Thứ sáu, 26/04/2024,


Vài câu hỏi của người Việt làm người phương Tây khó chịu (26/08/2012) 

(TT&VH Cuối tuần) - Daria Mishukova đã hơn 5 năm giảng dạy tiếng Việt và làm nghiên cứu về Việt Nam học, ngôn ngữ học. Từ năm 2003, chị là Phó giám đốc trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Vladi- vostok. Đầu năm 2007, chị xuất bản cuốn sách Việt Nam - Đất nước con rồng cháu tiên bằng tiếng Nga, tạo dấu ấn khá tốt trong lòng độc giả, được tái bản vào năm 2010. Tháng 5/2012, Daria Mishukova được Bộ VH,TT&DL Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Chị còn là tác giả cuốn sách Thái Lan - Đất nước chùa chiền và cung đình; cũng là nhà sưu tập tiền giấy, tiền xu qua các thời đại.

Trong lần trở lại với độc giả TT&VH Cuối tuần kỳ này, Daria Mishukova tập trung vào việc phân tích những cách hỏi của người Việt làm người phương Tây khó chịu.

Dù cuốn sách Việt Nam - Đất nước con rồng cháu tiên có dành chuyên mục “Câu hỏi cá nhân” trong chương “Tính cách con người” để giải thích về nguyên nhân văn hóa của những câu hỏi làm cho khách nước ngoài thấy khó chịu khi giao tiếp với người Việt. Thế nhưng, điểm chính yếu của nó vẫn là tập trung vào những nét văn hóa tốt đẹp hoặc giải thích về những nét văn hóa độc đáo, mang đậm tính chất dân tộc - những điều mà người nước ngoài hay hiểu lầm, nếu không biết cơ sở văn hóa và bản sắc văn hóa của nó. 
 



Daria và cuốn sách Việt Nam - Đất nước con rồng cháu tiên bằng tiếng Nga. Ảnh: TL
Ức chế với tiếng lóng

* Sau khi hoàn thành cuốn sách có tính cẩm nang về văn hóa và lối sống Việt Nam, bên cạnh những điều lý thú, chị có phát hiện ra những khiếm khuyết nào trong lối sống của người Việt?
- Tôi tin tưởng rằng thế giới xung quanh chúng ta rất đa dạng. Khả năng tìm hiểu càng cao, kiến thức càng sâu rộng, thì khả năng tiếp thu cái đẹp cũng tăng lên. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều điều mang tính chất bách khoa, có một số điều mang đậm bản sắc dân tộc, có một số điều rất độc đáo. Nhiều khi những khía cạnh văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc người nước ngoài có thể hiểu lầm và phê phán nếu chưa được giải thích về ý nghĩa cũa nó, nhưng sau khi đã giải thích về nguyên nhân, về ý nghĩa của hiện tượng văn hóa, thì thấy dễ chấp nhận hơn.
Nếu không đề cập đến câu hỏi về tuổi tác - đối với người Việt là một câu hỏi cần thiết giúp người tham gia giao tiếp xác định cách xưng hô - thì nhiều khi người Việt Nam làm phiền người nước ngoài với những câu hỏi mang tính chất cá nhân, hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh giao tiếp chung. Ví dụ, tại sao người lái xe taxi hỏi khách nước ngoài ngồi trong xe: “Anh/chị đã sang Việt Nam lâu chưa? Khi nào anh/chị về nước?”.
Mục đích của câu hỏi là gì? Khách nước ngoài có đủ cơ sở ngạc nhiên: làm sao mà tôi phải báo cáo về kế hoạch đi lại của mình hoặc trao đổi về hành trình du lịch với người mà tôi gặp lần đầu tiên và rất có khả năng là lần cuối cùng. Khi người bạn, đồng nghiệp, người quen hỏi câu hỏi này, thì ai ai cũng thấy bình thường, nhưng khi được hỏi như vậy trong taxi hoặc trong cửa hàng xa lạ thì rất là phiền. Đặc biệt là khi có nhiều cuộc gặp trong ngày, đi lại đến 6-7 taxi, mà đều bị “tấn công” với câu hỏi như thế, sẽ rất ức chế. 

 
* Có một câu hỏi nào khác làm chị khó chịu tương tự không?
- Những câu hỏi như vừa nêu tuy có tạo không khí hơi khó chịu trong giao tiếp hàng ngày tại Việt Nam, nhưng có thể thông cảm được, vì cội nguồn của nó nằm trong phạm vi thế giới quan truyền thống của người Việt và xuất phát từ hệ thống xưng hô trong tiếng Việt. Nay tôi nói về một câu hỏi khác.
Người Việt Nam thường xuyên làm cho người nước ngoài biết nói tiếng Việt thấy ngạc nhiên với câu hỏi này. Gần như ai cũng hỏi, từ người có địa vị cao trong xã hội, nhà giáo, giới nghiên cứu cho tới tầng lớp bình dân. Đó là: “Anh/chị/em có biết tiếng lóng không?”.
Biết tiếng lóng để làm gì? Nói tiếng lóng đã trở thành tiêu chuẩn và chỉ số về trình độ tiếng Việt từ khi nào? Tiếng lóng có phải là đỉnh cao của t i ế n g V i ệ t không? Câu hỏi này được hỏi nhiều như vậy, tạo trong người nước ngoài ấn tượng người Việt coi nhẹ tiếng Việt hàn lâm, coi nhẹ tiếng Việt hành chính, coi nhẹ tiếng Việt văn học, coi nhẹ tiếng Việt sử dụng trong giao tiếp xã giao. Hóa ra, sự phong phú và đa dạng của tiếng Việt chỉ có thể hiện được qua việc “chửi” và nói tiếng lóng hay sao? Có khi người Việt khen một người nước ngoài: “Anh A. này rất giỏi tiếng Việt, biết nói tiếng lóng”. Có khi người Việt nói: “Tiếng Việt rất phong phú, ở nông thôn người ta nói tiếng lóng rất nhiều, kể cả người Việt cũng không hiểu được”. Hóa ra tiếng lóng đối với người Việt trở thành một định lượng của văn hóa. Một quan điểm thật lạ. 

Trong xã hội phương Tây nói chung, trong xã hội Nga nói riêng, việc nói tiếng lóng là một hiện tượng xác định trình độ văn hóa thấp, nên tránh. Bất cứ ngôn ngữ nào có nhiều hiện tượng ngôn ngữ là tiếng lóng, nó đều thuộc vào trình độ thấp: xã hội thấp, văn hóa thấp. Và tất nhiên, không ai khoe khoang về việc nói tiếng lóng cả!
Còn ngôn ngữ học thì nghiên cứu về hiện tượng này như một phạm trù trong phát triển ngôn ngữ, một hiện tượng xã hội. Nhưng khác với người Việt, ở Nga người ta không bao giờ biến tiếng lóng thành một loại tiêu chuẩn xác định trình độ kiến thức về ngôn ngữ và mức thông thạo tiếng nước ngoài.
Cũng xin nói thêm, nhiều khi người Việt quên rằng người nước ngoài học tiếng Việt để sử dụng với những mục đích thực tế. Phương hướng sử dụng phụ thuộc vào lĩnh vực cụ thể. Tiếng Việt hành chính để sử dụng trong giao tiếp ngoại giao. Tiếng Việt với khuynh hướng về từ vựng luật và kinh tế để xây dựng quan hệ thương mại và tăng thêm mức độ hiểu biết lẫn nhau với đối tác kinh doanh. Tiếng Việt chuyên về nghệ thuật và khoa học đối với chuyên gia tham gia giao tiếp trong lĩnh vực tương ứng. Đương nhiên tiếng lóng và cách nói bóng gió là phạm vi ngôn ngữ hoàn toàn không phù hợp với những mục đích chính làm cho người nước ngoài học tiếng Việt. Tôi chưa bao giờ nghe người Việt nói tiếng lóng hay bóng gió trong cuộc đàm phán chính thức hay trong bữa tiệc ngoại giao, vì đó là vốn từ vựng không phù hợp với bối cảnh giao tiếp thực tiễn giữa người Việt và người nước ngoài.
Đã “văn hóa” thì đừng “chửi”
* Còn câu hỏi về tuổi, tại sao chị nói nó “bất tiện”?
- Đối với người nước ngoài những câu hỏi như thế này nằm trong phạm vi cá nhân, không được hỏi khi giao tiếp xã giao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi giao tiếp với người nước ngoài, người Việt cũng nên để ý bên đối thoại, nhằm tránh các câu hỏi không phù hợp và biết tôn trọng văn hóa, tình cảm của người khác.
Ngay trong xã hội Việt Nam, đặc biệt tại một số cơ quan, hệ thống xưng họ truyền thống đang được đơn giản hóa. Cụ thể là tại ngân hàng Vietcombank, trong giao tiếp hành chính, cơ quan chỉ sử dụng hai từ xưng hô thôi: “anh” khi nói với đồng nghiệp nam, và “chị” khi nói với đồng nghiệp nữ, không phân biệt về tuổi như ông, bà, bác, cô, em, con, cháu... Đó là nhận xét mà chính người Việt đã chia sẻ với tôi, chứ không phải là nhận xét riêng của tôi. Ở đây chúng ta không đánh giá hiện tượng đơn giản hóa hệ thống xưng hô có vai trò như thế nào, mà chỉ nói hiện tượng ngày càng phổ biến hơn trong môi trường giao tiếp hành chính ở Việt Nam. Nếu đúng người Việt đang thể hiện xu hướng đơn giản hóa trong hệ thống xưng hô, thì tại sao trong giao tiếp với người nước ngoài, người Việt vẫn cứ tiếp tục đặt những câu hỏi bất tiện về tuổi?
* Sống và làm việc ở Việt Nam nhiều lần, chị cảm thấy thế nào khi gặp phải những tình huống kiểu “văn hóa chửi”?
- Trước hết như một nhà ngôn ngữ học, tôi thấy sử dụng cụm từ “văn hóa chửi” trong câu hỏi là không phù hợp về lô-gíc, vì hai từ này trái nghĩa và ngược nghĩa nhau. Vì “chửi” có ý nghĩa là “không đủ văn hóa và trình độ để diễn đạt ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ giao tiếp tiêu chuẩn”. Khi giao tiếp với tôi, người Việt cố gắng nói rất lịch sự và nhẹ nhàng, không ai dám chửi trước mặt. Vì cả hình dáng, cách ăn mặc, cách nói, cử chỉ của tôi làm cho mọi người chỉ thể hiện tính cách tốt đẹp nhất. Có khi tôi đến cơ quan nào đấy như ngân hàng, thì nghe người ta nói với nhau về tôi: “Cô này là người quý tộc, giống như nàng công chúa”. Họ không nghĩ tôi hiểu được tiếng Việt, nhưng tôi thích nhận xét này nảy sinh trong họ. Khi biết về kiến thức của tôi nữa, thì người Việt thể hiện thái độ tôn trọng hơn nữa. Do vậy mà tôi không gặp phải hiện tượng chửi dù trực tiếp hay gián tiếp. Tốt nhất, đã nói đến “văn hóa” thì đừng “chửi”, và ngược lại .
 

Văn Bảy (thực hiện)


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: