Thứ ba, 07/05/2024,


 
  Góp ý với “Lễ hội Lục Bát” (14)  (Ngày 6/09/2009 08:38:18 AM - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng – Đại diện lucbat.com tại Tp. Hồ Chí Minh - Địa chỉ:  - Điện thoại: 01233 123 789)

 

Kính gủi Ban biên tập và Bạn đọc!

 

Chẳng còn bao lâu nữa “Lễ hội Lục Bát” lần đầu tiên sẽ khai mạc tại thủ đô Hà Nội, đã làm cho  con tim của bao người yêu thơ Lục Bát mừng vui và hy vọng. Sẽ là ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa đam mê một dòng thơ truyền thống đã có lịch sử ngàn năm của dân tộc. “Lễ hội Lục Bát” cũng tiến hành trước thềm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, càng làm cho Lễ hội mang một dáng vóc lớn lao của thời đại đồng thời cũng gánh vác một trách nhiệm hết sức  nặng nề. Cũng chính vì vậy nên chúng ta phải lên kế hoạch kỹ càng và cân nhắc mức độ kinh phí triển khai một cách tỷ mỷ và cụ thể.

 

Lucbat.com là một tổ chức quần chúng, yêu thích lưu truyền, gìn giữ và phát huy một dòng thơ Lục Bát truyền thống của dân tộc, một tổ chức phi lợi nhuận nên mức độ tài chính rất hạn chế, phần lớn dựa vào sự tài trợ của các Mạnh thường quân và những đóng góp có hạn của các tập thể, cá nhân những người tham gia. Vì vậy, để có số kinh phí tổ chức được một “Lễ Hôi” là rất lớn, ít là vài trăm triệu, nhiều là bạc tỷ trong cái thời điểm suy thoái của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam ta cũng không ngoại lệ.

 

Theo tôi, điều được coi là một Lễ hội thành công là sự nhất trí của một tập thể, là sự ủng hộ của người yêu thơ, là hoàn thành được mục tiêu và tiêu chí của lucbat.com là gìn giữ, tôn vinh, lưu tryền và quảng bá một thể thơ truyền thống của dân tộc, tổ chức một Lễ hội tôn nghiêm, trang trọng, lịch sự, đoàn kết, thống nhất và… tiết kiệm. Chúng ta còn rất nhiều lần tổ chức Lễ hội hoặc Ngày Lục Bát nữa mà làm sao cho lần sau phải lớn hơn, chất lượng hơn, rộng khắp hơn lần trước. Cho nên Ban Trù bị Lễ Hội phải điều nghiên kỹ càng, để có một chương trình Lễ hội: tôn nghiêm, trang trọng, lịch sự, đoàn kết trong khả năng tài chính của mình, để lần sau tổ chức sẽ to đẹp và kết quả mỹ mãn hơn. Hy vọng rằng một Lễ hôi Lục Bát sẽ được tổ chức thành công làm đà cho những lần sau.

 

Một tin vui đến với đông đảo tác giả và bạn đọc lucbat.com: trước ngày Lễ hội là các nhà thư pháp đã quyết định sẽ trình Lễ hội một bức thư pháp về bài thơ Lục Bát Tình của 132 tác giả đã tham gia xuất bản sách, lập quỹ cho lucbat.com. Đây là một bức thư pháp khổ rộng gần một mét với độ dài hàng chục mét thể hiện đầy đủ 10 chương thơ gồm 132 câu Lục Bát của các tác giả tham gia trong Tuyển tập Lục Bát mỗi ngày 2008 - 2009 sắp ra mắt bạn đọc vào đúng ngày khai mạc Lễ hội Lục Bát 6 tháng 8 năm Kỷ Sửu. Khi hoàn thành, đây cũng sẽ là bức thư pháp đạt một số kỷ lục đáng kể: Một bài thơ Lục Bát gồm 10 chương, mà có đến…  132 tác giả! Một bức thư pháp khổ rộng gần một mét, dài hàng chục mét  mà chỉ thực hiện trong một thời gian rất… eo hẹp trước ngày Lễ hội! Những người thực hiện đều toàn là thành viên của lucbat.com. Sau khi trình Lễ hội, bức thư pháp sẽ được bán đấu giá để gây quỹ cho lucbat.com. Điều lo ngại nhất của các nhà thư pháp là chất liệu để viết bản thư pháp là độ bền đẹp của chất liệu giấy viết bản thư pháp này và nơi cung cấp. Trước một ngày diễn ra Lễ hội, những người thực hiện mới có mặt tại Hà Nội nên rất mong các tác giả, bạn đọc hết sức giúp đỡ để bức thư pháp – tâm nguyện của nhều tác giả và bạn đọc hoàn thành đúng vào thời khắc khai mạc Lễ hội Lục Bát đầu tiên của lucbat.com.

Xin gửi lời chào trân trọng!

Nguyễn Đình Trọng

ĐT: 01233 123 789

Email: tucchip@vnn.vn

 

  Lucbat.com có nhuận bút không? (Ngày 3/09/2009 09:40:29 PM - Gửi bởi: Trần Thị Tân - Khối Quang Trung, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An  - Địa chỉ: NA - Điện thoại: 0383813150)

 

Kính gửi BBT lucbat.com

Tình cờ, em biết trang web này. Em và nhiều bạn rất thích.

Sáng nay em có gửi 2 bài thơ: "Về với Thăng Long" và "Đi tìm". Em nhờ lucbat.com gửi tới Cuộc thi thơ lục bát "Ngàn năm thương nhớ".

Nhân đây, xin BBT cho biết em muốn làm cộng tác viên cho lục bat.com được không ạ? Làm thế nào để em có thể viết bài và trở thành tác giả thường xuyên đăng bài trên lucbat.com?

Thêm nữa, nếu em gửi thơ theo chủ đề lục bát được BBT cho đăng thì em có được nhận tiền nhuận bút không ạ?

Rất mong BBT sớm hồi âm.

Em xin cảm ơn!

Trần Thị Tân

             

Lời Biên tập trực: Bạn Trần Thị Tân thân mến!

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn bạn vì đã dành tình cảm cho lucbat.com, chẳng những đã đọc mà còn muốn gửi bài cộng tác với trang web.

Lucbat.com là một website phi lợi nhuận, hoạt động trên tình thần tự nguyện, với mục đích tôn vinh Thơ Lục Bát, góp phần tôn vinh Văn hóa truyền thống Việt Nam; bởi vậy, những người thực hiện trang web này đều làm việc vì sự đam mê, mong muốn được cống hiến cho lợi ích chung của cộng đồng xã hội, không có thù lao và các tác giả viết bài cho trang web cũng không có nhuận bút. (Chúng tôi đã có "lưu ý" trong phần Liên hệ)

Nếu bạn vẫn muốn cộng tác với lucbat.com, xin đọc kỹ phần nội dung "Thư ngỏ", chúng tôi đã trình bày rõ tôn chỉ, mục đích và hướng dẫn cụ thể nội dung các chuyên mục.

Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!

LụcBát.Com

  

  "Kết nối Lục Bát" có thể trở thành một trò chơi thơ? (Ngày 1/09/2009 06:26:34 PM - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng - Đại diện lucbat.com tại TP. HCM  - Địa chỉ:  - Điện thoại: 01233 123 789)

  

 Kính gửi các tác giả và bạn đọc!

“Lục Bát Tình” là một bài thơ Lục Bát được kết nối bởi những câu thơ của hơn một trăm tác giả đã góp mặt trong Tuyển tập thơ "Lục Bát mỗi ngày 2008 – 2009". Sau khi được giới thiệu lên lucbat.com, đã có rất nhiều bạn đọc đồng cảm và ủng hộ.

 Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng “Lục Bát Tình” còn là ví dụ cho một trò chơi thú vị, xin được tạm đặt tên là "Kết nối Lục Bát". Đây là một lối chơi thơ tao nhã, hấp dẫn, đầy chất thơ, rất thích hợp với thơ Lục Bát, sẽ làm cho bạn cảm thấy thích thú khi câu thơ của mình hoà quyện với những câu thơ khác của tác giả khác để tạo nên bản hợp xướng tràn đầy màu sắc và âm thanh… Chúng tôi tin rằng rồi đây, trò chơi "Kết nối Lục Bát" này sẽ là một cách chơi thơ, một trò chơi Văn hoá, trí tuệ trong kho tàng Lễ hội dân gian Việt Nam.

Cách chơi "Kết nối Lục Bát" như sau:

Bạn có thể thay thế hai câu Lục Bát của bất cứ một tác giả nào đó trong“Lục Bát Tình”vần chân (cước vận) của câu Lục và câu Bát tương thích với vần chân hai câu Lục Bát của một bài thơ của bạn là bạn đã chính thức góp mặt vào bài thơ “Lục Bát Tình”.

Chẳng hạn ta sẽ thay thế đôi câu Lục Bát ở Chương II bài thơ “Lục Bát Tình”, trong bài (124) – Nguyễn Đức Huy – Đâu rồi bông cải ngày xưa: Thơ tình tôi viết bao nhiêu/(Viết xong lại nén cô liêu vào lòng) bằng đôi câu Lục Bát trong bài (54) – Trần Như Lộc – Tạ ơn em : Công lao em thật là nhiều/Câu thơ chưa nói hết điều anh mong  thì tác giả Trần Như Lộc đã chính thức góp mặt vào bài thơ “Lục Bát Tình”.

Trò chơi "Kết nối Lục Bát" còn có thể vận dụng vào các cuộc chơi, tổ chức các cuộc thi vui trên lucbat.com, trong các Lễ hôi dân gian để “Làm mới” các câu ca dao, làm phong phú thêm kho tàng ca dao, tục ngữ. Những cuộc thi này, bất cứ một người yêu thơ Lục Bát nào cũng có thể tham gia. Câu Lục của cuộc thi sẽ do Ban Tổ chức (BTC) ra đề, cầm “Chầu”. Thí dụ: “ Câu Chầu” của BTC lần thi này là vế Lục của câu ca dao: “Bướm vàng đậu nhánh mù u” , câu Bát cũ là: “Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn”. Người tham gia chơi sẽ đưa ra một câu Bát để thành một câu ca dao mới:

- Bướm vàng đậu nhánh mù u/ Lấy phải trộm căp đi tù mọt gông!

- Bướm vàng đậu nhánh mù u/ Thất tình em bỏ đi tu, uổng đời!

- Gió đưa cây cải về trời/ Quan tham ở lại chịu lời thị phi!

- Vân vân...

Trò chơi "Kết nối Lục Bát" có thể còn được vận dụng để nối thơ nhau. Khi bạn thấy một bài thơ Lục Bát của một tác giả nào đó có cùng tình cảm và tâm trạng với Bạn, Bạn có thể xin phép tác giả để nối đoạn thơ của mình vào (còn trong cuộc chơi thì cứ tự nhiên!). Cái hay, cái độc đáo, cái mới của Thơ Lục Bát là ở chỗ đó. Bây giờ, một bài thơ Lục Bát có thể của một tác giả, vài tác giả hoặc đến… hàng trăm tác giả như bài thơ LỤC BÁT TÌNH!

Nào, chúng ta hãy cùng thử xem...

Chúc các bạn thành công!

Nguyễn Đình Trọng

Điện thoại: 01233 123 789

Email: tucchip@vnn.vn

 

  Tôi ngộ ra một điều... (Ngày 2/09/2009 07:31:12 AM - Gửi bởi: Dương Phượng Toại - Địa chỉ: Quảng Ninh  - Điện thoại: 0982.367982)

Một ngày đầu thu, nhận được tập thơ LỤC BÁT TÌNH của bác Nguyễn Đình Trọng từ TP Hồ Chí Minh gửi ra cho tôi, tôi vô cùng xúc động và không ngờ bác lại làm được một việc ý nghĩa như thế! Quả thật, Nguyễn Đình Trọng là một Người Thơ rất tâm huyết, rất đáng khâm phục. Tôi ngộ ra một điều: Với VHNT, Nguyễn Đình Trọng không mang một khát vọng cảo thơm nào hơn là được đem nhiệt tình của mình quảng bá, cổ vũ để giữ gìn cốt cách, tinh túy của thể thơ lucbat truyền thống của dân tộc!

 

Có thể nói đây là một ngôi nhà thơ nhỏ được kiến trúc bởi 124 viên gạch đóng trong chiếc khuôn sáu - tám đẹp vuông vức. Nhưng những viên gạch này tự nó tỏa ra hương và sắc của những viên gach hồng của những nguwoif thợ dụng công! Dụng công hơn, ý nghĩa hơn, những viên gạch lại được trí tuệ giàu thẩm mỹ cùng bàn tay khéo của Người thợ Thơ Nguyễn Đình Trọng lắp ghép xây dựng nên ngôi nhà mời bè bạn ghé thăm và thưởng thức. 124 tác giả (tất nhiên không thể và bản thân họ cũng không màng đạt tới  mức đại diện cho cái hay tuyệt mỹ toàn bích của thơ lucbat cả nước) là những tác giả từ các miền đất nước đã gặp nhau trong ngôi nhà do Nguyễn Đình Trọng kiến trúc. Bài thơ đã đi theo một logic có lý, có tình trong cái tình lãng mạn, đằm sâu, lúc nhẹ nhàng như hai người yêu nhau đi dạo trên cánh đồng, lúc mau hoạt như con thuyền căng buồm gặp gió lộng, trăng thanh; lúc lại suy tư, dằn vặt và khao khát vươn lên như cánh chim được buổi đẹp trời…

 

Chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc và ai cũng tỏ ra thích thú về lối chơi thơ đặc biệt của Nguyễn Đình Trọng. Ngay trên các trang Blog tiếng Việt cũng bắt đầu có sự hưởng ứng đồng điệu theo lối chơi thơ này bằng cách các tác giả gặp bài, gặp câu tâm đắc thì sẵn sàng nối tiếp vào các câu thơ của nhau.

 

Ở quê tôi, những năm trước 1945, tại Đình Cốc cũng có hội Tao đàn từng có trò chơi ứng đối thơ, hát đối thơ, họa thơ và nối thơ. Nay thấy Nguyễn Đình Trọng xây nhà thơ cũng theo kiểu nối thơ lucbat, thật lý thú lắm thay!  Tin rằng rồi đây, nối thơ những câu thơ hay sẽ là một cách chơi thơ, một trò chơi văn hóa trong kho tàng Lễ hội dân gian Việt Nam. Xin tặng bác Trọng và các bạn:

 

Gạch hồng từ các miền quê

Trong tay bác Trọng cùng về dựng xây

 

Ngôi nhà thơ nhỏ là đây

Ngát thơm hương lúa, đong đầy tiếng chim.

 

Nhớ câu xe chỉ luồn kim

Yêu thơ lục bát ta tìm đến nhau

 

A còng lục bát nối sau

Thả thơ truyền thống bay vào thiên thu!

 

Quảng Ninh 30/8/2009

 

Dương Phượng Toại

Điện thoại: 0982.367982

Email: duongphuongtoai@gmail.com

 

 

  Như một bó hoa (Ngày 30/08/2009 11:56:58 AM - Gửi bởi: Trần Đình Thư  - Địa chỉ: 180/38 Ba Cu - Vũng Tàu - Điện thoại: )

NHƯ MỘT BÓ HOA

 

Cho ra tập LỤC BÁT TÌNH

Nhờ công Đình Trọng ta mình gặp nhau

 

Hội về muôn sắc muôn màu

Trăm hai câu LỤC BÁT giàu hồn thơ

 

Tựa như dương một ngọn cờ

Nâng câu LỤC BÁT cặp bờ vinh quang

 

Đọc rồi, nghe dạ xốn xang

Thật là vinh hạnh cho làng thơ ta

 

Tập thơ như một bó hoa

Nở từ muôn nẻo phù sa Tiên Rồng

 

Tỏa lan muôn nẻo núi sông

Đốt sôi giòng máu Lạc Hồng Nghìn năm.

 

30/8/2009.

 

Trần Đình Thư

180/38 Ba Cu - Vũng Tàu

Email: dinhthu4338@yahoo.com

 

 

  Tình trong Lục Bát  (Ngày 30/08/2009 04:30:39 PM - Gửi bởi: Nguyễn Đình Trọng  - Địa chỉ: Thành viên Nhóm Biên tập Tuyển tập Lục Bát mỗi ngày 2008 – 2009 - Điện thoại: 01233 123 789 )

       

        Kính gửi: Ban biên tập và Bạn đọc. 

        Được sự phân công của Ban biên tập xuất bản sách Lục Bát trong Nhóm biên tập Tuyển tập Lục Bát mỗi ngày 2008 – 2009, tôi vô cùng vinh dự và hạnh phúc. Hạnh phúc vì được tiếp xúc, làm quen với hơn 1.000 tác giả có thơ đăng trong Lục Bát mỗi ngày (LBMN) để chọn ra những bài thơ tiêu biểu của mỗi tác giả tham gia xuất bản sách, gây quỹ cho lucbat.com. Trong 124 bài thơ chọn vào Tuyển tập lần đầu tiên này, mỗi bài có nhiều câu Lục Bát đọc xong không dễ quên được. Thế rồi những câu thơ “Không dễ quên được” ấy được liên kết lại với nhau để thành bài thơ Lục Bát tình. Đây có lẽ là một bài thơ được liên kết bỡi những câu thơ đặc sắc và có nhiều tác giả nhất hiện nay – 124 tác giả. Còn tôi chỉ làm một việc đơn giản là ghép các câu thơ “Không dễ quên được y lại vơi nhau. 

         Hạnh phúc lớn lao nhất của một biên tập là sau khi bài thơ Lục Bát tình ra mắt bạn đọc trên lucbat.com thì đã được nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Chủ tịch Hội VHNT Bình Định), nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh (Tp. HCM), nhà thơ Phan Thành Minh (Lâm Đồng), nhà thơ Dương Phượng Toại (Quảng Ninh) và nhiều tác giả khắp mọi miền trong nước gửi thư về khuyến khích, động viên, ủng hộ và đồng cảm với Lục bát tình. 

         Để tỏ lòng cảm ơn các nhà thơ, các tác giả đã có lời động viên, ủng hộ và đồng cảm với Lục Bát tình, xin được thay mặt 124 tác giả đã góp mặt trong Lục Bát tình, xin chân thành ghi nhận những lời chúc mừng chân tình của mọi người gửi về cho bài thơ, với tình cảm trong bài: 
 

TÌNH TRONG LỤC BÁT

 

Ai xui nên LỤC BÁT TÌNH

Để cho tác giả chúng mình…

Gặp nhau!

Chỉ  là Lục Bát đôi câu

Mà  nôn nao đến nhiệm mầu…

Người ơi!

Bạn bè  từ khắp mọi nơi

Quen nhau qua một bầu trời…

Thi ca.

Để giờ ta lại gặp ta

Trong câu Lục Bát thiết tha…

Đời đời!

Gió  đưa mọi thứ… về trời

Bài thơ  ở lại nhận lời…

Cảm  ơn!

 

Tháng 8.2009

Nguyễn  Đình Trọng

ĐT: 01233 123 789

Email: tucchip@vnn.vn

 

  Góp ý với “Lễ hội Lục Bát” (13) (Ngày 28/08/2009 10:49:53 AM - Gửi bởi: Lê Đình Khang - CH Séc - Địa chỉ: Sec - Điện thoại: )

 

Kính gửi BBT và bạn đọc gần xa!

Mặc dù sống ở xa Tổ quốc, nhưng tôi cũng như nhiều người yêu thơ Lục Bát vẫn thường xuyên đọc lucbat.com. Chúng tôi rất mừng khi trang web của chúng ta ngày càng phát triển, khẳng định được vị thế của mình trong đời sống văn học hôm nay, đáp ứng lòng mong mỏi của những người yêu thơ Sáu Tám khắp thế giới.

Gần đây, tôi có theo dõi nhưng ý kiến góp ý sôi nổi cho Lễ hội Thơ Lục Bát đầu tiên. Có nhiều ý kiến tâm huyết, xây dựng cho nội dung của Lễ hội mà Ban Tổ chức đã gợi ý trong câu hỏi “Chúng ta sẽ làm gì trong Lễ hội thơ Lục Bát”?

Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là sự góp ý thì nhiều, nhưng còn ít ý kiến mang tính khả thi. Bởi đáp ứng những điều đó thì phải có nguồn kinh phí rất lớn. Tôi không hiểu Ban Tổ chức có được Nhà nước, hay Tổ chức, Doanh nghiệp nào tài trợ kinh phí hay không? Bởi nếu thực hiện đúng một chương trình hoành tráng có truyền hình trực tiếp như vậy, thì phải có kinh phí hàng tỷ Việt Nam đồng. Còn nếu tổ chức tiết kiệm, chặt chẽ nhất, thì cũng phải có hàng trăm triệu đồng… Mà trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế cả thế giới bị suy thoái, đang nêu cao tinh thần tiết kiệm, trang web của chúng ta lại mang tính phi lợi nhuận. Vì thế, tôi đề nghị Ban Tổ chức cần cân nhắc kỹ nội dung chương trình, kể cả thời gian, địa điểm diễn ra Lễ hội sao cho tiết kiệm, hiệu quả, ấn tượng với bạn đọc và người yêu thơ.

Nhân tôi, tôi xin có một sáng kiến nhỏ: Trong Lễ hội nên có những hoạt động mang tính văn hóa - xã hội - từ thiện. Ví dụ, chúng ta có thể tổ chức một cuộc quyên góp sách để ủng hộ thư viện vùng sâu, vùng xa, hoặc biên giới, hải đảo... Mỗi người khi đến Lễ hội Thơ Lục Bát hãy mang theo ít nhất một cuốn sách (mới hoặc cũ) có chữ ký, địa chỉ, điện thoại, email của người ủng hộ. Ai ủng hộ nhiều sách (hàng trăm cuốn trở lên) sẽ được Ban Tổ chức ghi danh cảm ơn công khai. Nội dung này có thể đưa vào giấy mời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hãy coi đó như một hành động tự nguyện, thay một tấm vé “văn hóa” vào cửa Lễ hội. Như vậy, chỉ cần một nghìn người tới Lễ hội, là chúng ta đã có ít nhất một nghìn cuốn sách để Ban Tổ chức trao tặng cho một thư viện nào đó ngay trong ngày diễn ra Lễ hội.

Xin kính chúc Lễ hội Thơ Lục Bát thành công!

 

                                        TS. Lê Đình Khang

(Email: ledinhkhang@gmail.com)

 

  Tâm sự với lucbat.com (Ngày 23/08/2009 08:23:55 PM - Gửi bởi: Vũ Quốc Tuý - Khu 1A, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0974.95.88.64)

 

 Sau một năm ra đời, đến nay trang website lucbat.com thực chất đã vượt qua giới hạn một sân chơi dành cho những người yêu thơ lục bát, để trở thành một tờ báo mạng mang tính chuyên đề, cũng ngang ngửa như các báo online khác. Việc Lucbat.com đã trở thành thành viên chính thức của ban tổ chức cuộc thi thơ “ngàn năm thương nhớ” đã chứng tỏ điều đó. Thực tình mà nói, một tờ truyền đơn hay tờ rơi còn mang tính tuyên truyền quảng bá, thì đối với một tờ báo, nhất là tờ báo mang đậm tính văn hoá, điều đó là hiển nhiên. Do đó,  trách nhiệm và chuyên môn của những người thực hiện phải luôn được đề cao. Việc sử dụng người làm trang website có tính sàng lọc theo thời gian căn cứ vào khả năng sáng tạo đáp ứng công việc là việc hết sức đúng đắn.

 

Lucbát.com có rất nhiều lợi thế, do đó theo tôi cũng cần phải tham gia vào các phong trào vận động như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hay “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” để nâng cao vị thế của mình. Hơn thế nữa, việc dân cư mạng ngày càng đông và ngày càng quan tâm đến “tờ báo dân lập” này (xin lỗi, tôi mạo muội gọi thế) thì các doanh nghiệp chẳng dại gì mà không tìm đến để quảng bá thương hiệu.

 

Một điều cần đặc biệt quan tâm nữa là việc quản trị phải luôn luôn được siết chặt kết hợp với hệ thống an ninh mạng. Không để lọt thông tin xấu, bởi lĩnh vực văn hoá là hết sức nhạy cảm. Cố gắng tối đa, nỗ lực hết mình ngăn chặn sự phá hoại của “tin tặc”.

 

Qua theo dõi nội dung các bài viết đã đưa lên trang lucbat.com, tôi thấy những người làm trang website này đã hết sức cẩn trọng. Để “sân chơi” sôi động hơn nữa, tôi muốn rằng sau cuộc thi thơ “Ngàn năm thương nhớ”, mỗi năm lucbat.com nên tổ chức 1 đến 2 cuộc thi thơ lục bát. Giải thưởng không cần lớn lắm, có thể chỉ nằm trong phạm vi số tiền ủng hộ của những người yêu thơ và bình chọn cho tác phẩm được giải, sau khi đã trừ đi các chi phí.

Ngày 23-8-2009

Vũ Quốc Tuý

   

  Góp ý với “Lễ hội Lục Bát” (12) (Ngày 21/08/2009 02:10:57 PM - Gửi bởi: Đạt Ma - Sơn La - Địa chỉ:  - Điện thoại: 093 444 2727)

 

Kính gửi: BBT và bạn đọc!

 

Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ tại sao trong các lễ hội có yếu tố nước ngoài, các bạn trẻ lại đồng loạt rủ nhau diện những bộ trang phục truyền thống của đất nước họ. Trong lễ hội Sakura được tổ chức mới đây ở Cung thể thao Quần Ngựa, lứa tuổi Teen mặc những bộ Kimono của Nhật, hóa trang thành những thiếu nữ, chàng trai Nhật, dạo quanh khắp lễ hội như một niềm kiêu hãnh. Rồi trong lễ hội Halloween, cùng nhau lên phố trước cả tuần lễ để lựa chọn mặt nạ, phụ kiện để xuất hiện trong đêm lễ hội, trang phục càng lạ, mặt nạ càng độc càng hấp dẫn, càng chứng tỏ sự sành điệu.

 

Trong các lễ hội ở Việt Nam, việc nam thanh – nữ tú chủ động mặc những bộ trang phục truyền thống của chúng ta như áo dài khăn đóng, áo tứ thân mớ ba mớ bảy đi chơi hội hình như không thấy?

 

Các trang phục truyền thống Việt kém hấp dẫn chăng? Hay còn có những lý do nào khác? Theo tôi biết, ngay trong các nhà trường phổ thông, các trường đại học, khi có các đợt liên hoan văn nghệ, hội diễn văn hóa – văn nghệ, trong các chương trình hầu như về phần trang phục không bao giờ thiếu tà áo dài kiêu sa, đài các “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương” (Bích Khê), cũng không thể thiếu những bộ váy áo tứ thân. Trang phục tứ thân với màu sắc tươi tắn, rực rỡ, mớ ba mớ bảy nền nếp kín đáo như tôn vinh thêm vẻ đẹp tiềm ẩn của người con gái Việt Nam. Ngày nay, bộ tứ thân do sự phát triển chung, đã được cách điệu (Tứ thân mớ ba mớ bảy, nón Ba Tầm, tứ thân tay trần…) mang lại vẻ đẹp vừa tinh tế, truyền thống nhưng không kém phần gợi cảm, hiện đại.

 

Nên chăng tới đây trong Lễ hội Lục bát, Ban Tổ chức nên có một quầy cho thuê trang phục truyền thống, tiến tới là tổ chức thi trang phục cổ truyền dân tộc... Việc này thuận tiện cho các nam thanh, nữ tú có nhu cầu khi dạo chơi trong lễ hội, ăn mặc theo lối xưa, là dấu ấn khó quên trong suốt cuộc đời. Chẳng lẽ, trang phục lễ hội phải được mặc đi từ nhà hoặc "tay xách - nách mang" tìm nơi, tìm chỗ để hóa thân thành “những người muôn năm cũ” (Vũ Đình Liên), điều này gây bất tiện và ít người có điều kiện để thực hiện, như về di chuyển là yếu tố chủ yếu, thứ đến là vị trí thay trang phục, nơi cất đồ….

 

    (Xem thêm bài Áo xưa, nếp xưa và lễ hội. Nguồn:

http://lucbat.com/home.php?lan=v&id=lbxaque&code=3012).

 

Đạt Ma

Điện thoại: 093 444 2727

Email: ghetlucbat@gmai.com

 

  Góp thêm một số câu Lục Bát (Ngày 20/08/2009 02:33:09 PM - Gửi bởi: Trần Như Lộc - 113 Nguyễn Huệ, TP. Huế - Địa chỉ: 113 Nguyễn Huệ, TP Huế - Điện thoại: 0903539036)

 

     Để góp thêm những câu thơ cho Lucbat.com theo ý tưởng tôn vinh thơ Lục Bát Việt Nam. Tôi xin gửi một số câu thơ Lục bát sau đây:

 

Lục Bát muôn thuở ca dao

Yêu quê hương quý đồng bào Việt Nam

Quê hương tình nghĩa đá vàng

Câu thơ Lục Bát huy hoàng Rồng Tiên

Lục Bát rộng khắp mọi miền

Anh hùng trung liệt, chính chuyên vợ chồng

Muôn đời rạng rỡ non sông

Vinh danh Lục Bát tơ lòng ngàn năm

Lục Bát sức sống vĩnh hằng

Câu thơ yên ngựa trăng rằm rạng soi

Lục Bát khúc hát muôn nơi

Tâm tình dân tộc đầy vơi cội nguồn

Ngọt ngào sâu lắng yêu thương

Câu Lục câu Bát vấn vương tự tình

Chèo thuyền qua đám Lục bình

Giao duyên Bát bửu chúng mình yêu nhau

Cầm tay em bước qua cầu

Vần thơ Lục Bát ngàn câu ân tình

 

Trần Như Lộc

  Xin được tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm ơn (Ngày 19/08/2009 08:28:58 PM - Gửi bởi: Trịnh Sơn - Tổ 16, đường Xí nghiệp Đá Núi Dinh, KP. Núi Dinh, P. Kim Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu - Địa chỉ: BR - Điện thoại: 0643.740491 / 0907.224572)

 

Kính gởi: Ban Biên Tập Lucbat.com

Trước hết, xin được tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm ơn Quý Anh Chị vì trang văn chương đặc sắc này. Thời bây giờ, không phải ai cũng có dũng khí và tâm hồn đẹp như vậy.

Tôi được biết đến lucbat.com từ đường link của vanvn.net. Rồi say mê, và gởi bài tham gia. Chùm thơ lục bát dự thi của tôi, đã được Quý Anh Chị biên tập và post theo số thứ tự chùm thơ dự thi số 81.

Chiều nay, tôi có gởi thêm 2 bài lục bát nữa, không dự thi, chỉ là một cách để ủng hộ và tỏ lòng mến mộ trang wep yêu thích. Anh Chị có thể biên tập lại và sử dụng theo nội dung thích hợp. Nói thiệt, tôi không biết phải gởi theo chủ đề hoặc tiêu chí sao cho đúng cách nữa. Hi hi hi.

Tôi quê mùa quá phải không? Cáo lỗi nhé.

Kính chào. Hy vọng mái nhà quê hương thêm ấm áp và thơm tho.

Kính chúc sức khỏe và thành công.

 

Bà Rịa, tháng 08/2009

TRỊNH SƠN

 

  Bác Trọng là người "làm vườn" tài hoa và đáng kính! (Ngày 20/08/2009 06:12:05 PM - Gửi bởi: Trần Thanh Dũng  - Địa chỉ: Sóc Trăng  - Điện thoại: )

           Hổm rày đi công tác, sáng nay về, lên mạng vào Lucbat.com. Thật bất ngờ, thú vị.

           Cảm ơn bác Trọng, cảm ơn anh chị em  (124 tác giả)  đã cho chúng tôi giây phút tuyệt vời này. Cũng như tác giả Phan Văn Nhớ, Nguyễn Duy Xuân… tôi  dám nghĩ ngoài cái tình, sự trân trọng… bác Trọng đúng là người tài hoa - Bác Trọng giống như ông già làm vườn (xin mạo muội thế) đáng kính cẩn trọng, chắt mót, chăm chút từng bông hoa một trong một trăm hai mươi bốn loài hoa khác nhau dệt nên một vườn hoa đầy hương sắc theo chủ đề LUC BÁT TÌNH, cho chúng tôi, anh chị em và các bạn thưởng thức.            

 

            Thật là vui sướng! Xin cảm ơn bác Trọng - Ông già làm vườn tài hoa và đáng kính!

 

Sóc Trăng, ngày 18/8/2009

Trần Thanh Dũng

Email: ntthanhdung@yahoo.com

 

Trước tiên Trước Trang [577 ,578 ,579 ,580 ,581 ,582 ,583 ,584 ,585 ,586, 587 ,588 ] Tiếp  Cuối cùng