số thành viên CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên đã về trường quay S.10 của Đài truyền hình Việt Nam tham gia Chương trình thơ. Các nhà thơ của CLB Đoàn Thị Điểm Hưng Yên, người cao tuổi nhất 84 tuổi là "lão thơ" Dương Xuân Diễn cho đến các nhà thơ nữ như Hương Sinh, Nguyễn Thị Lệ Vui và các nhà thơ cao tuổi như Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Đinh Phiêu, Ánh Quang, Nguyễn Văn Thích, Đỗ Bá Chi, Đào Hồng Kiểm, Đào Ngọc Quang, Vũ Huy Đông... đã phấn khởi vui vẻ lên xe về tham gia chương trình thơ của Đài truyền hình. Ban chủ nhiệm CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên cử nhà thơ nữ Nguyễn Thị Hương Sinh, Phó Chủ nhiệm CLB làm Trưởng đoàn, thuê một chiếc xe khách hạng trung khá lịch sự đưa đoàn nhà thơ lục bát về Hà Nội. Theo các đồng chí phụ trách CLB thơ của Đài Truyền hình Việt Nam cho hay thì chương trình lần này chuyên nói về Thơ lục bát Việt Nam mà CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên được thành lập hơn một năm qua và kết quả hoạt động của nó đã minh chứng sức sống trường tồn của thể thơ dân tộc độc đáo này. Từ những kết quả hoạt động của CLB lục bát Đoàn Thị Điểm, hai thành viên của CLB đã được chọn đưa vào danh sách Ban Vận động thành lập CLB lục bát Quốc gia được công bố trên trang mạng "Lục bát.com"
Một nhà thơ cao tuổi cùng đi với Đoàn nói rằng: "Ở nhà nhất mẹ nhì con/Ra đường chán vạn người giòn hơn ta !". Thật vậy, đến trường quay tham gia chương trình chúng tôi mới biết đất nước này có nhiều người tài làm thơ các thể loại, trong đó có thơ lục bát. Chúng tôi được giao lưu, gặp mặt Tiến sĩ văn học Đoàn Hương, nhà thơ Phạm Công Trứ với bài thơ "Lời thề cỏ may" được rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ yêu thích, nhà thơ Nguyễn Thị Mai, gương mặt thơ nữ quen thuộc với bài thơ "xướng hoạ" "Nhà không có Bố" chị sáng tác cách đây hàng chục năm vẫn còn nhưng nét thơ nhiều người đồng cảm, chúng tôi còn được gặp và nghe thơ của nhà thơ Minh Tâm, một nhà báo của Báo Nông thôn ngày nay chẳng may bị bệnh hiểm nghèo, đã "tựa vào thơ" mà đứng dạy, chúng tôi còn được gặp đông đảo các cháu sinh viên năm thứ hai Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm II Hà Nội...Nói chung là, chúng tôi có dịp "mang chuông đi đấm nước người", không biết tiếng chuông của chúng tôi có vang xa, ngân xa hay không, nhưng ít ra cũng được nghe những tiếng chuông ngân của nhiều vườn thơ trong nước rất ấn tượng.
Như mọi người đã biết, Câu lạc bộ lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên ra đời mới một năm, đã xuất bàn tập thơ đầu tay "Hồn Xưa" in đến đâu hết đến đấy, đã phát triển thành một câu lạc bộ thơ dân tộc đông hội viên có nhiều tác phẩm thơ lục bát được đăng trên trang mạng "Lục bát.com" và được các nhà Thơ Đặng Vương Hưng, Thuỷ Hướng Dương, Chử Thu Hằng, Dung Thị Vân, Vũ Thiên Kiều, Trương Nam Chi nhiều lần có dịp gặp gỡ Lục bát Đoàn Thị Điểm chúng tôi. Hôm nay, nhà thơ Chử Thu Hằng, một biên tập viên "con nhà nòi" của Lục bát.com hiện ở Hà Nội cũng có mặt tại Đài truyền hình cùng chúng tôi tham gia Chương trình lục bát của Câu lạc bộ thơ Đài truyền hình Việt Nam.
Trong tham gia chương trình, chúng tôi cử nhà thơ Đỗ Bá Chi, một trong những cây viết lục bát "tâm tư" của CLB tham gia hoạ bài thơ "Nhà không có Bố" của nhà thơ Nguyễn Thị Mai và có đôi lời bình bài thơ "Lời thề cỏ may" của nhà thơ Phạm Cpông Trứ, được khán giả có mặt vỗ tay hồi lâu không dứt...
Một chuyến đi có nhiều kỷ niệm vui và có nhiều thu hoạch tốt. Chúng tôi mong Đài truyền hình, các tổ chức văn học, thơ của trung ương, của tỉnh tăng cường giúp CLB chúng tôi không ngừng trưởng thành góp những viên gạch nhỏ vào "Lâu đài thơ lục bát" của dân tộc Việt Nam trên bước đường đề nghị công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại./.
Nguyễn Thanh Hà
Chủ nhiệm CLB lục bát Đoàn Thị Điểm
Hưng Yên.

Các bài khác: