Thứ ba, 07/05/2024,


 
  Ước gì trở lại ngày xưa (Ngày 22/05/2010 11:58:17 PM - Gửi bởi: Trương Thị Hằng Nga - Địa chỉ: Quảng Trị - Điện thoại: 0915 051 974)

ƯỚC GÌ TRỞ LẠI NGÀY XƯA

 
Ước gì trở lại ngày xưa

Cái thời tóc xõa mới vừa chấm vai.

Đôi mắt tựa như mắt nai

Lúng la lúng liếng con trai theo liền

 

Kèm thêm cái lúm đồng tiền

Với chút duyên dáng, dịu hiền, thông minh

Càng lớn em lại càng xinh

Lắm chàng lẽo đẽo "ghẹo tình tán yêu"

 
Trái tim em rụng một chiều

Trên miền sa mạc nên nhiều đa  đoan

Cũng là dâu thảo vợ ngoan

Cớ  sao em lại chẳng xoan tí nào?

 
Ngồi buồn nhớ lại ngày nao

Mà nghe ký ức chênh chao tuổi đời!

 

Trương Thị Hằng Nga

Trường Tiểu học Hải Dương, Hải Lăng, Quảng Trị

Đ/T: 0915 051 974

Email: agn.moon@yahoo.com.vn 

  Bước chân đi, nghe nhói lòng... Hạ ơi! (Ngày 22/05/2010 06:47:51 AM - Gửi bởi: Võ Thị Phương Thúy - Địa chỉ: 145/32, khu phố 1, HBC, Thủ Đức, TP. HCM - Điện thoại: )

HẠ ƠI!

 

Tháng sáu gõ cửa mùa thi
Ngày xanh lưu bút viết gì? Rưng... rưng...
Bâng khuâng vọng tiếng trống trường
Nhớ hoài bụi phấn rơi vương tóc thầy

Câu thơ viết vội trao tay
Cơn mưa mùa hạ níu ngày sang ngang
Tinh khôi áo trắng dịu dàng
Tóc mây một thuở hành lang ai chờ...

Bằng lăng tím đến ngẩn ngơ
Con đường tan lớp bao giờ về chung ?
Nâng niu một cánh phượng hồng
Bước chân đi, nghe nhói lòng... Hạ ơi!

SG, 19/5/10

Võ Thị Phương Thúy
Đ/c: 145/32, khu phố 1, HBC, Thủ Đức, TP. HCM

Email: hoacomaytd@yahoo.com

 

  Hãy gieo mơ ước (Ngày 15/05/2010 07:08:58 AM - Gửi bởi: Vũ Mạnh Quang - Địa chỉ: Nam Định - Điện thoại: )

Kính gửi trang thơ lục bát!

Tôi rất thích xem chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", trên đài truyền hình. Lần nào xem cũng cảm động, có chương trình xem rồi mà vẫn muốn xem lại. Thật là một chương trình tuyệt vời, đầy tính nhân văn. Nay tôi có một bài viết về đề tài đó, xin gửi đến để chia sẻ:

 

HÃY GIEO MƠ ƯỚC 

"Như chưa hề có... chia ly" (*)
Hãy gieo mơ ước đợi khi được mùa
Nhạt nhoà viễn ảnh ngày xưa
Lạc nhau trong cõi gió mưa cuộc đời

Lệch xa tầm mắt mẹ rồi
Lỡ chân rẽ lối không mời mất tăm
Đùng đoàng khói lửa chiến tranh
Chuyến xe khác ngả bỗng thành mất con...

Bé oà nước mắt lon ton
Mẹ cha buốt nghẹn rơi hòn máu... đau!
Tìm nhau bạc trắng mái đầu
Ngày về tưởng chỉ phép màu thần tiên

Người đi lặn lội trăm miền
Rừng sâu vạch lá, phố tìm dấu xa
Phút đoàn tụ gặp mẹ cha
Niềm vui ào đến, vỡ oà... lệ rơi

Mừng mừng tủi tủi con ơi
Ơn người nhân nghĩa, ơn đời từ bi
Hãy gieo những ước mơ đi!
Đợi ngày mai hết chia ly mà mừng...

Vũ Mạnh Quang

(TP Nam Định)
Email: manhquangnd@gmail.com.

(*): Tên chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".

  Lục bát về cây (Ngày 14/05/2010 04:56:38 PM - Gửi bởi: ĐINH Y VĂN - Địa chỉ: Trường Đại học Y Hà Nội - Điện thoại: )

LỤC BÁT VỀ CÂY

 

Rễ

 

Thân lươn bao quản lấm đầu *

Lặn vào đất kiếm mỡ màu nuôi cây

Âm thầm như những cánh tay

Giữ cây vững trước bão lay phũ phàng!

 

Thân

 

Một mình nâng tán vươn trời

Lòng mang dòng nhựa không ngơi tháng ngày

Và khi cây hết xanh cây

Vì người gửi lại thân này... hoá thân!

 

 

Muôn vàn hình dạng khác nhau

Mà thiên nhiên nhuộm chung màu xanh tươi

Thiết tha yêu ánh mặt trời

Biết bao nguồn lợi cho đời từ đây.

 

ĐINH Y VĂN

(Trường Đại học Y Hà Nội)

ĐT. 0904 751 685

Email. dungvsyhn@yahoo.com

 

* Mượn câu thơ của cụ Nguyễn Du

  Chợ tình Khau Vai, một lần để nhớ  (Ngày 14/05/2010 04:39:37 PM - Gửi bởi: Mộc Lan - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: )

CHỢ TÌNH KHAU VAI, MỘT LẦN ĐỂ NHỚ

 

“Băng qua suối rộng thung dài
Hẹn cùng anh xuống Khau Vai tự tình
Mong tìm lại tháng ngày xanh
Lời xưa ước hẹn giờ thành ước mơ”*

 

Tôi đến Hà Giang vào cuối tháng 4, khi mà mùa mưa chưa đến và những cánh đồng tam giác mạch chỉ vừa chớm chồi non, không có hoa, không có lúa, chỉ có cao nguyên đá hùng vĩ đón chúng tôi trong 1 buổi chiều chập choạng.

Đường đi hoang vu và mỏng manh như sợi chỉ vắt ngang qua từng ngọn núi, thỉnh thoảng từng đám mây lại hờ hững vắt ngang qua đường che đi một chút tầm nhìn. Bên là vách đá cao hùng vỹ, bên là vực sâu thăm thẳm, đoạn từ cổng trời Quảng Bạ lên tới Mèo Vạc dường như xa tít tắp, xe vẫn bon bon chạy trong tiếng trầm trồ xuýt xoa của mọi người, vừa sợ vừa háo hức với cảnh đẹp thiên nhiên.

Cao nguyên đá, đúng chỉ có thể gọi là như thế, cây cỏ cũng ít, chim chóc lại càng không thấy, mỗi hốc đá người ta vùi vào đấy mấy hạt ngô, rồi lại nhờ sương gió của trời mà lớn lên cho đời cái ăn. Có vài nếp nhà nhỏ nép mình bên vách núi, gió hoang vu, cảnh vật tuềnh toàng, chỉ có đá là ngang nhiên hùng vĩ tồn tại mãi mãi với thời gian. Dọc đường đi, thỉnh thoảng có vài xe đi ngược lại, mỗi lần tránh nhau thót cả tim dù bác tài xe tôi chạy rất cứng tay lái và chậm nhưng mà cứ nhìn vào vực sâu bên cạnh không có gì che chắn khiến người ta không khỏi thấy run.

Đoạn từ Hà Giang lên Mèo Vạc dễ có đến 160 km đường núi, không quá xa nhưng mà vất vả, vất vả cho người lái và cả người ngồi trong xe khi lần đầu đến đây. Cuối cùng thị trấn nhỏ Mèo Vạc đã đón chúng tôi lúc 6h chiều với cái se lạnh hiu hiu của phố núi. Khách sạn Hoa Cương lớn nhất ở đây với ti vi LCD 32 inch cũng chỉ tốn 220.000đ cho một đêm nghỉ lại. Vừa vào khách sạn cô nhân viên lễ tân giục các anh chị đi ăn nhanh không ở đây người ta đóng cửa sớm lắm. Thế là tất tần tật chúng tôi chạy ra quán cơm địa phương cách đó vài con phố ăn tạm. Sau khi được nghe quảng cáo về đặc sản ở đây, tôi gọi món rau luộc và cá sông cho cả nhà, nhưng món cá ăn không ngon và buồn cười vì nó quá mắc và chế biến xem ra chưa hợp khẩu vị. Từ đó trở đi, dọc Hà Giang về Hà Nội, đi đâu tôi cũng thấy quảng cáo món cá sông đặc sản nhưng cả nhóm đều cười tủm tỉm.

Mèo Vạc buổi tối sâu heo hút, thấp thoáng vài hàng tạp hoá còn mở cửa đến 8h, chạy vội ra phố làm vài xiên thịt nướng, uống 1 chút rượu ngô cho ấm lòng thì được biết chúng tôi lên đây sớm, vài ngày nữa mới có chợ tình Khau Vai nổi tiếng vùng Đông Bắc. Chợ tình thật, không thương mại như chợ tình Sapa.

Mỗi năm, chợ tình Khau Vai đón khách một lần, rồi chị bán hàng kể nhiều chuyện lắm, về người dân tộc, về mùa yêu, về những người vất vả đường xa từ Cao Bằng, Lạng Sơn, từ các huyện khác của Hà Giang nữa, người ta đi bộ có, đi xe cũng có, mấy chục cây số đường núi đá cũng đi, có khi đi cả ngày liền mới đến nơi. Mỗi năm một lần vào ngày này người dân tộc không ai ghen, không ai trách móc, đã đến đây thì được quyền uống rượu, ca hát nhảy múa, có quyền quên đi tất cả để đắm mình với mối tình đã qua nhưng không thành.

Khôn ngoan tới mức dại khờ
Mình thương nhau thế sao giờ xa xôi” *

Tính ra cái tình của người dân tộc còn văn minh hơn người mình, họ gặp nhau, rồi ôm nhau, rồi hôn nhau, không ngượng ngùng xấu hổ, nhưng mà họ chỉ ôm nhau thế thôi, khóc cho hết nước mắt rồi sáng mai lại trở về với mái ấm của mình, với vợ, với chồng hàng ngày đầu ấp tay gối như không có việc gì xảy ra, mà cũng có thể có những đôi vợ chồng họ cùng đi đến chợ để tìm lại người cũ của mình hay đơn giản chỉ là ngồi chờ nhau cùng về. Chỉ biết rằng, năm sau ngày này, nếu còn sức để đi anh chị lại cùng tìm nhau hẹn nhau trong phiên chợ tình Khau Vai thấm đẫm nước mắt của những đôi lứa yêu nhau không đến được với nhau và cứ như thế, tình cảm thật mà cũng quá ư là xót xa.

“Tại duyên? Tại số? Tại trời?
Nửa đời còn lại liệu rồi có nhau?
Chợ tan làm buốt tim đau
Khau Vai mong đến phiên sau lại về!”*

 

Tình cờ được biết có phiên chợ như thế nhưng tôi không thể nào ở lại để có thể xem và cảm nhận được, lại nhớ về chuyện của mình để rồi chỉ mong rằng, những người từng nói yêu tôi, mỗi năm chỉ cần nghĩ đến tôi một giờ khắc nào đó là tôi đã đủ mãn nguyện cho cả năm rồi.

Tạm biệt Mèo Vạc, tạm biệt chợ tình Khau vai, mai tôi lại lên Đồng Văn đến với những khám phá mới của cuộc hành trình lên miền cao nguyên đá hùng vĩ.

 

MỘC LAN

* Thơ Vũ Thanh Huyền

  Cố gắng tôn vinh nghệ thuật thơ! (Ngày 9/05/2010 07:01:08 AM - Gửi bởi: Ban biên tập Lucbat.com - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0904009155)

Thưa các Tác giả cùng Bạn đọc yêu quí!

Thưa bác Trần Đình Thư!

Ban biên tập vừa nhận được một bức thư của bác Trần Đình Thư (Vũng Tàu) gửi tới có ý trách cứ BBT lucbat.com ‘cố ý vùi dập’, hoặc ‘tôi gửi thơ tới trang điện tử khác người ta đăng ngay mà Lucbat.com lại không…’. Việc này tưởng như nhỏ nhưng thực tế lại rất quan trọng. Vì vậy, BBT lucbat.com ngày hôm nay (8/10/2010) dù rất bận rộn nhưng cũng phải nhanh chóng hồi âm cho bác, nhân thể cũng có đôi lời cùng bạn đọc.

Trả lời về việc BBT ít khi đăng thơ gửi tới mục ‘Lục bát mỗi ngày’ của bác Trần Đình Thư, xin thưa rằng BBT không hề có ác ý hay ‘cố ý vùi dập’ như bác nói mà  chỉ cố gắng làm theo tiêu chí tôn vinh nghệ thuật thơ lục bát. (Bác Trần Đình Thư làm thơ trào phúng rất hay, nhưng những bài thơ “mỗi ngày” lại chưa đạt tiêu chí của trang web, tuy vần điệu trong thơ bác chẳng hề sai luật).  Hơn nữa, đây là một trang thơ chỉ chuyên về lục bát nên mức độ biên tập có chọn lọc kỹ và khắt khe hơn. (Chẳng thế mà bạn đọc gần đây đã phản ứng dữ dội khi BBT để lọt một vài bài thơ chưa hay, sự phản hồi của bạn đọc cũng rất phong phú và đa dạng).

Vì uy tín của trang thơ lục bát ngày càng tăng, mỗi ngày có hàng vạn lượt bạn đọc truy cập, có hàng trăm email của nhiều tác giả, cộng tác viên gửi đến. Đó là uy tín, là niềm vui của đại gia đình lucbat.com chúng ta, nhưng đồng thời BBT cũng phải vất vả hơn trong việc chọn lựa các tác phẩm có giá trị đăng lên chia sẻ cùng bạn đọc. Vì lượng bài được đăng trên Lucbat.com mỗi ngày chỉ có 3 bài, do vậy điều tất yếu có những bài thơ hay vẫn phải chờ tới một tuần thậm chí tới 10 ngày mới được giới thiệu. Kể cả thơ của chính Biên tập viên muốn đưa lên cũng rất hạn chế, vì sợ rằng sẽ làm mất cơ hội chia sẻ thơ với độc giả của những tác giả khác. (Có lẽ sắp tới BBT sẽ cân nhắc xem có nên tăng lượng bài đăng mỗi ngày hay không để đáp ứng niềm tin yêu của độc giả cũng như tác giả).

Còn có tác giả gửi mail đến cho BBT, đại ý nói tại sao trang thơ lucbat.com không đăng những bài thơ về lao động, quê hương, hay những vấn đề thời sự… mà chỉ có thơ tình?  Trả lời câu hỏi này, BBT xin thưa rằng, Lucbat.com luôn động viên các tác giả làm thơ về các đề tài và thơ tình ở đây không chỉ đơn thuần là tình yêu đôi lứa mà còn cả tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, tình yêu lao động v.v… Nhưng hình như những đề tài về quê hương hay lao động có vẻ khó làm hơn nên ít có bài có chất lượng mặc dù thơ gửi tới cộng tác cũng khá nhiều, vì vậy chúng tôi cũng chỉ dám giới thiệu những bài thơ đạt yêu cầu về đề tài này.

Rất mong các tác giả và độc giả yêu trang thơ lucbat.com thông cảm và hiểu cho những việc làm của biên tập viên. BBT lucbat.com luôn hy vọng sẽ được giới thiệu những bài thơ hay của tất cả mọi người.

Lucbat.com

 

  Hạnh phúc là đấu tranh (Ngày 7/05/2010 07:07:42 AM - Gửi bởi: Nguyễn Duy Xuân - Địa chỉ: Nguyễn Duy Xuân - Điện thoại: 0907730415)


Kính gửi BBT cùng Bạn đọc trang thơ lục bát!

Hôm nay, kỉ niệm 192 năm ngày sinh Các Mác, ngẫm về câu nói nổi tiếng của ông: Hạnh phúc là đấu tranh! Từ hơn một trăm năm nay, câu nói ấy của Mác trở thành chân lí, thành lẽ sống của triệu triệu con người trên trái đất.


HẠNH PHÚC LÀ ĐẤU TRANH

Ở Việt Nam ta, thuở nô lệ lầm than, biết bao chiến sĩ yêu nước đã dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời chiến tranh chống thực dân đế quốc, lớp lớp thanh niên nối nhau ra trận. Cuộc đời đẹp nhất đối với họ lúc bây giờ là trên trận tuyến đánh quân thù. Những thế hệ đi trước đã thấu hiểu câu nói của Mác, họ đã làm nên lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời cho tinh thần đấu tranh cách mạng. Vài tháng trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người viết tác phẩm: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thể hiện tư tưởng lớn của Người đấu tranh không khoan nhượng với mọi lực cản trên con đường đi lên xây dựng đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh. Chủ nghĩa cá nhân mà những biểu hiện đa dạng của nó như thói cửa quyền, hách dịch, tham ô, lãng phí, cơ hội, bè phái… đều là kẻ thù của mỗi người dân Việt.

Mùa xuân 1975, đất nước hoà bình thống nhất. Không còn chiến tranh, không còn đối mặt với kẻ thù một mất một còn nên hai chữ đấu tranh dường như cũng nhạt dần. Ta chỉ nghĩ đơn giản, đấu tranh là đối với kẻ thù của dân tộc, của giai cấp, chứ hoà bình rồi thì còn đấu tranh với ai. Mọi người bắt đầu nghĩ đến bản thân, đến gia đình, vợ con. Hạnh phúc bây giờ là ăn no, mặc ấm, rồi giàu sang, phú quí, nhà lầu xe hơi… Không biết tự bao giờ, xuất hiện hai chữ nói lái lại từ đấu tranh: đấu tranh-tránh đâu. Tâm lí sợ đấu tranh, nể nang nảy sinh từ đó.

Đấu tranh nhường thế trận và nghiễm nhiên cái xấu, cái ác có cơ hội nảy sinh, phát triển. Nó len lỏi trong lòng mọi người. Thấy cái xấu ta không dám lên án. Nhìn kẻ cắp móc túi, cướp giật ngay trước mặt mà đành lặng im. Phê bình và tự phê bình chỉ còn là hình thức. Cấp dưới thấy cấp trên làm sai thì lờ đi, thậm chí còn khen nịnh cái sai ấy. Lãnh đạo thấy nhân viên sai phạm thì bỏ qua bởi sợ mất điểm thi đua, cuối năm không được công nhận đơn vị tiến tiến, xuất sắc.

Cũng có người dám đấu tranh đấy, nhưng lại bị chụp cho cái mũ vô tổ chức, vô kỉ luật, gây mất đoàn kết nội bộ. Rồi bị trù dập đủ kiểu. Và thế là đấu tranh chân chính bị triệt tiêu. Hội họp, sinh hoạt cơ quan, tổ chức không còn ai dám phê phán. Tất cả đồng thanh nhất trí, giơ tay biểu quyết, cười nói vui vẻ để rồi ra ngoài trút nỗi bất bình vào chén trà, li rượu.
            Cán bộ cũng đấu tranh với nhau nhưng là theo cái kiểu rình đối phương sở hở, nắm lấy cái gót chân asin mà đánh cho thân bại danh liệt để giành ghế cho mình, cho phe cánh mình. Họ đấu tranh chỉ vì quyền lợi riêng tư, phe nhóm.

Đấu tranh là để cho xã hội phát triển. Từ thuở hồng hoang, con người đã phải đấu tranh để tồn tại. Đấu tranh với tự nhiên, đấu tranh với môi trường sống xung quanh và đấu tranh với cả chính mình. Một xã hội muốn phát triển thì phải có đấu tranh. Đấu tranh là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.

Có lẽ khi trả lời con gái bằng câu nói hạnh phúc là đấu tranh, Mác cũng đã nghĩ như thế.


04-5-2010


Nguyễn Duy Xuân


Điện thoại: 0907 730 415


Email: duyxuann@yahoo.com.vn

  Vì sự trong sáng của tiếng Việt (Ngày 4/05/2010 12:56:32 PM - Gửi bởi: Trần Minh Duy - Địa chỉ:  - Điện thoại: )

 Kính thưa bạn đọc!

Quả thật Tiếng Việt hiện nay có tình trạng lộn xộn, vì mỗi người nghĩ một cách và viết theo cách nghĩ của mình, cho nên trước hết chúng ta nên bàn về một số quan niệm cũng như quan điểm đánh giá đúng và sai.

Từ cái nhìn như vậy, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

 

VÌ SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

 

Thứ nhất, hiện này có sự “bùng phát” của ngôn ngữ mạng, chủ yếu là do lớp trẻ sau này dùng, có chiều hướng làm méo mó tiếng Việt. Ví dụ, câu “em không biết chuyện này” được viết thành “iem hok bik chiện này”. Sử dụng như thế này thì rõ ràng là đáng lên án, vì nó làm cho tiếng Việt bị biến dạng, méo mó, xấu xí và gây phản cảm, khó chịu nơi người đọc.

Thứ hai, là hiện tượng các từ có y hay i, ví dụ như vật lý hay vật lí. Về lý thuyết thì “vật lí” và “vật lý” đọc y như nhau. Hơn nữa, hiện nay người Việt sử dụng 2 từ này với ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Không thể nói một cách cực đoan là từ này đúng thì từ kia phải sai. Vì bản thân ngôn ngữ học là một khoa học xã hội, và trong khoa học xã hội không có khái niệm đúng tuyệt đối, nghĩa là, nếu anh đúng mà tôi khác anh, thì không có nghĩa là tôi sai. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong trường hợp “vật lí” và “vật lý” thì không nên khăng khăng cho rằng chỉ một trong 2 từ là đúng. Các ngôn ngữ khác cũng có trường hợp như vậy. Ví dụ, tiếng Anh có chữ “guarantee” và “warranty” đều chỉ nghĩa “bảo đảm”. Không ai nói một trong hai từ này là sai cả.

Thứ ba là các tên nước ngoài. Các thế hệ trước thường sử dụng tên phiên âm Hán Việt, ví dụ San Francisco được gọi là Cựu Kim Sơn, Canada được gọi là Gia Nã Đại… Nhưng hiện nay những tên này đang dần chết đi và được thay bằng tên gốc tiếng Anh. Tôi không cho rằng đây không phải là một bước thụt lùi. Lý do đầu tiên, ngôn ngữ cũng có một quá trình tiến hóa như xã hội, chứ không bất biến. Vì vậy, theo thời gian có một số từ sẽ chết đi, một số từ được sinh ra và một số từ thay đổi. Lý do thứ hai là khi mình dịch tên nước ngoài ra tiếng Việt, mình đã không tôn trọng nguyên bản.

Lấy một ví dụ ngược lại cho dễ hiểu. Tôi tên là Duy, và tôi muốn các bạn nước ngoài của tôi viết tên tôi là Duy, chứ không phải là Zoo-ee, mặc dù Zoo-ee trong tiếng Anh đọc giống y như Duy trong tiếng Việt. Phản ứng đầu tiên của tôi khi các bạn nước ngoài viết tên tôi là Zoo-ee sẽ là “xin lỗi, nhưng đó không phải là tên tôi”. Thói quen dịch tên nước ngoài ra tiếng Việt có thể bắt nguồn từ các thế hệ trước do ảnh hưởng của nền Nho học vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc, vì người Trung Quốc luôn luôn dịch tên tiếng nước ngoài thành tên Trung Quốc. Tại sao chúng ta phải bắt chước họ? Tôi lấy một ví dụ nữa để các bạn cảm thấy điều này khó chịu như thế nào. Giả sử bạn là người Anh, bạn tên là David. Khi bạn đến Trung Quốc thì các bạn Trung Quốc của bạn gọi bạn bằng một cái tên khác, chẳng hạn là “Đại Vệ”. Bạn có biết đó là tên mình không? Bạn có thích người ta đem một cái tên lạ hoắc gán cho mình không?

Thứ tư, trong trường hợp đánh vần như tác giả đã dẫn “VTV” thì đọc là “Vờ Tờ Vờ” nghe còn dễ chịu. Nhưng nếu máy móc áp dụng kiểu này nhiều khi sẽ thật buồn cười. Ví dụ công thức hóa học của axít sunphuríc là H2SO4. Nếu đọc theo kiểu đa số mọi người đang đọc là hắt hai ét ô bốn. Nhưng theo kiểu tác giả gợi ý, sẽ thành hờ hai sờ o bốn, và “sờ o bốn” thì sẽ được người miền Trung hiểu là “sờ cô bốn”. Trong trường hợp này, dùng cách đọc hiện tại dễ chịu và ít phản cảm hơn nhiều.

Thứ năm, nguyên tắc của dịch là phải tìm hai khái niệm tương đồng. Do khác biệt của các nền văn hóa, có khá nhiều khái niệm không hề có tương đồng trong các nền văn hóa khác. Ví dụ, áo dài của Việt Nam qua tiếng Anh vẫn là “áo dài”, chứ không phải là long dress vì trong tiếng Anh nghĩa của từ long dress không thể nào diễn tả được khái niệm áo dài. Vì vậy, trong trường hợp này nếu dịch từ áo dài thành long dress thì có thể coi là phản lại nghĩa gốc.

Thứ sáu, cần nhấn mạnh lại rằng ngôn ngữ không ngừng tiến hóa. Vì vậy sẽ luôn có từ mất đi, có từ hình thành, có từ thay đổi nghĩa hoặc thay đổi cách sử dụng. Đừng nhìn ngôn ngữ như một cái gì bất biến, không thay đổi.

Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là rất tốt, nhưng hãy bảo vệ nó với một quan điểm đúng đắn, tránh cực đoan.

 

Trần Minh Duy

minhduy_ussh@yahoo.com

  Hãy lên tiếng để bảo vệ trẻ em! (Ngày 4/05/2010 02:07:37 PM - Gửi bởi: Nguyễn Duy Xuân - Địa chỉ: 447/19/8 Lê Duẩn, Buôn Ma Thuột - Điện thoại:  0907730415)

Kính gửi: Ban biên tập Lucbat.com và Bạn đọc

Buổi thời sự 19 giờ ngày 02-5-2010, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin cơ quan luật pháp khởi tố bắt tạm giam chủ trại tôm giống Minh Đức Huỳnh Hoàng Giang (30 tuổi) tạm trú Phú Hiệp, Ngọc Chánh, Đầm Dơi (Cà Mau) về tội “hành hạ người khác”. Riêng đối với Mã Ngọc Thơm (33 tuổi) là vợ Giang, Cơ quan điều tra đang xem xét do Thơm hiện có con nhỏ mới 18 tháng tuổi.

Tội trạng của vợ chồng Giang là đánh đập, hành hạ dã man cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi trong một thời gian dài. Hình ảnh em bé vết thương đầy mình, da như bị lột ra ám ảnh tâm trí tôi cũng như hàng triệu khán giả truyền hình. Thật không thể tưởng tượng nổi tại sao lại có những kẻ táng tận lương tâm đến thế.

Hành động ngược đãi trẻ em của người lớn đang trở nên phổ biến. Vào trang tìm kiếm, gõ cụm từ: ngược đãi trẻ em thì có đến hàng trăm, hàng ngàn vụ việc. Hãy ngăn chặn những hành động bạo lực, bất nhân của những con người đánh mất cả lương tri.

Lục bát là hồn dân tộc. Lục bát là đạo lí ngàn đời của nhân dân. Tôi mong bạn thơ trên trang Lucbat.com hãy lên tiếng cùng dư luận xã hội đấu tranh loại trừ cái xấu, bảo vệ trẻ em, giữ gìn đạo lí dân tộc.

Tự tôi, tôi xin hưởng ứng trước bằng bài thơ sau đây:


HÃY TRỊ TỘI KẺ HÀNH HẠ TRẺ EM


Nhìn em ai cũng xót xa
Đầy mình thương tích, cháy da, tím người...
Ai hành em thế em ơi?
Tuổi thơ mà phải sống đời khổ đau!
 


Chúng là ai, chúng ở đâu?
Đôi vợ chồng ấy hãy mau trả lời
Các ngươi cũng một kiếp người
Mà sao ác độc hơn loài sói lang?


Luật pháp xin chớ coi thường
Ra tay trị kẻ bất lương cứu người
Để cho làng xóm yên vui
Muôn nhà êm ấm, tình người sáng trong.
03-5-2010

-------


Nguyễn Duy Xuân
447/19/8 Lê Duẩn, Buôn Ma Thuột
Điện thoại: 0907730415
Email: duyxuann@yahoo.com.vn

  GS-TS. Nguyễn Huy Dung: Chơi vơi thi tứ quên giờ (Ngày 2/05/2010 04:23:05 PM - Gửi bởi: GS-TS. Nguyễn Huy Dung - Địa chỉ: 165/75 Nguyễn Thái Bình, Q1, TP.HCM - Điện thoại: 012 188 11176)

 

HỎI CHI TÁI NGỘ

Chơi vơi thi tứ quên giờ
chơi vơi mộng mị tràn thơ ngày nào
chơi vơi hồn phách nơi nao
chơi vơi trời biển trăng sao thì thầm.

Chơi vơi tóc thoảng hương trầm                
bờ khuya lau lách càng đằm hương thơ
da em mát rượi nguyên sơ 
suối tiên róc rách nương nhờ sinh sôi.
*
Chơi vơi đêm, dạ bồi hồi
sắp giờ ly biệt kim rơi lệ sầu
kim giây tí tách nỗi đau
hỏi ngày tái ngộ? Kiếp sau họa là!
*
Chơi vơi ngàn dặm cách xa
trốn đau ai mách dùm ta chốn nào
làm sao nên nỗi, làm sao?
đặt bày tái ngộ thêm sầu cô miên!
*
Chơi vơi trong kính, ngoài hiên
thấy nhau mà đã cách biên xa vời
máy bay, kìa cất cánh rồi
chia ly - dao cắt ruột tôi còn gì!
*

Trốn hình vào bóng ích chi
đeo phiền dầu đứng dầu đi thẫn thờ
bỏ quên đâu mất hồn ngơ
chơi vơi tiềm thức dõi hờ theo nhau!

_____________

 

GS-TS. Nguyễn Huy Dung

ĐHYD TP.HCM; 165/75 Nguyễn Thái Bình, Q1, TP.HCM

Email: huydungpro@gmail.com; ĐT: 012 188 11176

  Tôi có một người bạn sống ở Nga (Ngày 1/05/2010 12:12:32 AM - Gửi bởi: Lê Hoài Nam - Địa chỉ:  Belarus - Điện thoại: )

Tôi có một người bạn sống ở Nga, anh ấy vẫn thường hay khoe với tôi về sức khỏe của bố mình, mặc dù cụ tuổi đã cao... Thế rồi chợt một chiều tôi nhận được tin, bố anh ấy không còn nữa... Còn anh ấy thì chỉ lặng im, nhìn tôi mà không nói năng chi.

Phần mình, tôi chỉ biết viết lên vài lời để chia buồn cùng anh ấy, cũng là đôi lời tâm sự với những người đồng cảnh xa quê.

 

ANH NGỒI CHIẾC BÓNG ĐỔ NGHIÊNG

 (Gửi anh PH.M.Hiếu)

 

Anh ngồi đổ bóng lặng câm

Vành khăn với khói hương trầm vây quanh

Thương cha anh giận chính mình

Biển trời xa cách - không thành cánh chim 

 

Anh ngồi chiếc bóng lặng im

Lênh loang kí ức đổ tìm bến xưa

Mới hôm qua vẫn cười đùa

Mà nay thành ngọn gió lùa… hư vô

 

Anh ngồi nước mắt chảy vô

Chông chênh chiếc bóng, đơn sơ ban thờ

Bạc tóc - chưa hết chữ ngờ

Lấy gì đổi được một giờ đoàn viên

 

Anh ngồi chiếc bóng đổ nghiêng…


Lê Hoài Nam

(Mogilev, Belarus)

Email: ianhungs@yahoo.com

  Câu thơ luyện chữ, lời văn luyện người (Ngày 3/05/2010 03:32:25 PM - Gửi bởi: MINH TUẤN - Địa chỉ: Cộng hòa Séc - Điện thoại: 0042-0723-661057 )

THĂM CỤ NGUYỄN TRÃI



Về Côn Sơn viếng Ức Trai
Hoa đào sương giấu, nắng mai chưa về
Tiếng gà còn giục sơn khê
Đền chuông đã vọng sao Khuê giáng trần

Hương bay tìm bóng danh nhân
Quả thơm chốn tục, mời thần cõi tiên
Cụ nằm bên giấc ngủ yên
Có nghe con cháu bốn miền về thăm

Nhớ thời bút gió mực trăng
Câu thơ luyện chữ, lời văn luyện người
Non sông trở lại xanh tươi
Bởi văn Đại Cáo của người Bình Ngô…

Nghĩa nhân bền vững cơ đồ
Nếp nhà tình hiếu, phúc bồ cháu con
Viếng cụ một chút lòng son
Mong xuân mãi mãi, con còn tới đây.

MINH TUẤN


(Cộng hoà Séc)
 Email: ngongiochungtinh@yahoo.com
 Điện thoai:  0042-0723-661057
  

Trước tiên Trước Trang [577, 578 ,579 ,580 ,581 ,582 ,583 ,584 ,585 ,586 ,587 ,588 ] Tiếp  Cuối cùng