Thứ sáu, 29/03/2024,


100 năm trước Bác Hồ đã xuất cảnh như thế nào? (Kỳ 4) (07/06/2011) 
Ai đã đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn ?
Đầu năm 1911, cha tôi bàn với ông Hồ Tá Bang tìm cách đ­ưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và nhờ ông Nghè Mô giúp đỡ việc này.
Ông Nghè Mô tên thực là Trương Gia(1), kém cha tôi bốn tuổi, hiệu là Cúc Nông, sinh tại làng Tân Hào, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, (nay là xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Người đời quen gọi Trương Gia Mô là “Nghè Mô“ vì ông là “ấm sinh”, con của cụ Trương Gia Hội, từng làm Tuần phủ Thuận Khánh (Bình Thuận - Khánh Hòa) dưới triều vua Tự Đức, nổi tiếng là người khảng khái.
Sau khi thân phụ mất, Trương Gia Mô đến kinh đô Huế năm Nhâm Thìn (1892) và được bổ dụng làm Thừa phái Bộ Công, đời Thành Thái. Ngoài hai mươi tuổi, Trương Gia Mô đã dâng Bản Điều trần gồm năm điểm, nhằm bày tỏ tâm huyết của mình đối với vận mệnh của Tổ quốc và dân tộc. Nhưng “Bản điều trần” đó đã bị triều đình vứt xó, cùng chung số phận như hàng chục bản kế sách, điều trần trước đó của những chí sĩ yêu nước như Nguyễn Lộ Trạch. Nguyễn Trường Tộ... Hơn thế, vì nó mà Trương Gia Mô còn bị Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp cho là “kẻ thiếu niên hiếu sự”. Sau đó, Trương Gia Mô còn xung phong tham gia vào phái đoàn đi sứ sang Pháp, nhưng cũng không được chấp thuận.
Liên tiếp thất bại trong cả hai việc, ông thất vọng và mất niềm tin vào triều đình, nên đã từ quan, về quê dạy học. Do từng có chức tước, lại làm việc ở kinh sư, có vốn tri thức uyên bác, nên Trương Gia Mô được nhiều người nể trọng. Sau này người ta lầm tưởng, cứ gán cho ông học hàm Tiến sĩ, gọi là “Nghè Mô”.
Một cảnh trong phim "Nhìn ra biển cả" khắc họa hình tượng thày giáo Nguyễn Tất Thành ở "Dục Thanh học hiệu" (ảnh tư liệu tầm).
Đã về quê dạy học, nhưng Nghè Mô không chịu ngồi yên. Ông tìm cách kết giao với các thân sĩ như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Khương... để tuyên truyền, vận động cải cách ở Nam kỳ lục tỉnh. Thời gian sau, ông cùng người bạn thân là Nguyễn Lộ Trạch mưu tính xuất ngoại học thêm để làm việc lớn, nhưng không thành.
Khi về sống ở Bình Thuận, Nghè Mô đã có dịp hội ngộ, tiếp xúc với các nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, khi các ông này ghé lại Phan Thiết trên đường “Nam du” và cùng với các thân sĩ ở đây kêu gọi “duy tân cải cách”. Thời gian này Nghè Mô đã sáng tác nhiều bài thơ và phú bằng chữ Hán, đề cao ý chí quật cường của giới sĩ phu, được người cùng thời truyền tụng. Sau này, trong số con cháu của cụ, có một người đã kế tục xuất sắc truyền thống cha ông mình, đó là Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng(2).
Nghè Mô tuy không tham gia sáng lập, nhưng sau cũng là một trong những cổ đông chính của Liên Thành Công ty. Ông đặc biệt ủng hộ những người tuổi trẻ mà trí lớn, nên rất nhiệt tình với Nguyễn Tất Thành. Nhất là từ khi chàng trai trẻ này tham gia dạy học ở “Dục Thanh học hiệu”, khẳng định được tâm thế và khát vọng của mình. Ngày đó, Nghè Mô vừa thoát ra khỏi ngục thất Khánh Hòa vì tội “tham gia loạn đảng”, nên đã tiếp đón chàng trai trẻ với một tình cảm đặc biệt, ưu ái, tâm đắc và tán thành với chí hướng hành động của anh(3).
 
Trương Gia Mô, người được xem là đã có ông đưa Nguyễn Tất Thành từ Bình Thuận vào Sài Gòn năm 1911 trước khi xuất cảnh (minh họa sưu tầm).
Người “Khách trọ” yêu nước thương dân
Thời ấy, thực dân Pháp đang cho mật thám truy lùng gắt gao các nhân sĩ và trí thức yêu nước. Như­ng cha tôi đã cùng Hồ Tá Bang - Ký lục Tòa sứ Phan Thiết, bàn nhau làm giấy tờ hợp pháp cho thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành (tức Văn Ba), khi đó vừa tròn hai mươi tuổi.
Tháng 2 năm 1911, từ “Dục Thanh học hiệu” ở Phan Thiết, thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành (tức Văn Ba) đã được ông Nghè Mô trực tiếp đưa vào Sài Gòn…
Tới Sài Gòn, lúc đầu Nguyễn Tất Thành được bố trí ở tại nhà ông Lê Văn Đạt (một người bà con bên mẹ của ông Nghè Mô). Sau vài ngày, anh được đưa đến ăn ở ngay trong Chi nhánh Đại diện của Liên Thành Công ty tại Sài Gòn (Liên Thành thương quán phân cuộc), số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn.
Đó là một căn nhà mặt phố, sát một con kênh nhỏ, có cửa sắt kéo, rộng hơn ba mươi mét vuông, có một tầng lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương, cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu còn có ban công rộng, cửa ra bằng gỗ. Nơi ấy lúc rảnh rỗi, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành thường ngồi một mình, ngắm cảnh Sài Gòn qua những người lao động lam lũ và suy nghĩ: Tại sao đồng bào mình khổ vậy? Tại sao người Tây lại có quyền bóc lột dân ta? Người dân nước Pháp và các nước khác họ làm ăn, sinh sống như thế nào?
Nếu như có thể hiểu, trả lời được tường tận những điều trên, biết đâu có thể tìm cách giúp đồng bào mình bớt cực khổ? Nhưng anh sẽ ra đi bằng cách nào đây, khi mà cả bộ máy cảnh sát, mật thám của Pháp đang ngày đêm giăng lưới, tra xét nghiêm ngặt?
Những câu hỏi ấy cứ trăn trở, thôi thúc Nguyễn Tất Thành. Bởi thời ấy, không dễ gì một thanh niên có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, không có tiền, lại có thể xuất ngoại theo ý muốn.
Thời gian này, mật thám Pháp liên tục cho khám xét mọi sự thông thương, cả ng­ười và hàng hóa. Bởi chúng đã bắt đầu nghi ngờ nguồn tiền nuôi các đồng chí ở nước ngoài trong tổ chức Cách mạng Đông Du và Duy Tân là nguồn lợi tức của Liên Thành th­ương quán xã...
Nguyễn Tất Thành đã tạm trú ở ngôi nhà kể trên hơn ba tháng(4). Trong lúc chờ đợi, anh đã xin vào học việc ở một Trường đào tạo công nhân hàng hải và cơ khí (Eécole des Mécaniciens). Có thời gian Nguyễn Tất Thành còn đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và cũng là để có điều kiện tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn.
 
 


(1) Trương Gia Mô: (1866 - 1929) Nhà chí sĩ yêu nước và Nhà thơ Duy tân Nam Kỳ.
(2) Trần Bạch Đằng (1926 - 2007): Nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo và nhà cách mạng lão thành, tên thực là Trương Gia Triều, cháu nội của cụ Trương Gia Mô.
(3) Tài liệu tham khảo từ nguồn: Trang thông tin KTXH của UBND tỉnh Bến Tre.
(4) Ngôi nhà này hiện đã trở thành Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn tài liệu tham khảo từ Trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: