Thứ ba, 07/05/2024,


 
  Một giáo trình văn học Việt Nam tại nước ngoài  (Ngày 11/07/2010 10:22:54 PM - Gửi bởi: Hội Nhà văn Việt Nam - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: (84-43) 9448134 * Fax: (84-43) 8263777)

Hội Nhà văn Việt Nam vừa nhận được bộ sách: “Tuyển tập văn Việt Nam hiện đại” do nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) xuất bản.

Đây là bộ giáo trình gồm 3 tập được biên soạn bởi một nhóm tác giả là các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc như Chúc Ngưỡng Tu, Phó Thành Bác, Triệu Ngọc Lan, và Dư Phúc Triệu. Chúc Ngưỡng Tu, như chúng ta đã biết là nhà văn Trung Quốc vừa tham dự rất nhiệt tình Hội nghị quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 12/2009. Bộ sách này là một phần trong những gì ông và các nhà văn Trung Quốc đã làm để giới thiệu văn học Việt Nam.

Bộ sách được coi là tài liệu giáo khoa hướng về thế kỷ 21, giáo trình cơ bản, cần thiết nhất cho sinh viên nghiên cứu văn học Việt Nam.

Bộ sách giới thiệu tác phẩm của trên 50 nhà văn hiện đại Việt Nam kéo dài từ thời Tự lực Văn đoàn đến thời kỳ đổi mới: Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng phụng, Thế Lữ, Lan Khai, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Mạnh Phú Tư, Trần Tiêu (tập I) đến Trần Đăng, Lim Lân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài, Bùi Hiển, Nguyên Ngọc, Lê Khánh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Thế Phương, Hồ Phương, Ngô Ngọc Bội, Hải Hồ, Nguyễn Khải, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Giang Nam, Lê Vĩnh Hòa, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Thi, Hữu Mai, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Tô Ngọc Hiến, Đặng Ái, Xuân Cang, Nhật Tuấn, Lý Biên Cương (tập II) và Nguyễn Mạnh Tuấn, Cao Duy Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Chu Văn, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyên Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê, Trang Thế Hy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Phan Hách, Võ Thị Hảo, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Xuân Hà (tập III). Một số nhà văn như Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải có mặt ở 2 tập sách với 2 tác phẩm viết ở hai giai đoạn khác nhau.

Một tập hợp khá xum xuê, nhưng chưa đầy đủ, và có thể thấy việc tuyển chọn cũng chưa sát với thực tế văn học Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên cách làm bộ giáo khoa có cái độc đáo là mỗi tác phẩm chọn giới thiệu đều được trình bày qua 4 phần. Phần 1, bằng tiếng Trung Quốc, giới thiệu tiểu sử tác giả. Phần 2, cũng bằng tiếng Trung Quốc, giới thiệu tóm tắt nội dung tác phẩm. Phần 3 nguyên văn tiếng Việt của tác phẩm. Phần 4, tiếng Trung Quốc, chú giải một số ngôn từ riêng của Việt Nam.

Với cấu trúc như vậy, các tác giả cho rằng sinh viên nghiên cứu bộ giáo khoa này sẽ được “thông qua qua các tiểu thuyết hiện đại mang tính đại diện của văn học Việt Nam để nghiên cứu và nâng cao năng lực hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán, diện mạo xã hội Việt Nam”. Các tác giả cũng cho biết giáo trình đã được nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều năm, và đã thành tài liệu chính thức để nghiên cứu và giảng dạy.

Từ bộ sách này, chúng ta có thể rút được một số kinh nghiệm trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

  Mong rằng Lucbat.com mãi mãi là sân chơi độc đáo... (Ngày 10/07/2010 05:14:06 PM - Gửi bởi: Biên tập viên Lucbat.com - Địa chỉ: Chợ Mơ - Hai Bà Trưng - Hà Nội - Điện thoại: 01696306682)

       Cuộc thi thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ vùa qua, có gần 16 ngàn bài tham dự. Ban Giám khảo đã chấm và  trao giải cho 17 tác giả với 4 Giài Nhì, 7 Giải ba và 7 Giải Tư ( không có Giải Nhất). Các tác giả thành viên Lucbat.com và gửi bài qua 105 Chùm thơ lục bát dự thi trên trang Lucbat.com. Kết quả đã có 6 Tác giả được nhận 6 giải là : Giải Nhì: Nguyễn Thị Mai (Chợ đêm Long Biên); Giải Ba: Hoàng Phan Hùng (Lời hát xẩm mù), Nguyễn Thanh Mừng (Phù Đổng Thiên Vương); Bình Nguyên (Tiễn em lên máy bay); Giải Tư: Nguyễn Trường Thọ (Lá thư từ biên cương), Nguyễn Ngọc Hưng (Một lần ru ngoại); bạn Minh Tâm (Hoàng Phan Hùng) (Tự bạch chiều mưa) (nhận chung với Giải Ba ở trên...)
     
Trong buổi Trao giải thưởng Thi thơ Lục bát Ngàn năm thương nhớ tại Hội Nhà văn Việt Nam, Đại diện cho các Tác giả đoạt giải, Tác giả Nguyễn Thị Mai đã phát biểu ý kiến. BBT Lucbat.com xin đăng Bài phát biểu này để giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc( đầu đề do chúng tôi đặt)
             
Kính thưa....
      
...Trước hết, tôi xin vô cùng cảm ơn tới 6 cơ quan báo chí: báo Văn nghệ, báo Giáo dục Thời đai, báo Gia đình và Xã hội, báo Người Cao tuổi, trang Web Lucbat.com và Đài Phát thanh VOV2 có hình đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ”... Cuộc thi này hết sức có ý nghĩa với chúng tôi và độc giả trong cả nước. Trước hết, đây là cuộc thi thơ tôn vinh thể loại thơ ca truyền thồng của dân tộc, thứ  hai là với thời gian không dài có hơn 15 nghìn bài thơ được đăng và truyền tải, đã khẳng định sức sống của hồn thơ đất Việt của thơ Lục bát và khó có thể loại nào thay thế được thơ Lục bát trong ngày hôm nay. Cuộc thi thơ này đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc thơ Lục bát Việt Nam, và qua cuộc thi thơ này cũng thấy được tình yêu của độc giả với thơ Lục bát rất nhiều và quanh ta vẫn còn rất nhiều công chúng yêu thơ Lục bát.
       
 Với cá nhân tôi, thì đây là cơ hội hiếm có để chúng tôi thử sức mình và đây cũng là cuộc để chúng tôi gặp gỡ bạn bè tâm giao cùng yêu thơ Lục bát.
        
Qua cuộc thi này tôi xin cảm ơn tới Ban Tổ chức cuộc thi thơ, Các đại diện của 6 Báo. Và đặc biệt là xin cảm ơn Ban Giám khảo gồm có Ban sơ khảo và Ban chung khảo đã chấm giải cho chúng tôi. Tôi là một trong những người may mắn được vào giải này, bản thân tôi thấy có nhiều bài khác và nghĩ là sẽ được giải và rất là hay đối với tôi. đặc biệt, tôi cũng xin cảm ơn trang Web Lucbat.com dã thường xuyên liên tục đăng bài, truyền tải các bài thơ của chúng tôi lên đó, dù bài được hay chưa được cũng đều được đăng và bạn bè đã chia sẻ hàng ngày với chúng tôi qua trang web này...
      
Chúng tôi cũng mong rằng trang Web Lucbat.com mãi mãi là sân chơi độc đáo và hội tụ được dài lâu của bạn bè, cho những người yêu thơ trong cả nước. Và đây cũng là nơi giữ gìn khuôn vàng thước ngọc của thi ca dân tộc và cũng mong trang Web Lucbat.com sẽ còn mở ra những cuộc thi thơ truyền thống để cho những người yêu thơ dân tộc về hội tụ. 
     
 Cuối cùng tôi xin gửi gắm vào câu thơ đã viết trong một bài thơ đã dự thi:



Thơ còn thi thố vẻ xinh
Thì em còn cớ một mình cheo leo
Chân không vượt nổi dốc đèo
Đừng mơ tứ lạ, vần gieo... tuyệt vần
NGÀN NĂM THƯƠNG NHỚ một lần
Thôi, anh lạy tạ Sơn thần mà yêu



                                                              Biên tập viên Phạm Thanh Cải (ghi)

  Nước mắt ngày vui (Ngày 8/07/2010 10:36:49 PM - Gửi bởi: Vũ Mạnh Quang  - Địa chỉ: Nam Định  - Điện thoại: 0954777198)



Kính gửi Bạn đọc Lucbat.com!


Hôm 3-7 vừa qua mục Lục bát mỗi ngày có đăng bài thơ "Về thăm mẹ" của Tuấn Hạnh với bức ảnh cảm động hai mẹ con ôm nhau khóc.


Tôi nhớ đó là bức ảnh nổi tiếng, người con vừa được Mỹ nguỵ  trao trả từ tù ngục trở về, ôm chầm lấy mẹ già sau bao năm xa cách. Tôi còn được chứng kiến một cảnh cảm động khác là năm 1974, khi ta mới giải phóng qua tỉnh Bình Định thì một cán bộ miền Nam đã về gặp lại vợ và con gái tại quê nhà là huyện Hoài  Nhơn tỉnh Bình Định sau hơn 20 năm ông tập kết ra Bắc.


Những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt mừng vui  ấy cứ ám ảnh mãi tôi... Nên đã có những dòng cảm xúc sau đây:


 


NƯỚC MẮT NGÀY VUI


Đừng ngăn nước mắt người ơi!
Ngày vui đoàn tụ hãy rơi lệ mừng
Đớn đau cũng chớ ngại ngần
Khóc cho vơi bớt nỗi buồn mênh mông

Kìa trông người mẹ ôm con
Bao năm thương nhớ mỏi mòn gặp đây
Chiến tranh, giặc bắt tù đày
Lệ đầm áo mẹ vai gày tóc sương...

Kìa trông người vợ hôn chồng
Bảy ngàn đêm khắc khoải mong ngày về
Dòng sông Bến Hải cách chia
Nghẹn ngào tưởng mãi xa lìa lứa đôi...

Không mơ, thật đó người ơi!
Còn bao nhiêu lệ cứ rơi thoả lòng...


Vũ Mạnh Quang
(TP Nam Định - ĐT: 0954777198
Email: manhquangnd@gmail.com)


 

  Xúc động khi đọc bài thơ “Đi tìm đồng đội” (Ngày 6/07/2010 10:58:54 AM - Gửi bởi: ĐẶNG DIỆU THOA - Địa chỉ: Ninh Bình - Điện thoại: )

XÚC ĐỘNG KHI ĐỌC BÀI THƠ “ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI”

 

Thật xúc động khi đọc bài thơ “ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI” của tác giả Trần Kim Long, được giới thiệu trên Lục bát mỗi ngày (02/07/2010). Bài thơ gợi cho ta nhớ về thời mà đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, cây súng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và bao tình riêng, hạnh phúc của các anh, các chị đều được gác lại chờ ngày giang sơn thu về một mối. Các anh, các chị đã cống hiến cả tuổi xuân, xương máu của mình cho đất nước. Biết bao tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Các anh đã lập những chiến công hiển hách, đã ghi những dấu son chói lọi trong trang sử vẻ vang của dân tộc.

 

Ngày nay, chúng ta được sống dưới bầu trời hòa bình, được hưởng ấm no hạnh phúc chính là nhờ những hy sinh cao cả của các anh, các chị - những người đã một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" mà không hề tiếc tuổi thanh xuân. Ta vô cùng tự hào khi là một người con đất Việt- một dân tộc có truyền thống yêu nước sâu sắc và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm. Ta tự hào vì đất nước chúng ta được coi là một đất nước mà "ra ngõ gặp anh hùng", và chủ nghĩa anh hùng luôn nở rộ như măng mọc mùa xuân.

 

Hạnh phúc bao nhiêu, tự hào bao nhiêu thì lòng ta luôn trăn trở bấy nhiêu khi còn nhiều lắm những anh hùng liệt sĩ còn nằm ở đâu đó vách núi, bìa rừng đơn côi hoang lạnh. Một ngày chưa tìm được các anh là một ngày niềm vui trong ta chưa trọn vẹn, trái tim ta luôn mong mỏi, chờ đón các anh về!


DT xin chép một bài thơ đồng cảm với nỗi niềm của tác giả TKL và nỗi lòng của bao người tâm huyết đi tìm đồng đội của mình khi chiến tranh đã lùi xa:


BIA VẪN TRẮNG


Ai biết mộ anh ở đâu
Đường mòn xưa đã từ lâu vắng người.
Hồn không nói nổi thành lời
Rừng không giữ được dấu nơi anh nằm


Tuần nhang mẹ thắp đêm rằm
Điều cầu xin khép bao năm đợi chờ
Trống không một khoảng bàn thờ
Nghĩ trang phần mộ chơ vơ không người


Bia vẫn trắng cỏ vẫn tươi
Mẹ còng lưng suốt một đời khổ đau
Ai biết mộ anh ở đâu
Còn không người đã vùi sâu hình hài


Còn bao lâu nữa sớm mai
Nghe loa mẹ đợi tiếng ai trả lời
Tuổi già sống chết ở trời
Tang anh mẹ để trắng phơi mái đầu


Cha không chịu nổi buồn đau
Mẹ một mình với dãi dầu chờ con
Dẫu là một nắm xương mòn
Về thôi kẻo mẹ héo hon một đời.
                                       ( Nhà thơ Bùi Kim Anh)


Sắp tới Ngày thương binh liệt sỹ 27-7, Diệu Thoa xin tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn vô hạn tới các gia đình thương binh, liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc, xin chia sẻ sâu sắc với các gia đình có thân nhân là liệt sỹ mà nay mộ người thân vẫn chưa tìm được. Cầu mong một ngày không xa, phần mộ các anh, chị ấy sẽ được đoàn tụ nơi quê hương yêu dấu của mỗi người.


ĐẶNG DIỆU THOA

(TP.Ninh Bình)

Điện thoại: 0942.987.979

Email: dangdieuthoa@yahoo.com.vn

  Vườn ươm Thi ca Việt thời Đất Nước thăng hoa (Ngày 3/07/2010 11:21:50 PM - Gửi bởi: Nguyễn Duy Xuân - Địa chỉ:  - Điện thoại: 0907730415)

VƯỜN ƯƠM THI CA VIỆT THỜI ĐẤT NƯỚC THĂNG HOA

 

Kính thưa Ban Biên tập và quý độc giả yêu thơ lục bát!

 

Tôi được biết trang Lucbat.com trong một lần lang thang trên mạng. Trang thơ cuốn hút tôi ngay từ lần xem đầu tiên. Thế rồi ngày nào tôi cũng đều đặn ghé qua. Nhưng lúc đó những cái tên như Đặng Vương Hưng, Dương Phượng Toại, Nguyễn Đình Trọng… không chỉ làm tôi ngưỡng mộ mà còn thấy… ngợp bởi cái “sự nghiệp” thơ ca của các anh. Tôi chỉ một “túp lều” nho nhỏ, có lòng đam mê và vò vẽ làm thơ dù thâm niên đã ba bốn chục năm. Nhưng than ôi, cái thứ thơ ấy chỉ để cho mình đọc thôi chứ đâu dám chia sẻ cùng ai.

 

Thế rồi, vượt qua mặc cảm, tự ti, tôi mạnh dạn gửi bài. Sau mấy ngày hồi hộp chờ đợi thì niềm vui cũng đã đến. Ngày 05-7-2009, bài thơ Lục bát đời tôi được đăng. Khó nói hết cảm xúc của tôi lúc đó. Vui mừng khôn xiết. Tôi thầm cảm ơn anh chị biên tập nào (lúc đó chỉ có đại diện vùng miền) đã chỉnh sửa giúp, bỏ hai câu đầu hơi bị nôm na: Tôi yêu Lucbat.com/ Ngày ngày lên mạng ghé nhòm say sưa!

 

Ngày ấy - bây giờ đã một năm trôi qua. Một năm gắn bó với Lucbat.com với biết bao kỉ niệm buồn vui. Có những lúc cười ra nước mắt. Tôi đã từng nhầm tưởng bạn thơ TK là một “anh Hai” của vùng sông nước Cửu Long. Lại ngỡ bác LMD là một chị Ba Sài Gòn. Có những lúc hừng hực tâm huyết, cảm thấy dường như một ngày mà không lên mạng để vào trang Lucbat.com, lại không lên tiếng bằng thơ hay trao đổi góp ý là y như rằng ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm cũng như ngày, đầu óc lúc nào cũng mơ màng: lục bát, lục bát và lục bát!

 

Theo năm tháng và cùng với sự trưởng thành của trang thơ, tôi cũng “lớn” thêm một chút, chín chắn và điềm tĩnh hơn. Gắn bó với Lucbat.com một năm qua, tôi tự thấy mình “được” nhiều lắm. Cái được lớn nhất ấy là tình người. Tôi có thêm nhiều bạn mới. Tôi được chia sẻ tâm tình với mọi người qua thơ ca. Tôi biết được nhiều điều mới mẻ của cuộc sống, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm làm thơ của các bậc đàn anh cũng như của bạn thơ gần xa.

 

Tự đáy lòng mình, hôm nay nhân kỉ niệm một năm gia nhập đại gia đình Lucbat.com tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, độc giả, bạn thơ và các anh chị trong Ban Biên tập, các anh chị Đại diện các vùng miền. Và đặc biệt, nhà thơ Chủ nhiệm Đặng Vương Hưng, từ ý tưởng ban đầu của anh đã thành sợi dây kết nối hàng vạn tâm hồn, để Lucbat.com là sân chơi đẹp, là vườn ươm Thi ca Việt thời Đất Nước thăng hoa.

Xin có mấy vần thơ kết lại những dòng tâm sự này:

 

CÒN ĐÂY LỤC BÁT SÁNG NGỜI LÒNG TA

 

Lòng yêu Lục bát chấm com

Thuỷ chung nên vẫn sớm hôm đi về

 

Đôi câu lục bát hồn quê

Nôm na chữ nghĩa, vụng về vần gieo

Chẳng mong tiếng nổi như bèo

Mượn câu thơ nhỏ mà gieo tâm tình

 

Trải lòng ra đến mông mênh

Giang tay đón bạn tâm tình bốn phương

Vần thơ kết nối yêu thương

Trong tình đất nước, quê hương mặn nồng!

 

03-7-2010

 

NGUYỄN DUY XUÂN

(Đ/c: Buôn Ma Thuột; ĐT: 0907730415
Email:
duyxuann@yahoo.com.vn)

 

 

Mời xem lại bài thơ “Lục bát đời tôi” cách đây 1 năm của tác giả Nguyễn Duy Xuân

  Tản mạn về câu chữ (Ngày 1/07/2010 06:54:30 AM - Gửi bởi: Phùng Minh Hoài - Địa chỉ: Vũng Tàu - Điện thoại: 0933510167)

TẢN MẠN VỀ CÂU CHỮ

(Về những ý kiến với bài “Về tuổi hoa” đăng trên lục bát mỗi ngày 25/05/2010)

 

Kính gửi: - Ban Biên tập lucbat.com

               - Độc giả trang lucbat.com

 

Vào cuối thượng tuần tháng 6, tôi mở ra và đọc được những bài gửi của độc giả lucbat.com; vì bận rộn công việc, tới hôm nay (cuối hạ tuần) mới có được vài lời chia sẻ cùng mọi người – các bạn yêu thơ.

Trước hết xin chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của quý độc giả và biên tập viên (BTV) Thuỷ Hướng Dương. Thật sự tôi tìm thấy ở đây nhiều điều thú vị mong được chia sẻ cùng mọi người.

Kho kiến thức là vô tận, con người mãi còn ngụp lặn trong nó. Người đời tìm kiếm nó từ muôn vàn cách (từ học đường, học hỏi, tìm kiếm, từ những bất chợt đời thường… mà nền tảng cốt lõi được tích tụ lại trong sách vở - kho tàng tri thức của nhân loại. Mà ngay cả kho tàng ấy cũng mãi không ngừng được “nhập thêm”, được hoàn thiện.

Nói theo cách của Nhà thơ Trần Dần là “cái gì ta biết: đấy là chớp mắt, cái gì ta không biết là Thiên thu”.

Trần Dần, Lê Đạt là một trong những nhà thơ chủ chương “Cách tân thơ”. Nhưng khi tiếp cận “những nhà thơ có chủ chương ấy” tôi lại thấy mình “dễ đọc” (thực ra là rất cảm) Lê Đạt, Trần Dần hơn là là một số bài thơ của nhà thơ Đặng Đinh Hưng hoặc Hoàng Hưng.. (về điểm này tôi chỉ “Kính nhi viễn chi”). Tuy nhiên, theo cách hiểu đơn giản của tôi thì: dù cách tân ra sao - mọi sáng tạo cũng nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là làm cho thơ hay hơn, đẹp hơn, lung linh hơn và tràn đầy sức sống (nói làm chi tới những loại thơ phong trào, thơ con cóc; nó có vị trí riêng của nó mà không được gọi là đại diện của Thơ).

Trở lại với bài thơ “Về tuổi hoa” tôi viết một tuần sau ngày mất của nhà thơ Hoàng Cầm. Thực ra trước đó tôi đã viết một bài tưởng nhớ  Hoàng Cầm vào ngày 07/05/2010 có tựa “Dọc Thiên Thu “ - Thể thất Ngôn:

 

DỌC THIÊN THU

(Tưởng nhớ Thi sĩ Hoàng Cầm,

ngày 06/5 Người vào thiên thu )

 

Người về thăm thẳm cõi thiên di

Sông Đuống nghiêng lòng tạ bước đi

Chiếc lá Diêu Bông nương sóng nước

Ngàn năm cứ biếc tuổi đương thì…

 

Ơi những giọt lòng đã hóa thơ

Càn – Khôn quay miết sợi vi vô

Trượng phu Kinh Bắc mười hai tuổi

Ngọn cỏ trai tơ sắc đến giờ…

 

Lời ai da diết bên Huyền sử

Cùng váy xòe xuân vẫn hát ru

Từ vỡ pha – lê hồn thắm lại

Tình thơ thơm ngát tỏa thiên thu...

 

VT 07/5/2010

PMH

 

            Bài thơ này tôi đã  gửi cho các bạn thơ của mình mà không đăng (không thể đăng vào trang lục bát). Để có bài cho lucbat.com tôi đã viết biến tấu từ “Dọc thiên Thu” thành bài mới “Về tuổi hoa”. (Bởi tất cả nó giống nhau đến từng câu chữ. tứ thơ… mà hình ảnh Hoàng Cầm đã từ lâu ám ảnh tôi…).

 

VỀ TUỔI HOA

(Biến tấu của bài “Dọc thiên thu”)

 

Thuở nào?

Sông Đuống òa thơ

Giọt nào?

Dìu dặt cung tơ thầm thì

Lời nào?

Phong kín cơn mê

Ngàn xanh

thao thiết vọng thề: Diêu Bông..!

x     x

x

Chinh chuyền

được mất – hư không

Tình thơ

hoa thắm quyện vòng thiên hương

Pha lê

vỡ tự minh thường

Trượng phu

Kinh Bắc tha hương trở về…

x     x

x

Cõi tạm

còn đó bến Mê

Ngày về

lá biếc si mê cõi Người

Trăm năm

vạn vật đổi dời

Mười hai

tuổi mụ nhoẻn cười, mây bay...

 

VT  05.2010

PMH

 

Có thể (?) tuyệt đại đa số chúng ta đều biết (có thể không thuộc, không biết hết) bài “Lá diêu bông”, nhưng chắc không nhiều người (dân Amateur) tìm đọc về các tác phẩm và sự nghiệp của Hoàng Cầm. Bài thơ của tôi đã sử dụng nhiều “chữ” của Nhà Thơ – Thi sĩ Hoàng Cầm: diêu bông, đương thì, mười hai, pha lê, váy xòe xuân…(ngoài từ diêu bông, các từ kia là do tôi trìu mến mà gọi thế).

Tôi đã giải thích cho bạn thơ của tôi một trong những điều ấy. Tại sao lại “Trượng phu Kinh Bắc mười hai tuổi” (hoặc 12 tuổi mụ nhoẻn cười, mây bay…): bậc “trượng phu” (không cần nói nữa. “Bậc trượng phu như anh không thể ngã lòng” (lời của NT Phùng Quán). Mối tình của Hoàng Cầm thật trong sáng quá, thơ trẻ, đẹp tới độ thanh cao (bài Chị em xanh) - tiếp theo của “ Lá Diêu Bông”.

                                   

 

                                    Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay

                                    Hồn trong Em chuốc Chị chiều say

                                    Là em cưới Chị xanh thiêm thiếp

                                    Sinh một đàn con mây trắng bay.

                                                            (Chị Em xanh)

 

            Và mối tình ấy mãi đẹp ở tuổi 12:

                                   

                                    Dưới kia sông chẳng quay đi

                                    Mười hai tuổi cũ biết gì Chị ơi

                                                            (Gọi đôi)

            Hay

 

                                    Em mười hai tuổi tìm theo Chị

                                    Qua cầm bà sấm. Bến cô mưa

                                                            (Quả vườn ổi)

 

Và với tôi – Hoàng Cầm đã là bậc trượng phu ngay từ tuổi hoa niên…

Ai đã mê thơ Hoàng Cầm sẽ nhận thấy ở thơ ông những nét độc đáo của sự sáng tạo (ông đã chẳng từng nói: cái tên Diêu Bông bất chợt đến và không phải ông “sáng tác” bài Lá Diêu Bông – Ông chỉ là người chép lại lời ai đó đọc cho ông (sau những gì trăn trở).

Tôi đã nhận thấy: một số “lá, cỏ” mới và lạ trong thơ ông: lá Lan đao, lá Diêu bông, Cỏ trai tơ:

 

                                    Em gánh gạo về dinh Phú hộ

                                    Nứt vai thanh sẹo lá Lan Đao …

                                                            (Tắm Đêm)

 

                                    Em váy xoè xuân

                                    Rắc hương đường tuổi trẻ

                                    …………

                                    Em nhớ hình như sắc

                                    Nhớ tên đời đời

                                    Gọi nó:             

                                                Cỏ trai tơ.

                                                            (Cỏ trai tơ)

 

Thật tiếc nếu ta cứ mãi tìm tra ý nghĩa của từ trong từ điển, mà một số chắc chắn là không có. Mặc..! Bài thơ vẫn mãi đẹp, quá đẹp, quá đắm say và nương dẫn lòng người… Những bài thơ, những tứ thơ, những con chữ mang đến bao cảm xúc đẹp, ân cần, tao nhã liện có cần phải tìm tra nơi từ điển chăng (?). Khi mà tổng thể của nó, văn cảnh mà nó biểu đạt một tư tưởng (mà cả nghệ thuật – Thi cách và sự sáng tạo) với sự hài hoà chung, với một thông điệp gửi gắm; Liệu Hoàng Cầm có cần tra tìm chữ “bịa” của mình là hai từ “Diêu Bông” – khi dòng chảy cảm xúc đang cuộn dâng, trong sáng…

Biên tập viên Thuỷ Hướng Dương đã hiểu, cảm và nhẹ nhàng “ta nên hiểu và duy cảm theo tinh thần thơ của Hoàng Cầm” – Vẻ đẹp cao nhã và huyền nhiệm của ngôn từ chính là đích mà tự thân con chữ tìm tới… Mỹ học chỉ là những công việc mà người ta tìm đến sau nó (sự sáng tạo) mà thôi..

            Nói theo nhà thơ Lê Đạt: “con chữ bầu nên nhà thơ” và không phải nhà thơ được bầu một lần và vĩnh viễn (nó không giống cái ghế quan chức) – Con chữ sẽ tái bầu và mãi tiếp tục – không có nhiệm kỳ. Có lẽ vì thế các bậc trượng phu gọi nhà thơ là “phu chữ” – Trân trọng làm sao!

            Với sự công phu chân thành đầy tâm huyết, các nhà phê – bình có thể còn đưa ra những phân tích, nhận xét tinh tế, đẹp và “đắt” đến ngay cả tác giả của chúng cũng không dám chắc hiểu được mình đã “đạt” đến vậy (“Thi nhân Việt nam của Hoài Thanh- Hoài Chân” chẳng hạn).

            Trong đợt đi lễ hội Chùa Hương tôi có một khổ thơ ngũ ngôn:

 

Reo ngân Bầu Sữa Mẹ *

Thách thót giọt riêng mình

Từ sương giăng buông lối

Chợt “ Tri thường viết minh”**

 

Lơ lửng trên tầng không ***

Dòng giải oan bên dưới

Vọng nỗi niềm nhân gian

Suối nguồn đang tắm gội…

 

Câu “ Tri thường viết minh” được mượn nguyên văn trong Đạo - Đức kinh của Lão Tử - Từ điển chắc không có một câu dài thoòng loòng như vậy và phải hiểu nó: khi ta hiểu (ngộ) được chữ “thường” thì sẽ “minh” ra, hay khi ta đã “minh” sẽ thấy được sự “thường”. Từ “minh thường” trong bài thơ “Về tuổi hoa” chính mang tinh thần ấy.

BTV Thuỷ Hướng Dương mới nói ý nghĩa của cả câu “Trung trinh, tiết tháo, minh thường” (Khổng Tử) là nhân cách của người quân tử, chứ chưa giải thích cụ thể từng từ (mà liệu có cần giải thích từng con chữ ?).

(*): Danh từ riêng. (**): Lời Lão Tử. (***): Đi cáp treo nên suối Giải Oan

 

 

*Trở về với từ “thao thiết”…

 

Tôi xin được mượn một hình ảnh để lý giải như sau: khi nghe câu “Đồ quỷ”! Từ quỷ chắc chắn có trong từ điển. Từ ghép “Đồ quỷ!” chỉ một lời mắng mỏ (khi ai đó làm bạn bực mình, hoặc với một việc nghịch phá, gây hư hỏng, đổ vỡ… của ai đó – với mình). Liệu có ai thích bị nghe mình là “Đồ quỷ”.

Trong một văn cảnh nhất định, ngữ điệu của lời nói (nếu văn chương không diễn tả được thì sân khấu hay điện ảnh sẽ làm rất tốt, bằng diễn xuất của diễn viên) sẽ biểu đạt những tình cảm thân thương không ngờ: “Đồ ghủy… quỷ” nói theo ngữ âm Nam bộ và khi người nói kèm thêm động tác: ấn nhẹ một ngón tay vào trán người đối diện (bạn trai, bạn gái hoặc em út…) thì mới thấy cưng thương làm sao! “Ngữ pháp, ngữ âm, ngữ nghĩa” là thế chăng (?).

 

Con chữ “thao thiết” dù (có là) Đại từ điển, nghĩa của nó cũng còn cần cập nhật dài thêm nữa…

Tôi không tra từ điển (nếu tra rồi mà nghĩa cũng chỉ là “riết róng, nghiệt ngã”, cũng không cần quan tâm) bởi trong văn cảnh ấy (Về tuổi hoa), trong câu thơ ấy, chữ “thao thiết” thật đẹp vô cùng – Nó là sự trăn trở, mong muốn đầy thôi thúc. Nó thổn thức, thao thức (lẽ dĩ nhiên không phải là mất ngủ!) về một nỗi niềm đau đáu… thân thương… Hoàng Cầm, với tình yêu thơ trẻ, đầy nỗi niềm đã thốt nên:

 

Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

- Diêu bông hời

... ới Diêu Bông !

(Lá Diêu bông)

 

“Diêu Bông hời” cứ mãi ngân vang, âm vang... PMH như mãi “còn thấy” và đã viết: “Ngàn xanh thao thiết vọng thề: Diêu Bông”.

Riêng về từ “thao thiết” dùng trong bài “Về tuổi hoa”, tôi quên hẳn các loại từ điển VN và có một đề nghị nhỏ: (nên chăng?) bổ sung thêm nghĩa của từ này.

Lại xin được mở rộng một chút, khi ta nghe bốn từ sau: “điên, cuồng, ngu, ngộ” thì với 4 từ trên liệu có ai thích “mặc” vào mình? Vậy mà ta phải trân trọng và ngưỡng mộ nó:

 

                                                “Cao Tổ điên hào kiệt,

                                                Võ Đế ngộ tràng sinh

                                                Tăng Điểm cuồng thiên hạ

                                                Nhan Tử ngu thánh hiền”

                                                                        (Đường thi)

 

(Lưu Bang, Võ Đế, Tăng Điểm, Nhan Hồi: trong đó tôi mê nhất người học trò trác việt của Khổng Tử).

Trước tinh hoa ấy, mọi thứ (nhiêu khê, hoa mỹ khác) phỏng còn có nghĩa!

 

 

* Với câu “Chinh chuyền được mất – hư không”.

 

Từ “chinh chuyền” mà độc giả giải thích, tôi xin được bỏ 2 từ chơi bời trong “được mất chinh chuyền (Tiền) cũng chỉ là chơi bời, là hư không mà thôi” (Lính Thủy). Nhưng ý đồ, câu chữ của nó không thể tách rời khỏi tứ thơ. Những “cuộc chinh chuyền” này vừa là của “tuổi hoa”, vừa là của “đời người”… cũng chỉ là hư không mà thôi (chẳng còn gì hết, hư không hết) – để tương phản, làm nền cho câu kế tiếp: “Tình thơ hoa thắm quyện vòng thiên hương”. Sau “hư không ấy” còn lại gì ??

Cái “Tình thơ” ấy đẹp quá, như một vòng nguyệt quế tỏa hương (không phải là ngát hương) và là “thiên hương” kia – Hương thơ có ánh sáng (thứ hào quang tỏa ra từ các bậc minh vương, các đấng tối cao…).

Hôm nay, khi viết những dòng bộc bạch này, tôi thấy nhẹ lòng biết bao. Muốn nói thật nhiều, để diễn đạt cho trọn vẹn, cho chân thực, cho cặn kẽ nhẽ đời, nhưng có lẽ là không thể… Bởi ngay cả các bậc cao nhã uyên thâm trên đời này (có lẽ?) họ cũng không cố tình giảng giải, phân tích, thuyết phục người đọc. Tự thân con chữ sẽ làm việc đó. “CẢM NHẬN VÔ NGÔN”! Và xin được nói “MƯA RƠI KHÔNG CẦN PHIÊN DỊCH”, câu nói của NT. Trần Dần...

 

Vũng Tàu 30/6/2010

 

Phùng Minh Hoài

Email: hoaipmdd@gmail.com

 

Tái bút:

 

Độc giả (ĐG) Việt Hà (lucbat.com) có lo lắng “… về sự kết hợp từ ngữ một cách phi lý và cẩu thả. Ví dụ: cụ thể và tỷ mỉ thành cụ tỷ, quan tâm và lo ngại thành quan ngại... làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt”.

Tôi đồng tình với việc cần “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (đã từng có các mục: “Nói chuyện chữ và nghĩa”, “Dọn vườn” “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”… - Báo Văn Nghệ). Nhưng tôi xin được điều chỉnh lại một chút: chủ trương “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” ĐG Việt Hà là đúng, nhưng việc đánh đồng (làm ví dụ về sự phi lý, cẩu thả trong việc ghép từ) của từ “cụ tỷ” và “quan ngại” thì… không ổn!

Từ “cụ tỷ”: Không cần bận tâm. “Chữ” ấy không có văn hóa!

Từ “quan ngại”: Rất đẹp - Nó diễn đạt trạng thái, niềm quan tâm, âu lo, day dứt, ái ngại – Với mong muốn nếu không được cảnh báo, chú ý sẽ dẫn tới những điều không tốt, những điều tệ hại, không chỉ cho “ta” mà cả cho “người” và không đành lòng được… (quyết không phải sự quan tâm “hời hợt, bỏ đấy, có lệ”).

Trân trọng!

 

            Mời đọc thêm ý kiến về bài thơ VỀ TUỔI HOA của Phùng Minh Hoài

  Xin làm đại diện lucbat.com ở Saint Petersburg  (Ngày 25/06/2010 06:26:39 AM - Gửi bởi: Phong Linh - Địa chỉ: Saint Petersburg  - Điện thoại: 00790 9636 8944)

XIN LÀM ĐẠI DIỆN LUCBAT.COM Ở SANI PETERSBURG

 

Kính gửi nhà thơ Đặng Vương Hưng và Ban Điều hành website lucbat.com

- Phong Linh đến với nguồn thơ rất tự nhiên. Thơ là nguồn cảm xúc, là những tâm hồn ngời sáng, thơ giúp ta tự tin hơn trong cuộc sống, làm ta bớt đi một phần những lo toan cơm áo gạo tiền và là nguồn động viên cho những buồn đau...


- Từ thời xa xưa thơ Việt Nam đã được các nhà thơ thời xưa ca tụng đưa nền thơ vào một tầm quan trọng, là một món ăn tình thần không thể thiếu đối với những người yêu thơ. Phong Linh rất thích thơ và hay đọc thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Nguyễn Du... Và đặc biệt gần đây có đọc và rất thích thơ của Nguyệt Thảo, một nhà thơ thế hệ mới nhưng đã có những bài thơ sâu lắng về đời. (Nguyệt Thảo đã mất vào tháng 8 năm ngoái khi cô ấy đang sống ở Canada và lúc đó mới 31 tuổi).

- Những cảm xúc bất chợt thật khó nói lên lời, Phong Linh mới biết tới lục bát không được lâu lắm qua một cuốn sách của Nguyễn Ngọc Sơn "XIN ĐỪNG KHÓC NỮA MẸ ƠI!'' (Đại diện lucbat.com ở Phú Thọ) khi có một người bạn bay từ Việt Nam sang Nga và làm quà tặng là cuốn sách, khi đọc cuốn sách Phong Linh không thể ngưng rơi lệ và đã lặng kẽ khá lâu...

 

- Khi lạc vào lucbat.com, Phong Linh mới cảm nhận được một điều giản dị: Cuộc sống này những mất mát đớn đau có thể chia sẻ được, có thể làm ta nguôi ngoai, thơ cũng là một nguồn tâm sự rất tốt cho lòng thương nỗi nhớ, chẳng có gì làm ta vui và hạnh phúc hơn khi chúng ta có thể có những người bạn từ mọi miền của đất nước bỗng rất xa trở nên gần gũi, thậm trí ở tận trời tây tha hương như Phong Linh, có thể kết nối vòng tay với hạn hữu quê hương của chính mình. Tuy mỗi người một nơi nhưng đã cùng giúp để xây lên một đại gia đình lục bát giúp mỗi con người, mỗi hoàn cảnh gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.


- Nhất là có các anh chị thuộc các vùng miền trong ban điều hành, ban biên tập, đã rất cần mẫn mỗi ngày để làm sáng và mới lên trang lục bát ngày càng đông vui, ý nghĩa với đời thường. Thật là hạnh phúc khi ta có thể làm một việc gì đó có ích cho một cá nhân hay đoàn thể nào đó. Chính vì vậy hôm nay Phong Linh viết thư ngỏ này mong được làm đại điện của Luc bát tại Sani-Petersburg LB Nga trước khi chưa về Việt Nam.


* Rất mong được góp một phần sức nhỏ bé để cùng xây ngôi nhà lục bát lớn hơn rộng hơn, (Một ngọn nến thắp lên đâu thể làm cho tòa lâu đài sáng trong đêm tối, ta cần nhiều ngọn nến cùng thắp lên để cho tòa lâu đài ngày một rực rỡ sáng trong đêm) và Phong Linh cũng muốn mình là một ngọn nến có thể giúp một phần ánh sáng yếu ớt, nhỏ bé vào ánh hòa quang của những ngọn nến thắp trước. Phong Linh vẫn thường có câu nói rằng: ''Không có gì là không thể khi ta chưa làm, hãy bắt tay vào và biến cái không thể thành điều có thể khi ta còn có thể"!

Xin kính chúc toàn thể gia đình lucbat.com có nhiều sức khoẻ cũng như nhiều nụ cười, tiền tài, hạnh phúc, thi ca...


Thân ái!


Saint Petersburg, 23/06/2010

PHONG LINH cg

Email: chuonggio_1981@yahoo.com

ĐT: 00790 9636 8944

 

  Thông báo của NXB Hội nhà văn  (Ngày 24/06/2010 06:13:47 AM - Gửi bởi: NXB Hội nhà văn  - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: )

THÔNG BÁO CỦA NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN

 

Được sự đồng ý của Thường trực Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010 Nhà Xuất bản Hội Nhà văn sẽ xuất bản các bộ sách:

1- Tuyển tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”; nhằm chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Bác Hồ và Đại hội Đảng lần thứ 11.

2- Tuyển truyện ngắn, tuyển thơ 10 năm đầu thế kỉ XXI; chào mừng Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII (chỉ nhận tác phẩm viết và in báo, sách từ năm 2000 - 2010). Ưu tiên tác phẩm viết Về Hà Nội.

3- Mỗi tác giả gửi tối đa 2 truyện ngắn (Tác giả văn xuôi), hoặc 5 bài thơ hay nhất của mình cho 2 tập truyện ngắn và thơ 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn trân trọng kính mời các nhà văn, nghệ sĩ có tác phẩm, hồi ký, ghi chép... viết về Bác Hồ; có truyện ngắn và thơ gửi các tuyển văn và thơ như thông báo trên, xin gửi về địa chỉ:

- Email sách “Hồ Chí Minh...”: duan_hochiminh@yahoo.com

- Email tuyển truyện ngắn và thơ: tranquangquy9@yahoo.com. Tác phẩm ghi rõ gửi cho tuyển nào.

- Hoặc địa chỉ: Ban biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hạn chót gửi bài vào ngày 30/6/2010, theo dấu bưu điện (nếu bằng văn bản).
Trân trọng kính mời.

 

Nhà xuất bản Hội Nhà văn

  Tôi muốn ngã vào vòng tay bè bạn (Ngày 16/06/2010 10:11:28 AM - Gửi bởi: Thủy Hướng Dương - Địa chỉ: Hà Nội - Điện thoại: 0904009155)

Kính thưa các tác giả cùng bạn đọc yêu quí!

Thế là một tuần đã trôi qua kể từ hôm Thủy Hướng Dương quyết định phải vào bệnh viện để giải quyết dứt điểm những cơn đau đáng ghét do bệnh tim gây ra.  Một tuần với bao nhiêu sự lo lắng của người thân yêu - những người đó chính là Gia đình Lucbat.com, (BBT, các tác giả và độc giả của trang thơ) và gia đình, bạn bè của Thủy Hướng Dương. Nhưng một tuần đó lại chính là một tuần đầy ắp niềm hạnh phúc vô bờ của Thủy Hướng Dương vì đã nhận được sự quan tâm và động viên của tất cả mọi người qua phần phản hồi bài thơ “Mở lòng” và bài viết “Thủy Hướng Dương ơi, chúng tôi luôn bên bạn” của chị Chử Thu Hằng ở mục Sự kiện nhân vật. Với Thủy Hướng Dương, điều đó giá trị hơn tất cả mọi thứ vật chất trên đời, hay nói đúng hơn đó là một món quà vô giá mà Thượng đế (nếu trên đời có Thượng đế) ban cho Thủy Hướng Dương.

Còn nhớ hôm Thủy Hướng Dương cùng gia đình chuẩn bị ra sân bay để vào thành phố HCM cho cuộc phẫu thuật, trước đó Thủy Hướng Dương đã định không nói cho ai biết vì ngại làm phiền mọi người nên đã tắt máy di động, tạm thời không liên lạc với ai. Không ngờ vì vậy Chủ nhiệm Đặng Vương Hưng đã linh cảm có điều không hay về sức khỏe của Thủy Hướng Dương nên đã đến thăm, một lúc sau không hề hẹn trước, chị Chử Thu Hằng cũng tới. Hai anh chị đã hỏi thăm và động viên rất nhiều khiến Thủy Hướng Dương cảm động xém tí nữa thì khóc. Nhưng vì nghe lời dặn của Bác sĩ là không nên xúc động và cố giữ cho lòng bình an nên đã cố kìm nén.

Cho tới lúc chuẩn bị lên máy bay Thủy Hướng Dương cũng vẫn còn nhận được điện thoại của Trần Hồng Giang. Thế là Thủy Hướng Dương quyết định từ phút ấy sẽ tắt máy cho đến khi cuộc phẫu thuật thành công. Nhưng cũng từ lúc ấy, ngồi trên máy bay mà Thủy Hướng Dương suy nghĩ mãi không hiểu tại sao lại may mắn được mọi người dành cho nhiều yêu thương đến như vậy, Thủy Hướng Dương cảm thấy mắc nợ với những nghĩa cử của các anh chị em khắp mọi miền đã dành cho mình. Cũng có thể vì lẽ đó mà Thủy Hướng Dương tự nhủ hãy cố gắng lên để còn có thể viết những lời tri ân với mọi người.

Mong rằng các anh chị em hãy thông cảm và thứ lỗi cho Thủy Hướng Dương trong suốt tuần qua đã từ chối không muốn ai đến thăm vì Thủy Hướng Dương rất ngại làm phiền mọi người. Thủy Hướng Dương xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người với tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất bởi vì Thủy Hướng Dương sống được vững vàng như bây giờ là nhờ có những con người biết sẻ chia như các anh chị em và bè bạn.

Hiện tại, các bác sĩ đã làm thủ thuật thông động mạch chủ tới tâm thất cho Thủy Hướng Dương thành công. Ngay chiều thứ 3 ngày 15-6-2010 Thủy Hướng Dương đã xin xuất viện và về nhà người thân ở quận Bình Thạnh  vì tại đó có người em họ cũng là bác sĩ khoa tim nên có thể chăm sóc hậu phẫu. Nếu không có gì bất trắc, Thủy Hướng Dương sẽ về Hà Nội vào ngày 17/06. 

Nhân đây Thủy Hướng Dương xin gửi tới tất cả các anh chị em và độc giả yêu quí một bài thơ chắt từ trái tim yếu đuối của mình.


TÔI MUỐN NGÃ VÀO VÒNG TAY BÈ BẠN

Tôi là con của cuộc đời

Là em của cả vạn người bao dung

Người thương tôi đến tận cùng

Khiến tôi muốn ngã vào vòng mê say

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Tấm lòng chia sớt những ngày gian nan

Tôi từ nơi ấy cơ hàn

Mà nghe thấm đẫm muôn vàn yêu thương!

Thủy Hướng Dương

  Khúc hát mát xanh và khoảng trời bình yên (Ngày 12/06/2010 07:10:24 PM - Gửi bởi: Lê Công - Địa chỉ: Hội VHNT Ninh Bình - Điện thoại: 0933 860 903)

Kính thưa BBT và các độc giả thân quý!

Tôi đã rất cảm động và trân trọng tình cảm của lucbat.com; vì đã luôn dành cho những hoàn cảnh đặc biệt, những mảnh đời bất hạnh, éo le những sự quan tâm ưu ái đầy tình người, mà không phải trang web nào cũng làm được.

Thông qua lucbat.com, Lê Công xin gửi đến các bạn: Đỗ Trọng Khơi; Phạm Minh Giắng; Trần Xuân Trường... bài thơ:

 

KHOẢNG TRỜI BÌNH YÊN

Giữa đời vần vũ mây giăng
Mấy mươi năm với bão dông dập vùi
Khát khao nguồn sống, niềm vui
Anh như người đến từ "ngoài hành tinh"

Quên đau để vuợt phận mình
Tìm vui câu lục đậm tình thi nhân
Gạn trong câu bát ái ân
Từ bằng hữu, tự thân nhân giữa đời

Chiều hè nhìn dải mây trôi
Lẫn trong ánh chớp, sáng ngời hình anh
Tật nguyền ngày một tăng nhanh
Thơ anh khúc hát mát xanh cõi người

Góp cho đời một chút vui
Mình anh thiệt, để sớm mai ửng hồng
Sông còn bên đục, bên trong
Đời không đơn giản, sống cùng đời thôi

Tìm vui chung một sân chơi
Ngôi nhà lục bát, khoảng trời bình yên./.

 

 LÊ CÔNG

(Hội VHNT Ninh Bình)

ĐT: 0933 860 903

Mail: le.cong43@yahoo.com

 

Mời bạn tham khảo đọc thêm bài viết của nhà thơ Đặng Vương Hưng:

     - Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi sắp lấy được vợ là nhờ một… cuốn sách (kỳ 1)

     - Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi sắp lấy được vợ là nhờ một… cuốn sách (kỳ 2)

     - Chùm ảnh ngày cưới của Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

- Tác giả Phạm Minh Giắng

  Phượng đầu mùa lại trổ bông (Ngày 9/06/2010 07:49:39 PM - Gửi bởi: TÂM HOA - Địa chỉ: 204, Nguyễn Huệ, Sông Cầu, Phú Yên - Điện thoại: 0969 467 647)

HẠ XƯA

Sân trường phượng vỹ thắm tươi
Bâng khuâng tôi nhặt hoa rơi một mình
Bên ấy người cũng như tôi
Ngu ngơ đem phượng ép đôi bướm hồng
Hè sang xa cách bạn lòng
Chút tình lưu luyến ngại ngùng ai hay
Bồi hồi một cánh thư tay
Gửi bao thương nhớ những ngày cách xa...
Bây giờ hạ ấy đã qua
Hoa xưa nhạt sắc, người ta theo chồng
Phượng đầu mùa lại trổ bông
Mình tôi đứng lặng nghe lòng bâng khuâng.

TÂM HOA

(Phạm Thị Thanh Tâm)

Địa chỉ: 204, Nguyễn Huệ, Sông Cầu, Phú Yên

ĐT: 0969467647; Mail: Ptamsc78@yahoo.com

  Toạ đàm khoa học về sự nghiệp của GS Hoàng Ngọc Hiến (Ngày 2/06/2010 08:59:17 PM - Gửi bởi: Nhà văn Văn Giá - Khoa Sáng tác ĐH Văn hóa - Địa chỉ:  HÀ NỘI - Điện thoại: 0912.114.445)


THÔNG BÁO TỌA ĐÀM KHOA HỌC VỀ SỰ NGHIỆP CỦA GS HOÀNG NGỌC HIẾN

                                                                   Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2010


Ngày 21.7.2010 tới đây, nhà nghiên cứu phê bình văn hóa - văn học- triết học, GS. Hoàng Ngọc Hiến tròn 80 tuổi.

Dành trọn cả đời mình cho nghiên cứu khoa học nhân văn, các công trình của GS. Hoàng Ngọc Hiến, gần nửa thế kỉ qua, luôn được xã hội đón nhận rộng rãi và đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống học thuật Việt Nam. Trong tư cách dịch giả, ông là người dịch và thẩm bình trọn vẹn thơ Maiacovski, dịch Các phạm trù văn hóa trung cổ của A. JA. Gurevich. Trong tư cách nhà phê bình văn học, với nhãn quan triết mĩ sắc sảo, ông khởi xướng và bàn bạc thấu đáo nhiều vấn đề cấp thiết của văn học thời đổi mới. Thời gian gần đây, GS. Hoàng Ngọc Hiến đã dày công dịch thuật các tác phẩm của Francois Julien - triết gia đương đại Pháp, song song nghiên cứu, giới thiệu minh triết, đặt nền móng khoa học minh triết ở nước ta.

Đặc biệt GS. Hoàng Ngọc Hiến là người đảm nhận chức danh Chủ nhiệm khoa Viết văn đầu tiên (năm 1976), là thành viên sáng lập Trường Viết Văn Nguyễn Du (1979), và tâm huyết giảng dạy, xây dựng chất lượng, tên tuổi ngôi trường này, cũng như Khoa Sáng tác và Lý luận - phê bình văn học về sau. Có thể nói GS. Hoàng Ngọc Hiến đã, đang để lại những di sản tinh thần quí giá cho thầy và trò của Khoa cũng như của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nhằm đánh giá đầy đủ sự nghiệp GS. Hoàng Ngọc Hiến, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn và đồng thời chúc mừng ông sinh nhật lần thứ  80, BCN Khoa Sáng tác & Lý luận - phê bình văn học mong muốn tổ chức 2 hoạt động:

1- Tọa đàm: Hoàng Ngọc Hiến với triết lí văn hóa và triết luận văn chương.
Buổi Tọa đàm dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 7 năm 2010.
Chúng tôi trân trọng kính mời các anh/ Chị viết bài dưới dạng tiểu luận khoa học, hồi ức - kỷ niệm...để tham gia buổi Tọa đàm.

2- Xuất bản tập sách về Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Kết cấu sách sẽ chia làm 2 phần: 1) Tấc lòng tri kỷ (Những bài hồi ức, kỷ niệm của bạn bè, học trò viết về GS. Hoàng Ngọc Hiến) ; 2) Quà tặng trí tuệ (những tiểu luận khoa học tâm đắc nhất của các nhà trí thức viết về văn hóa, văn học, triết học... làm quà tặng sinh nhật cho Giáo sư.

Bài vở xin gửi về: vangia59@gmail.com

Xin trân trọng cảm hơn!

CHỦ NHIỆM KHOA

Nhà văn Văn Giá

(ĐT: 0912.114.445)

 

Trước tiên Trước Trang [565 ,566 ,567 ,568 ,569 ,570 ,571 ,572 ,573 ,574 ,575 ,576] Tiếp  Cuối cùng