Thứ hai, 06/05/2024,


 
  Ai đang… đố kỵ với tôi? (Ngày 4/04/2010 05:18:54 PM - Gửi bởi: Trần Đình Thư - 180/38 Ba Cu, Vũng Tàu - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0909657525)

AI ĐANG… ĐỐ KỴ VỚI TÔI?

 

Người thời ông nọ bà kia

Thìa lia vườn kiểng thìa lia nhà lầu

Riêng tôi chẳng được thế đâu !

Căn nhà cấp bốn che đầu mái tôn

Lấy đâu non bộ với bồn…

Vườn hoa non bộ tôi tôn trong lòng

Ngày đêm chúng toả ánh hồng

Tháng năm lan toả thơm nồng hương hoa

Trùm lên cay đắng nhạt nhoà

 

Tuy rằng không “giấc nam kha”

Mà đầy ánh sáng đậm đà sắc hương

Vậy nên khác với thói thường

Mặc cho ai hận, ai thương mặc long

 

Trần Đình Thư

(Điện thoại nhắn tin: 0909657525)

 

Lời BT trực: Lucbat.com vừa nhận được email của tác giả Trần Đình Thư, gửi đến bài thơ có tựa đề “Vườn hoa của tôi” (khi cho đăng, chúng tôi xin phép biên tập đổi lại tít cho phù hợp với chủ đề nêu ngoài giao diện trang chủ “Ai đang… đố kỵ với tôi?”), trước khi vào nội dung bài, ông có viết thêm: “Hình như người biên tập có đố kỵ với tôi thì phải? Nhưng đã vương vào nghiệp cho nên… thỉnh thoảng cũng gửi cho bỏ nghiệp”.

Nhận thấy đây là một vấn đề tế nhị, nhiều tác giả đang quan tâm, để công khai hóa, chúng tôi đã gửi “chuyển tiếp” nguyên văn email trên cho tất cả các biên tập của trang web… Và xin khẳng định một điều: Không có biên tập nào “đố kỵ” với tác giả Trần Đình Thư cả! Và chúng tôi cũng chưa thấy tác giả hay bạn đọc nào “đố kỵ” với tài năng của ông.

Nhân đây, chúng tôi xin được nói thêm: Tác giả Trần Đình Thư tuổi đã cao, lại mắc chứng nặng tai (gọi điện không nghe được, chỉ có thể nhắn tin), nhưng rất nhiệt tình cộng tác với sân chơi lục bát. Ông là một trong những người gửi nhiều bài đến hộp thư chung; tuy nhiên, phần lớn những bài đó chỉ thích hợp với mục “Mõ làng lục bát” hoặc góc “Thi họa”.

Trung bình mỗi ngày, BBT lucbat.com thường nhận được vài chục email, trong đó có hàng chục sáng tác mới. Chỉ có 03 bài được chọn, biên tập và sử dụng cho “Lục bát mỗi ngày”, nên phần lớn các tác giả đều phải “xếp hàng” chờ đến lượt. (Đáp ứng yêu cầu giới thiệu sáng tác mới của một số tác tác giả, chúng tôi đã mở thêm sân chơi "Lục bát thiếu nhi", “Tứ tuyệt thi hoạ” và tăng cường cho hiển thị thơ ở phần “phản hồi”). Với các tác giả gửi bản thảo cho các chuyên mục khác: Lục bát xưa và nay, Sự kiện – Nhân vật, Những bài lục bát tôi yêu, Lục bát xa quê… hầu hết đều được chúng tôi cố gắng biên tập và đưa lên trang, chưa bỏ sót một bài có chất lượng nào.

Trân trọng.

LucBat.Com

  Cảm ơn Lục bát Quê nhà (Ngày 2/04/2010 04:30:47 PM - Gửi bởi: Lê Hoai Nam - Moghillev Belarus - Địa chỉ: Moghillev Bêlrus - Điện thoại: 375222441563)

Tôi vào lucbat chấm com

Là như về với sớm hôm quê nhà

Đây rồi Khế ngọt -Tương cà

Đây lời ru của ông bà khi xưa

Đây rồi cơn Nắng- giọt Mưa....

Lời hay ý đẹp đong đưa giữa ngày

Mở lòng tôi uống mê say

Hai mươi năm lẻ đất người - giờ đây

Bây giờ không Rượu mà say

Bây giờ tiếng Việt ngày ngày tôi ca

Cảm ơn Lục bát Quê nhà

Chấm com là bạn mà ta say tình!

 

Lê Hoài Nam

 

  Gia nhu Lucbat.com co san bo go tieng Viet (Ngày 29/03/2010 08:16:00 AM - Gửi bởi: Le Hoai Nam - Moghilov, Belarus - Địa chỉ:  - Điện thoại: 375222441563)

VOI

 

Toi ve ben ben song que

Voi doi Dua lua loi the khi xua

Voi thoi thich tam duoi mua

Vang trang xe nua dong dua con do

Voi yeu thuong voi hen ho

Voi ghen tuong voi noi lo dai kho

Voi khat khao voi doi cho

Voi tin yeu voi mot thoi dam say

Voi Trau chin voi buong Cau

De roi ngo ngan lac nhau giua chieu.

 

Toi mong muon gia nhu lucbat.com lap san bo go tieng Viet cho muc gop y nhu web cua nha van Xuan Duc thi hay biet may (vi ca toi va nhieu nguoi nua deu dang vuong mac ve van de nay) Co vai loi mao muoi mong lucbat.com xem xet cho!

 

Le Hoai Nam

 

  Tất cả đều chung niềm vui khám phá (Ngày 27/03/2010 05:11:54 PM - Gửi bởi: Hương Chi - Địa chỉ: TP. HCM - Điện thoại: )

Bạn đọc lucbat.com thân qúy!

Bài lục bát hình chiếc ly của tác giả Nhật Chiêu là một trong rất nhiều bài thơ viết trong cảm thức tâm linh. Thói quen đọc và khả năng hiểu là hai thứ rất khác nhau. Người hiểu thì khiêm cung trong cảm nhận, người không hiểu thì sẵn sàng khai tử cả tác giả lẫn bài thơ. Nếu đã khai tử thì hẳn không còn gì để nói. Có đôi lời trao đổi, tôi nghĩ nhiều bạn đọc sẽ cảm nhận rõ hơn tinh thần bài thơ. Một tác phẩm có những cách đọc, cách hiểu khác nhau, nhưng điều quan trọng là mỗi người đều đến với thơ, dù đến từ nẻo đường nào, phương trời nào thì điểm chung dễ nhận biết: Chúng ta đều là những tín đồ yêu thơ lục bát chân thành.

 

TẤT CẢ ĐỀU CHUNG NIỀM VUI KHÁM PHÁ

(Trao đổi về bài thơ “Tháp Chàm” của Nhật Chiêu)

 

Tháp Chàm

  

Tháp Chàm dựng dốc điêu linh

Ngàn năm còn lại mấy bình hư vô

Yoni chẳng gợn nước hồ

Linga chẳng cắm vô bờ rêu câm

Lửa thiêng giờ lạnh âm âm

Bò thiêng đã lạc vào tăm tích nào

Chào nhau

Cát bụi

Chào nhau! 

 

Nhật Chiêu

 ĐH KHXH & NV TP.HCM

090 811 1945

 

Trước hết, đây là bài thơ có màu sắc tâm linh. Thứ hai, đây là bài thơ viết về một phế tích qua lăng kính thơ ca (tức là đã được cách điệu, biến hóa trong hình tượng). Thứ ba, đây là bài thơ của một người cả đời nghiên cứu văn hóa văn học phương Đông, trong đó có văn hóa triết học Ấn Độ. Thứ tư, đây là bài thơ dành cho những người sành sỏi trong cuộc chơi văn chương, sành sỏi trong sáng tạo và cảm nhận. Vậy thì:

- Một bài thơ có màu sắc tâm linh ắt sẽ đòi hỏi người đọc một tâm thế tương tự. Tâm linh ở đây là sự phản chiếu của tinh thần Ấn Độ giáo và tín ngưỡng xa xưa của người Chăm.

Một bài thơ có không khí tâm linh đòi hỏi người đọc tiếp nhận bằng cả cảm giác lẫn trực giác, chưa kể đòi hỏi một mặt bằng tri thức nhất định để có thể cảm hiểu. Người không thấu đáo về truyền thống tâm linh sao có thể nói về ấn tượng tâm linh trong thơ ca, trong văn học? Người không biết rõ điển cố điển tích sao có thể chất vấn vu vơ về sự đa nghĩa của một bài thơ cổ điển? Người ta khó lòng thấm thía thơ Rabindranath Tagore nếu không biết nhiều về trào lưu Bakhti Yoga (sùng ái) của Ấn Độ trung đại. Người ta cũng sẽ vất vả để cảm nhận những bài thơ “nghịch dị” mà bao la tư tưởng của Tuệ Trung thượng sĩ nếu chỉ “nghe nói” về bản lĩnh thiền tông đời Trần…

Nếu đã thông thạo kinh sách, chắc nhiều bạn sẽ hiểu.

- Bài thơ viết về một phế tích ở Phú Hải (tức Phố Hời), Phan Thiết. Trên thực tế, tháp Chàm mà tác giả nói đến là cụm Ba Tháp, được xây dựng từ thế kỷ thứ IX. Du khách có thể thấy ngay bảng hướng dẫn bằng tiếng Việt:

“Tháp A thờ sinh thực khí Linga-Yoni

– Tháp B thờ thần bò Namdin

– Tháp C thờ thần lửa”.

Cho nên, những thông tin sơ đẳng (bò thiêng, lửa) trong bài thơ không có gì khó hiểu, nếu đã từng du ngoạn đến di tích cổ này.

- Tác giả bài thơ không hề xa lạ với văn hóa Ấn Độ. Nhật Chiêu là tác giả của hàng chục đầu sách về văn hóa văn học phương Đông. Ở bài thơ này, ông đã viết về một bức tranh thiên nhiên trong sự nghiền ngẫm cả đời về tâm linh Ấn Độ. Đó là lời thơ của một tâm hồn nhuần nhuyễn trong việc làm sống dậy những truyền thống văn hóa lớn.

- Bài thơ này dành cho những người sành sỏi trong sáng tạo và thưởng thức văn học. Nó không nhất thiết phải được ca ngợi hết lời, nhưng nó cũng không nhất thiết được đọc một cách “khổ sở” của một số ít độc giả chưa quen thuộc với thế giới văn chương chuyên nghiệp.

Cái đẹp một thời trở thành phế tích là chủ đề không có gì lạ trong thơ ca phương Đông. Hoàng Hạc lâu là một ví dụ. Đối với Nhật Chiêu, riêng cụm Ba Tháp tạo cho ông nhiều cảm xúc nên ông chọn nó làm đề tài. Yoni và linga là hai hình ảnh có ở tại cụm tháp. Thực tế, linga được thiết kế cắm vào hồ Yoni (là một cái hồ vuông, có khe hở, tuy nhiên hiện nay không còn nước). Đó là biểu tượng giao hoan. Hình ảnh “không gợn nước hồ”, “vô bờ rêu câm” là những thi ảnh đi giữa hai thế giới thực và ảo. Thực nằm ở phía chứng tích hoang tàn (theo đúng những gì có trong thực tế, nước hồ cạn), ảo là cảm giác về một huyền thoại đã mất hút trong thời gian và không gian, là sức gợi của quá khứ đối với những tâm hồn mong manh hiện tại.

Cái hoang vu lạnh lẽo ấy ngầm nói đến cái thiếu vắng của cuộc giao hoan xưa cũ, ngầm nói đến một cái gì rất sung mãn, tràn trề đã mãi mãi mất đi. “Nước” trong bài thơ này là một thi ảnh rất gợi, không chỉ là một sự miêu tả tinh tế mà còn là bước học hỏi nhiều thi tài ngày trước (như Hồ Xuân Hương nói “giọt nước hữu tình rơi lõm bõm”, như Nguyễn Du tinh diệu trong “màu hồ đã mất đi rồi”… Hồ nước nguyên sơ, hồ nước hữu tình hay thứ hồ niêm phong tiết trinh? Thế nào cũng hay cả).

Hai hình ảnh “bò thiêng” và “lửa” một lần nữa làm nên cuộc chơi thực - ảo của tác giả. Con bò trong ảo ảnh của tôn giáo, ngọn lửa trong tín ngưỡng xa xưa, cũng là biểu tượng cho sự sống vĩnh cửu, đã biệt tăm trong phế tích. Con mắt nhà thơ đang nhìn vào đâu? Ông không nhìn vào cụm tháp như một du khách. Ông nhìn bằng sự nên thơ của triết học và tâm linh.

Cuối cùng, phế tích là cát bụi, thân ta cũng là cát bụi, ta chào phế tích chẳng phải là cát bụi chào cát bụi hay sao? Chẳng phải vô thường đang gặp vô thường hay sao? Trong thế giới sáng tác văn chương chuyên nghiệp, chuyện chính tả không phải là cái đáng bàn. Chữ Chàm viết hoa là một địa danh. Nhưng chữ “chàm” không viết hoa là một ám gợi về mọi “chứng tích hoang phế” của đời. Điều đó chưa bao giờ là một thách thức khó hiểu đối với người đọc chuyên nghiệp.

Cho nên, “nghề chơi cũng lắm công phu”. Dù là đọc cũng phải dụng công, khổ công để đọc cho thấu. Số phận của một bài thơ phụ thuộc vào người đọc nó, giết nó đi hay để nó được tỏa sáng. Ngày xưa, Lê Quí Đôn từng chia sẻ: “Văn chương là của công thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được, chứ không nên chê mắng”. Bậc thượng trí lão luyện đến thế mà còn không dám chê mắng thi thư… Một tác phẩm có những cách đọc khác nhau, miễn là tất cả đều chung niềm vui khám phá.

 

Hương Chi

(TP. HCM)

Email: tlekcu@gmail.com

  Trang thơ lục bát thấm đẫm hồn non nước (Ngày 27/03/2010 04:33:50 PM - Gửi bởi: Trần Thị Lợi - Hà Nội - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0436361339)

Kính gửi BBT và bạn đọc yêu thơ lục bát!

Trước hết tôi xin cảm ơn các anh chị trong Ban biên tập đã tạo sân chơi đầy ý nghĩa cho những người yêu thơ lục bát trong đó có tôi, một người yêu thơ đến muộn. Sau đây tôi xin gửi tặng qúy bạn đọc lucbat.com bài thơ ngắn, là tình cảm chân thành của tôi dành cho trang web rất đỗi thân thương, thú vị và ấm áp tình thơ.

 

TRĂNG THƠ

Mở trang Lục bát chấm com
Như bừng sáng cả một chòm sao Khuê

Như hồn non nước gọi về
Cây đa, bến nước, đồng quê, cánh cò

Nghĩa tình vương vấn hẹn hò
Dòng sông thao thiết, con đò mộng mơ

Bén duyên Lục Bát đợi chờ
Đung đưa cành trúc, trăng thơ chín vàng.

 

Trần Thị Lợi

118 Yên Lạc, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội

ĐT: 0436361339; Email: coloiha@yahoo.com.vn

 

  Một bạn thơ thao thiết muốn tham gia cùng lucbat.com. (Ngày 25/03/2010 08:03:58 PM - Gửi bởi: Hoàng Linh Lan - 315 chung cư Kim Sơn, 118/24, đường Trục, KDC Bình Hòa, P13, Q Bình Thạnh, TP.HCM - Địa chỉ:  - Điện thoại: 08.54450689- 0908622537)

 

Kính nhờ BBT đưa bài thơ "Nhà" này lên trang của Lucbat.com nha.

Xin thành thật cảm ơn và kính chúc gia đình Lục Bát vạn sự như ý!

Một bạn thơ thao thiết muốn tham gia cùng lucbat.com.

 

NHÀ

 

Nhà Chùa đi trước nhà thơ

Nhà văn, nhà giáo, nhà thờ, nhà sư

Nhà vua nay đã tạ từ

Âm ba vang vọng nghe nhừ lỗ tai

Nghiệp tằm chỉ nhấm lay ray

Gạo tiền cạn kiệt, chữ đầy cả kho

Bất ngờ nhắc đến lại lo

Trời ơi! Đất hỡi thân cò ốm tong…

 

Kính bút

SG, 02.03.2010

Hoàng Linh Lan

 

  Làm thơ Lục bát và biên tập thơ Lục bát đều rất khó! (Ngày 9/03/2010 12:23:46 PM - Gửi bởi: Hoàng Xuân Khánh - Tạp chí Cảnh sát nhân dân  - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0912048810)

Trong bài: “Chia sẻ cùng Lucbat.com” của bạn Hoàng Bao đăng trên mục “Bạn đọc…” thấy có đoạn: "Nhưng nhà thơ cũng viết: Hô thầu tát cạn Hậu Giang/ Mò được guốc, giúp ta sang Cái Vồn... Xin lỗi tác giả, thơ lục bát thì câu tám chữ, ở chữ thứ hai tối kỵ dùng vần trắc; thật tiếc, giá như nữ sĩ viết: Mò cho em guốc, em sang Cái Vồn, có thể câu thơ còn làm mềm lòng chàng công tử Bạc Liêu hơn nữa"...

Tôi đọc lại bài “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu thì thấy ông viết:

"Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non..."

Nếu như vậy thì nhà thơ Tố Hữu dùng luật bằng, trắc có gì đó chưa chuẩn chăng?

Tôi cung cấp thông tin này cũng chỉ muốn chia sẻ cùng các tác giả và bạn đọc lucbat.com để thấy rằng: Làm thơ lục bát tưởng là dễ, nhưng rất khó, việc biên tập thơ lục bát còn khó hơn.

Trân trọng.

Hoàng Xuân Khánh

 

  Kính gửi tác giả bài "Chia sẻ cùng lucbat.com" (Ngày 8/03/2010 09:27:08 AM - Gửi bởi: Nguyễn Thanh Như - Địa chỉ: Phường 7, TP Cà Mau - Điện thoại: 01293494845)

           Tôi đọc bài "Chia sẻ cùng lucbat.com" của tác giả Hoàng Bao. Tôi rất tâm đắc với những góp ý của tác giả. Tuy nhiên tôi còn một chút bâng khuâng xin chia sẻ cùng tác giả. Tôi xin trích dẫn câu thơ sau:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười...

 

Cụ Nguyễn Du đã dùng vần trắc ở chữ thứ hai câu sáu. Như vậy cụ Nguyễn Du có làm trái luật không?

Nguyễn Thanh Như

(Cà Mau)

  Chia sẻ cùng lucbat.com (Ngày 7/03/2010 09:22:02 PM - Gửi bởi: Hoàng Bao - Địa chỉ: Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh - Điện thoại: 0241.3824413)

Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh của chúng tôi được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép xuất bản định kỳ 2 tháng/số; mỗi số 50 trang. Tạp chí đã được cấp mã hiệu quốc tế về báo chí (ISSN 1859 - 1051). Ngoài mục chính là thông tin các thành tựu về khoa học và công nghệ, chúng tôi để khoảng 10 trang cho Khoa học xã hội và Nhân văn. Ban Biên tập chủ yếu là kiêm nhiệm. Một trong những tác giả thường xuyên gửi bài cho chúng tôi là nhà thơ Nguyễn Văn Chương. Ông là một thày giáo về hưu, viết về việc gì thì rút ruột để viết nên biên tập thơ ông phải rất cẩn thận. Tôi nhớ có lần anh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh (trước đây là học sinh của tôi ở Đại học) có nói với tôi là bác Chương đang làm ầm lên vì báo Bắc Ninh chữa một từ trong thơ Tết của ông và nhờ tôi nói hộ để ông "tha" cho. Cách đây không lâu, ông gửi cho tôi bài "Mộng mơ cho nhẹ cõi hồn" bình bài thơ "Qua phà Sông Hậu" của Nguyễn Thị Mai. Chúng tôi đã đăng trong số 3/2009 và được rất nhiều bạn đọc hoan nghênh. Bài thơ như sau:

Qua phà Sông Hậu

 

Quá giang còn một chuyến phà

Đã tàu về trễ lại xa lộ trình

Lại mưa khuya bất thình lình

Lại đêm mất điện, lại mình.. guốc rơi

Chân không, gọt lạnh mưa trời

Tự nhiên thầm ước gặp người Bạc Liêu

Mỹ nhân nghiêng nước Ninh Kiều

Người không tiếc bạc mà chiều hồng nhan

Hô thầu tát cạn Hậu Giang

Mò được guốc, giúp ta sang Cái Vồn

Mộng mơ cho nhẹ cõi hồn

Để qua nước thẳm sóng cồn mà đi.

 

Nguyễn Thị Mai

 

Bình bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Văn Chương khen thơ Nguyễn Thị Mai có tứ đẹp, khám phá bất ngờ, cảm động và giàu nữ tính. Thơ phát triển logic, rất tự nhiên và tài tình. Cả lãng mạn nữa... Nhưng nhà thơ cũng viết: ... "Hô thầu tát cạn Hậu Giang/Mò được guốc, giúp ta sang Cái Vồn... Xin lỗi tác giả, thơ lục bát thì câu tám chữ, ở chữ thứ hai tối kỵ dùng vần trắc; thật tiếc, giá như nữ sĩ viết: Mò cho em guốc, em sang Cái Vồn, có thể câu thơ còn làm mềm lòng chàng công tử Bạc Liêu hơn nữa"... Tôi cung cấp thông tin này cũng chỉ muốn chia sẻ cùng lucbat.com việc biên tập thơ lục bát rất khó vì viết Thơ lục bát rất khó và cần trình độ mới làm thơ lục bát được.

 

Hoàng Bao

Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh

ĐT: 0241.3824413 Email: hoangbaokhcnbn@gmail.com

 

  Cốt cách cây mai (Ngày 26/02/2010 05:38:10 PM - Gửi bởi: Nguyễn Đức Trường - Địa chỉ: 47/459 Bạch Mai, Hà Nội - Điện thoại: )

 

       Dịp Tết vừa rồi, các thi hữu trong lục bat com ngâm ngợi thưởng thức thơ xuân, ngắm hoa xuân, bình thơ rôm rả. Các loại hoa đào, mai, lan, tường vi, quỳnh… được mọi người ngợi ca, bàn luận sôi nổi.

       Tôi cũng xin có mấy ý kiến vừa là của mình, có tham khảo một số ý kiến khác, mong mang đến các thi hữu một cách cảm nhận về hoa mai của tôi.

       Đối với người dân phương Nam, Ngày Tết, trong mỗi gia đình dù giàu hay nghèo đều cố gắng có một chậu hoa Mai để cầu mong năm mời được nhiều may mắn, thuận lợi. Cây Mai là giống cây lâu năm, thân gốc không quá to, rễ lồi lõm, da xù xì nhưng cành, nhánh mềm mại, tán lá màu xanh tươi, hoa màu vàng rực rỡ lại trổ được dài ngày.
        Vào mùa Đông, Mai lại tự rụng lá để rồi trổ hoa vào mùa Xuân. Do nắm bắt được quy trình nên người ta thường lảy lá vào những ngày giáp Tết để hoa trổ đúng vào Mồng một. Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào dịp gần rằm tháng Chạp, người ta phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.
         Hoa Mai là một loài hoa quý đứng đầu trong bộ tứ quý Mai, Lan, Cúc, Trúc. Thân gốc tuy cứng cỏi, xù xì, cổ kính nhưng vẫn mang dáng vẻ quý phái và thanh khiết. Dáng của Mai kiểng thường là: Dáng trực, hơi nghiêng, nghiêng, nửa thác đổ và thác đổ.
Bộ tranh bốn bức, cùng treo với nhau, thường vẽ các cảnh câu , ca nhạc, đốn củi, cày ruộng, đọc sách hoặc xuân, hạ, thu, đông.
                     Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch
                     Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ
                     Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc
                     Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi

         Như các vần thơ trên, mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng). Mỗi loài hoa, loài cây lại tương ứng với một loài chim. Vẽ hoa ấy phải đi với chim ấy mới là đúng quy tắc, đúng luật. Như vẽ hoa mai phải vẽ với chim khổng tước (mai/điểu), hoa hồng với chim công (hồng/công), hoa cúc với gà (kê/cúc), cây thông với chim hạc (tùng/hạc) v.v...

       Tranh vẽ bốn mùa trong năm, bốn loại cây được chọn làm biểu trưng cho từng mùa. Tranh tứ quý gồm bốn bức, loại tranh hình chữ nhật dài, nền giấy hoặc lụa, trên dưới có trục. Thường khi treo phải treo cả bộ đặt theo thứ tự: xuân, hạ, thu, đông hoặc từng đôi đối xứng nhau. Tranh tứ quý Trung Hoa thường vẽ mùa xuân là hoa mai, mùa hạ hoa hồng, mùa thu hoa cúc, mùa đông cây tùng và mỗi tranh đều có đề thơ. Tranh tứ quý Việt Nam cũng vẽ tương tự tranh tứ quý Trung Hoa nhưng đôi khi hoa hồng được thay bằng sen hoặc lan, còn cây tùng được thay bằng cây trúc.
           Hoa Mai có màu vàng, màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang. Tại Việt Nam màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành - Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt.
         Người xưa cho rằng cây Mai có được sức thu hút mạnh đối với mọi người là do nó mang được hình ảnh của 3 loại cây đẹp: Mai, Tùng, Trúc. Ba giống cây tượng trưng cho đức tính của người Quân tử nên từ xưa đến nay ai cũng yêu thích ưa chuộng.
         Qua cây Mai ta có thể hình dung ra dáng vẻ của Tùng, Trúc vì Mai có cái ẻo lả, thanh tú của Trúc và vẻ uy nghi cứng cỏi của Tùng. Và người xưa còn xem cây Mai tượng trưng cho tiết tháo trong sạch, nhân cách thanh tao, có thể sánh ngang Tùng Bách, hiên ngang thi gan cùng sương gió với vòng đời hơn một trăm năm. Thi nhân Cao Bá Quát đã viết:

               Thập tải luận giao cầu cổ kiếm
                Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa

          Dịch là:

                Mười năm chu du tìm kiếm báu
                Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai
         Danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn cũng có câu: Dã mao cốt cách nguyên phi tục nghĩa là Cốt cách của hoa Mai rừng vốn không thô tục…
         Cũng chính vì lẽ đó mà cây Mai luôn có một vị thế đặc biệt trong lòng mọi người 
         Mùa hạ năm 1942, tại Lũng Dẻ, Việt Bắc, một năm sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, một lần lên núi chơi, Bác Hồ tức cảnh làm bài thơ tứ tuyệt chữ Hán Thướng Sơn (lên núi), trong đó hình ảnh một cành mai xuất hiện trong tứ thơ rất bất ngờ và xúc động:
              Lục nguyệt nhị thập tứ
             Thướng đáo thử sơn lai
              Cử đầu hồng nhật cận
              Đối ngạn nhất chi Mai

Nhà thơ Tố Hữu dịch:

               Hai mươi tư tháng sáu
               Lên ngọn núi này chơi
               Ngẩng đầu mặt trời đỏ
               Bên suối một nhành mai
.

Thiền sư Mãn Giác có bài thơ nổi tiếng về hoa Mai khi người nằm giường bệnh qua bài Cáo tật thị chúng:

                Xuân khứ bách hoa lạc
                Xuân đáo bách hoa khai
                Sự trục nhãn tiền quá
                Lão tòng đầu thượng lai
               Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
                Đình tiền tạc dạ Nhất Chi Mai

Dịch là:

                Xuân qua, trăm hoa rụng
                Xuân tới, trăm hoa cười
                Trước mắt việc đi mãi
                Trên đầu già đến rồi
                Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
                Đêm qua hiên trước một cành Mai
       Xuân về ngắm hoa Mai, trong lòng lại thấy rộn ràng xao xuyến. Năm cũ qua đi và năm mới lại đến mang theo bao nhiêu điều tốt đẹp. Và chúng ta cũng tự nhủ với bản thân rằng trên đường đời sương gió dù gặp phải phong ba vẫn luôn giữ gìn nhân cách, như cánh hoa Mai dù rụng xuống đất vẫn không úa tàn.

       Cốt cách cây mai là tượng trưng cho tiết tháo trong sạch của người quân tử, cốt cách thanh tao nho nhã, cuộc sống thanh tịnh. Tượng trưng của cây mai phải hiểu là về mặt đạo đức tinh thần, chứ đùng nên hiểu là dáng vẻ thanh tao. Nếu nói dáng vẻ thì những gốc mai cổ thụ mấy trăm năm, cây mai cảnh, cây thế thì dáng vẻ thật xù xì, gốc to ngọn thót, trong thật quắc thước, cổ kính không thể gọi là dáng thanh tao được.

       Mai là tượng trưng cho cốt cách của cả hai giới, chứ không riêng tượng trưng cho nam và cho nữ. Các bài thơ về cây mai tượng trưng cho chí khi của người quân tử đã được dẫn ra ở trên. Mai cũng còn tượng trương cốt cách của các nữ nhi, anh thư và giai nhân nữa. Chúng ta hãy nghe cụ Nguyễn Du tả Thuý Kiều và Thuý Vân:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.( Kiều)

      Về cốt cách, mai tượng trưng cho những người (cả nam lẫn nữ) có tư chất và tiết tháo trong sạch, đạo đức thanh tao.

      Về mùa trong bộ tranh tứ bình, tứ quý, mai tượng trưng cho mùa xuân, Avì hoa mai nở đúng mùa xuân. Trong thú chơi bonsai, cây mai có giá nhất là cây cổ thụ, cao tuổi, gốc to xù xì, cục mịch, cổ kính, lùn… mà ta phải gọi là cụ mai.  Tuỳ theo từng thế trực, hoành, phụ tử, phụ mẫu, huynh đệ, bạt phong… mà hợp với sở thích từng người mà tăng phần giá trị. Những cây mai thanh mảnh, cao vút như những cô gái chân dài thì không có giá là mấy.

       Hoa mai thì rất đẹp, màu vàng của nó làm rạng rỡ của mùa xuân. Mời các thi hữu ta cùng thưởng thức và làm thơ Xuân về hoa mai và hoa đào nhé.

 

Nguyễn Đức Trường

47/459 Bạch Mai, Hà Nội

Email: suthuthach@gmail.com

     

 

  Đêm giao thừa dạy con (Ngày 18/02/2010 09:36:00 PM - Gửi bởi: Trần Trọng Tâm - Địa chỉ: Thị trấn Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định - Điện thoại: ĐT: 0973676756)

ĐÊM GIAO THỪA DẠY CON

 

Vội chi chưa có vọng lầu
Chỉ sợ cái chữ trong đầu nghèo so
Thiếu tiền thiếu bạc chưa lo
Kiến thức mà thiếu ai cho bây giờ?
Trí tuệ ai bán mà mua?
Lao tâm khổ tứ bên bờ thời gian
Của trời đâu phải nước tràn
Than rồi cũng cạn bạc vàng ở đâu
Người xưa đã dặn đời sau
Ông bà để lại những câu thánh hiền
"Chẳng tham ruộng cả ao liền
Chỉ ham cái chữ cái nghiên ông Đồ"

Mỗi năm tết đến giao thừa
Cha lại mượn bút ông đồ dạy con...

Trần Trọng Tâm

Thị trấn Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định
Email: lapphuongte@yahoo.com
ĐT: 0973676756

  Thư ngỏ của Đặc san Văn Chương Việt  (Ngày 11/02/2010 06:16:55 PM - Gửi bởi: Ngô Nhật Lê - TP. Hồ Chí Minh - Địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: 0909773182)

  

THƯ NGỎ CỦA ĐẶC SAN VĂN CHƯƠNG VIỆT

 

Kính gửi: Các tác giả và bạn đọc trong & ngoài nước!

Với chủ trương quảng bá góp phần vào việc  phát triển Văn hóa Văn nghệ và chú trọng cổ xuý những thể nghiệm mới, Công Ty CP Văn Chương Việt đã xin giấy phép tổ chức thực hiện một đặc san chuyên đề thuần túy văn chương phát hành từng tháng. Số đầu tiên sẽ phát hành vào trung tuần tháng 4/ 2010.

 

            Nội dung của đặc san sẽ gồm hai phần:

- Giới thiệu thi ca, truyện ngắn, tùy bút, ký, dịch thuật, các bài trao đổi - nghiên cứu, phê bình & lý luận của các tác giả trong & ngoài nước.

- Giới thiệu mỗi kỳ một chân dung tác giả mới (Thơ, truyện ngắn… và các bài viết về tác giả)

            Khởi đi từ ý hướng Văn chương “ Đẹp, có ý nghĩa và mới”, Đặc san Văn chương Việt sẽ cố gắng nỗ lực giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm hay trong giai đoạn mới. Rất mong các tác giả khắp nơi (ở trong và ngoài nước) tham gia cộng tác và bạn đọc ủng hộ khi đặc san phát hành.

   

            Mời cộng tác với Đặc san Văn Chương Việt số đầu tiên:

            Số đầu tiên của đặc san chuyên đề Văn Chương Việt, do Công ty CP Văn Chương Việt thực hiện, sẽ phát hành vào trung tuần tháng 4/2010 với chủ đề: Xuân ý.

            Tòa soạn đặc san xin trân trọng mời các tác giả trong & ngoài nước tham gia gửi bài cộng tác.

            Thể loại: Các thể loại.  

            Số lượng thơ: 01 chùm từ 2-5 bài, truyện & các bài viết khác như phê bình, dịch thuật, trao đổi nghiên cứu, điểm sách, tùy bút, ký …từ 1-2. (Đặc san không sử dụng những bài viết về văn hoá, xã hội, chính trị… Bài viết phải được đánh máy (font unicode) để gửi qua mail hoặc bưu điện . 


            Yêu cầu: Bài viết hoàn toàn mới chưa công bố ở bất kỳ phương tiện truyền thông nào.   

            Thời hạn nhận bài : từ ngày 10/2/ 2010 đến 25/3/2010.

             Địa chỉ nhận bài :  Công Ty CP Văn Chương Việt  số 27 Đặng Thai Mai -  P.7 - Quận Phú Nhuận - TP Hồ Chí Minh.

             Chủ biên: Ngô Nhật Lê    * Email: nhatle_ngo@yahoo.com

             Biên tập: Lê Vũ              * Email:  vinhphuccr@gmail.com

             Đặc san Văn Chương Việt xin cám ơn các tác giả đã vui lòng cộng tác với đặc san. Chúc quý tác giả năm mới an khang thịnh vượng.

             

             Dự kiến chủ đề đặc san Văn Chương Việt các số tiếp theo:

             - Số thứ 2: Văn thơ trẻ và những bước đầu canh tân.

             - Số thứ 3: Những cây bút lão thành và quá trình bứt phá.

 

Ngô Nhật Lê

Email: nhatle_ngo@yahoo.com

Điện thoại: 0909773182 

 

Trước tiên Trước Trang [577 ,578 ,579, 580 ,581 ,582 ,583 ,584 ,585 ,586 ,587 ,588 ] Tiếp  Cuối cùng