Thứ sáu, 26/04/2024,


 
  Cảm nhận về “Khuôn mặt mới” của lucbat.com (Ngày 6/8/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng  - Địa chỉ: Tp.Hồ Chí Minh  - Điện thoại: 01233123789)

      

      Cùng Bạn đọc thân mến! 

      Bắt  đầu từ ngày 30/7/2009, lucbat.com mang một “khuôn mặt mới” – Trẻ trung, hoành tráng, bắt mắt, thật sự mang dáng dấp của Lục Bát. Đó là bức tranh làng quê Việt Nam với người phụ nữ tất tả trên cánh đồng xanh bát ngát, ruộng lúa tốt tươi “thẳng cánh cò bay”, với hình ảnh lũ trẻ chăn trâu, chơi ô ăn quan, chơi chuyền quen thuộc. Tất cả những hình ảnh ấy làm nền cho hai chữ “Lục Bát” bay bướm, uyển chuyển với kiểu chữ thư pháp quen thuộc đã trở thành một kiểu chữ trong  phông chữ Việt. Tôi thích hai chữ Lục Bát được viết hoa như một niềm tự hào về một thể thơ truyền thống của dân tộc. Nếu chọn trong nền thơ ca phong phú của ta một thể thơ tiêu biểu làm đại diện đi dự cuộc giao lưu thơ toàn cầu, thì đó chắc chắn phải là thể thơ Lục Bát!

 

       Người Tây Âu tự hào về thể thơ  Sônê, người Trung Hoa tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haikư… thì người Việt Nam chúng ta có quyền kiêu hãnh và tự hào về thể thơ Lục Bát! Cũng chính vì vậy mà hai chữ Lục Bát cần được viết hoa một cách trang trọng.  

 

Tôi xin có đôi điều “làm đẹp” thêm cho “Khuôn mặt mới” này: 

 

            Về câu thơ “slogan” cho hai chữ “Lục Bát”

Lục Bát không thể bán – buôn

Nếu ai nhớ đến cội nguồn thì thương…” 

 

          Đó nên là hai câu Lục Bát “động”, nghĩa là sẽ được một câu cũng có hai chữ Lục Bát khác thay vào sau… 15 ngày, vào đúng ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng (theo âm lịch). Các câu Lục bát đó đại loại như: 

 

 Giữa vòng đô hội cuồng xoay
Vịn câu Lục bát mà say tình người
”.

(“Vịn câu lục Bát” – Trần Ngọc Anh).

             Hoặc 

 Vịn vào Lục Bát mà đi

Tình yêu sẽ chẳng ngại gì  chông gai!”

(“Ngẫu hứng Lục Bát” – NV). 

 

Mỗi tác giả  được gửi về BBT nhiều câu nói về Lục Bát để chọn ra những câu phù hợp thay thế hàng tháng. Việc làm này giống như Lục Bát sẽ được thắp sáng lên quanh năm suốt tháng: 

      Thắp câu Lục bát ngang mày

      Cầu cho trời biển tháng ngày bình yên!

     (“Lục Bát trên tàu cánh ngầm” – NV) 

 

              “Thắp câu Lục Bát ngang mày” Nó thiêng liêng lắm. Cũng làm tương tự như câu ca: “Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng, đưa tôi về với người tôi yêu” (“Ca dao Em và Tôi” – An Thuyên) 

Về  số lượng người truy cập trang Web:

 

              Nên giữ  lại con số này để thấy được sự tăng trưởng hằng ngày của lucbat.com. Số lượng động này (tăng 10 đơn vị một lần) cùng với nhịp đập của đồng hồ báo giờ như là hơi thở và bước đi của trang Web – Chứng tỏ đó là một trang Web sống động, đang được tăng trưởng hàng ngày, khác với những trang Web khác. 

 

Về  ngày tháng năm theo Âm lịch:

“Ngày Lục Bát” và “Lễ hội Lục Bát” được tính theo Âm lịch. Vì vậy, nên chăng phía dưới ngày tháng Dương lịch có chú thêm ngày tháng và năm tính theo Âm lịch, bỡi không vì thế, lấy cớ gì để lấy “Ngày Lục Bát” là ngày theo Âm lịch? 

 

Đồng hồ  đếm ngược:

Thành phố  Hà Nội đang tất bật chuẩn bị lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Để người dân Hà Nội và cả nước hồi hộp đón nhận ngày ấy, Ban Trù bị 1.000 năm Thăng Long đã có sáng kiến làm một chiếc đồng hồ đếm ngược để người dân cả nước biết còn bao nhiêu ngày nữa đến ngày kỷ niệm trọng đại ấy. Chúng ta có nên học tập thành phố Hà Nội, cũng ghi số ngày còn lại trên trang Web hàng ngày để bạn đọc nhớ đến còn bao nhiêu ngày nữa thì đến “Ngày hội Lục Bát”! Cũng hồi hộp lắm đấy! 

Trên đây là những điều dám mạo muội nói ra nhân được thấy toàn cành trang Web lucbat.com mới xinh đẹp hàng ngày. Có đôi điều chia sẻ cùng bạn đọc.

Xin gửi lời chào trân trọng! 

                              Thành phố Hồ Chí Mính, ngày 31.7.2009                         

    Nguyễn Đình Trọng

(Đại diện lucbat.com tại Tp. Hồ Chí Minh)

                                            

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (9) (Ngày 30/7/2009 - Gửi bởi: Phan Văn Nhớ - Địa chỉ: Bình Dương  - Điện thoại: 0982.696.525)

Kính chào Ban biên tập wedsite lucbat.com!

 

Vậy là “Lễ hội lục bát” thực sự đã và đang diễn ra trên Diễn đàn này, trước khi nó chính thức được tiến hành vào ngày 06 tháng 8 âm lịch tới đây. Quả thật là đã có nhiều ý kiến, mà ý kiến nào cũng hay, cũng đều “bảo vệ luận án” do mình đưa ra một cách sâu sắc. Thật đáng trân trọng cho những trái tim đầy lửa!

 

Trong những ý kiến trao đổi ấy, tôi tâm dắc nhất là “phát pháo đầu tiên” của tác giả Nguyễn Đình Trọng, vì:

 

           1. Vấn đề chi phí tổ chức Lễ hội.

 

Để tổ chức được một Lễ hội như tất cả chúng ta đang mong ước, đang trăn trở sẽ rất tốn kém. Đây đúng là “thủ tục đầu tiên” cần phải vượt qua. Việc đóng góp của các thành viên trang wed hay của những tấm lòng yêu thơ lục bát quê hương là rất quý, nhưng cũng sẽ như muối bỏ biển, rất khó có được con số hàng tỉ đồng để thực hiện Lễ hội quan trọng này. Tôi nghĩ, song song với sự đóng góp tự nguyện, nhiệt thành của các tập thể, cá nhân, các anh chị chịu trách nhiệm trực tiếp với trang web hiện nay nên tìm ngay nhà tài trợ. Việc tài trợ cho sức sống của một trong những cội nguồn hồn dân tộc, chắc chắn, sẽ có không ít nhà tài trợ, nhất là các tổ chức kinh tế, quan tâm. Các tác giả, bạn đọc, ai có khả năng tìm Nhà tài trợ cũng nên nhanh chóng tự giác vào cuộc.

 

           2. Quy định định kỳ tổ chức Lễ hội.

 

Vì Lễ hội rất tốn kém nên tôi rất đồng tình với tác giả Nguyễn Đình Trọng. Ta nên tổ chức hai năm một lần (thậm chí 3, 4 hoặc 5 năm) ở các khu vực đại diện cho các vùng miền (như phía Bắc, miền Trung và tây Nguyên, như phía Nam…).

 

           3. Đề nghị các cơ quan chức năng trình xin Quốc hội chọn ngày 06 tháng 8 âm lịch hàng năm là Ngày Lục Bát.

 

Lễ hội, suy cho cùng, đó cũng chỉ là một hình thức diễn ra trong diện hẹp. Trong khi đó, thơ Lục Bát đã là thơ của dân tộc. Công nhận ngày Lục Bát là khẳng định, là tôn vinh hồn thơ dân tộc. Như vậy, đã là Ngày Lục Bát thì chắc chắn, nếu khu vực phía Bắc tổ chức Lễ hội, thì các khu vực khác, các vùng miền khác, các tỉnh thành khác, v.v…  vẫn có cơ sở để tổ chức các hoạt động liên quan, cũng với mục đích là nâng niu, trân trọng, bảo tồn và phát huy đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc ta.

 

Cũng với tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa đã là tinh hoa của dân tộc, tôi đã mạnh dạn viết ra đây và gửi về Diễn đàn. Có điều chi trùng lắp hay chưa vừa ý, tôi rất mong quý vị vui lòng bỏ qua cho!

Kính chúc Ban biên tập cùng quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc!

Chúc trang web của chúng ta ngày càng vững mạnh, đi lên, lan xa; nhất là Lễ hội sắp tới sẽ thành công như mong đợi!

Trân trọng!

Phan Văn Nhớ

Email: nguoilinh_1968@ymail.com

Điện thoại: 0982.696.525

 

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (8) (Ngày 30/7/2009 - Gửi bởi: Dương Phượng Toại - Quảng Ninh - Địa chỉ: QN - Điện thoại: 033 3 680 774 - 0982 367 982)

 

Thưa các tác giả và các bạn yêu thơ lucbat!

Cho đến giờ phút này, Website lucbat.com đã xứng đáng là một "sân chơi" độc đáo, sang trọng, một "vườn hoa nở rộ" trong không gian của nền thi ca dân tộc Việt Nam thời @. Hai tập sách đầu tiên của lucbat.com sẽ ra mắt công chúng trong ngày Lễ hội thơ lucbat. Ngày Lễ hội Thơ lucbat đang tới gần trong bao nỗi chờ mong của các tác giả và người yêu thơ. Nhiều ý kiến đóng góp gửi về Ban Biên tập đã thể hiện những tình cảm thiết tha với thể thơ dân tộc và ngày hội thơ thiêng liêng đúng là nghìn năm có một!

Chúng tôi tán đồng những ý kiến gợi mở sáng tạo trong việc tổ chức Lễ hội Lục Bát của tác giả: Nguyễn Đình Trọng, Đạt Ma, Trần Thanh Dũng, Trần Hồng Giang, Nguyễn Ngọc Lam, Nguyễn Công Thanh, Nguyễn Bá Hòa… rất tỉ mỉ, thận trọng đặt ra những ý tưởng tốt đẹp, bền vững cho thơ Lục Bát và phấn đấu cho Ngày Lễ hội Lục Bát thành công rực rỡ. Đặc biệt ý kiến và sự ủng hộ của cháu Thỏ Bông Chu Phương Linh – TP. Thanh Hóa khiến mọi người không khỏi xúc động. Chúng tôi thấy ý kiến nào cũng có những nét hay, độc đáo, khiến những người biên tập và đang chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ hội Lục Bát đọng lại nhiều suy nghĩ và lo lắng: Phải làm sao cho Lễ hội đạt kết quả cao, một Lễ hội hoàn toàn “đầu non con nước”!

Nhất định lucbat.com và Lễ hội Lục Bát sẽ xã hội hóa rộng khắp. Chúng ta sẽ có "Ngày Luc Bát" và sẽ có thêm một Lễ hội mới, được gọi là "Lễ hội Lục Bát" bổ sung vào kho tàng Lễ hội dân gian Việt Nam. Do vậy, chúng tôi thấy có thể bàn thêm từ một sỗ ý kiến của các tác giả và các quí vị như sau:

 

            1. Về tên gọi “Lễ hội Lục Bát” và "Ngày Lục bát":

Như ý kiến của tác giả Nguyễn Đình Trọng: Đây là một Lễ hội, lần đầu tiên tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, phải trang trọng, sang trọng và lịch sự. Có thể có nhiều quan chức của Nhà nước, bạn bè quốc tế, kiều bào ở nước ngoài và các nhà thơ, nhà văn, văn nghệ sĩ, các tác giả và đông đảo bạn đọc trong nước tham gia. Tác giả Đạt Ma phân tích cũng rất khoa học và thấu đáo. Theo tôi, chúng ta vẫn có thể gọi ngày 6 tháng 8 âm lịch là "Ngày Lục bát". Trong ngày đó, chúng ta sẽ tổ chức "Lễ hội Lục Bát".

Vì đây là lễ hội mới tổ chức lần đầu, nhưng lại có tầm ảnh hưởng tư tưởng rộng rãi, nên cần phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới hợp pháp, mà hợp pháp thì Nhà nước có thể ủng hộ (cả về nhân lực và vật lực) cho Lễ hội. Qua đây, nên đề nghị Nhà nước hỗ trợ, cấp kinh phí cho Lễ hội đặc biệt này. Thực tế, lucbat.com đã và đang làm một công việc rất ý nghĩa là bảo tồn, phát huy và sáng tạo nền văn hóa Việt nam hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc (như Nghị Quyết 5 Đại Hội Đảng lần thứ VIII đã đề ra).

Lễ hội Lục Bát, sau này sẽ thành thông lệ: ngày 6 tháng 8 (âm lịch) hàng năm gọi là “Ngày Lục Bát”. Việc tổ chức 2 năm một lần vào các năm chẵn, luân phiên tại các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ vv... sẽ được quyết định thông qua tập thể trong Nghị quyết Đại hội Lucbat.com.

 

2. Cổng chào thơ lục bát: “Mặt tiền” kiểu như cổng trại, có slogan, thiết kế theo kiểu cổng làng của đồng bằng Bắc Bộ… nhưng phải sáng tạo và khác biệt. Nên bàn bạc kỹ với một công ty truyền thông để làm việc này. 

 

3. Lễ và Hội phải hài hòa:

- Phần lễ gắn với các hoạt động tâm linh như dâng hương, rước biểu tượng thơ lucbat (gợi ý: có thể là cánh cò trắng bay qua vầng trăng và cây tre); diễu hành bằng phương tiện giao thông (Xích lô, xe máy…), có các thiếu nữ mặc áo dài vẫy cờ Lễ hội thơ Lục bát (Cờ nhỏ, dễ dàng cầm tay). Tiếp theo là dâng thơ: 2 tập sách mới in như một lễ báo công…

- Phần hội là nơi gắn với các hoạt động: Trình diễn ngâm và đọc thơ Lục Bát chọn lọc của các tác giả (khống chế trong Website lucbat.com). Vì kinh phí có hạn, nên chăng chúng ta sử dụng và mời các nhóm ngâm thơ nghiệp dư do các đại diện vùng miền tiến cử và tự túc kinh phí tham gia ngày vui có một không hai từ trước tới nay này. Ở Quảng Ninh đã có và đang chuẩn bị một nhóm ngâm thơ. Tiếp nối theo là vui chơi, hội thảo, giới thiệu, giao lưu, thi tài và trao giải thưởng (có thể có tặng thưởng cho các đại diện xuất sắc).

 

4. Tổ chức dâng hương và đấu giá 68 tập thơ đặc biệt:

- Gắn Lễ hội với đời sống tâm linh, nét văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ không khí trang nghiêm của phần lễ và đặc trưng của lễ hội.

- 68 tập thơ Lucbat.com sẽ được dâng hương, ban phước: Mỗi tập thơ (Lục bát mỗi ngày và lục bát tự chọn) phát hành 68 bản đặc biệt được đánh số theo thứ tự từ 01 đến 68 và sẽ có 68 tác giả có mặt trong tập thơ ký tên, có ấn chứng “Phúc Lộc Thọ” của một vị Cao tăng Đại đức, hoặc kính mời Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ký tên. Đồng thời, sẽ thông tin và đấu giá ngay khi buổi họp báo công bố lễ hội thơ lục bát hoặc khi sách ra mắt. Cũng có thể đấu giá trong lễ hội, khi 2 tập thơ này (in ấn như các bản khác, nhưng có xác nhận của lucbat.com) nằm trong mâm lễ dâng lên vua Lý Thái Tổ khi dâng hương và báo cáo khai hội lục bát. Việc này, cũng là tạo ra những câu chuyện tâm linh, xây dựng đức tin đối với Lễ hội thơ Lục bát và cao hơn nữa là với cội nguồn thơ ca dân tộc.   

 

5. Tổ chức tốt “Góc chân dung lục bát”:

Đây là một hình thức triển lãm thơ lục bát, không thể thiếu trong lễ hội lục bát.

- Giới trẻ (Học sinh, sinh viên, cử nhân mới tốt nghiệp… đặc biệt quan tâm tới loại hình này. Và đây là khu vực tạo ra sự thu hút đông đảo người tới thưởng thức, giao lưu và chụp ảnh lưu niệm.

- Ban Tổ chức nên thống nhất kích thước trưng bày một panô cỡ 1m x 1,5 m, trên đó có ảnh chân dung, tóm tắt tiểu sử, tự bạch, kèm một bài thơ lục bát ngắn. Qua đó, phần nào khắc họa những khuôn mặt thơ thành danh, cây thơ độc đáo trong khu vườn lục bát. Phần này do tác giả tự chọn, bỏ kinh phí tự in, tự chuẩn bị lấy; nhưng nội dung phải thông qua Ban Tổ chức. Các tác giả (thân nhân tác giả) chỉ việc mang đến treo theo đúng vị trí quy định.

- Bên cạnh đó không thể thiếu một bảng ghi danh tôn vinh những người đã có công thực hiện trang Website và các đại diện lucbat.com các vùng miền.

 

6. Hoan nghênh sáng kiến gây quỹ cho Lễ hội thơ Lục bát:

- Phát động phong trào: “Mỗi người trồng một cây, cùng gây vườn lục bát” góp sức cho sự thành công của lễ hội. (Độc lập với quỹ "Những tấm lòng với Lucbat.com", phục vụ xây dựng và phát triển trang web).

Các lần sau do phát triển Quỹ lớn mạnh, chúng ta sẽ tiến tới cố gắng có kinh phí trang trải, phụ phí phần nào cho các thành viên ở xa, đặc biệt là các đại biểu phía nam và hơn thế nữa có thể ủng hộ người nghèo và các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam.

 

7. Hãy tình nguyện tham gia các tiểu ban: Gồm các tiểu ban: Điều hành, Lễ tân, Văn hóa, Truyền thông, Tài chính, Hậu cần, An ninh… Ngay từ bây giờ, các tác giả và các bạn có năng lực bất kể các cơ quan đoàn thể ở các tỉnh hay tại Hà Nội, miễn là có tâm với lucbat.com hãy tình nguyện đăng ký giúp đỡ Ban chủ nhiệm để khẩn trương lập các tiểu ban hoạt động sớm trước Lễ hội. Cơ hội được cống hiến tâm lực cho Lễ hội lucbat lần đầu tiên đang chờ đón!

 

8. Nơi ăn nghỉ cho khách ở xa: Vì đây là lần đầu tiên mở hội, các thành viên từ các vùng miền gần xa về dự Lễ hội đều tự nguyện tham gia, tự túc kinh phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt… coi như đây là một sinh hoạt văn hóa của một gia đình lucbat.com đầy ý nghĩa tôn vinh và thi vị. Đã vui và bổ ích tinh thần đóng góp cho cả một nền văn hóa dân tộc thì không quản ngại. Ăn tiêu bao nhiêu cũng hết, nhưng để có một Lễ hội như thế này ta gặp gỡ nhau không phải lúc nào và ai cũng tự ý làm được. Tôi nhớ lúc sinh thời cha tôi thường kể ông nội và cha tôi từng khăn gói quả mướp lặn lội đi bộ từ vùng làng đảo Hà Nam (Quảng Ninh) lên tận kinh thành Thăng Long cốt chỉ cần được xem đêm hát ca trù. Do vậy để Lễ hội thành công, đòi hỏi ai cũng phải tự giác, nhiệt tình, không quản ngại tốn kém và thương yêu, quí trọng nhau. Từ thực tiễn này, Ban Tổ chức cần liên hệ liên kết với một số cơ sở Khách sạn, nhà nghỉ… dành chỗ ăn nghỉ cho Lễ hội tập trung, tất nhiên phải có thu nhập, nhưng có giá ưu đãi gọi là ủng hộ phần nào lucbat.com. Nếu ai có khả năng tìm được "Mạnh Thường Quân" thì càng tốt.

 

9. Nên bầu ra Ban Điều hành mới cho Lucbat.com: Gồm các thành viên cũ và mới (ưu tiên lớp trẻ) có tài năng, kinh nghiệm, kỹ thuật vi tính và cả nhiệt tình, uy tín… để làm đại diện và quản lý các khâu biên tập, tuyển chọn, trình bày và quảng bá website. Đồng thời bầu Ban tuyển chọn xuất bản thơ lucbat hằng năm, cũng phải là những người có tài năng, trình độ biên tập và ngoại giao, giao tiếp. Nên mời các Nhà xuất bản tham gia Lễ hội và liên kết, kết nghĩa xuất bản. Sau đó chúng ta mới tiến tới việc chế bản Huy hiệu, hoặc Kỷ niệm chương của lucbat.com lưu niệm cho mọi thành viên.

 

Hiện nay rất nhiều việc phải làm ngay cho Lễ hội đang đến gần, rất cần sự ủng hộ và cảm thông, lượng thứ với những khó khăn của Lễ hội khởi đầu của các tác giả, các bạn yêu thơ và công chúng yêu thơ lucbat của chúng ta!

Lễ hội Thơ Lục Bát thiêng liêng đang tới gần. Cơ hội được cống hiến tâm lực cho Lễ hội lucbat lần đầu tiên đang chờ đón tất cả những người yêu thơ Lục Bát và trân trọng văn hóa Việt Nam!

DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI

Đại diện Lucbat.com tại Quảng Ninh

Blog: camphuong.blogtiengviet.net

 

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (7) (Ngày 29/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Công Thanh - Ban Mê Thuột - Địa chỉ: Ban Mê Thuột - Điện thoại: )

 

            Kính gửi: Ban biên tập lucbat.com và bạn đọc!

            Chúng tôi thấy những ý tưởng của Ban tổ chức rất hay, những ý kiến góp ý, đề xuất của các anh Nguyễn Đình Trọng, Đạt Ma (Lê Minh Đạt) rất sâu sắc, đầy sáng tạo. Điều đó chứng tỏ trang web Lucbat.com của chúng ta được chèo lái bởi những người có trách nhiệm cao và ngày càng trưởng thành. Tuy nhiên giữa ước muốn và hiện thực bao giờ cũng có khoảng cách. Muốn biến những ý tưởng thành hiện thực phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

            - Những người đứng ra thực hiện ý tưởng đó.

            - Cơ sở vật chất, thiết bị.

            - Kinh phí phục vụ.

            Con người về cơ bản chúng ta đã có. Nhưng một mình nhà thơ Đặng Vương Hưng dù là người nhiệt tình đến mấy cũng không thể lo hết được. Nhất là cơ sở vật chất và kinh phí một mình anh khó kham nổi. Trong ý kiến nhỏ này, chúng tôi chỉ góp ý về việc tạo kinh phí cho Lễ hội lục bát. Lễ hội càng hoành tráng thì kinh phí càng nhiều. Kinh phí cho Lễ hội này chủ yếu là do chúng ta vận động quyên góp. Do đó, theo chúng tôi chúng ta nên lập mục Những tấm lòng với Lễ hội lucbat.com. Ai đóng góp kinh phí cho lễ hội, chúng ta ghi danh lên trang web. Sau đó có thể gửi thư cảm ơn và tặng sách (có chữ kí của nhà thơ Đặng Vương Hưng). Lúc này là lúc đại diện vùng miền cần phát huy vài trò, trách nhiệm của mình trong việc vận động các mạnh thường quân, các hội viên và bạn đọc yêu quý thơ lục bát đóng góp kinh phí. Tuy ở Buôn Ma Thuột xa xôi nhưng chúng tôi luôn theo dõi và yêu quý trang web Lucbat.com. Chúng tôi xin đóng góp 500.000 đồng cho Lễ hội.

            Cuối cùng chúc các anh, chị phụ trách trang web mạnh khỏe; chúc Lễ hội của chúng ta thành công!

 

Nguyễn Công Thanh

36 Phan Đăng Lưu, Tân An, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Email: nguyencongthanhbmt@yahoo.com

  Làm sao để đến với Lễ hội Lục bát? (Ngày 29/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Bá Hòa - ĐH Quảng Nam - Địa chỉ: 102 Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam - Điện thoại: 0914041783)

 

     Ban Tổ chức nên giúp đỡ những người ở xa muốn đến với lễ hội Lục bát bằng cách nào?

     - Cần có 1 giấy mời trước hết là để báo cáo và xin phép với cơ quan về thời gian, thứ hai xem nó như một “hộ chiếu” để đến và gặp được người có trách nhiệm thứ ba, nếu không đi được cũng là một kỷ niệm.

 

     - Nên có nơi ở tập trung của những khách lục bát phương xa để họ giao lưu với nhau, đó cũng là mục đích chính, kinh phí thì tự lo, nhưng Ban tổ chức phải quy hoạch .

Nguyễn Bá Hòa
Điện thoại: 0914041783
Email: xbahoa@yahoo.com

 

  Nên “Đặc cách” “phong” cho Thỏ Bông Chu Phương Linh (Ngày 29/7/2009 - Gửi bởi:  Nguyễn Đình Trọng - Địa chỉ: Đại diện lucbat.com tại Tp. HCM - Điện thoại: 01233 123 789 )

       Kính gửi: Ban Biên Tập lucbat.com và Bạn đọc thân mến! 

 

       Tôi thật sự xúc động khi đọc bức thư của Thỏ Bông Chu Phương Linh – Một cháu bé mới có 9 tuổi ở thành phố Thanh Hoá đã viết rất rành rọt trong bài “Góp ý cho Lễ Hội Lục bát (6)” đăng ngày 28.7.2009. Lá thư của Thỏ Bông Chu Phương Linh nhắc nhở cho chúng ta bao điều, ít nhất cũng thấy rằng một cháu bé mới có 9 tuổi – cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà đã suy nghĩ và có tấm lòng đối với trang Web lucbat.com, thật đáng trân trọng! Trong khi đó,  nhiều tác giả đủ mọi lứa tuổi đáng bậc là anh, là cha mẹ, ông bà của cháu thì còn rất… thờ ơ với Lễ hội lucbat.com. Một điều rõ ràng rằng trải qua bao nhiêu ngày mà chỉ mới có 5 bài góp ý cho Lễ hội Luc bát của các lớp Anh Chị Cha Ông… mà thôi!  

      Rồi Thỏ Bông Chu Phương Linh lại tự trồng một cây  “Mỗi người một cây cùng gây vườn Lục Bát” nữa, dù chỉ là một cái “cây” rất bé nhưng tôi tin chắc rằng cây này sẽ mau lớn và chóng khoẻ trong rừng cây của lucbat.com. Dù chỉ với số tiền ít ỏi tích cóp lại trong số tiền mà cha mẹ đã cho cháu ăn quà vặt – chỉ là 100.000 đồng thôi mà tình cảm ấy lớn biết bao đối với một cháu bé mới chỉ có 9 tuổi!  

      Tôi  đem chuyện này kể cho đứa cháu ngoại mới lên 7 tuổi của tôi – Ngựa Con Túc Chíp đang chuẩn bị vào lớp 2. Nghe xong, cháu nói với tôi : “Ông ơi, Ông cho con trồng một cây nữa bên cạnh cây của chị Thỏ Bông, ông nhé!”. Rồi cháu hăm hở mang hũ tiền xu của cháu ra, hai ông cháu bắt đầu đếm… cho tới 100.000 đồng. Tôi thấy hào hứng thật sự khi được đếm những đồng xu nhỏ bé kêu leng keng… Rồi Ngựa Con Túc Chíp ngước lên hỏi tôi: “ Ông ơi, Ông có trồng cây không?” Tôi trả lời cháu: - Có chứ, tuổi ông gấp mười lần tuổi cháu thì cây Ông trồng cũng lớn gấp mười lần cây của cháu… Hai ông cháu vui vẻ vì đã trồng được hai cây vào “Vườn Lục bát”. 

      Nên chăng, vì cái tình cảm lớn lao mà Thỏ Bông Chu Phương Linh đã giành  cho lucbat.com, để đáp lại, lucbat.com nên “đặc cách” và “phong” cho Thỏ Bông Chu Phương Linh làm “Đại diện danh dự của lucbat.com tại thành phố Thanh Hoá”. Tôi tin chắc rằng việc làm ấy sẽ thổi bùng lên ngọn lửa đam mê Thơ Lục Bát của mọi người, trong đó có những cháu bé nhỏ tuổi như Thỏ Bông Chu Phương Linh! 

      Và, chắc chắn rằng một ngày nào đó không xa, Thỏ Bông Chu Phương Linh sẽ là cái tên nằm dưới chân trang Web lucbat.com, là đại diên chính thức của lucbat.com tại miền đất nghèo khó về của cải nhưng giàu lòng nhân ái tại mảnh đất Thanh Hoá Anh hùng, như mơ ước của Thỏ Bông Chu Phương Linh hôm nay! 

      Xin gửi lời chào trân trọng! 

 

                                      Thành phố Hồ Chí Minh, này 29.7.2009

                                      Đại diện lucbat.com tại Tp.Hồ  Chí Minh

                                             Nguyễn Đình Trọng

                                            Emai: tucchip@vnn.vn 
 

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (6) (Ngày 28/7/2009 - Gửi bởi: Thỏ Bông Chu Phương Linh - TP. Thanh Hóa - Địa chỉ: Tp.Thanh Hóa - Điện thoại: 0915772868)

 

        Sau khi đọc góp ý Lễ hội Thơ Lục bát của các tác giả Nguyễn Đình Trọng, Đạt Ma, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Ngọc Lam, Trần Hồng Giang... cháu cũng xin phép có một ý kiến đóng góp nhỏ.

        Cháu rất yêu thơ lục bát, mẹ cháu cũng biết làm thơ lục bát và thường đọc cho cháu nghe những bài thơ của Bác Hồ kính yêu, những bài thơ được in trong sách Tập đọc.

        Cháu rất thích thú khi được biết đây là Lễ hội Lục bát đầu tiên, chắc sẽ có nhiều người tham dự. Cháu hát hay, sinh hoạt ở Sao Đội viên, các năm học đều là học sinh giỏi, được nhà trường tặng nhiều giấy khen. Ở nhà ba, mẹ gọi cháu là “Thỏ Bông”, cháu mơ ước sau này lớn lên sẽ được làm đại diện cho lucbat.com tại Thanh Hóa. Các cô, các bác, các chú thật vất vả khi tổ chức lễ hội, sẽ tốn không ít công sức và kinh phí. Mẹ cháu bảo đó là trách nhiệm đối với xã hội, mang lại niềm vui cho mọi người, như thế mới là sống đẹp và có ý nghĩa.

         Cháu đã xin phép và được sự đồng ý của ba mẹ cháu. Hôm nay, cháu xin gửi đến Quỹ tổ chức lễ hội lục bát, theo sáng kiến “Mỗi người trồng một cây, cùng gây vườn lục bát”  với số tiền là: 100.000 đồng. Đây là số tiền ít ỏi, cháu để dành khi được lì xì, mẹ cháu giữ hộ cho cháu đấy.

      Cháu mong các bác, các cô chú giữ gìn sức khỏe để tổ chức lễ hội thành công rực rỡ! 

"Thỏ Bông" Chu Phương Linh
9 tuổi, HS lớp 3C, Trường tiểu học Lê Văn Tám, TP Thanh Hóa
ĐT của ba: 0915772868
Email: thobongcuame@yahoo.com

 

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (5) (Ngày 23/7/2009 - Gửi bởi: Trần Hồng Giang  - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0945.724890)

Tiếp theo những ý kiến xây dựng của mọi người, tôi cũng xin góp vào một ý nhỏ để mong cho “Lễ hội Lục Bát” của chúng ta không những có được thành công về mọi mặt mà nó còn thêm phần ý nghĩa và mang tính nhân văn, bao đồng sâu sắc hơn.

Theo ý riêng của tôi thì trong đồng bào ta còn nhiều ngưởi, nhiều nơi đang gặp những khó khăn, cụ thể như những vùng bị thiên tai bão lụt, những vủng miền đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn khó khăn, những gia đình nghèo khó gặp hoạn nạn, những hoàn cảnh số phận éo le… Vì vậy tôi thiết nghĩ, tại lễ hội này chúng ta nên có một việc làm cụ thể nào đó để có thể giúp họ một cách thiết thực nhất.

Chính vì lẽ đó nên theo thiển ý của tôi thì nhân có buổi truyền hình trực tiếp, chúng ta nên tổ chức quyên góp bằng cách thiết kế một bức thư pháp thật độc đáo (vấn đề này là nhờ vào những nhà thư pháp và thiết kế), trên bức thư pháp này sẽ được đề câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, sau đó chúng ta sẽ mời các nhà doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân tham gia đấu giá. Số tiền thu được chúng ta sẽ lập nên một quỹ (có thể gọi là “Quỹ Lục Bát cùng chia sẻ”) từ đó có thể thường xuyên giúp đỡ được từng trường hợp cụ thể một cách thật hiệu quả và có ý nghĩa lớn lao.

 

Trân trọng cùng quý vị!

 

Trần Hồng Giang
Điện thoại : 0945.724890

Email: tranhonggiangsg@gmail.com

  Mong muốn góp ý cho thơ tôi (Ngày 23/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Xuân Đạt  - Địa chỉ: Trường Đại học Giao thông Vận tải - Điện thoại: 01694833193)

Mình vừa làm 2 bài lục bát thuận nghịch muốn được đăng lên chuyên mục lục bát mỗi ngày, hoặc vui cùng bạn đọc. Rất muốn đựoc trao đổi học hỏi thêm với tất cả mọi người.

Duyên tình vội gửi
(Đọc xuôi)


Duyên tình vội gửi người ta
Đường đi nghiêng nghả thướt tha mây trời
Thương thương nhớ nhớ trao người
Ngày đêm vương vấn,khóc cười tơ duyên

Gửi vội tình duyên

(đọc ngược từ phải sang trái)

 
Ta người gửi vội tình duyên
Trời mây tha thướt ngả nghiêng đi đường
Trao người nhớ nhớ thương thương
Duyên tớ cười khóc,vấn vương đêm ngày.

Ước hẹn tình nhân
(đọc xuôi)


Trời mây đỏ nắng buông chiều
Ngây thơ cười tiếng sáo diều ngân ngân
Đây còn ước hẹn tình nhân
Mình - ta xây kết ái ân vơi đầy


Nhân tình hẹn ước

(đọc ngược)

 
Chiều buông nắng đỏ mây trời
Ngân ngân diều sáo tiếng cười thơ ngây
Nhân tình hẹn ước hẹn còn đây
Đầy vơi ân ái kết xây ta - mình

Nguyễn Xuân Đạt
Địa chỉ: lớp CĐB A đại học GTVT HN

Điện thoại: 01694833193

Email: xuanhoa_tx@yahoo.com

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (4) (Ngày 23/7/2009 - Gửi bởi: Nguyễn Ngọc Lam  - Địa chỉ: Bình Dương - Điện thoại: 0984 867217)

Kính gửi: Ban biên tập lucbat.com

 

          Đọc qua ý kiến đóng góp cho “Lễ hội thơ Lục bát”,  tôi cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Đình Trọng và ý bổ sung của ông Đạt Ma. Nhưng tôi lưu tâm đến cuộc hội thảo về thơ lục bát, mặc dù đến dự chỉ với tư cách dự thính.

          Sau đây tôi xin đóng góp hai ý kiến nhỏ.

          Thứ nhất: Ngoài quỹ “Tấm lòng với lucbat.com” thì chúng ta gây quỹ cho lễ hội, nhưng không phải chỉ với những người trong cuộc mà cả với khách tham quan. Chẳng hạn, khi xuất bản hai tập thơ “Lục bát tự chọn” và “Lục bát mỗi ngày” BBT nên in với số lượng lớn (vài ngàn bản); ngoài số tặng mỗi tác giả, cơ quan, đại biểu… thì nơi mỗi góc thơ của mỗi tác giả nên bố trí mỗi loại khoảng 30 quyển và một hòm đựng tiền. Khi khách tham quan đến mua sẽ bỏ đúng số tiền vào thùng theo định giá, nhưng nếu có nhã ý thì khách sẽ không nhận lại tiền thối hoặc khách có thể ủng hộ tùy hảo tâm. Chúng ta cần quỹ để hoạt động nên cũng đừng ngại (và cũng mang tính xã hội hóa).

          Thứ hai: Để giảm bớt khó khăn cho các tác giả ở miền Nam và miền Trung, Ban tổ chức nên bố trí một số nhà khách, lo toàn bộ cho các tác giả trong thời gian lễ hội, và chi phí bao nhiêu thì xin thông báo cụ thể để đóng góp. Đồng thời để tạo mỗi góc thơ thì mức đóng góp là bao nhiêu? Khi chúng tôi đóng góp thơ với lucbat.com nghĩa là với lòng tự nguyện vô vị lợi, do tấm lòng yêu thơ lục bát và với “cảm xúc lãng mạn” mà thôi, nên sẽ không có vấn đề gì cả.

          Trên đây tôi chỉ đề cập đến các tác giả, vì chúng tôi là “lính mới” nên rất bỡ ngỡ.

          Vài ý kiến nhỏ bổ sung cho lễ hội, mong các vị cao minh sẽ tiếp tục để lễ hội thật trang trọng và đầy màu sắc.

   

            Trân trọng kính chào!

 

                                       Nguyễn Ngọc Lam

                                       ĐT 0984 867 217

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (3) (Ngày 25/7/2009 - Gửi bởi: Trần Thanh Dũng  - Địa chỉ: Sóc Trăng  - Điện thoại:  0913133577)

                           

    Tiếp theo bài của bác Nguyễn Đình Trọng và của anh Đạt Ma- Lê Minh Đạt (xin được gọi như thế) đăng tại chuyên mục “Bạn đọc với Lucbat.com”. Tôi mạo muội xin có vài ý kiến nhỏ góp thêm:

    1. Về tên gọi “Lễ hội thơ Lục bát”

      Đề nghị giữ nguyên tên gọi này. Vì bác Trọng và anh Đạt Ma đã dùng lý lẽ mà nói rõ hết rồi. Xin miễn bàn nữa.

    2. Về nội dung lễ hội

    Theo tôi có hai phần: phần lễ và phần hội.

    Phần lễ: cũng thống nhất với anh Đạt Ma và bác Trọng. Tuy nhiên nói gì thì nói, nôm na là phải tôn vinh thể thơ lục bát- thể thơ mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt  Nam và quảng bá hình ảnh của Lucbat.com. Hơn nữa đã là” lễ” thì phải có tính hình thức; có những quy định chăt chẽ, được thực hiện nghiêm ngặt và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình diễn ra sự kiện (có khi hàng ngàn năm vẫn không thay đổi).

    Phần hội: Tùy khả năng (nhân lực, tổ chức, tài chính…) mà bố trí nội dung một cách hợp lý. Ở đây BTC có thể tham khảo gợi ý cùa anh Đạt Ma ( tôi nghĩ gợi ý xác đáng).

    3. Về khâu chuẩn bị tổ chức

    Vì đây là lễ hội mới tổ chức lần đầu, nhưng lại có tầm ảnh hưởng tư tưởng rộng rãi, nên trước hết  cần phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Có như vậy mới hợp pháp, mà hợp pháp thì Nhà nước có thể ủng hộ (cả về nhân lực và vật lực).

     Hơn nữa, vì bây giờ cho đến ngày tổ chức không còn nhiều thời gian nữa, đề nghị BTC cần  lên kế hoach ngay; và tiến hành thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho lễ hội. Có  thể có các tên gọi khác nhau (như anh Đạt Ma đã gợi ý) nhưng theo tôi có thể có các tiểu ban sau:

     Tiểu ban chuẩn bị tổ chức lễ hội (xin cấp phép, lên kế hoạch, dự thảo chương trình lễ, chương trình hội, dự kiến ban tổ chức, khách mời, vận động nhà tài trợ…);

     Tiểu ban tổ chức điều hành lễ hội;

     Tiểu ban Khánh tiết;

     Tiểu ban An ninh…

     Trên đây là ba ý kiến nhỏ Thanh Dũng xin mạo muội (vì cái lớn bác Trọng và anh Đạt Ma đã nói hết rồi). Mà đã là ý kiến thì có cái ý đúng có cái ý chưa đúng. Vậy cái nào đúng BTC ghi nhận còn cái nào chưa đúng thì xin bỏ qua cho. 

      Kính chúc quý các bác, quý các anh chị em thường trực và quý bạn đọc Lucbat.com mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc!

     Xin trân trọng.        

Trần Thanh Dũng

Email: ntthanhdung@yahoo.com

  Góp ý cho "Lễ hội Lục Bát" (2) (Ngày 21/7/2009 - Gửi bởi: Đạt Ma (Lê Minh Đạt) - Hà Nội - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 093.444.2727 )

1. Về tên gọi “Lễ hội Thơ Lục bát”

      Đề nghị không nên đổi thành "Ngày Lục Bát", mà nên giữ nguyên tên gọi này, lý do:

     - Lễ hội là “Cuộc vui tổ chức chung, có các hoạt động lễ nghi mang tính văn hóa truyền thống của dân tộc” (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt – 2007, trang 561).

     - Việt Nam mỗi năm có gần 9000 lễ hội (Thống kê của Bộ VH,TT&DL), nhưng chưa có lễ hội nào dành riêng cho Thơ Lục Bát, báu vật vô đối của dân tộc.

     - Từ “lễ hội”, trong những năm gần đây được sử dụng thường xuyên như: Lễ hội Ẩm thực, lễ hội Phố hoa, lễ hội Trái cây, lễ hội Du lịch, lễ hội Hóa trang, lễ hội Cầu ngư, lễ hội cồng chiêng…

     - Tính biểu tượng và hấp dẫn mạnh cả về tri giác, thính giác và thị giác.

     - Mọi người đều ao ước “Trẩy hội Lục bát”.

     - Khơi dậy tình cảm trong sáng đối với lễ hội trong cả nước nói chung, tình yêu đối với Lễ hội Lục Bát nói riêng.

     - Lễ hội gồm 2 phần: Phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gắn với các hoạt động tâm linh như dâng hương, rước nước, báo công… Phần Hội là nơi gắn với các hoạt động vui chơi, mọi người nhìn ngắm, giới thiệu, giao lưu, thi tài và trao giải thưởng. Ngày xưa, sự nô nức của lễ hội đến con ếch nấp trong hốc cũng phải nhao ra chiêm bái, dù rằng đây chỉ là một Hội làng:

Hội Xuân mở giữa sân đình

Gió  đưa cánh pháo rập rình đầm sen

Có  con ếch nấp bờ bên

Tưởng trăng nhảy xuống vồ lên giấy điều. (Ngô Văn Phú)

    2. Về họp báo:

    - Nên tổ chức họp báo công bố mục đích, ý  nghĩa, nội dung chương trình Lễ hội Lục Bát trước 15 ngày.

    - Nên có diễu hành bằng phương tiện giao thông (Xích lô, hội vespa cổ…), có các thiếu nữ ngồi mặc áo dài vẫy cờ Lễ hội thơ Lục Bát (Cờ nhỏ, dễ dàng cầm tay). 

 

    3. Nên tổ chức dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ

    - Gắn lễ hội với đời sống tâm linh, nét văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ không khí trang nghiêm của phần lễ và đặc trưng của lễ hội.

    - Thành phần gồm các vị đại đức, khách quý, ban tổ chức, các em nhỏ và những người yêu mến lucbat.com, người yêu thơ lục bát.

    - Vị trí Tượng đài vua Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh bên bờ hồ Gươm rất đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Tại Lễ khánh thành ngày 07 tháng 10 năm 2004, Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội), đã nói “994 năm sau ngày dời đô, vua Lý Thái Tổ được ung dung ngắm nhìn thủ đô Hà Nội và non sông gấm vóc Việt Nam. Chắc rằng người rất vui mừng trước đổi mới của đất nước, khi mà lớp lớp cháu con kế tục giữ gìn và phát huy những thành quả mà tổ tiên để lại”. (Nguồn: http://vietbao.vn/Xa-hoi/Khanh-thanh-tuong-dai-vua-Ly-Thai-To/10881552/157/)

      Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu (Nay là Bộ trưởng Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Lý Thái Tổ là người tạo dựng nền văn hiến, mà ngày nay được gọi là văn hiến Thăng Long nghìn năm tuổi. Quý danh Thăng Long đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.” (Nguồn, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam,

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30223&cn_id=10851).

     - Tại sao phải lựa chọn nơi này để Dâng Lễ Lục Bát? Vua Lý Thái Tổ nổi tiếng với Chiếu dời Đô, đã chọn Thăng Long – Hà Nội, đất “rồng cuộn, hổ ngồi”  xứng đáng là kinh đô muôn đời. Tại Hoa Lư, kinh đô cũ, hàng năm đều tổ chức Lễ hội cờ lau (Lễ hội Trường Yên), lưu truyền câu lục bát nổi tiếng:

Ai là con cháu Rồng Tiên

Tháng Ba mở hội Trường Yên thì  về!”

     Chân tâm cả nước đang hướng về Hà Nội, trái tim hồng, chào mừng sự kiện Nghìn năm Thăng Long. Hơn nữa, Lucbat.com nằm trong Ban tổ chức cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ”. Lựa chọn địa điểm này là hợp lý, hợp tình, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối được các sự kiện trong một tổng thể.  

   

    4. Cổng thơ lục bát

    “Mặt tiền” rất quan trọng, kiểu như cổng trại, có slogan, nhưng không thể lấy bóng bay ngũ sắc để làm (dễ vỡ lắm). Cũng có thể thiết kế theo kiểu cổng làng của đồng bằng Bắc Bộ… Năm nay, có thể chăng đèn - kết hoa tạo thành số 6 và số 8 cách điệu, đương nhiên không thể thiếu dòng chữ lucbat.com. Hoặc in phun màu trên vải bạt và trang trí thêm hoa cỏ, rơm vàng… nhưng phải sáng tạo và khác biệt. Nên bàn bạc kỹ với một công ty truyền thông để làm việc này. 

 

    5. Về “Góc Chân dung Lục Bát”

    - Đây là một hình thức triển lãm thơ lục bát, không thể thiếu trong lễ hội lục bát.

    - Giới trẻ (Học sinh, sinh viên, cử nhân mới tốt nghiệp… rất đông trên địa bàn Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới loại hình này. Thực tế, nhiều nơi cũng đã làm (Ở Văn Miếu, triển lãm Giảng Võ, Cung thể thao Quần Ngựa…) và đây là khu vực thu hút rất đông người tới thưởng thức, giao lưu và chụp ảnh lưu niệm.

    - Nên trung thành với kích thước “Trưng bày một panô cỡ 1m x 1,5 m, trên đó có ảnh chân dung, tóm tắt tiểu sử, tự bạch, kèm một bài thơ lục bát ngắn do tác giả tự chọn…”. Qua đó, phần nào khắc họa những khuôn mặt thơ thành danh, cây thơ độc đáo trong khu vườn lục bát.

    - Giới thiệu những tác giả trẻ là phát hiện mới của lucbat.com.

    - Về kinh phí nên để cho các tác giả tự đảm nhiệm phần chân dung này; Ban TC chỉ thống nhất quy cách và kiểm soát nội dung.

 

    6. Nên sân khấu hóa lễ hội

    - “Sân khấu hóa"  là thuật ngữ xuất phát từ Liên Xô (cũ) được dùng nhiều trong các phong trào văn hóa quần chúng. Cần chú ý để không đi vào vết xe đổ của một số chương trình lễ hội vì quá lạm dụng. Hình thức, nội dung (Hát thơ, giao lưu, trò chơi…) cần khai thác, liên kết được nét đặc sắc của thơ lục bát và quán triệt phương châm: Sâu sắc nhưng thân thiện, dễ hiểu mà không tầm thường, trang trọng nhưng mềm mại, gây thu hút - thương nhớ, mà không xa hoa - lãng phí.

    - Chuẩn bị kịch bản và tập dượt kỹ trước khi có truyền hình trực tiếp (dự kiến).

 

   7. Về kỷ lục ghi nét tại Lễ hội thơ Lục bát

    Đây cũng là lúc lucbat.com ghi thêm điểm trong mắt người hâm mộ. Cũng như uy tín và thương hiệu  được nâng lên một tầm cao rõ rệt. Do đó, cần  dự kiến và quan tâm đặc biệt ngay từ bây giờ tới những người có khả năng làm nên sự đặc biệt đó trong Lễ hội thơ Lục bát. 

 

   8. Về “Thư cảm ơn tham dự Lễ hội thơ Lục bát”.

    Tôi có đọc và theo dõi từ trước đến nay thấy tình cảm, cũng như những sáng kiến của  ông Nguyễn Đình Trọng đóng góp cho lucbat.com dù  to hay nhỏ đều rất mới, bổ ích và khả thi. Như vậy, có Thư mời tham dự cũng nên có Thư cảm ơn sau khi kết thúc lễ hội. Bài Ngày Lục Bát của ông, tôi rất thích. Xin chúc ông sức khỏe dồi dào và kính phục gọi ông là Lục bát chân nhân Nguyễn Đình Trọng. 

 

    9. Sáng kiến gây quỹ cho Lễ hội thơ Lục bát

    - Đề nghị phát động phong trào: “Mỗi người trồng một cây, cùng gây vườn lục bát” góp sức cho sự thành công trực tiếp của lễ hội lục bát. (Độc lập với quỹ Những tấm lòng với Lucbat.com, phục vụ xây dựng và phát triển trang web). Trước mắt, cá nhân tôi (Đạt Ma) xin được đóng góp 1.168.000 vào quỹ “Trồng cây gây vườn”. (Có thể sử dụng một phần quỹ này để làm “cây thơ”, các pa nô ảnh của các tác giả).

    - 68 tập thơ được dâng hương, ban phước:

   Nên chăng với mỗi tập thơ (Lục bát mỗi ngày và lục bát tự chọn) phát hành 68 bản đặc biệt (Về in ấn) được đánh số theo thứ tự từ 01 đến 68 và sẽ có 68 tác giả có mặt trong tập thơ ký tên (Về dấu ấn), có ấn chứng “Phúc Lộc Thọ”  của một vị đại đức. Đồng thời, sẽ thông tin và đấu giá ngay khi buổi họp báo công bố lễ hội thơ lục bát hoặc khi sách ra mắt. Cũng có thể đấu giá trong lễ hội, khi 68x2 tập thơ này (in ấn như các bản khác, nhưng có xác nhận của lucbat.com) nằm trong mâm lễ dâng lên vua Lý Thái Tổ khi dâng hương và báo cáo khai hội lục bát. Việc này, cũng là tạo ra những câu chuyện tâm linh, xây dựng đức tin đối với Lễ hội thơ Lục bát và cao hơn nữa là với cội nguồn thơ ca dân tộc. 

  

   10. Nên xây dựng các Tiểu ban:

    Ngoài Ban Tổ chức chỉ đạo chung, các tiểu ban này có nhiệm vụ cụ thể, “người xay thóc, người ẵm em”, góp công, góp sức để lễ hội lục bát, tuy là lần đầu được tổ chức nhưng phải cố gắng bài bản, thuần việt, sáng tạo và có tính đặc thù. Ví dụ:

    - Tiểu ban Truyền thông: Tổ chức họp báo công bố mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình lễ hội lục bát. Lập danh sách khách mời, thư mời, thư cảm ơn, sách biếu đảm bảo công tác kết nối với các vị đại biểu, khách quý trong các hoạt động của lễ hội. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trả lời, họp mặt cộng tác viên lucbat.com.

    - Tiểu ban Tài chính: Có nhiệm vụ vận động, gây quỹ, xin hỗ trợ kinh phí từ các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, những người dành tình cảm cho Lucbat.com và những đệ tử của thơ Lục bát. Phục vụ các vấn đề về hậu cần cho lễ hội. Rất khó có thể xin được kinh phí nhà nước tại thời điểm này (Khi chưa có thương hiệu, sức lan tỏa, cộng hưởng còn chưa định lượng được) và việc xã hội hóa vấn đề này cũng theo đúng hướng tinh thần Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ VH-TT nay là Bộ VH,TT&DL.

    - Tiểu ban An ninh: Trên cơ sở chương trình hoạt động của các tiểu ban, tiểu ban bảo vệ an ninh trật tự lên kế hoạch, đề nghị cơ quan chức năng phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh, giải quyết sự cố và đảm bảo giao thông quanh khu vực diễn ra lễ hội trong suốt 2 ngày.

    - Tiểu ban Văn hóa: Đề xuất địa điểm tổ chức lễ hội lục bát (Không gian sẽ góp phần quyết định kết cấu và quy mô lễ hội). Thiết kế chương trình Dâng Lễ Lục Bát tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ. Kiểm soát hình thức, nội dung các gian hàng, pa nô quảng cáo, chân dung và thơ lục bát tự chọn trưng bày, trình diễn trong lễ hội. Chú ý đến vấn đề môi trường trước, trong và sau lễ hội. Quán xuyến và chịu trách nhiệm toàn bộ kịch bản Lễ hội thơ Lục bát.

 

     Trên đây là một số ý kiến cá nhân còn rời rạc, vội vã, chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết. Rất mong sự kết nối, đóng góp ý tưởng, công sức của mỗi người để Lễ Hội Thơ Lục Bát tỏa hương từ Tình Yêu của tất cả chúng ta.

“Trăm năm trong cõi… tình trường

 Chưa yêu Lục Bát chưa tường cõi yêu!” (Đạt Ma)

                                                                  

                                 Trân trọng!

 

                                             Hà Nội, ngày ngập nước, 20/07/2009

                                                    Đạt Ma

                                                   Điện thoại: 093.444.2727

                                              

Trước tiên Trước Trang [577 ,578 ,579 ,580 ,581 ,582 ,583 ,584 ,585 ,586 ,587 ,588] Tiếp  Cuối cùng