Thứ tư, 24/04/2024,


Chùm thơ tháng 8 của CLB Lục Bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên (22/08/2014) 


 

 


 

 

CLB Lục Bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên

 

   

HẸN

 

 

Vai mang đầu đội hồn quê

Nhớ ngày Lễ hội em về tìm anh

Mang theo lời hẹn ngọt lành

Non cao, biển thẳm dệt thành ý thơ

 

Mớ ba, mớ bẩy thẫn thờ

Bàn tay, con mắt hững hờ bâng khuâng

Vần thơ lỗi nhịp lặng thầm

Tiếng tơ, tiếng trúc tri âm sóng trào

 

Chân quê bát nước vối trao

Củ khoai, hạt đỗ lạc vào câu ca

Cồng chiêng nức nở canh gà

Điệu chèo lắng hạt phù sa sông Hồng

 

Hội về ai ngóng ai trông!

Trăng thanh hoa sữa bềnh bồng tiếng thơ.

 

 

 

Lệ Vui

 

 

 

 

 

 

Dàn nhạc dân tộc của CLB Lục Bát Đoàn Thị Điểm Hưng Yên

 

BẺ ĐÔI

 

 

Câu thơ ai bẻ làm đôi

Nửa em thì ấm, nửa tôi lạnh lùng

Ai xui con nhện giăng mùng?

Để tơ- vương khắp ngõ cùng đường xa.

 

Nhìn em nhún nhảy bài ca

Tôi như kẻ khát ngỡ òa cơn mưa

Biết rằng đã buổi chợ trưa

Ngu ngơ tôi ước cái “thừa” trong em.

   

 

Nguyễn Văn Thích

Điện thoại: 01655050968

 

 

 

 

 

LỜI RU 

CỦA NGƯỜI GIỮ TRẺ

  

 

Mặt trời mọc ở đằng đông

Còn thơm như một trái hồng trên cây

Mẹ xin làm tán lá dầy

Che sương, che nắng đợi ngày con khôn

 

Cho dù mẹ chẳng sinh con

Nhưng con vẫn ngủ giấc tròn…mẹ ru

Bữa sáng nắng, bữa chiều mưa

Mẹ mong- mẹ đón- mẹ đưa- mẹ chờ…!

Thương con mẹ đợi từng giờ.

 

   

Nguyễn Trường Thịnh

 

TUỔI THƠ KHÔNG MẤT 

 

Tưởng như ngày ấy xa xăm

Nhịp thời gian vẫn chảy ngầm trong ta

Ngây thơ cái tuổi đã xa

Bạn bè cùng lớp như là anh em

Cái thời mực tím khó quên

Dùi mài, đèn sách mới lên con người

Nhớ khi cái kẹo chia đôi

Hoa hồng dính má lúm rơi đồng tiền

Tung tăng bím tóc cô tiên

Giận hờn rồi để ưu phiền bao lâu

Tuổi thơ ngày ấy đi đâu?

Để đây với đấy khắc sâu bóng hình

Nhớ không hai đứa chúng mình

Mái đầu điểm bạc, vẫn tình ngày xưa.

   

Nguyễn Ngọc Thủy

 

 

  

 

 

 

MỘT THỜI

 


Một thời đi khắp núi sông

Tuổi xuân mấy lúc cho ông gần bà

Chiến tranh giữ nước xa nhà

Tháng năm ngày ấy đã qua quãng đời

Bắc, Nam xanh một bầu trời

Ông về vui sống ở nơi quê nhà

Bảy mươi vẫn mượt thơ ca

Chiều hè ông tắm có bà kỳ lưng.

 

 

Vũ Thanh Thế. 

 

NỢ ĐỜI

 

 

Nhâm nhi một chén rượu đào

Tơ vương bạn cũ trộn vào túi thơ

Ngồi buồn uống chén mộng mơ

Để ta nợ mãi tứ thơ một đời

Nợ em bao chén đầy vơi

Khất đời xin để lại lời tri ân

 

 

Trương Văn Tính

 

 

 

 

GẠN LỜI

 

 

Tặng em hồn của thơ tôi

Ngẩn ngơ con chữ đầy vơi muộn màng

Mót đời một chút đa mang

Gạn lời gói lẫn trăng vàng tặng em.

  

Quách Xuân Việt

 
 

TÌM EM

 

 

Hội Lim mở giữa mùa xuân

Tiếng mưa như nhắc ngày gần gặp nhau

Ngẩn ngơ anh đợi bên cầu

Xin đừng lỗi hẹn nhớ nhau tìm về

Bóng người khăn xếp áo the

Ba tầm duyên dáng nón che nụ cười

Dáng ai như dáng em tôi

Hạt mưa chia sẻ nỗi đời nông sâu

Người còn lạc bước nơi đâu

Phải chăng đã để rơi câu hẹn hò.

 

 

Ngọc Vinh

 

 

 


Đền Thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì

 

THĂM TƯỢNG ĐÀI MẸ SUỐT

 

Con về thăm mẹ chiều nay

Chang chang nắng đỏ hàng cây chói lòa

Con nhìn dáng mẹ từ xa

Vẫn thuyền lướt sóng băng qua hiểm nghèo

 

Đạn bom mưa trận ào ào

Vẫn không ngăn nổi tay chèo  mẹ khua

Khi trời nắng, lúc đổ mưa

Dòng Nhật Lệ, bến sông xưa tự hào

 

Từ biển thẳm đến non cao

Chiến công của mẹ dâng trào sử xanh.

  

 

Nguyễn Đình Phiêu

 

 

 

 

 

 

Đền Giếng

 

VỀ THĂM ĐỀN GIẾNG

 


Khuôn trăng soi mặt gương này

Tiên Dung ơi! Mạch nước đây tỏ tường

Cùng Đồng Tử thắm tình duyên

Để đời đẹp mãi lời nguyền tri âm.

 

Ngọc Hoa cùng với Sơn Thần

Ba Vì sừng sững Tản Viên sáng ngời

Về thăm Đền Giếng người ơi!

Ta như thấy bóng dáng người còn đây

 

Cùng nhau giữ nước non này

Mà nghe cối giã đâu đây thập thình

Ơn người nghĩa lĩnh non xanh

Nhớ ngày giỗ Tổ cội nguồn mình đây

 

Trời cao đất rộng hôm nay

Về thăm Đền Giếng tràn đầy ước mơ.

 

     

 

 

Nguyễn Đình Chiến.



Biên tập & giới thiệu: Hương Sinh, Hồ Đình Bắc

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyen Van Thich - nguyenvanthich1950@gmail.cm - 01655050968 - CLB LB Đoàn Thị Điểm (HY)  (Ngày 30/09/2014 12:17:10)

Trao đổi cùng tác giả Nguyễn Minh Tuấn qua cảm nhận bài thơ Bẻ đôi
Trước tiên xin cám ơn chị Hương Sinh (Hưng Yên), anh Hồ Đình Bắc (Vũng Tàu) đã giới thiệu bài thơ “Bẻ đôi “của tôi lên trang mạng lucbat,com, sau nữa cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Tuấn (NMT) Phố Nối Mỹ Hào Hưng Yên đã đọc và có lời nhận xét
Người ta thường nói: “khen đúng là bạn, chê đúng là thầy”, do vậy dù khen (hay chê) vẫn đáng được trân trọng, bởi ít ra thì người khen (hay chê) cũng đã đọc rồi thể hiện chính kiến của mình! Tiếc rằng trong phạm trù văn học (nhất là thơ) thì đúng sai luôn là sự tranh cãi. Viết bài này, nếu là để thanh minh thì tôi không tốn công. Nhưng vì sứ mệnh của thơ,(nhất là thơ lục bát) tôi đành phải cầm bút để trao đổi với tác giả NMT một đôi lời
Khi nói đến từ “ngỡ òa” trong câu “Tôi như kẻ khát ngỡ òa cơn mưa”, tác giả NMT cho là “chưa hợp lý”. Tuy vậy NMT lại không hề có một chút phân tích nào về cái “chưa hợp lý”ấy! Hơn nữa nếu để hai từ ngỡ òa trong “…” thì vô tình tác giả đã ghép chân vào với tay rồi cho rằng cơ thể này là què cụt. Có thể về mặt lo gic “òa”là đã mưa, còn “cơn mưa” mới chỉ là điềm báo thì sự chính xác là điều phải bàn. Khác với mọi thể loại, sự chính xác của ngôn từ trong thơ, được (hay không được) chấp nhận còn phải gắn với những cảm xúc trước và sau nó. Thử đọc hai câu thơ
Nhìn em nhún nhảy bài ca
Tôi như kẻ khát ngỡ òa cơn mưa
Trong bối cảnh này, người khát không phải là khát nước mà khát cái nhún nhảy của một chủ thể ‘em” .“Cơn mưa” “òa” được nối bằng một từ mang tính giả tưởng “ngỡ” chỉ là cái cớ không làm và không thể làm thay đổi giá trị của sự “nhún nhảy”. Thế mà NMT lại ghép hai từ “ngỡ òa” rồi cho là “không hợp lý” thì tôi nghĩ đọc thơ và phán thơ trên trang mạng này dễ quá !
Sang đến nhận xét thứ hai
Sự đầy đủ của con người bao giờ cũng chỉ là khái niệm tương đối. Người giàu có khi cũng thiếu, người nghèo có khi cũng thừa. Trong trường hợp này thì cái thiếu, cái thừa có thể xác minh bằng sự cụ thể. Còn cái thừa trong câu thơ “Ngu ngơ tôi ước cái thừa trong em” mà áp sự cụ thể vào thì thơ đã trở thành một thứ vật chất có thể cân đo. Tệ hại hơn nữa tác giả NMT lại cho rằng “cái thừa” là bộ ngực của người con gái, rồi lý giải đó là của quý .Trong trường hợp này tôi nghí NMT chỉ đọc thơ bằng mắt chứ chưa hề động não nên mới ngộ nhận cái “nhô ra”(mắt có thể nhìn thấy) trong cơ thể người phụ nữ là cái “thưa” rồi ghép tội cho thơ thì quả là điều đáng tiếc !
Làm thơ đã khó , đọc thơ càng khó, chính vì thế không phải bất cứ ai cũng bình, cũng phán được! Là người làm thơ, có lúc tôi tưởng như thỏa mãn với những câu thơ mình làm và cho rằng nó đã đáp ứng được phần nào nhu cầu người đọc. Cảm ơn tác giả NMT, cảm ơn trang mạng lucbat. Com đã cho tôi nhận ra một điều; không có gì đồng nhất. Rất mong được sự hồi âm của tác giả NMT.

  Nguyễn Minh Tuấn - tuannmhy@gmail.com - 0962006363 - Phố Nối - Mỹ Hào - Hưng Yên  (Ngày 06/09/2014 23:26:06)

Tình cờ hôm nay,tôi được biết đến câu lạc bộ thơ của tỉnh nhà, tôi rất vui khi ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã thành lập và duy trì được 1 sân chơi tinh thần đầy ý nghĩa này. Đọc thơ của các bác tôi thấy rất hay nhưng tôi cũng có 1 vài ý kiến với từng bài như sau (chỉ là ý kiến cá nhân của tôi thôi dù đúng ,dù sai cũng mong các tác giả thông cảm và lượng thứ!)
Với bài "Hẹn" lời thơ rất hay và ý nghĩa nhưng tác giả chưa có câu nào để miêu tả nét đặc trưng của điểm hẹn kỷ niệm của 2 người (chỉ nói chung là "Nhớ ngày Lễ hội em về tìm anh") người đọc sẽ không hiểu được đó là lễ hội nào. Đặc biệt hai câu : "Cồng chiêng nức nở canh gà

Điệu chèo lắng hạt phù sa sông Hồng"rất khó hiểu,gần như mang nghĩa khác hẳn với những câu thơ trên
Với bài "Bẻ Đôi" có câu:" Tôi như kẻ khát ngỡ òa cơn mưa"thì tôi nghĩ từ "ngỡ òa" là chưa hợp lý và câu:"Ngu ngơ tôi ước cái “thừa” trong em. "Ở đây tác giả dùng từ "thừa", theo tôi hiểu là ngực người con gái.Nhưng tôi nghĩ tác giả dùng từ đó chỉ để cho vần với câu thơ trên thôi chứ ngực người con gái là 1 cái gì đó nó đẹp lắm,nó thiêng liêng lắm không thể dùng từ thừa được.Từ thừa chỉ để dùng trong văn nói và bông đùa trong dân gian,chứ trong thơ chưa nhà thơ nào gọi bầu ngực của phụ nữ là "cái thừa" cả.Thử hỏi nếu cơ thể phụ nữ thiếu đi bầu ngực thì họ sẽ ra sao và chúng ta sẽ ra sao?
Trong chùm thơ tháng 8 này tôi ấn tượng nhât với bài: "Thăm tượng đài mẹ Suốt" ý thơ sâu sắc,lời thơ không bị thừa.Còn hầu hết 1 số bài các bác hay cho vào cho đủ hoặc cho vần chứ nó không có nghĩa hoặc nghĩa không sát không hợp với ngữ cảnh trong thơ
kính bút!

Các bài khác: