Thứ sáu, 26/04/2024,


 
  Tôi muốn gửi dự thi một trường ca 1730 câu lục bát (Ngày 18/4/2009 - Gửi bởi: Lương Toán - Số nhà 316 Tập thể BTLTT, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0987268252)

Kính gửi: Ban biên tập!

Tôi năm nay đã 70 tuổi, là một cựu chiến binh, cán bộ Quân đội nghỉ hưu... Nhưng với lục bát com, thì tôi là "lính mới".

Tôi đã có một số ấn phẩm thơ ở các nhà xuất bản, nhiều bài thơ trên blog riêng của mình... Nhưng băn khoăn không hiểu có ai biết mà đọc không? Vì mình chưa có nhiều địa chỉ bạn bè.

Lục bát com mới giới thiệu giúp tôi có mấy bài, còn lại vẫn nằm trong bolg của mình.

Tôi đang trong quá trình làm quen vơi máy tính. Mong ban biên tập giúp đỡ.

Hiện nay tôi có một trường ca bằng thơ lục bát, với tiêu đề "Đi về phía mặt trời", với độ dài 1730 câu, đã có lời giới thiệu của Tướng Trần Văn Phác (nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Tôi muốn tham gia vào cuộc thi thơ Lục bát "Ngàn năm thương nhớ", sau đó mới xuất bản, như vậy có hợp lệ không?

Mong ban biên tập cho lời khuyên.

Xin trân trọng cảm ơn.

   Lương Toán

(ĐT: 0987268252)

___________________

Lời biên tập:

Kính gửi tác giả Lương Toán

Là một thành viên của Ban Tổ chức Cuộc thi Thơ Lục bát mang tên "Ngàn năm thương nhớ", lucbat.com xin hoan nghênh tất cả mọi tác giả gửi tác phẩm dự thi.

Theo thể lệ của cuộc thi: Mỗi tác giả được gửi không quá 5 tác phẩm, nhưng không giới hạn số câu thơ trong mỗi tác phẩm. Nếu trường ca "Đi về phía mặt trời" mà ông chưa xuất bản trên sách báo, chưa công bố trên website, hay phương tiện thông tin đại chúng nào, thì vẫn có quyền dự thi.

Kính chúc sức khỏe và thành công!

                                                       Lụcbát.Com

  Tại sao tôi lại làm thơ? (Ngày 15/4/2009 - Gửi bởi: Đinh Thường - 16/111, Đ.Đông Khê, Q.Ngô Quyền, TP. Hải Phòng - Địa chỉ: HPhong - Điện thoại: 0912.242.998)

Kính gửi: Ban Biên tập lucbat.com

Tôi hiện nay đang công tác trong Lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Vốn là người yêu thơ và làm thơ nghiệp dư, tôi rất quan tâm đến LUCBAT.COM. Vì tôi có thể học được nhiều thứ ở đây.

Tháng 1 năm 2009, tôi cho ra mắt tập thơ đầu tay gồm 120 bài, chủ yếu là thể lục bát.

Bạn bè thắc mắc về lý do, mục đích, thể loại, phong cách... làm thơ của tôi.

Ngay ngày hôm đó, tôi đã làm bài thơ "Tại sao tôi lại làm thơ" để giải toả những thắc mắc của bạn bè.

Hôm nay tôi xin gửi Ban Biên tập bài thơ này để trình làng.

Kính chúc các anh, chị mạnh khoẻ và LUCBAT.COM ngày càng phong phú.

 

TẠI SAO TÔI LẠI LÀM THƠ?

 

Vì tôi vốn vẫn ngẩn ngơ giữa đời.

Người ta cười, khóc thương tôi

Tôi cười, tôi khóc thương người có duyên.

Thơ không để bán lấy tiền

Dành cho, để tặng nỗi niềm xẻ chia.

Tâm tình gánh nặng sớm khuya

Câu thơ bất chợt như vừa lên hương.

Cái tình lục bát thì thương

Gieo neo câu chữ con đường thi ca.

 

Ngày 06/01/2009.

Đinh Thường

(ĐT: 0912.242.998)

  Tôi muốn làm Đại diện cho lucbat.com! (Ngày 13/4/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Thành Giang - Quảng Nam - Địa chỉ: Quảng Nam - Điện thoại: 01268546422)

       Kính gửi: Ban Biên tập.

       Tôi là một người yêu thơ nói chung và lục bát nói riêng.

        Rất tình cờ hôm nay vào mạng đọc được trang web lucbat.com. Tôi nghĩ đây là một sân chơi khá bổ ích, cũng như là một nơi hội tụ văn hoá Việt rất cần thiết, khi bão tố thời đại đang cuốn phăng đi rất nhiều truyền thống văn hoá tốt đẹp mà cha ông ta đã bao đời gây dựng và gìn giữ.

       Với mong muốn được góp một chút sức mình cho văn hoá Việt, tôi xin được làm Đại diện cho lucbat.com ở Quảng Nam cũng như khu vực miền trung.

       Dù tuổi đời và năng lực còn hạn chế, song tôi hi vọng nếu được là cộng tác viên, hoặc vinh dự hơn là người Đại diện của lucbat.com, tôi sẽ cố gắng để đem tiếng nói bổ ích của trang web, của diễn đàn văn hoá này đến với mọi người.

       Dưới đây là một số thông tin của tôi:

       Họ và tên: Nguyễn Thành Giang;

       Địa chỉ: Khối phố 2, Phường Trường Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam;

       Nơi công tác: Sinh viên lớp CĐSP Ngữ văn K07, ĐH Quảng Nam, 102 Hùng Vương, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam;

       Email: phonglan012002p@gmail.com;

       Điện thoại di động: 01268546422;

       Rất mong sớm được là một thành viên trong đại gia đình lucbat.com.

       Mong sớm nhận được hồi âm từ quý vị.

       Nguyễn Thành Giang

       ___________________

      

      Lời biên tập: Chúng tôi xin hoan nghênh sự nhiệt tình của bạn Nguyễn Thành Giang! Như trong phần "Thư ngỏ" của trang web đã viết: Hiện tại, lucbat.com đang rất cần tìm các Đại diện tại các vùng, miền, tỉnh, thành, trên cả nước và Đại diện ở các Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với tinh thần trân trọng, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, vì tình yêu và sự say mê Thơ Lục Bát; nếu có quý vị và các bạn nào tự nguyện, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: lucbat.com@gmail.com, để trao đổi trực tiếp. Khi đã là Đại diện của lucbat.com, quý vị và các bạn sẽ được ghi danh họ tên, điện thoại (hoặc email) trong phần danh sách 'Những người tổ chức thực hiện' (bên dưới giao diện của trang chủ); được quyền tổ chức bản thảo, biên tập và tham gia các hoạt động khác của lucbat.com.

     Tuy nhiên, muốn làm đại diện của lucbat.com mà chỉ yêu thơ, tự nguyện và nhiệt tình thôi cũng chưa đủ. Trước hết, bạn phải là một cây bút làm thơ lục bát. Xin bạn hãy gửi cho chúng tôi một chùm thơ lục bát của mình để chúng tôi giới thiệu, thay cho "lời chào" cùng bạn đọc trước.    

     Thân chúc bạn thành công và toại nguyện ước mơ! 

                                                                               Lụcbát.Com

 

  Những vần lục bát tôi yêu (Ngày 7/4/2009 - Gửi bởi: Lương Toán - Nhà 316, Tập thể BTLTT, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0987268252)

     Thân mến gửi Lucbat.com

     Xin gửi tới Ban Biên tập hai bài thơ trình làng, để tôi được làm thành viên của Lucbat.com

     Trân trọng cảm ơn.

ĐỜI VÀ THƠ

 

Phải chăng buồn mới làm thơ

Hay mạch đời chảy từng giờ trong ta

Trào ra thành những vần thơ

Dửng dưng chẳng được thờ ơ chẳng đành

Thơ là tâm sự lòng mình

Cháy trong cảm xúc mà thành, mà nên

Thơ là tiếng nói con tim

Là khúc nhạc mãi ru êm cõi tình

Thơ là con chữ lung linh

Là viên ngọc của riêng mình, riêng em...

 

LỤC BÁT TÔI YÊU

 

Vần thơ lục bát tôi yêu

Có hồn quê khói lam chiều vấn vương

Có mẹ một nắng hai sương

Có người chín ngớ mười thương đợi chờ

Có mái đình, có cây đa

Có lời ru với cáng cò bên sông

Có bao mùa lúa trổ bông

Có hạn hán, có báo giông lũ đồng

Có "cô tát nước bên đàng"

Giận ai múc ánh trăng vàng đổ đi

Có chàng trai với lời thề

Chưa diệt xong giặc, chưa về quê hương

Có truyện thơ "mấy đoạn trường"

Cuộc đời Kiều, với Tiền đường còn đây.

Có lời thơ Bác hôm nay

Phút giao thừa vẫn đắm say lòng người...

Đã bao biến động đất trời

Những vần lục bát vẫn ngời sức xuân

Vẫn lay động, vẫn trong ngần

Như viên ngọc trong kho tàng văn chương.

 

Lương Toán

(ĐT: 0987268252)

  Lễ Hội làng tôi (Ngày 5/4/2009 - Gửi bởi: Vũ Mạnh Đoan - Xã Phương Định-Trực Ninh- Nam Định - Địa chỉ: Nam Định - Điện thoại: 0350. 3938093)

     Kính gửi: Lụcbat.com

     Từ hai chục năm nay, năm nào làng tôi cũng tổ chức lễ hội.

     Bên cạnh những nghi thức cổ truyền như rước kiệu, tế lễ, còn có nhiều trò chơi dân gian mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

     Bằng những vần thơ lục bát tôi muốn phản ánh không khí lễ hội tưng bừng đó.

     Xin gửi tới lucbat.com để nhiều người cùng thưởng thức.

 

HỘI LÀNG

                            

Đầu năm mỗi độ xuân sang

Tháng Ba mở hội, cả làng đều vui

Cây gạo hoa đỏ rực trời

Thắp bao ngọn lửa đón mời thập phương.

Bà con các hội đồng hương:

Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn… cùng về

Trẻ mừng, già cũng hả hê

Bao năm mới lại về quê hương mình.

Quê mình vừa đẹp vừa xinh

Chùa đền cùng với mái đình cây đa

Một vùng quần thể hài hoà

Công tạo dựng của ông cha những ngày…

Tam quan nghỉ mát còn đây

Tháp chuông giặc phá đã xây lại rồi

Khánh, chuông ai đúc? Tuyệt vời !

Tiếng kêu vang vọng bao đời ngân nga.

Cảm ơn Tiên Tổ, ông bà

Trao cho báu vật để ta tự hào.

Tự hào ý thức càng cao

Nâng niu, gìn giữ… qua bao thăng trầm!

Cả làng nhất trí đồng tâm

Khơi trong gạn đục dương âm thuận hoà

Để rồi lễ hội tháng ba

Xóm thôn rậm rịch, gần xa tụ về.

Yêu chùa, mến cảnh làng quê

Người trầm lặng, kẻ tràn trề niềm vui

Trống giong cờ mở nơi nơi

Trên bờ kiệu rước, trải bơi giữa dòng

Câu quan họ ai ngân vang

Mượt mà đằm thắm dịu dàng thiết tha?

Người từ Kinh Bắc phương xa

Về đây góp một lời ca chúc mừng.

Kiệu đi chốc chốc lại dừng

Đoàn phường động múa tưng bừng hân hoan

Bát âm ban nhạc của làng

Nhị hồ réo rắt, sáo đàn du dương

Sênh tiền- mấy cháu yêu thương

Nhịp nhàng điệu nhảy trên đường đẹp sao.

Cầu kiều như dải lụa đào

Các già sắp xếp đứng vào hai bên

Nam mô cầu phật cầu tiên

Mừng cho quốc thái dân yên đời đời

Trai thanh gái lịch vui tươi

Vai khiêng kiệu miệng vẫn cười như hoa.

Long đình, bát cống mấy toà

Tiếp theo kiệu võng- các bà các cô

Môi hồng má thắm điểm tô

xiêm y lộng lẫy, nhấp nhô một đoàn…

Đằng kia một tốp trai làng

Trấp kích, bát bửu… hiên ngang, can trường!

Tinh thần thượng võ biểu dương

Cùng nhau bảo vệ quê hương xóm làng.

Đêm về chiêng trống rền vang

 Bập bùng đuốc lửa toả lan trên đường.

 

Hội làng Cự Trữ yêu thương

Năm nào lòng cũng vấn vương đợi chờ.

 

Vũ Mạnh Đoan

(ĐT: 0350. 3938093)

 

  Viết tiếp bài thơ: Đợi người của Kim Liên và Phạm Đông (Ngày 4/4/2009 - Gửi bởi: Trần Kim Lan - CHLB Đức - Địa chỉ: Hagen stasse 35-30161-Hannover Germany - Điện thoại: 0049/511-3108221)

 

Đợi người

 

Đợi người từ độ trăng non,

Cỏ mềm níu gót chân son cuối làng.

Có con đom đóm vội vàng,

Tim em giật thót, trái bàng tự rơi!

(Kim Liên)

 *

Lối xưa in dấu chân người,

Cỏ non ngậm hạt, sương rơi đầm đìa...

Ngẩn ngơ về dưới bóng tre,

Vẳng đâu đây, tiếng đêm khuya thì thầm...

(Phạm Đông)

 *

Thời gian lặng lẽ trôi dần,

Mưa đâu giăng mắc... ướt đầm trời đêm...

Người ơi! Sao hẹn... Mà quên?

Để sầu muôn thuở...

Để duyên bẽ bàng...

(Trần Kim Lan:www.trankimlan.de)

 

  Em mong được học hỏi thêm về thơ lục bát. (Ngày 26/3/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Xuân Đạt - Đại Học Giao Thông Vận Tải - Địa chỉ: Thanh Hoá - Điện thoại: 01694833193)

     Kính gửi các anh chị Biên tập website lucbat.com

     Em quê ở Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; hiện đang là sinh viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải.

     Em rất thích thể thơ lục bát, thích từ thời còn đi học phổ thông cơ, vì nó dễ thuộc, lại mang nhiều tình cảm của tác giả nữa. Hôm nay, tình cờ biết đến trang thơ này, em cũng xin gửi mấy bài thơ của mình.

     Em mong được học hỏi thêm về lục bát.

 

QUÊ HƯƠNG

 

Xuân Hòa hai tiếng thân thương

Đi đâu cũng nhớ quê hương của mình

Cây đa bến nước sân đình

Tôi luôn mang nặng nghĩa tình làng quê

Chiều tà dải nắng chân đê

Một thời thơ dại mải mê vui đùa

Ngân nga một tiếng chuông chùa

Hương thơm mùi sữa gió lùa ruộng xa

Đầu làng tựa bóng cây đa

À ơi mẹ hát câu ca hôm nào

Buồn làm sao biết làm sao

Thèm nghe một khúc ca dao quê mình

Thọ Xuân phong cảnh hữu tình

Hoa thơm bướm lượn rập rình quanh năm

Nhìn về một cõi xa xăm

Hẹn ngày tái ngộ về thăm quê mình 

 

NHỚ NHÀ

 

Nơi nào cũng có mây xanh

Nơi nào cũng có trăng thanh trăng tà

Nhưng sao tôi vẫn nhớ nhà

Thèm cơm mắm muối canh cà quê hương

Nghẹn ngào tiếng nấc thê lương

Lòng tôi tựa lá bên đường cuốn bay

Chiều buồn gió thổi heo may

Tôi người lữ khách nơi này nhớ quê

 

Nguyễn Xuân Đạt

  Cách chữ và đánh dấu khi viết thế nào là đúng? (Ngày 25/3/2009 - Gửi bởi: Lê Đình Khang - CH Séc - Địa chỉ: CH Séc - Điện thoại: )

          Bạn đọc Lê Đình Khang vừa gửi cho chúng tôi tài liệu sưu tầm về một bài viết của nhà văn Triệu Xuân, phổ biến một số mẹo nhỏ khi sử dụng máy tính để viết văn, làm thơ, soạn thảo văn bản, thì cần sử dụng dấu, cách chữ, viết tắt, đánh dấu với trọng âm, mẹo bỏ dấu chính xác... như thế nào cho đúng.

         Thiết nghĩ, đây là một tư liệu thú vị, cần thiết cho nhiều người, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc và các cộng tác viên của lucbat.com.

 

           Từ năm 1990, Tôi mua computer và máy in (hồi đó đắt lắm, gần 2000 USD) để làm việc và cho các con học tập. Tôi nhờ người bạn là Lý Chánh Dũng làm ở báo Vietnam News tới dạy cho 2 buổi trưa, sau đó là tự học! Sau này các con trai của tôi đi làm, tôi lại tiếp tục học các con về kỹ năng mới nhất để sử dụng computer, Internet, cắt hình, chế bản in ấn… Tất cả đều là học lóm! Tôi gửi tới quý anh chị một ít tư liệu nhằm soạn văn bản, cách đánh dấu cho đúng chính tả và ít lỗi nhất! Hy vọng việc này sẽ giúp những ai đam mê, hết mình với văn chương nghệ thuật.

1- Chữ này cách chữ kia chỉ 1 space (khoảng trống), tức là chỉ gõ một lần phím bar (thanh ngang). Gõ hai lần là phạm lỗi. Bản in trên giấy cũng như bản post lên web giống hệt nhau về quy định gõ chữ.

2- Tất cả các dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu hai chấm, dấu ba chấm, dấu chấm phẩy, dấu chấm hỏi… đều đánh liền sát ký tự trước đó. Thí dụ: Tuyệt vời! (Lưu ý: Chỉ có dấu ba chấm (...) chứ không có hai chấm (..) và bốn chấm (....). Các bản thảo gửi đến NXB Văn học hay phạm lỗi này!

3- Sau các dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu hai chấm (:), dấu ba chấm, dấu chấm phẩy, dấu chấm hỏi nhất thiết phải cách một space (gõ một lần thanh ngang) rồi mới viết tiếp. Và chỉ đúng một lần gõ.

4- Bản thảo văn học không bao giờ viết tắt kiểu: v/đ mà phải viết rõ là vấn đề. Nếu trong bài có nhiều lần nhắc đến một cụm từ thì nên viết tắt, nhưng trước khi viết tắt phải có động tác như sau. Thí dụ: Công trình xây dựng Thủ Thiêm (CTXDTT). Sau lần đó là có thể lặp lại CTXDTT trong bài.

5- Khi nêu tên tác phẩm đã in, không cần dùng dấu ngoặc kép, mà chỉ cần in nghiêng (italic). Thí dụ: Trong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, tác giả đã...). Khi trích một đoạn văn, không cần dùng dấu ba chấm ở đầu và cuối, rối mắt người đọc, chỉ cần dấu ngoặc kép hoặc in nghiêng là đủ. Nên hạn chế xài dấu ngoặc đơn, ngoặc kép.

6- Đánh dấu phải đúng trọng âm (Xem Mẹo bỏ dấu bên dưới). Dấu huyền, sắc, ngã, hỏi, nặng phải đánh vào nguyên âm thứ nhất nếu chữ đó chỉ có 1 nguyên âm. Thí dụ: hòa bình. Nếu có hai nguyên âm liền nhau thì đánh vào nguyên âm đầu. Thí dụ: hóa học, văn hóa. Nếu có hai nguyên âm, kế đó có phụ âm thì đánh dấu vào nguyên âm thứ hai: đoàn thể, đoán biết… Riêng chữ quá, quả, quà, thì dấu phải đánh vào nguyên âm a.

7- Câu văn phê bình cũng như câu văn trong truyện, càng ngắn gọn, dễ hiểu càng tốt. Tránh viết câu văn quá nhiều mệnh đề! Trong câu thơ, nên hạn chế dùng gạch ngang (-), (…), (!), (?), rất phản cảm. Bản thân câu thơ nói lên ý đó rồi!

 

Một vài ví dụ cách đánh dấu (mẹo bỏ dấu) chính xác.

 

I- Tam âm, thí dụ: oai Xoài, oao Ngoáo (ộp), oay (Trái) khoáy, uây Nguây nguẩy, oeo (Chết) ngoẻo, iêu Nhiều, yêu Yếu, uya Khuya, uyu Khuỷu (tay), uôi Tuổi, ươi Người, ươu Rượu, uyê Thuyền.

 

II- Nhị âm với bán nguyên âm cuối a, thí dụ: ia Kìa, ua Múa, ưa Khứa.

Nhị âm với i hay ư làm "bán nguyên âm" đầu, thí dụ: iê (Khập) khiễng, ươ Chườm.
            Nhị âm có bán nguyên âm cuối /j/, thí dụ: ai Mái, ay Máy, ây Mấy, oi Thói, ôi Nhồi, ơi Mới, ui Múi ưi Ngửi, khung cửi.

Nhị âm có bán nguyên âm cuối /w/, thí dụ: ao Cháo, au Tháu, âu Mấu, eo Méo, êu Mếu, iu  Míu, ưu (Mắc) mứu.

Nhị âm có bán nguyên âm đầu /w/, thí dụ: oa Choán, oă Xoắn, uâ Luẩn quẩn, oe Khoét, uê Tuếnh (toáng), uô Xuống, uơ Thuë, quën, uy Suýt (nữa).

Nhị âm hiếm, thí dụ: oo Goòng, ôô Gôồng.

 

Mẹo bỏ dấu

Ta không bao giờ thấy (trừ hai ngoại lệ ươ và ôô) các nguyên âm phụ được dùng làm bán nguyên âm cả. Điều này cũng dễ hiểu, vì bán nguyên âm đóng vai trò thứ yếu, phát ra và nghe nhỏ hơn, nên không thể phân biệt kỹ như giữa a với ă... mọi thứ tiếng đều ít bán nguyên âm. Do đó có quy luật " các nguyên âm phụ bao giờ cũng là chủ âm ", trừ các trường hợp ươ và ôô.

            Trong hình vẽ đi kèm, các bảng này (trừ bảng 1) được vẽ đè lên một vòng tròn bao gồm tất cả các nhị âm có nguyên âm phụ. Thêm vào đó ta lại phân phát các bảng theo hai phía: bên trái là các bảng nhị âm với chủ âm đi trước và bên phải là các bảng có chủ âm đi sau. Cách xem xét đó cho thấy chỉ còn lại 4 trường hợp nhị âm chưa được quyết định bởi vòng tròn và nửa trái: oa, oe, uy, và oo. Như vậy, ta có thể tóm gọn các quy luật bỏ dấu vào các mẹo sau:

Chữ có ba nguyên âm: dấu ở giữa, trừ trường hợp uyê.

Chữ có hai nguyên âm bắt đầu bằng gi hay qu: dấu ở sau.

Chữ có hai nguyên âm với một nguyên âm phụ ở sau: bỏ dấu trên nguyên âm phụ đó.

Chữ có hai nguyên âm khác: dấu ở trước, trừ các trường hợp oa, oe, oo, và uy dấu cũng ở sau. Bốn mẹo trên giải quyết tất cả các trường hợp. Nhưng ngoài ra có một mẹo phụ trội khác cũng có ích: đó là bất cứ chữ nào kết thúc bằng phụ âm là cứ nhắm mắt bỏ dấu trên nguyên âm cuối. Không có ngoại lệ. 

Chúc quý bạn đồng nghiệp và quý bạn đọc mạnh khỏe và thường xuyên cộng tác! 

                                          Theo Nhà văn Triệu Xuân

 

  Thư đề nghị bằng thơ (Ngày 20/3/2009 - Gửi bởi: Lục Bát Nghiệp Dư - Địa chỉ: hh - Điện thoại: )

THƯ ĐỀ NGHỊ BẰNG THƠ

 

Kính thưa Lục Bát Chấm Com.

Tôi yêu Lục Bát  nhưng còn nghiệp dư.

Hôm nay xin viết lá thư

Gửi lên Lục Bát Com như lời chào.

Tôi mong mình được đứng vào,

Đội ngũ của những bác nào yêu thơ!

Từ khi cầm bút đến giờ,

Tôi chưa hề phạm luật thơ rõ ràng:

Câu thứ nhất sáu từ vàng,

Vần câu tám nữa đàng hoàng mười tư.

Thập tam thiếu, thập ngũ dư!

Thập tứ gồm Bát vần từ Lục sang

Vần Lục Lục tiếp phải quàng

Bát Bát trước với Lục hàng Bát sau

Có khi Vần được gieo mau

Tứ Bát dưới màu giống Lục Lục trên

Bằng - Trắc nên được bàn thêm.

Những nơi Vần đứng thì nên thanh Bằng!

Trắc không có chỗ đứng chăng?

Luật xin thưa rằng Trắc cứ tự do!

Đứng đâu người đọc không ho,

Không kêu trúc trắc, không lo mỏi hàm!

Đọc xong Luật, bắt tai làm,

Một bài Lục Bát thấy nhàn và êm!

Luật rất cứng, nhịp rất mềm,

Nên Lục Bát bền mãi với thời gian!

Kính mong "Ban Tổ Chức" bàn!

Duyệt cho tôi đứng cùng hàng yêu thơ!

Từ đây, tôi bắt đầu chờ,

Mong quyết định gửi qua "dờ I mêu". (the e.mail)

Cảm ơn Lục Bát Com nhiều!

 

Lục Bát Nghiệp Dư

 

  Tôi băn khoăn với “Ngàn câu Lục bát để đời” (Ngày 25/3/2009 - Gửi bởi: Việt An - TP. Hồ Chí Minh - Địa chỉ: TP. HCM - Điện thoại: 0988 533 996)

          

          Kính gởi: Lucbat.com

 

          Là người yêu văn học, đặc biệt là thơ ca, tôi không khỏi băn khoăn với cái danh xưng "Ngàn câu Lục bát để đời" của cuộc tuyển chọn trên Lucbat.com (LB.c).
          Bàn về vấn đề này, có thể viết cả một bài viết dài… Là bạn đọc thường xuyên của LB.c, ngay khi biết có cuộc tuyển chọn này, tôi đã nói thẳng suy nghĩ của mình với Trần Hồng Giang (một trong những BTV của trang LB.c) rằng: Cái danh "Ngàn câu lục bát để đời" không ổn, có gì đó không thật khiêm tốn, và...         

       Nhân đây, tôi xin muợn lời thơ của Huy Trụ, để minh chứng cho vấn đề này :


"Thơ là rượu của thế gian
 Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau"
  (Huy Trụ - Gửi bạn làm thơ)


          Vâng, chúng ta ko nên dễ dãi khi tung hô nhau trước văn chương, và trước bạn đọc. Liệu ban tuyển chọn của LB.c có đủ sức đại diện để thẩm định cho cả nền thi ca nước nhà không? Trong 1000 câu Lục bát được chọn ấy, có bao nhiêu câu thực sự là để đời? Trong khi:


"Cho đời nhớ được một câu
Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành"
Huy Trụ - Gửi bạn làm thơ)


          Những nhà thơ tài ba đã được khẳng định, cũng không dám tự nhận thơ mình là "để đời". Tác giả Nguyễn Việt Chiến cũng đã viết về thơ thật khiêm nhường:


"Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình sương khói thôi"

(Bài “Mưa tháng giêng"-  thơ Nguyễn Việt Chiến)

 

           Xa hơn nữa, đại thi hào Nguyễn Du viết :“Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Tạm dịch : Không biết hơn 300 năm sau, còn có ai khóc Tố Như không?). Nguyễn Du cũng không nghĩ rằng: Hơn ba trăm năm sau, còn có người biết đến ông và thơ của ông.

           Để đời hay không, là do thơ có sống được trong lòng người hay không? Phải vài chục năm, thậm chí cả trăm năm sau, mới biết được câu thơ ấy, có thực sự "để đời" hay không? Giá trị bền vững của thơ ca, là giá trị tự thân của nó trước đời sống xã hội, mà không cần những danh xưng to tát, nằm ngòai giá trị văn chương: 


"Cái còn thì vẫn còn nguyên
 Cái tan tưởng đến vững bền cũng tan"
 (Thơ Trần Đăng Khoa)


             Không lẽ cứ khắc lên đá, in trong men sứ, hay tranh sơn mài... là thơ “bền vững” và trở thành "để đời" sao?. Nói về danh xưng của cuộc tuyển chọn, theo ý hiểu của nhà văn, nhà thơ Dương Phương Tọai: “Đây cũng mới chỉ là ý tưởng để đời (tính khái quát, ước lệ của hành động) khích lệ cuộc chơi, mời gọi các tác giả vào sân chơi, chứ chưa phải hoàn toàn là bất di bất dịch trong ngôn từ”. Nếu đúng như vậy, nên chăng có một tên gọi khác cho cuộc tuyển chọn này; sao cho, tên gọi đúng với ý nghĩa, bản chất của việc tuyển chọn, đồng thời phù hợp với vẻ đẹp nghệ thuật và giá trị nhân văn của thơ ca.
           Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi, xin được chia sẻ với ban biên tập và các bạn yêu thơ. Xin kính chúc ban biên tập tổ chức thành công cuộc tuyển chọn, và xây dựng LB.c thành trang web được nhiều người yêu thích.

Việt An.

   -----------------------

Lời Biên tập: Xin hoan nghênh bạn đọc Việt An đã thẳng thắn nêu ý kiến của mình. Thật ra, băn khoăn của bạn cũng chính là của chúng tôi, trước khi quyết định chọn cái tên "Ngàn câu lục bát để đời" để tổ chức cuộc Tuyển chọn & Giới thiệu này. Không phải ngẫu nhiên mà trong thông báo của Ban tổ chức về cuộc tuyển chọn lại có phần "Vĩ thanh" giải thích về cái tên đã được đặt như thế nào.

Việc tuyển chọn và giới thiệu thơ hay, từ trước tới nay đã có rất nhiều tập thể và cá nhân từng làm. Và đều đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc ấy, đều có những ý kiến khen chê trái chiều nhau...

Rút kinh nghiệm từ những cuộc tuyển chọn trước, với "Ngàn câu lục bát để đời" chúng tôi nhường quyền cho tác giả (thân nhân tác giả) tự tuyển chọn trước. Mỗi người chỉ được gửi không quá 10 câu thơ, theo mẫu thống nhất. Tiếp đó, LB.c sẽ chuyển những câu thơ này tới các nhà Thư pháp - Họa sĩ tuyển chọn tiếp, bằng sự đồng cảm của tâm hồn, khi thể hiện thành các tác phẩm Thư - Họa. Cuối cùng, các tác phẩm Thư - Hoạ đó sẽ được công khai, tiếp cận đời sống bằng nhiều hình thức quà tặng, lưu niệm... để bạn đọc và thời gian quyết định. Bởi chúng tôi cho rằng chỉ có bạn đọc và thời gian mới là những giám khảo có đủ năng lực và sáng suốt nhất để làm việc này.

Như "lời thưa" trong Thông báo đã nói rõ: LB.c chỉ xin tình nguyện làm một "Nhịp cầu" kết nối giữa các nhà thơ, tác giả với bạn đọc. Và "Ngàn câu lục bát để đời" chỉ là một cách gọi, là mơ ước của chúng tôi. Ước mơ ấy có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào sự nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ của các tác giả và bạn đọc yêu lục bát gần xa.

Lụcbát.Com

 

  Cảm nhận về loạt tác phẩm thư họa đầu tiên ra mắt (Ngày 29/3/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng - Địa chỉ: 14/11 Nhất Chi Mai, P.13, Tân Bình, Tp.HCM - Điện thoại:  0838.123.789 - 01233.123.789)

Lang thang trong lucbat.com thì bắt gặp Loạt tác phẩm đầu tiên ra mắt bạn đọc (17.03.2009), thật vui mừng vô cùng! Chỉ một thời gian rất ngắn, gần như chạy đua với thời gian, lucbat.com đã trình làng 10 bức thư pháp đầu tiên. Có thể xem đây là những bức thư hoạ nhanh nhất, mới nhất, trình bày trang trọng nhất trong lucbat.com. Tôi đã ngồi chiêm ngưỡng những bức thư hoạ này khá lâu với nhiều suy tư và cảm phục. Tôi cảm phục vì đây là những bức thư hoa đẹp, tỷ mỷ, cầu kỳ giống như tranh Đông Hồ hoặc những bức tranh thêu trên nền lụa. Khi được trang trí trên gốm sứ Bát Tràng thì cũng chẳng khác gì những bức thư hoạ trên gốm sứ Giang Tây Trung Hoa nổi tiếng thế giới.. Tôi chợt ước mong, giá như những bức thư hoạ này được trang trí trên bức tranh gốm sứ nổi tiếng của Hà Nội trên bức tường bê tông dọc đê sông Hồng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì thật tuyệt vời! Có thể lắm chứ!

 

10 bức thư hoạ đầu tiên về Những câu lục bát để đời khá mới mẻ và thú vị. Trước tiên, xin có một vài cảm nhận riêng tư của một độc giả lucbat.com. Thư pháp chữ Việt xuất hiện ở nước ta từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, nhưng đã có chỗ đứng khá mới trong nền văn hoá của dân tộc. Với đa số người mà tôi tìm hiểu thì thư pháp có phần hơi lạ lẫm, thậm chí còn có một số ít người còn “dị ứng” với thư pháp. Họ cho đó là một kiểu cách chữ viết “ngông cuồng”, lập dị, khó đọc, khó ưa! Thực ra, thư pháp chỉ là một cách viết chữ. Ở Trung Quốc, Bộ môn thư pháp đã xuất hiện trên 3000 năm. Nhà thư pháp lỗi lạc Vương Hy Chi (303 – 370) được người đương thời suy tôn là bậc Thánh thư, một phần do chữ viết của họ nếu viết nhanh có thể rất bay bướm, có thể viết ngang hoặc viết dọc cũng được, rồi dần dần phát triển thành những bức thư hoạ .

 

Thư  pháp chữ Việt  du nhập và Việt Nam từ bao giờ thì đến nay vẫn chưa có sử liệu nào xác định cụ thể. Việt Nam không có nhiều những nhà thư pháp kỳ tài như Trương Húc, Vương Hy Chi (Trung Hoa), hay Thiết Chu, Bạch Ẩn (Nhật Bản) nhưng đất nước ta cũng có những thư pháp gia  tiêu biểu như Phạm Sư Mạnh đời Trần, Vua Lê Thánh Tông, vua Lê Cảnh Hưng, chúa Trịnh Sâm, các danh sĩ như Cao Bá Quát, Bùi Dị… được xem là những nhà thư pháp lỗi lạc ở nước ta.

 

Quả thật, có những tác giả thư pháp chữ Việt viết như đánh đố người đọc, có những câu thơ không thành thơ nữa, bị hiểu lầm do cách viết  của một số nhà thư pháp. Ngày nay, cứ mỗi độ Xuân về các Câu lạc bộ thư pháp, các “đường thư pháp”, các nhóm thư pháp lại khăn đóng áo dài ngồi viết thư pháp, mang con chữ đến cho mọi nhà, mong một năm Tâm, Tài, Phúc, Lộc, Thọ, An khang.

 

Mộng mơ giấy dó, mực Tàu

Bức tranh thư pháp mang màu quê hương!

 

Về thư pháp chữ Việt ngày nay, các nhà thư pháp đã trình bày những bức thư pháp từ một chữ, vài chữ, một câu danh ngôn, một câu lục bát, đến một khổ thơ  hay  một truyện thơ lục bát độc bản như truyện Kiều! Mong muốn của nhiều người là muốn có những bức thư pháp để treo như câu liễn ngày xưa. Có những câu thơ của các nhà thơ nổi tiếng có thể treo cao để nhớ đời! Tôi còn nhớ nhà thơ Ngô Văn Phú có 4 câu thơ đã đi vào trang sách giáo khoa của học trò mà đến đứa trẻ lớp Một cũng thuộc lòng:

 

Trên trời mây trắng như bông

Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây

Mấy cô má đỏ hây hây

Đội bông như thể đội mây về làng.

 

Nếu viết thành hai bức thư pháp treo lên thì nghiêm trang chẳng khác nào các câu liễn ngày xưa được treo trang trọng ở chính điện!  

Hoặc 4 câu thơ của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh mà trẻ con nào cũng nghêu ngao, thuộc lòng như một bài đồng dao:

 

Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một cái bút chì

Và mang một mẩu bánh mì cỏn con…

 

Nếu bốn câu lục bát gần như đã thành ca dao này tách ra làm hai vế để viết thành thư pháp thì tôi tin chắc rằng bà mẹ nào cũng muốn mua một cặp về treo ở góc học tập của con mình!

 

Cách trình bày thơ của nhà Thư pháp Trịnh Tuấn khá đẹp và độc đáo, nó đẹp và bay bướm ở chữ viết, lộng lẫy ở phần nền, thích hợp với từng câu thơ nên bức thư pháp đã trở thành một bức thư hoạ, có thể trang trí trên bất kỳ vật phẩm nào. Có thể là trên cốc chén sành sứ, thuỷ tinh, trên các vật lưu niệm hoặc trên bất cứ chỗ nào mà mình yêu thích, thậm chí kể cả trên… thân thể! ! Cái đẹp hút hồn của chữ thư pháp là cách thể hiện đường nét trong thư pháp gọi là: Ức (nhấn xuống), Dương (nâng lên), Đốn (dè dặt), Toả (hạ xuống), Trì (chậm trễ), Tốc (nhanh chóng),  Hoàn (thả lại), Khẩn (gấp gáp), Trọng (nặng) và Khinh (nhẹ). Nhưng dù có những đường nét chấm phá, bay bổng thanh thoát đến thế nào thì cũng đều phải thể hiện lên chữ mình muốn biểu đạt. Khoảnh khắc hiếm hoi mà nhà thư pháp đạt đến tận cùng của nghệ thuật đó là Tâm Bút hợp nhất!

 

Trong bó đũa chọn cột cờ, nếu ai đó hỏi tôi: Vậy trong 10 bức thư hoạ mà lucbat.com đã giới thiệu tôi thích bức nào nhất? Cũng thật lòng mà xin thưa: Đó là bức số 4 (Từ trên xuống) với câu thơ của nhà thơ Đặng Vương Hưng:

 

Trời sinh ra sự vuông tròn

Mỗi người một nửa để còn tìm nhau

 

Và bức số 10 với câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đúc Phước:

 

Câu ca từ thuở xa xăm

Xin em đừng để trăm năm úa vàng

 

Đó là hai bức thư hoạ vừa hay về thơ, vừa đẹp về  hoạ với lời “ngã giá” rất lục bát:

 

Thơ hay, chữ đẹp, cầu kỳ

Nếu ai rao bán, giá gì cũng mua!

 

Xin có đôi điều mạo muội thưa cùng các nhà tuyển trạch, nhà thư pháp cùng các tác giả vô vàn yêu kính của Những câu lục bát để đời. Xin thành tâm chúc mừng và xin hãy chờ đợi 990 bức thư hoạ sẽ tiếp tục trình làng trong những ngày tiếp theo.

 

Nguyễn Đình Trọng

  Lục bát - Lục đĩa (Ngày 14/3/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Sĩ Đà - Nam Định - Địa chỉ: Nam Định - Điện thoại: )

LỤC BÁT - LỤC ĐĨA

(Quý tặng những người thực hiện lucbat.com)

 

Quốc hồn quốc túy là đây

Những vần lục bát ngất ngây bao đời

Giờ đây thời đại mới rồi

Ta mang công nghệ đắp bồi cho thơ

Website thơ đẹp như mơ

Thỏa lòng mong ước đợi chờ bấy nay

Cũng là nhờ những bàn tay

Ra công gắng sức dựng xây chẳng nề.

 

Một anh "Cảnh sát… nhà quê" (ĐVH)

“Đa tài” lắm, nên nhiều bề long đong!

“Chí Phèo”… rượu uống chả xong (THG)

Thị Nở hiện đại… đừng mong nó liều!

Còn “Khát vọng sống để yêu” (NHC)

Em hiên ngang giữa nắng chiều hanh hao!

Hoa Hướng Dương… ngâm xuống ao (THD)

Xem ra chẳng có hoa nào tươi hơn!

Ngọc trên núi, dẫu rạn sờn (NNS)

Vẫn là sắc ngọc trong hồn không phai!

Anh mà không phải con trai (ĐTA)

Là anh nhưng lại thắm hai má hồng.

 

Ơn người đã chẳng quản công

Làm cho hồn vía non sông vẹn đầy!

Lục bát cặm cụi tháng ngày

Bao giờ mới “lục đĩa” đây, hỡi người!

 

Nguyễn Sĩ Đà

 

Trước tiên Trước Trang [589 ,590 ,591 ,592, 593 ,594 ,595 ,596 ,597 ,598 ,599 ,600 ] Tiếp  Cuối cùng