Thứ ba, 07/05/2024,


 
  Thư từ Saint Petrersburg: Nỗi buồn để gió cuốn đi! (Ngày 12/02/2010 06:54:12 AM - Gửi bởi: Phong Linh cg - Saint Petrersburg - Địa chỉ: Saint Petrersburg - Điện thoại: )

GỬI BẠN NGUYỄN HỮU THỊNH LỜI THƯƠNG... 

(Tác giả bài viết Nỗi cô đơn nguyên vẹn giữa cuộc đời)

 

Chào bạn, tôi tên là Phong Linh cg, tên thật của tôi là Lê Thị Như Hằng sinh ngày 15/11/1981 Tại An Khang - Yên Sơn - Tuyên Quang. Hiên tôi đang sống xa quê hương, chắc là bạn cũng đã từng nghe thấy tên Saint Petrersburg hay Mátxcơva của nước Nga rất nhiều lần? Hiện tôi đang sống và làm việc tại hai nơi đó. 

Tôi đã đọc thơ của bạn ở Website lucbat.comNhững người yêu Việt Nam. Tôi cũng đọc bài viết NỖI CÔ ĐƠN NGUYÊN VẸN GIỮA CUỘC ĐỜI của bạn ở trên. Không hiểu sao khi đọc bài viết của bạn tôi đã lặng đi trong thời gian rất lâu, rồi tự dưng tôi khóc, không hiểu bởi vì đâu tôi lại khóc?... 

Giá như giờ này tôi có mặt ở Việt Nam, tôi có thể ngồi đánh máy tính giúp bạn, để bạn có thể gửi những cảm xúc của mình vào những lời tâm sự vào những bài viết..., hay chí ít gửi những dòng nhật ký của cuộc đời qua thơ. Giá như điều đó làm bạn thấy vui tôi sẵn lòng làm tất cả nếu như bạn cảm thấy được điều đó làm bạn hạnh phúc và bớt đi phần nào nỗi cô đơn trong tâm hồn của bạn... 

Nói thật lòng, tôi cũng cô đơn như bạn, ở nơi xa nhà không người thân, bạn bè để chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống, nên tôi cũng luôn cảm thấy cô đơn trống vắng. Không biết tôi có thể tồn tại sống ở thế giới này bao lâu nữa, một năm, 2 năm, 10 năm hay có thể sống lâu hơn nữa, nhưng với cuộc đời còn lại tôi xin nguyện làm một người bạn, một người bạn, chỉ là một người bạn thôi, tôi cũng giống như bạn chẳng giám ước mơ điều gì cao cả, tôi sẽ chia sẻ những nỗi cô đơn trong cuộc sống.

Tôi không hứa rằng sẽ cùng bạn đi hết quãng đời còn lại, nhưng... tôi có thể đến bên bạn trong những lúc tôi còn có thể "Còn sống trong cuộc đời là con người còn ý nghĩ đối với nhau".

Trong cuộc sống, xin bạn đừng buồn nhiều, nỗi buồn để gió cuốn đi. Đừng quá đau bởi số phận mình không được như bao người, nhưng đôi lúc mình nhìn ra thật xa còn có nhiều người họ còn có một cuộc sống, hoàn cảnh sống đáng trân trọng và nhiều khi đáng thương, bi đát hơn ta nhiều, vì vậy bạn hãy tự an ủi, động viên mình nha.

Bạn đừng dằn vặt, trăn trở về cuộc đời mình nữa, tôi cũng đã từng có tâm trạng như bạn, đã dằn vặt, trăn trở thậm chí là khóc rất nhiều, khóc thương đời mình, thương cha mẹ, dằn vặt với luơng tâm mình chưa làm được điều gì, tôi cũng chỉ mới biết viết thơ và viết truyện khoảng 3 năm trở lại đây thôi.

Tôi cũng giống như bạn không thể viết hay như những nhà thơ, những nhà văn, mà chỉ biết viết lên cảm xúc thật sự của chính mình. Do vậy, thơ và văn của tôi thường bị lặp đi lặp lại, câu kết chưa rõ ràng, chưa có bố cục chặt chẽ, nên bài thơ của tôi thành ra là một món ăn có hương sắc nhưng thiếu đi mùi vị đích thực của món ăn.

Qua đây tôi có thể làm bạn của bạn chứ? Khi về Việt Nam tôi sẽ đến thăm bạn. Bạn có thể gửi Email riêng cho tôi hay online cùng tôi chuonggio_1981@yahoo.com hoặc nick caht1 cùng tôi chuonggio_1981. Chúc bạn khoẻ và tìm được sự tự tin, vui nhiều sau khi đọc được những lời chia sẻ của tôi nha. Thân ái!  

 

PHONG LINH cg

(Saint Petrersburg)

 

  Xin đừng ai ghé Vườn Lục bát chỉ để “bẻ cành phá hoa” (Ngày 3/02/2010 04:23:45 PM - Gửi bởi: Nguyễn Thành Giang - Tam Kỳ, Quảng Nam - Địa chỉ:  - Điện thoại: 01225541886)

Kính gửi các các thi hữu và bạn đọc!

Mấy hôm nay ghé qua Lucbat.com, thấy các thi hữu thảo luận khá sôi nổi về bài “phổ thơ lục bát cho ca khúc” của tác giả Trần Mạnh Tuân. Tôi cũng xin mạo muội có đôi lời…

Trước hết, tôi nhận thấy nhà giáo Trần Mạnh Tuấn là một người rất nhiệt tình, năng nỗ, rất tâm huyết với diễn đàn thơ nhỏ này. Anh đến với Lucbat.com bằng tình yêu thật sự, bằng sự nhiệt tình thật sự. Chính anh là người "cầm chịch" cho mục Kết nối thơ và thi họa thơ hàng tuần. Và tình yêu thơ lục bát, sự nhiệt tình của Trần Mạnh Tuân đã góp một phần làm phong phú, đổi mới và sáng tạo hơn cho sân chơi của chúng ta. Nếu thi hữu nào thường xuyên dạo chơi trên diễn đàn, sẽ không khó gì để nhận ra điều ấy. Và, đó là điều đáng được thi hữu chúng ta ghi nhận

 Thứ hai, đây là diễn đàn dành cho những người YÊU THƠ LỤC BÁT, không phải diễn đàn dành riêng cho các nhà thơ chuyên nghiệp sáng tác về lục bát. Tất nhiên, một số trong thi hữu tham gia là các nhà thơ, thậm chí là các nhà thơ tên tuổi. Nhưng xin đừng đem một tiêu chí về thơ Lục Bát quá khắt khe để áp đặt cho một diễn đàn của những người yêu thơ. Như vậy, không những không có lợi gì mà xin thưa sẽ tạo nên những bất đồng không đáng có trong các thi hữu, làm giảm sức mạnh của diễn đàn chúng ta.

 Thứ ba, tôi nhận thấy rằng khu vườn Lucbat.com chúng ta hình như đang có một số "người qua đường" không muốn chăm chút, vun trồng mà chỉ với chủ ý "bẻ cành, phá hoa". Thường thì những "người qua đường" này nói rất "đao to búa lớn", bao giờ cũng cho mình là "đạt chuẩn" trong nghệ thuật, từ đó, coi sự tâm huyết, coi tình yêu thơ lục bát của các thi hữu trên diễn đàn này như cỏ rác. Đây là điều tôi buồn nhất.

 Đã tới lúc chúng ta cần có biện pháp, chung sức chung lòng để "chỉnh đốn" tình trạng này. Chúng ta đến với nhau ở diễn đàn này bằng tình yêu thơ lục bát, bằng lòng yêu thương, nhân ái. Tôi mong bạn đọc Lucbat.com "không dung túng" cho những người vào Lucbat.com chỉ với tư tưởng “bẻ cành, phá hoa”, gây mất đoàn kết, giảm uy tín của diễn đàn chúng ta. Như vậy, các thi hữu mới có niềm tin vào diễn đàn và thơ Lucbat.com mới thật sự được tôn vinh!

Nguyễn Thành Giang

(Quảng Nam)

 

  Điều quan trọng là chúng ta đang kết nối với nhau (Ngày 29/01/2010 09:42:43 PM - Gửi bởi: Thủy Hướng Dương & Langtudatma  - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0904009155)

Kính chào tác giả Hạnh Ly và bạn đọc lục bát!

Trước hết, với trách nhiệm là những biên tập trực, chúng tôi rất cảm ơn tác giả Hạnh Ly đã quan tâm, góp ý cho lucbat.com với mong muốn càng ngày càng làm cho trang thơ không còn những khiếm khuyết nữa. Nhân đây, xin có mấy lời thưa lại, để mong nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của bạn đọc gần xa.

Về lỗi chính tả trên mục Lục bát mỗi ngày:

Lucbat.com luôn khuyến khích tác giả mới, ưu tiên và đăng sớm trên trang Web đối với những bài viết sử dụng bộ gõ Unicode, kiểu chữ Tahoma, cỡ 10 (hoặc Times New Roman) như đã giới thiệu trên chuyên mục "Thư ngỏ". Việc để sai sót về lỗi chính tả trong mỗi bài thơ là do khuyết điểm biên tập, thật đáng tiếc. Chúng tôi xin nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, đôi khi (ít thôi) còn có sự cố ý "quên" của từng BTV trong trường hợp cụ thể nào đó, không sửa thơ tác giả gửi đến, kể cả vần điệu chưa chuẩn (một số ít tác giả cũng yêu cầu BT không được sửa thơ). Mục đích là để nhận sự phản hồi đánh giá và tạo sự giao lưu kết nối nhanh với bạn đọc. Chúng tôi muốn chính bạn đọc sẽ "biên tập" cho tác giả. Bởi bạn đọc bao giờ cũng là là người kiểm duyệt và thẩm định tinh tường nhất!

Về lỗi chính tả trên cửa sổ phản hồi:

Trong mục Thư ngỏ của lucbat.com đã nêu rõ: nội dung phần phản hồi của độc giả sẽ được tôn trọng tối đa, kể cả nhưng sai sót nhỏ về từ ngữ, chính tả,...

Chính điều này làm nên nét riêng, thú vị của từng phản hồi của tất cả tác giả vùng miền trong nước và nước ngoài. Đây không phải là một bài hoàn chỉnh, chỉ là những ý kiến - cảm nhận - lời bình phản hồi nhanh dưới mỗi bài viết. Những lời bình chất lượng, sẽ được sẽ được biên tập lại, sử dụng để đứng độc lập thành bài riêng.

Các tác giả và bạn đọc có ý kiến phản hồi có thể tung hứng thi hoạ với nhau một cách thoải mái, dễ dàng và đó cũng là một phần nào thể hiện tâm tính, ý thức, khả năng viết, sáng tạo, thời gian trên mạng, nhấp chuột gõ phím… của mỗi người. Lucbat.com cũng đã dành thời gian sửa chữa, biên tập, định dạng lại nhưng đôi khi người viết lại chưa hài lòng, “nghề chữ cũng lắm công phu” là vậy, nhưng chắc gì đã “mua vui cũng được một vài trống canh”?

Ví dụ ở bài hoạ "Tiệc tình yêu", Hạnh Ly cho rằng đã có lỗi chính tả: “Một tác giả có câu Nâng nâng nghiêng ngả đất trời. Theo tôi phải là Lâng lâng mới có nghĩa”. Chúng tôi cho rằng nếu bóc tách, chỉ trích dẫn 1 dòng thơ rồi nhận xét e rằng chưa thoả đáng, bạn đọc khác dễ ngộ nhận hưởng ứng khi chưa đọc toàn bộ nội dung bài hoạ thơ.

“Nâng nâng nghiêng ngả đất trời
Đê mê - đắm đuối - trao lời yêu thương”

Phải chăng, tác giả N.T.Bình (Email: tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - ĐT: 01686711077 - Hà Nội) đã cố ý đưa động từ “nâng” ngoài đời vào trong bữa tiệc thơ tình yêu? Đây là mục phản hồi nên “vui là chính” hoặc một cách để gây sự chú ý về thị giác và suy nghĩ của bạn đọc? Và đấy cũng là thêm một góc nhìn, cảm nhận riêng.

Những lỗi chính tả trong mục cửa sổ phản hồi, có giá trị ở tính thời điểm. Do đó, Lucbat.com gần như giữ nguyên các ý kiến phản hồi của các tác giả. Cách làm đó không phải là thiếu trách nhiệm, thiếu tầm, chưa có khả năng bao quát, mà trên tinh thần tôn trọng ý kiến cá nhân mỗi bạn đọc như đúng với tên gọi “Mỗi độc giả cũng là một tác giả”. Độc giả đồng tác giả đã làm nên những mảng màu sinh động và đầy hấp dẫn cho lucbat.com.

Một lần nữa xin cảm ơn ý của tác giả Hạnh Ly và các bạn đọc đã góp ý xây dựng cho lucbat.com. Chúc mừng bài thơ "Tiệc tình yêu" và sự xuất hiện lần đầu của Hạnh Ly trên Website.

Mỗi người đều có cách chơi thơ, bình thơ khác nhau do ảnh hưởng bởi vùng miền, giới tính, lứa tuổi, điều kiện, học thuật, phông văn hoá… Điều quan trọng hơn là tất cả chúng ta đang tin cậy kết nối, trao đổi ấm áp, ngọt ngào và nhân văn trong ngôi nhà lục bát. 

Hà Nội, ngày tạm dừng mưa phùn 2010

Thủy Hướng Dương & Lãng tử Đạt Ma

 

  Cẩn trọng hơn với những lỗi chính tả (Ngày 29/01/2010 04:48:50 PM - Gửi bởi: Hạnh Ly - Sở TT-TT Thái Bình - Địa chỉ: Thái Bình - Điện thoại: 0976 699 555)

Kính gửi BBT!

Trước hết xin được bày tỏ sự trân trọng trước những đóng góp tự nguyện và tâm huyết của các anh chị cho LB.c để cống hiến cho độc giả một sân chơi rất bổ ích và ý nghĩa.

Cũng rất thông cảm với các anh các chị gắn bó với Lb.c vì lòng yêu thơ và làm việc kiêm nhiệm nên không có thật nhiều thời gian rảnh rỗi.

Nhưng thiết nghĩ các anh chị đã bỏ rất nhiều công sức để tôn vinh cái hay, cái đẹp của thơ lục bát và trang trí cho Lb.c hấp dẫn cả về hình thức và nội dung, thì trong khâu duyệt bản thảo cũng nên cẩn trọng hơn với những lỗi chính tả mà có thể do sơ ý tác giả mắc phải. Khi đang thưởng thức một tứ thơ hay mà gặp phải những lỗi đó, cũng như các anh chị đã góp ý, giống như khi ăn cơm ngon mà có sạn vậy.

Lướt qua một vài bài mới đăng trong chuyên mục Lục bát mỗi ngày, xin mạnh dạn chỉ ra một vài lỗi sau: Bài “Tình quê - Người lính” của tác giả Thành Huân: “Sông quê mang nặng phù xa”. Phải là “Phù sa” mới đúng hoặc “Nắng chiều gốc dạ liêu xiêu”. Phải là “gốc rạ” mới đúng.

 Bài họa “Tiệc Tình yêu” của một tác giả có câu “Nâng nâng nghiêng ngả đất trời”. Theo tôi phải là “Lâng lâng” mới có nghĩa. Bài họa thơ “Cỏ ven sông” của Trần Đình Thư: “Cò ơi, cò nỡ hững hờ cò ơi”. Chắc tác giả muốn nói đến “cỏ” chứ không phải đến “cò”, hoặc cánh hoa mềm yếu mong nanh (mong manh)...

Là người học chuyên ngành ngôn ngữ nên có lẽ tôi hơi quá tiểu tiết, nhưng chỉ với mong muốn LB.c ngày càng hoàn thiện, đáp ứng lòng yêu mến của độc giả, kính mong các anh chị thông cảm. Trân trọng.

 

Hạnh Ly (Thái Bình)

Điện thoại: 0976 699 555

Email: hanhly9469@yahoo.com.vn

  Có nên tuỳ tiện hoặc cố ý làm hỏng vần của lục bát? (Ngày 28/01/2010 08:15:02 PM - Gửi bởi: Trần Văn Lâm - Bạch Mai, Hà Nội - Địa chỉ: Bạch Mai - Hà Nội - Điện thoại: 0168 283 8853 )

Kính thưa bạn đọc!

Sở dĩ, thơ lục bát tồn tại nhiều thế kỷ nay và được nhiều người thuộc là vì nó có vần và nhịp. Nếu bỏ cái đó, sẽ chẳng còn gì. Ta hãy xem truyện Kiều, hơn ba ngàn câu mà khó tìm thấy một câu sai luật. Hiện nay có một số người thích khác đời muốn thay đổi quy luật vần của lục bát nên đọc bài của họ ngang phè phè, chẳng khác gì nhâm nhi cỗ tiệc nhiều món ngon không nhắm bằng rượu mà bằng nước vối.

Tôi rất bất bình với nhưng ai lười suy nghĩ, tuỳ tiện hoặc cố ý làm hỏng vần của lục bát, thà họ không gọi thơ họ là lục bát còn hơn. 

Giữ gìn phát triển lục bát không phải chạy theo số tác giả, số bài, mà nên chú trọng vào chất lượng. Có hay hay không còn tuỳ theo cảm nhận của mỗi người khó phân giải. Riêng có vần hay không thì dễ phân định bởi vì có bảng quy tắc vần lục bát mà ngay trong lucbat.com cũng có đăng trong Lucbat - xưa và nay rồi.         

Không chấp nhận được các bài lục bát phá vần, đọc nó rất khó vào. Ví dụ như những bông hoa đều đẹp, nhưng nếu biết cách cằm thì nó mới tôn cái vẻ đẹp của nhau. Cả lẵng hoa bình hoa mới đẹp. Thế cho nên người ta mới sinh ra nghệ thuật cắm hoa. Nói như ai đó, cứ có ngôn từ hoa mỹ, không cần vần điệu mà vẫn hay thì như một đống gồm nhiều bông hoa đẹp như để hoa lộn xôn, sao đẹp bằng bình hoa đã cắm theo phong cách nghệ thuật được.

Theo tác giả Bùi Quốc Trung (Hà Nội, Email: buiquoctrung09@gmail.com - ĐT: 0438969572) thì: “Thơ lục bát quan trọng nhất là thanh và vần. Vần mà không ăn khớp với nhau thì chẳng khác gì ta xây nhà bằng gạch vỡ, dù có độn vữa nhiều đến mấy thì tường vẫn không chắc...Đọc nó ngang phè phè... Tôi xem thơ lục bát có hay hay không, trước hết tôi nhìn lướt cái vần, sau đó tôi đọc để tìm cái tứ, tìm hình ảnh, âm thanh, ẩn dụ...”.

Tác giả Nguyễn Đức Tuỳ (Phú Thọ, Email: ndtuy@yahoo.com.vn - ĐT: 0974131428) nêu ý kiến: “Chúng ta làm như thế không phải vì khắt khe hoặc bảo thủ mà chính là vì muốn rằng bài thơ lục bát phải có vần điệu thì mới đúng với luật gieo vần và bài thơ sẽ hay hơn. Bạn Phạm Minh Giang đã nói rất đúng rằng đã là thơ lục bát thì phải thật vần mới hay. Góp ý cho bạn thơ cũng chính là tự răn mình. Bản thân tôi nhiều khi cũng mắc lỗi thất vận nhưng đó là vì khả năng của mình có hạn, chưa thể hoàn thiện được như các nhà thơ lão thành đã làm, chứ không phải mình cho thế là đúng, là hay để rồi tiếp tục viết lách tuỳ tiện. Cảm ơn BBT và các bạn đọc đã rộng lượng cảm thông cho những lỗi đó nhưng chúng ta cũng nên tự nghiêm khắc với mình. Tôi nghĩ rằng việc giữ gìn thơ lục bát theo đúng cách gieo vần truyền thống cũng chính là gìn giữ cái tinh hoa cuả hồn thơ Việt mà ông cha đã truyền lại cho chúng ta.”

 Tôi rất ủng hộ tác giả Nguyễn Đức Tuỳ, anh Phạm Minh Giang, Bùi Quốc Trung, Lê Thanh Hà… đã có ý kiến bảo vệ lục bát chân chính có vần và nhịp. Đó mới chính là những người có tâm huyết với thơ lục bát, là người có tâm gìn giữ sự trong sáng và chuẩn mực của thơ lục bát dân tộc.

Vài dòng ngắn ngủi, tuy nhiên đấy cũng chỉ là một góc nhìn cá nhân, chắc không tránh khỏi những khiếm khuyết, rất mong bạn đọc lượng thứ nếu chưa hài lòng!

 

Trần Văn Lâm

(Bạch Mai - Hà Nội)

Email: tranlam0966@yahoo.com

ĐT: 0168 283 8853

  Khen và chê đều phải mang tính xây dựng (Ngày 25/01/2010 09:23:12 PM - Gửi bởi: Phan Văn Nhớ - Quân đoàn 4 – Bình Dương - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0165.454.4532)

Kính gửi các tác giả và bạn đọc!

Từ ngày có thêm phần “Mỗi độc giả cũng là một tác giả” trang web của chúng ta đã sôi động hắn lên. Các tác giả khi được giới thiệu thơ lên trang đều mong có nhiều người đọc, vui khi nhận được lời khen nhưng cũng buồn khi bị “chê”. Khen và chê đúng, mang tính xây dựng, với tình cảm chân thành của người yêu thơ thì dù ý kiến rất ngắn cũng đáng mừng, nó giúp người viết thêm trách nhiệm với bạn đọc, nhận ra mình rõ hơn và trưởng thành nhanh hơn.

Hầu hết các ý kiến cảm nhận, bình thơ xuất hiện dưới mục “phản hồi” trên trang lucbat.com của chúng ta thời gian qua đều là của những tác giả và người đọc đầy tâm huyết với thơ. Phản hồi xuất hiện rất nhanh, nhưng nhiều người đã đọc rất kỹ, từng câu, từng chữ và có những cảm nhận tinh tế, những khám phá, lời bình rất đắt, làm cho chính tác giả cũng phải bất ngờ cảm động, vì thấy tác phẩm của mình được trân trọng và tôn vinh.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số ý kiến phản hồi theo kiểu “khen chê lấy được”. Ví dụ như một tác giả ở Hà Giang, hầu như dưới bài thơ nào cũng cố đưa thêm một vài câu thơ của mình vào, phần nhiều là chẳng ăn nhập gì với nội dung bài viết chính. Lại có những người đọc bài nào cũng chê và phủ nhận tất cả. (Bản thân người này chưa hết xuất hiện trên trang với tư cách là tác giả, rất có là thể anh ta, hoặc chị ta chỉ biết chê người khác, chứ không hề biết làm thơ). Rõ ràng, kiểu khen chê ấy là vô trách nhiệm với bạn đọc và với cả chính mình!

Trong chặng đường chưa dài đến với thi ca, tôi đã nhận được rất nhiều lời khen, chê, góp ý xây dựng của các bậc cha chú và anh chị đi trước; của cả những bạn thơ đồng trang lứa. Khắt khe với luật thơ đã điều luôn cần phải có (với chính mình và với người) nhưng không nên quá khuôn mẫu, cứng nhắc. Khắt khe với luật thơ để bảo tồn vốn văn hóa ngàn năm của dân tộc nhưng không nên đóng kín cửa, mà cần phải mở để phát triển (tất nhiên là trong giới hạn cho phép). Khắt khe quá e rơi vào trường phái bảo thủ, triệt tiêu mất những hạt giống mới (vì sẽ chẳng ai dám đưa thơ mình ra để trình làng).

Gần đây, một tác giả được giới thiệu trong chùm lục bát tự chọn, có bài còn có chỗ chưa vần theo niêm luật. Nhìn dưới góc độ nào đó, chúng được xem là những “hạt sạn”. Vậy là, đã bị một “người đọc chuyên chê” có cớ phủ nhật sạch trơn! Tuy nhiên, theo tôi thì chính nhờ những thông điệp gửi gắm qua thơ ông mà những hạt sạn vừa nêu trong bài thơ đó đã bị mờ đi. Điều quan trọng còn lại sau mỗi bài thơ của tác giả chính là tính thuyết phục của nội dung. Đọc xong một tác phẩm, nếu chỉ thấy toàn sạn và sạn, không chút ấn tượng gì mới là điều đáng ngại. Tôi thấy tác giả đã truyền được hồn thơ, truyền được tiếng lòng của mình đến với mọi người, đó là một thành công. Như vậy, so với một tác phẩm lục bát hoàn chỉnh (cả nội dung và nghệ thuật – bao gồm cả luật thơ) thì chùm lục bát của tác giả đó phải xếp ở hàng thứ hai. Tuy còn lỗi về cách gieo vần nhưng thơ của ông vẫn đứng trên những bài lục bát có vần, có điệu mà nội dung nhạt nhẽo và rỗng tuếch, thậm chí đọc lên không nghĩ đó là thơ.

So sánh ắt khập khiễng, nhưng tôi vẫn phải nêu một ví dụ: Bài ca dao dưới đây rất nổi tiếng, không phải ở vần điệu – vì chỉ có 2 cặp câu lục bát thôi mà đã có đến 3 chỗ không vần. Nếu không nhờ nội dung của nó, không nhờ tính nghệ thuật cao thì 3/4 câu bị lạc vần như thế liệu nó có tồn tại đến tận bây giờ, để cho chúng ta ngồi khen:

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà…

 

Phan Văn Nhớ

Quân đoàn 4 – Bình Dương

Email: nguoilinh_1968@ymail.com

ĐT: 0165.454.4532

 

  Đừng quên đó là Chuyên mục Thiếu nhi! (Ngày 26/01/2010 06:33:56 PM - Gửi bởi: Nguyễn Thế Minh - Thái Thịnh - Hà Nội - Địa chỉ: Thái Thịnh II - Điện thoại: 04.35631807)

Kính gửi ban biên tập, các tác giả và bạn đọc!

Chuyên mục lục bát thiếu nhi rất có chất lượng. Nhiều bài khá hay. Tuy nhiên, tôi xin phép có vài ý kiến: Các lời bình dưới các bài thơ thiếu nhi đôi khi "người lớn quá" và viết cho người lớn đọc. Người lớn mượn diễn đàn để “chọc nhau”, quên rằng: Nếu các bé tự tìm đọc được, thì sao?  Người lớn chúng ta phải cẩn thận về những lời góp ý của mình dưới mỗi bài thơ ấy. Vì trẻ thơ sẽ đọc hết những gì chúng thấy. Ví dụ các lời bình ở dưới bài "Cổ tích loài người" của Bích Liên mail: bichlien@gmail.com- Hà Giang (Ngày 13/01/2010 10:51:01 AM):

Mẹ ru bố ngủ... Thầy ơi!

Con thì thao thức... thơ thời muốn nghe!

Gà mái nó gáy te... te...

Con lăn ra ngủ... mẹ khoe... bố cười...

Chuyện xưa, cổ tích loài người!

Mong thầy kể tiếp... HOA CƯỜI - XUÂN SANG !

Kính chúc thầy Tuân khoẻ, vui một tí nhé! Bích Liên

Lại có bài ngắn chỉ bốn câu:

Loài người đông quá viết đâu cho vừa.

Thôi thì cổ tích, chuyện xưa,

Con ngoan, mẹ đọc cũng vừa bố nghe!

Dài, nhanh ngủ, lợi đủ bề,

Thơ cho con, lợi lại về bố kia!

Hoặc ý kiến của tác giả bichlien@gmail.com - Hà Giang, ngày 12/01/2010 09:44:07 PM, Kính tặng: thầy Trần Mạnh Tuân:

Cổ tích... dài lắm thầy ơi!

Thầy mà kể nữa... loài người càng đông

Trẻ con ngày tháng ngóng trông

Đọc đi... đọc lại... mà không nhớ gì...

Nói tóm lại, nhiều tác giả, bạn đọc đã quên chuyện mục này dành cho thiếu nhi. Họ cứ vô tư phản hồi, thậm chí là lợi dụng diễn đàn để “tán dóc”, không nghĩ đến chuyện lợi bất cập hại.

Một chuyên mục thơ hay mà chắc nhiều em thiếu nhi không có điều kiện để đọc. Đối tượng chính lại không có cơ hội thưởng thức xem chừng "hơi lãng phí". Tôi chưa nghĩ ra cách nào để kết nối các em với các tác phẩm trong sáng này. Tôi chỉ chớm nghĩ tới việc xuất bản hoặc là liên kết với các trường phổ thông. Các em sau khi đọc thơ, sẽ càng thích thú hơn khi được giao lưu với tác giả, được hướng dẫn tự sáng tác. Chính các em sẽ là người lưu giữ "viên ngọc quý". Ta cần truyền tình yêu thơ Lục bát cho các em. Vì rất thích thơ thiếu nhi ở đây, nên tôi mạn phép có ý kiến như trên.

Trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Thế Minh

 

  Bài thơ trình làng của một sinh viên  (Ngày 24/01/2010 05:00:08 PM - Gửi bởi: Bùi Châu Ân - Bình Định - Địa chỉ: Bình Định - Điện thoại: )

Kính chào bạn đọc lục bát!

Mình tên là Bùi Châu Ân, hiện là sinh viên lớp VN1, ngành Việt Nam học, khoa Quản Trị Kinh Doanh Du lịch, trường CĐ Bình Định.

Mình rất thích thơ và mình đã có một "của để dành" nho nhỏ, bây giờ mình muốn đem ra "xài" nhưng chẳng biết "xài" ở đâu cả. Mình có nghe "lục bát" cũng thường hay đăng thơ lắm, nên mình mới thường xuyên đọc và theo dõi. Nay mình xin mạnh dạn trình làng một bài, gọi là món quà "tết" và mong muốn được giao lưu, kết nối trên sân chơi lục bát đầy thú vị này.

Hy vọng sẽ được đóng góp nhiều! Chúc Ban Biên tập mạnh khỏe, hạnh phúc! Chúc quý bạn đọc lucbat.com ngày càng có nhiều tác phẩm hay hơn nữa.

 

HUẾ THƯƠNG

 

Đường ra xứ Huế mộng mơ

Cưỡi mây, lùa gió, nàng thơ gõ lòng

Gửi vào bất tận nhớ mong

Nghiêng nghiêng dáng Huế, tím hồng thướt tha

 

Sông Hương sắc nước mặn mà

Hòa chuông Thiên Mụ, dệt tà áo xanh

Mái chèo khua sóng dạo quanh

Thẩn thơ lời hát, nhớ thành Huế xưa

 

Người đi nhớ mấy cho vừa

Nhớ cô gái Huế những trưa tối cùng

Anh về đất võ Quang Trung

Tháp Chăm làm bút, ngỏ cùng Huế thương.

 

Bùi Châu Ân

(SV trường CĐ Bình Định)

Email: chauanvn1@yahoo.com.vn

 

  Cựu chiến binh tuổi 80 và tâm sự Đời với Thơ (Ngày 23/01/2010 01:11:02 PM - Gửi bởi: Nguyễn Quang Huy  - Địa chỉ: Nam Định - Điện thoại: 0350 3713 210)

Kính gửi BBT lucbat.com!

Tôi là Nguyễn Quang Huy, cựu chiến binh, năm nay đã vào tuổi 80, đang sinh sống ở TT Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định rất yêu thơ và hay lên mạng đọc thơ Lục bát. Tôi rất vui mừng khi gặp gỡ trên trang Web những người yêu mến văn hoá truyền thống dân tộc, đặc biệt là nhiều bạn trẻ tham gia rất nhiệt tình, trên khắp các vùng miền tổ quốc.

Điều tưởng như giản dị đó, lại khẳng định một chân lý Thơ lục bát đã thấm sâu vào suy nghĩ mỗi người Việt, dù ở đâu, làm việc gì, trong hoàn cảnh nào.

Chính sức mạnh mang tên lục bát, đã giúp kết nối những tấm chân tình bốn phương mang đậm đà bản sắc quê hương của người Việt, tính Việt, hồn Việt.

Tôi xin gửi một bài thơ mới sáng tác tới lucbat.com như một nhịp cầu của một Cựu chiến binh “Nửa đời chinh chiến, nửa dành cho em”… Rất mong được BBT đón nhận. Xin chân thành cảm ơn!

 

ĐỜI VỚI THƠ

 

Chiều nghiêng giọt nắng cuối ngày
Nhịp cầu ta bắc, bến này ta sang
Soi chung một ánh trăng vàng
Đường đời ta bước gần sang dốc rồi

Dòng sông một nửa êm trôi
Nửa còn ấp ủ những lời yến oanh
Xuân thì một nửa sáng danh
Nửa đời chinh chiến, nửa dành cho em...

Tóc xanh đã phủ sương đêm
Trang thơ thì vẫn ru êm tình đời...

Nguyễn Quang Huy
(CCB, tuổi 80, Nam Định)

Điện thoại: 0350 3713 210

Email: thihuuquanghuy@yahoo.com.vn

  Nhân ngày mưa nhàn rỗi, bâng khuâng trò chuyện với Chị  (Ngày 22/01/2010 07:49:28 PM - Gửi bởi: Nguyễn Tất Dũng - Địa chỉ: Hưng Yên - Điện thoại: 0988 338 456)

Kính thưa quý bạn đọc lucbat.com!

Tôi cứ bị ám ảnh bởi bài thơ CHỊ (Giới thiệu trên lục bát mỗi ngày 19/01/2010) của tác giả Cao Trần Nguyên, bạn bè cứ khen hay mà tôi chưa tìm thấy... cứ phải nghĩ ngợi. Bài thơ ngắn chỉ có 10 dòng thơ, mà gói ghém được một tình ý sâu thẳm, người đọc cứ phải ngẫm ngợi, đi tìm những gì còn ẩn giấu sau từng con chữ. Bài thơ mở đầu rất lạ và thú vị:

Chị chưa chịu ra lấy chồng

Đợi người vào bắc cầu vồng mới ra

 

Yếm đào váy lĩnh kiêu sa

Tặng thơ không đọc, tặng hoa không cầm

 

Loanh quanh với mấy nong tằm

Đêm đêm ra ngắm Trăng nằm đáy sông

Tại sao phải bắc cầu vồng mới ra? Tại sao tặng thơ không đọc tặng hoa không cầm? Tại sao ngắm Trăng nằm đáy sông? Mỗi người đọc, dựa trên ngôn từ đều trả lời được, nhưng tin rằng không rõ ràng cụ thể lắm..., nhưng đều CẢM thấy rằng một cô gái con nhà quyền quý, chăn chỉ hái dâu chăn tằm dệt lụa, không ưa những chuyện viển vông, vẫn mơ ước đời mình đẹp như trăng rằm... nhưng xa xôi quá vì trăng rằm nằm ở đáy sông chứ chưa nằm trong lòng mình! Có lẽ đây là dụng công của tác giả.

Thách người tìm lá diêu bông

Em tìm được lá... Chị không chịu lời...

Chị không chịu lời vì... không xứng tầm mộng ước... "Thà rằng chẳng có cho xong/ Có bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu". Quả là một phụ nữ đẹp kiêu sa và có đức hạnh kiên định, chắc rằng chị cũng biết mai sau có người sẽ than:

Bây giờ tóc bạc da mồi

Chị về với đất… Em ngồi làm thơ.

Ừ thì, em cứ làm thơ, cứ dùng kỹ thuật điêu luyện chọn lựa ngôn từ tạo nên những câu thơ có hình ảnh sống động, có nhạc, nhạc thơ dựa trên cấu trúc ngôn từ và vần điệu của thể thơ... Gây ấn tượng không phai mờ trong lòng người đọc, em càng nổi danh... Là người CHỊ KHÔNG CHỊU LỜI... Bài thơ tình của tác giả Cao Trần Nguyên là bài thơ lạ trên sân chơi lucbat.com, thuộc dòng thơ vừa đọc nhanh, vừa đọc chậm.

Đọc nhanh thấy được tình tác giả trải lòng trên trang viết, vẻ đẹp muôn màu của hình ảnh thơ, nhạc lý thơ. Đọc chậm thấy được cái tình nồng hậu đằn sau con chữ hiện diện trên trang viết, hình như bài thơ CHỊ của tác giả Cao Trần Nguyên đã đạt tới độ phải CẢM THỤ mới hiểu được, mà cũng chưa thấu tới cái tình, cái ý nghĩa sâu thẳm tác giả dụng công gửi gắm vào bên trong bài thơ.

Nhân ngày mưa nhàn rỗi, có mấy lời tâm tình cùng tác giả và cư dân mạng lucbat.com. Có gì khiếm khuyết mong được lượng thứ. Xin cảm ơn!

 

Hưng Yên, 16h ngày Thứ sáu, 22/ 01/2010

Nguyễn Tất Dũng

Hội Địa chất Như Quỳnh Hưng Yên

Điện thoại: 0988 338 456

Email: nguyentatdungdcnq@yahoo.com.vn

 

Xem thêm bài thơ Chị của tác giả Cao Trần Nguyên

  Nếu đời không có Thị Mầu (Ngày 23/01/2010 04:19:23 PM - Gửi bởi: Trần Quang Liên - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0976 752 610 )

Kính gửi BBT!

Bài thơ Nếu đời không có Thị Màu của tác giả Nguyễn Tiến Bình đã có nhiều bạn thơ trao đổi với những góc nhìn, những cảm nhận khác nhau... nhưng vui vẻ, đầy tình thân ái và đó chính là sự kết nối thú vị trong ngôi nhà Lb.c. Song mặt tích cực và tiêu cực của Thị Mầu cũng chưa được rõ. Nếu nói như Phạm Mnh Giắng: Có những người làm thơ về Thị Màu nhưng lại chẳng hiểu gì về Thị Mầu thì chưa thỏa đáng, có phần áp đặt. Đã có biết bao bài thơ về Thị Mầu nhưng đâu đã đủ? Vì thế nên TQL vẫn muốn chia sẻ cùng bạn đọc vẻ đep, tính tích cực của nhân vật Thị Mầu một cách công bằng và khách quan trong hoàn cảnh xã hội cũ trong bài thơ vừa gửi: Nếu đời không có Thị Màu.

Rất mong BTV quan tâm. Kính chúc BBT dồi dào sức khỏe, thông tuệ để phục vụ bạn đọc được nhiều hơn nữa. Chào trân trọng.

NẾU ĐỜI KHÔNG CÓ THỊ MẦU

Nếu đời không có Thị Mầu
Lấy đâu dải yếm bắc cầu cho thơ
Vụng về một kiếp chàng Nô
Phận hèn duyên hẩm được Cô yêu chiều

Nếu đời không có Thị Mầu
Ông Hương,Thầy Lý lấy đâu cỗ làng
Lấy đâu có chỗ “gửi sang”
Váy sồi lại chứa lời quan hỡi người ?

Thị Mầu ơi, Thị Mầu ơi
Em yêu cuồng loạn cho đời phải ghen
Cả gan dám đến cửa thiền
Đi rình táo rụng, “ bắt đền” Kính Tâm

Đời sao còn lắm lỗi lầm
Để nàng tiểu Kính “trăm năm” thiệt thòi
Vì chàng Thiện Sỹ nàng ơi
Trốn vào chùa, vẫn bị người đổ oan

Số đành nặng nợ trần gian
Tâm làm việc thiện mà oan trái nhiều.
Người sao người chẳng thương yêu:
Thị Mầu nổi loạn làm điều nhân sinh

Yếm đào phơi giữa sân đình
Thị Mầu đâu chỉ mang tình lẳng lơ?

 

Trần Quang Liên

Đan Phượng - Hà Nội

Email: quanglien819304@vnn.vn

ĐT: 0976 752 610 - 04 33819 304

 

  Lời cảm tạ của tác giả “Mười con mắt nhớ” (Ngày 19/01/2010 08:26:41 AM - Gửi bởi: Phạm Minh Giắng - Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư – Thái Bình - Địa chỉ:  - Điện thoại: 036.2497559 - 0987736365)

            Các ân nhân - Thi hữu cùng Bạn đọc kính quý!

Suốt cả đời nằm trong góc cô đơn. Tôi nhận được nhiều cung bậc của tình thương: Thương hại có, thương xót có và thương mến cũng có.

Mỗi cung bậc của tình thương xuất phát từ mỗi cung bậc của xúc cảm trước một thân phận. Xúc cảm với cái thân thể tàn tạ là thương hại. Xúc cảm với nỗi cô quạnh là thương xót. Xúc cảm với sự hồn nhiên là thương mến. Những cung bậc của tình thương làm dịu đi nỗi đau đớn của thân xác. Làm bớt đi nỗi buồn cô quạnh. Làm cho vui vẻ hơn.

Tôi cảm nhận, trân trọng và hấp thụ mọi cung bậc của tình thương, để nuôi dưỡng nghị lực sống, với hy vọng phát sáng một tâm hồn. Tuyệt vời biết bao khi nghị lực sống của một tâm hồn được phát sáng, mọi người biết đến, thì thật nhiều tình thương quý dành cho.

Vậy là tập thơ MƯỜI CON MẮT NHỚ của tôi đã được xuất bản đến tay nhiều bạn đọc. Với con người nằm trong góc cô đơn như tôi, con chữ nuôi dưỡng ý nghĩa của sự sống. Hạnh phúc nào bằng tác phẩm được xuất bản thành sách đến với nhiều người.

Tôi xin ghi lòng tạc dạ tình thương quý ủng hộ giúp đỡ cho sự ra đời  MƯỜI CON MẮT NHỚ của mọi người

Giàu nghèo cho đến bé thơ

Vì thương vì quý vì thơ vì tình

Trải quá một góc riêng mình

Từ đây bày trải lòng mình muôn nơi.

Xin kính chúc các ân nhân – các thi hữu cùng quý bạn đọc năm mới an khang thịnh vượng với tình tài sự nghiệp và với THƠ LỤC BÁT.

         Thái Bình ngày 17-1-2010

           Phạm Minh Giắng

 

Trước tiên Trước Trang [577 ,578 ,579 ,580, 581 ,582 ,583 ,584 ,585 ,586 ,587 ,588 ] Tiếp  Cuối cùng