Thứ năm, 25/04/2024,


Nguyễn Văn Vĩnh - Sứ giả văn hóa Đông Tây (19/10/2011) 
 
Sau thời gian dài Nguyễn Văn Vĩnh bị đánh giá sai lệch, năm 1999, đường Hậu Giang tại TP. HCM được đổi tên thành Nguyễn Văn Vĩnh - người có công đầu khai sáng việc dùng chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 20 với câu nói nổi tiếng: Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ ! Ông xứng đáng là sứ giả văn hóa Đông - Tây.
 
Từ viên thông ngôn tuổi thiếu niên đến cái chết trên thuyền độc mộc
 
Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) xuất thân trong một gia đình nghèo ở làng Phượng Vũ (nay thuộc Hà Tây). Ông đậu thủ khoa lớp thông ngôn được tuyển làm việc ở tòa Công sứ Lao Cai lúc mới 14 tuổi, sau đó được chuyển đến Toà Công sứ Kiến An, Bắc Ninh, Toà Đốc lý Hà Nội. Vừa làm thông ngôn, ông vừa viết báo.
Năm 1906 ông được cử sang Pháp dự hội chợ và ở lại thăm nhà in, tìm hiểu báo chí và nước Pháp. Về nước, ông xin thôi ngạch quan chức, chuyển sang làm báo và nghề in. Ông dứt bỏ áo dài, khăn xếp, mặc Âu phục, tóc cắt ngăn, đi giầy da, lái xe môtô. Ông là chủ bút các báo quốc ngữ đầu tiên như Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Học báo; chủ bút các báo tiếng Pháp; đồng giám đốc nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng.
Ông có chân trong hội đồng dân biểu Bắc kỳ, hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương. Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương họp ở Sài Gòn năm 1932, ông thay mặt giới doanh nhân phản đối việc chuyển tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị. Cuộc họp chưa xong, ở Hà Nội có trát tòa tịch biên gia sản vì ông thiếu nợ tiền ngân hàng.
Vỡ nợ, ông phải đi sang Lào đào vàng và chết ở tuổi 54 vì sốt rét ác tính, trong chiếc thuyền độc mộc trên một dòng sông, với cây viết trong tay dang dở thiên ký sự trên báo L’Annam nouveau: "Một tháng với những người tìm vàng".
 
 
Sứ giả văn hoá Đông - Tây
 
Tự ngàn xưa văn hoá Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, dùng chữ Hán trong hành chính cũng như sáng tác. Còn văn hóa phương Tây, ta chỉ mới tiếp xúc sau này. Ông là người có công đầu bắc chiếc cầu để dân ta hiểu nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây hiểu nền văn hóa Việt. Ông và lớp trí thức đương thời làm cuộc cách mạng chữ viết thành công: chữ Quốc ngữ đã đánh bại chữ Hán và chữ Nôm, trở thành chữ viết của toàn dân tộc.
Ông thành lập Hội Dịch Sách. Chỉ với tư cách dịch giả, ông xứng đáng là sứ giả hai nền văn hóa Đông - Tây. Ông dịch gần 20 cuốn sách giá trị nhất của văn học Pháp và nhân loại như Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Ba chàng ngự lâm pháo thủ của A.Dumas… Ông đã 3 lần dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp. Ông còn dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp: Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích để những người Pháp làm quen với văn học phương Đông.
Ngoài ra ông còn viết nhiều bài tiếng Pháp giới thiệu phong tục tập quán Việt đăng trên L’Annam Nouveau như tục lệ cưới xin, ma chay. Ông là thành viên sáng lập hay ủng hộ các hội văn hoá như Đông Kinh nghĩa thục, Hội trí tri, Hội dịch sách, Hội giúp đỡ du học sang Pháp.
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết ở thời điểm giữa thế kỷ 20: "… Mà Đông dương tạp chí  hồi đó như thế nào? Người Tây học có thể thấy trong đó những tinh hoa của nền cổ học Trung Hoa mà nước ta đã chịu ảnh hưởng lâu đời; người Hán học có thể thấy trong đó những tư tưởng mới của Tây phương" (Nhà văn hiện đại. Quyển nhất trang 57 Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh Hà Nội).
 
 
Con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh
 
Tan dần mây đen
 
Có nhiều nhận định khác nhau về ông. Người thì bảo ông chỉ là một  thông ngôn mẫn cán cho Pháp hoặc ông là một kẻ ham tiền, kinh doanh cả văn hóa, thua lỗ, phải đi đào vàng trả nợ; là người hai mặt, thậm chí là Việt gian. Con cháu ông một thời chịu tủi nhục vì cái án bất thành văn ấy.
Thực ra, khi mới tiếp xúc văn minh Pháp, lúc đầu Nguyễn Văn Vĩnh hơi bị choáng ngợp, nhưng ông sớm biết phân biệt giá trị văn hóa Pháp đối lập với văn hóa nô dịch thực dân. Tuy làm việc cho Pháp nhưng ông đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ông từng viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. Do không chịu khuất phục người Pháp ông đã bị  o ép tới mức phải phá sản. Thật đáng kính phục và cảm thông hoàn cảnh khó khăn của lớp trí thức cha ông buổi giao thời.
Ngày nay, mây đen tan dần và ông hiện ra như một trong những ngôi sao hiếm hoi trên bầu trời thuộc địa âm u. Đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm một bộ phim tài liệu dài 4 giờ về ông. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận định khác trước của chính họ và chắc chắn sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu đánh giá cho đúng những đóng góp của ông với nền văn hóa nước nhà.
 
Hồ Ý Vị
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguễn Thanh Hà - nguyenthanhhahy@gmail.com - 01668383020 - CLB lục bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên  (Ngày 21/10/2011 18:38:46)

Tôi đọc đi đọc lại bài viết về Nguyễn Văn Vĩnh. Khi còn học trường tiểu học "thời Tây" trước năm 1945, tôi cũng đã được nghe nói về Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng hiểu được còn mơ hồ. Lớn lên, khi nhận thức dần dần trưởng thành thì lại bị ngập vào những trào lưu phức tạp và rối rắm như thời kỳ CCRĐ, thời kỳ "Nhân văn giai phẩm"...Bây giờ, được biết, Đảng và Nhà nước ta đã và đang "gỡ" những cái nút của những thời kỳ "khó quên" ấy. Thật đáng mừng, song nếu chúng tôi được hạnh phúc hơn, mừng vui hơn, khi bằng cách nào đó, ví dụ như nhìn nhận lại "những người bị xử trí trong nhóm "Nhân văn Giai phẩm, mặc dù có thể là muộn. Tôi cho rằng sẽ không muộn, khi được Đảng và Nhà nước xem xét lại, định rõ "công và tội" cho những người "cộng sản" bị xử trí oan trong giảm tô cải cách ruộng đất. Bà Nguyễn Thị Năm là người có công hay có tội? Thực chất ra sao? Những năm 1955 - 1956, chỉ một xã như xã tôi, ông chi ủy viên chi bộ Đảng Lao động Việt Nam, được tổ chức cử "làm chính quyền hai mặt" che chở bảo vệ dân, bị khoác cho cái tội "phản động quốc dân đảng đầu sỏ" và bị kết án tử hình. Một ông chi ủy viên khác, cũng được cử làm "chính quyền hai mặt" bị kết án 20 năm tù, có con đi bộ đội giảm còn 17 năm, nhưng bắt đầu có chính sách sửa sai CCRĐ, được trả tự do, về làng được cử làm đội trưởng đội sửa sai...Những "đồng chí" như vậy trong thời kỳ giảm tô cẩi cách ruộng đất thời kỳ 1955-1956 miền Bắc có đến hàng nghìn. Đảng và Chính phủ cũng đã minh oan, nhưng xem ra việc minh oan chưa thật đúng tầm. Cần có chính sách cụ thể hơn, minh oan sâu sắc hơn và giúp đỡ tốt hơn để con cháu họ có thể sống và cống hiến tốt hơn. Nguyễn Văn Vĩnh được lấy tên đặt cho một đường phố Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Đó cũng là cách nhìn nhận lại cho đúng với lịch sử hơn. Vậy cũng cần có những hình thức thích hợp để khôi phục danh dự, minh oan cho những người bị xử trí oan, mặc dù có thể họ đã chết, được hòa nhập cộng đồng một cách đúng dắn và công bằng, vì lợi ích của nhiều thế hệ mai sau của dân tộc và của đất nước.

Nguyễn Thanh Hà Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên.

Các bài khác: