Thứ bảy, 27/04/2024,


Tổ nghề hát xẩm (12/05/2012) 

        Cả trong truyền thuyết lẫn hiện thực, nghề hát Xẩm vốn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc của những nghệ sĩ hát rong – mà chủ yếu là những người khiếm thị. Xẩm vừa là tên gọi của thể loại, đồng thời cũng là tên gọi của những nghệ sỹ hành nghề như anh Xẩm, chị Xẩm, bác Xẩm… Điều thú vị hơn: Lời của hát xẩm phần nhiều là Thơ Lục Bát! Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến góc độ tổ nghề hát xẩm.

Cảnh hát Xẩm tại một chợ quê vùng Bắc bộ

       Không rõ nguồn gốc xuất xứ của nghề hát Xẩm nhưng những truyền thuyết về người sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này cũng đầy tính thuyết phục. Các cụ kể rằng, tục truyền ngày xưa, lâu lắm rồi, có lẽ vào khoảng cuối đời Trần, vợ vua sinh hạ được hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Đến khi hai con trưởng thành, nhà vua liền truyền lệnh cho hai hoàng tử lên rừng tìm ngọc quý, ai đem về trước sẽ được truyền ngôi. Vâng lời vua cha, hai anh em tức tốc lên đường. Trải qua nghìn trùng gian lao vất vả, cuối cùng hoàng tử Đĩnh đã tìm được viên ngọc quý. Hoàng từ Toán với lòng tham lam đố kỵ, bèn lừa lúc Đĩnh ngủ say, rút gươm chọc mù hai mắt Đĩnh rồi cướp lấy ngọc đem về. Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò trong rừng sâu, nhặt được hai mảnh tre khô, liền gõ vào nhau giả tiếng chim chóc để chúng tha thức ăn đến cho chàng cầm hơi, rồi hoàng tử lần mò dần ra cửa rừng. Vô tình quờ quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn và cất lên những khúc nhạc lòng ai oán. Những người kiếm củi nghe thấy, liền đưa chàng ra khỏi rừng. Từ đó, hàng ngày, hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, lan mãi đến tận kinh thành và tới tai nhà vua... Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Nghệ thuật hát Xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy.

Hình ảnh hát Xẩm ngày xưa

       Xẩm có nhiều làn điệu Xẩm xoan, xẩm chợ, xẩm Huê tình… Dung lượng lời ca bài Xẩm thường khá dài, mang đậm phong cách hát kể chuyện. Bởi trong môi trường diễn xướng hỗn tạp đông người nơi đầu chợ, bến đò, góc phố.. sự "dài hơi” của những bài ca là điều tối cần thiết. Người ta sẽ không thể cảm nhận kịp những bài ca ngắn (kiểu cấu trúc ca khúc). Ví như làn điệu "trường thiên”, nổi tiếng nhất của Xẩm có lẽ là điệu Xẩm Thập ân. Nội dung của nó kể về công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, từ lúc phôi thai, mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn cho đến lúc trưởng thành như thế nào... Với tính chất da diết, xoáy sâu vào lòng người, Xẩm Thập ân được xem như làn điệu đặc trưng nhất của nghệ thuật Xẩm. Nó được coi như một trường ca giáo hiếu hoàn hảo.
Bên cạnh những làn điệu riêng, hành trình của Xẩm còn du nhập nhiều làn điệu dân ca khác, bên cạnh những làn điệu vay mượn ở những thể loại bạn như hát Ví, Trống quân, Sa mạc, Hành vân, Lưu thủy... Điều đặc biệt, những làn điệu đó đều được "Xẩm hóa” cho đúng với phong cách dân dã, giang hồ của các nghệ sĩ.


Nhạc cụ dùng trong hát Xẩm

       Về nhạc cụ, ở đây, điều đáng nói trước nhất là cây đàn bầu. Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm Xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. Chồng bà Hà Thị Cầu- nghệ nhân Xẩm Nguyễn Văn Mậu là một "trùm phường” Xẩm chơi đàn bầu nổi tiếng thời trước ở vùng Ninh Bình. Theo thời gian, về cơ bản, một nhóm Xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Nhưng tùy vào hoàn cảnh, nhiều khi chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách đơn hay cặp sênh là đủ tiếng tơ đồng phụ họa. Khi trình diễn, bao giờ cũng có một người hát chính, những người còn lại chơi nhạc cụ đệm hoặc hát đỡ giọng khi cần. Tuy nhiên cũng có trường hợp một người hát sử dụng luôn các nhạc cụ phụ họa để biểu diễn.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu

       Từ môi trường diễn xướng là hát rong, Xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật chuyên biệt. Những người hát xẩm – họ là những nghệ sĩ chân chính, làm đẹp cho đời và kiếm sống bằng chính tài năng nghệ thuật của mình. Xẩm hoàn toàn không phải người ăn mày. Họ sống bằng những đồng tiền thù lao tự nguyện của mọi người chứ không bao giờ ngửa tay xin của bố thí. Xét một cách toàn diện, Xẩm cũng giống như tất cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ sân khấu của họ chính là đường phố, gốc đa, bến nước, sân đình hay góc chợ nghèo (về sau này đã được đưa lên sân khấu)… và cũng đề cập đến tất cả những vấn đề cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, anh em cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội đương thời… Hiện tại, ở nước ta nghệ nhân Hà Thị Cầu – hiện sống ở Ninh Bình đã được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và được mệnh danh là Nghệ nhân hát Xẩm - Hà Thị Cầu.



Ô Châu (tồng hợp)
Nguồn: Kỷ Lục Việt Nam

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: