Thứ sáu, 26/04/2024,


100 năm trước Bác Hồ đã xuất cảnh như thế nào? (Kỳ 2) (05/06/2011) 
Những “góc khuất” của lịch sử?
Ông bà nội tôi sinh được hai người con trai: Cha tôi là Phạm Đăng Chất và chú tôi là Phạm Đăng Lãm. Hai ông được người đời rất nể trọng, bởi đều là những người học rộng, tinh thông nhiều ngoại ngữ và giỏi về y thuật. Người nhà thường kể về khả năng ngoại ngữ của cha tôi lúc sinh thời: hầu như gặp người nước ngoài nào, dù là Trung Hoa, Nhật Bổn, Triều Tiên, hay Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha... cha tôi cũng có thể nói chuyện trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của người ấy, khiến họ rất ngạc nhiên.
Tôi sinh năm Nhâm Thân (1932) là con gái duy nhất của người vợ thứ hai của cha tôi. Năm sinh tôi, ông đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn rất tráng kiện và minh mẫn. Tôi nghe nói mình còn mấy người anh cùng cha, khác mẹ đã lớn tuổi và đều sống ngoài Bắc.
Từ khi còn nhỏ, cho tới lúc lớn lên và đi học, không hiểu sao, nhiều người vẫn gọi tôi là “Quận Chúa”. Có lần, tôi mang thắc mắc ấy hỏi cha tôi. Người chỉ cười và bảo: “Đó là chuyện của người già, đã lâu lắm, xa xưa rồi, khi nào lớn lên con sẽ hiểu”.
Nghe nói, muốn là “Quận Chúa” danh chính ngôn thuận, thì phải được vua sắc phong. Tôi không hề được “sắc phong” và cũng chưa bao giờ sống trong cung cấm, mà vẫn được gọi là “Quận Chúa”, nên dù thắc mắc, nhưng vì là con nít, tôi vẫn thích lắm...
Sau này lớn lên, qua tìm hiểu từ nhiều nguồn, tôi mới hiểu “chuyện người già” mà cha tôi đã nói: Chú Phạm Đăng Lãm của tôi đã từng lấy thím dâu là Hoàng Thị Cúc. Nhưng hai người chỉ hạnh phúc được một thời gian ngắn, thì thím tôi bị buộc phải tấn cung, làm người hầu trong phủ của Hoàng thân Phụng Hóa.
Đầu năm 1913, khi phát hiện ra bà Hoàng Thị Cúc đã có thai và cho đó là của Hoàng thân Phụng Hóa, Đức Tiên Cung (mẹ của Hoàng thân Phụng Hóa) đã nhiều lần tra khảo, có lần còn ép bà Cúc phải nằm úp bụng bầu xuống đất để đánh, bắt bà phải khai đó là thai của ai, sao lại vu cho Hoàng thân Phụng Hóa? Nhưng bà Cúc vẫn một mực khẳng định: Đó là giọt máu của Hoàng thân Phụng Hóa. Kể từ đấy bà mới được tha và được chăm sóc dưỡng thai. Tháng 10 năm 1913 bà hạ sinh Hoàng nam, được đặt tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ. Và đó chính là Vua Bảo Đại sau này.(1)
 
           Di tích “Ngọa Du Sào” ở Bình Thuận (ảnh tư liệu, sưu tầm).
 
Bảo Đại cũng thừa nhận?
Năm 1916, Hoàng thân Phụng Hóa lên ngôi, lấy hiệu là Khải Định. Sau khi lên ngôi ông phong cho bà Hoàng Thị Cúc là Ngũ Giai Huệ Tần rồi Tam Giai Huệ Phi, đứng thứ ba trong tam cung lục viện của nhà vua.
Năm 1925, vua Khải Định băng hà. Một năm sau, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được lên kế vị, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Sau khi lên ngôi vua, Bảo Đại đã phong cho mẹ mình làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, nhưng mọi người vẫn thường quen gọi bà là “Đức Từ Cung”. Và đó cũng là Hoàng Thái hậu cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam...
Khi lớn lên tôi may mắn được sang Pháp học ở Đại học Y khoa Paris. Vào những năm 1955 – 1958, Cựu hoàng Bảo Đại có tới thăm tôi vài lần, mang tiền trợ cấp và thừa kế cho tôi. Chính ông ta cũng đã thú nhận: Bề nào chị cũng là chị của tui hỉ. Chúng ta cùng chung một ông nội mà. Ba chị là Hoàng bá Phạm Đăng Chất, ba tui Phạm Đăng Lãm... Nghe kể: Mạ tui có thai thì bị người ta bắt cóc và loan tin mất tích. Chẳng ai biết hồi đó người ta đã mưu mô những gì để tìm ngư­ời phúc trạch phong đế? Mạ tui mần răng mà quen biết được ông Khải Định? Ba tui mất vợ tìm kiếm không ra. Người ta đã đem giấu kín mạ cho đến khi sinh. Thấy con bà sinh ra to đẹp, người ta liền đem trình Đức Bà Thái hậu Từ Dũ, xin Đức Bà nhận cháu. Rồi nhanh chóng đ­ưa mạ con tui sang Pháp làm con tin. Hồi đó, mạ con tui cũng khổ lắm chớ! Tuy tui ngồi ngai vàng điện ngọc, làm vua mà không có quyền hành chi mô. Có cha mà tìm không đư­ợc. Bây chừ lưu vong xứ người thì nghe ba tui đã đi tu làm Thày Chùa...
            Con trai người bạn đồng môn
Năm 1910, cha tôi làm việc ở Tòa sứ Phan Thiết (Bình Thuận), nhiệm vụ chính là Thông phán (phiên dịch) cho Công sứ Lu-xen (Claude Léon Lucien). Ngoài giờ làm việc ở công sở, ông còn mở một hiệu thuốc Bắc nhỏ, vừa bắt mạch, vừa bốc thuốc. Vì cha tôi giỏi y thuật, nên người bệnh tìm đến rất đông. Tuy nhiên, thực chất hiệu thuốc này là nơi cha tôi dùng để liên lạc, giao tiếp với các nhân sĩ và bạn bè đồng chí hướng.
Một buổi sáng, khi đang bắt mạch và bốc thuốc cho người bệnh, cha tôi gặp một chàng trai trẻ khoảng hai mươi tuổi, dáng vẻ nho phong, đĩnh đạc bước vô cửa hàng thuốc Bắc. Vừa trông thấy cha tôi, chàng trai ngả mũ chào.
Lúc đó, vì có quá nhiều khách đang chờ khám bệnh, bốc thuốc làm ông không được nghỉ tay. Đến lúc việc đã ngơi, quay lại, ông vẫn thấy người thanh niên kia ngồi đợi. Ngỡ đó là một người đến xin mua thuốc, cha tôi mời gọi, thì chàng trai trẻ đứng lên lễ phép và tươi cười nói:
- Nghe tiên sinh thư­ờng họa thơ và đàm luận văn chương, cháu đến muốn xin được phụ việc để học nghề và mở rộng tầm mắt...
Cha tôi hỏi:
- Cháu năm nay bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu?
Chàng trai lễ phép thưa:
- Dạ. Cháu hai mươi tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An.
 
Minh họa hai cha con Nguyễn Sinh Sắc
và Nguyễn Sinh Cung (tranh sưu tầm)
 
- Cháu có biết cụ Nguyễn Sinh Sắc không?
- Dạ. Đó là cha cháu ạ!
- Vậy ra đây là con trai của cụ Phó bảng ư? Cháu tên gì?
- Dạ thưa, Nguyễn Sinh Cung ạ. Hiện nay cháu đã đổi tên là Nguyễn Tất Thành.
- Ai đã chỉ đường cháu đến đây?
- Dạ thư­a, cháu nghe danh Tiên sinh từ lâu, nên nay tìm đến...
- Phụ việc và học nghề thì được. Dù ta chưa biết cháu có thể làm được những việc gì. Nhưng còn mở rộng tầm mắt cho cháu, thì e rằng ta không đủ khả năng.
Cha tôi với Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chẳng những là bạn học đồng môn, đồng tuế mà còn đồng chí hướng. Từ cuối năm 1909, cha tôi được tin Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã rời trường Quốc học Huế để vào Bình Định, vì được bổ nhiệm chức Đồng tri phủ, lãnh chức Tri huyện Bình Khê. Ông có mang theo con trai là Nguyễn Tất Thành, gửi học tiếp chương trình lớp Nhất (Cours Supéireur) ở Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Quy Nhơn.
Trước khi xảy ra “Loạn Duy Tân”, người Pháp đã ráo riết truy lùng các chí sĩ yêu nước. Một số nhân sĩ từ Nam Bộ ra Phan Thiết ẩn dật, trong số đó có Nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông(2). Cụ đã cho xây một ngôi nhà nhỏ ở Phan Thiết gọi là “Ngọa Du Sào”. Bề ngoài, đây là nơi đọc sách bình thơ, đàm đạo văn chương, nhưng bên trong là để chiêu mộ các nghĩa sĩ bốn phương đồng tâm, hiệp lực chống Pháp.
(Còn nữa)


(1) Bảo Đại (1913-1997); tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ, là Vua thứ 13 của Triều Nguyễn và cũng là vị Hoàng đế cuối cùng của chế độ Phong kiến Việt Nam. Các chi tiết nói về việc xuất thân của Vua Bảo Đại cùng mối quan hệ với người kể chuyện, là tư liệu riêng của nguyên mẫu cuốn sách này cung cấp, cần được nghiên cứu thêm.
(2) Nguyễn Thông (1827-1894): Người chủ xướng việc thành lập "Đồng Châu xã" - một tổ chức của những người Nam Kỳ yêu nước "tị địa" ra Bình Thuận.
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: