Thứ năm, 10/10/2024,

MỘT ĐÊM GIÔNG GIÓ (24/03/2016)

 (Giải Khuyến khích cuộc thi truyện, ký của tạp chí Cửa Biển 2014 – 2015).

Một đêm giông gió (Ảnh minh hoạ)
 

          Chuông báo thức đổ liên hồi nhưng tôi không thể nào nhấc đầu lên được. Lờ mờ có tiếng giọt gianh nhà hàng xóm rơi xuống chậu tôn “loong boong” nghe xa vời. “Mưa à? Chắc vợ đã đưa con đi học? Ồ! Tối qua  sao mình uống nhiều thế nhỉ?”- Tôi tự hỏi.

***

“Thưa anh, chú em đây không hổ danh tuổi trẻ tài cao nhưng em thích nhất nó ở chỗ sống có nghĩa có tình. Em đã đưa nó vào diện quy hoạch giám đốc. Tới đây có chỉ tiêu đi học lớp trung cấp lý luận… Cái biệt thự của cháu út nhà anh, cứ để em lo cái khoản xi - sắt. Việc của anh cũng như việc của em và của cả thằng em đây nữa. Đúng không chú mầy?”- Nhớ tới lời P.R của giám đốc với đồng chí tổng giám đốc, tự nhiên tôi có cảm giác như đang bay. “Nào, dzô! … Tặng hoa cho người đẹp đi!”- Ánh mắt long lanh của cô bé tiếp viên lúc tôi cố tình nhét tờ năm trăm nghìn vào cái khe trễ nơi ngực cô vẫn còn làm tôi ngất ngây. “Đồ cúng đấy nhé!”- Tiếng cười rộ lên “hố hố, khằng khặc”. Nhớ tới đây, bất giác tôi tủm tỉm cười.

          Bốn người, mà thực ra chỉ có ba, “cưa” đứt hai chai Chivas 21. Đúng cửa rồi, không say sao được! Đang sung sướng, hãnh diện với cảm giác sắp thăng tiến thì có tiếng gõ cửa. Tiếng cô giúp việc lắp bắp giục tôi dậy mau. “Quái lạ sao hôm nay cô ta lại lên đây?”- Tôi tự thắc mắc. Chả là vợ tôi đã cấm chỉ cô ta không được lên lầu khi có mình tôi ở nhà cơ mà.

          - Chim… chim chết hết rồi chú ạ! - Cô giúp việc vừa thở vừa nói.

          -  Sao… sao...? - Tôi không tin vào tai mình, hỏi lại.

          Không kịp xỏ dép, tôi xộc thẳng ra “vườn thượng uyển”. Trước mặt là một cảnh tượng thê thảm khiến trái tim tôi đau nhói. Bốn con chim: hai chết trong lồng, một dưới đất chỉ còn túm lông và còn một đang nằm thở dốc. Nỗi bực tức bị mất của quý làm tôi điên tiết. Đúng lúc ấy cô giúp việc đi ra sốt sắng:

          - Làm sao hả chú?

          - Chú với ú cái gì. Ở nhà chẳng được cái tích sự gì hết. Giông gió như thế mà cứ nằm trương thây lên. Cô có biết bao nhiêu tiền một con không? Gấp mấy lần lương của cô đấy…

          Chẳng hiểu tại sao trong hoàn cảnh ấy tôi lại đổ tội lên đầu cô giúp việc. Nhìn khuôn mặt ỉu xìu và đôi mắt ngấn nước của cô, tôi mới biết mình đã lỡ lời vì trong hợp đồng thuê người giúp việc, cô không có nhiệm vụ trông chim. Mà chính tôi cũng đã dặn đi dặn lại là “Tuyệt đối cô không được động vào chim của tôi đấy”.

          Con Cu gáy nằm thoi thóp, mở mắt nhìn tôi lần cuối như định nói điều gì đó nhưng không thể. Tôi hạ dần từng chiếc lồng xuống trong tâm trạng xót xa. Cảm giác say rượu và nỗi buồn chết chim đẩy tôi vào không khí nghẹt thở.

***

     Tôi mê chim từ bé. Lúc mới học lớp ba, lớp bốn trường làng tôi đã táo tợn dám leo lên nóc trường bắt những con sẻ non về nuôi. Có lần tôi trèo lên cây ổi sau vườn, cố với cái tổ chim sâu bé bằng nắm tay trẻ con, trượt chân rớt xuống ngay sát cái cọc cầu ao, may mà thoát chết. Sau này khi đã thoát ly, có thời gian phong trào nuôi chim cảnh rộ lên, tôi nuôi tới vài ba chục cặp chim yến. Nhưng kể từ hồi được đề bạt chức trưởng phòng tới nay, do bận bịu công việc lại tiệc tùng liên miên, tôi đành thanh thải hết chỉ giữ lại nuôi bốn con chim hót mà tôi cho là “đỉnh” gồm Vành Khuyên, Sơn Ca, Hoạ Mi và Cu Gáy. Những khi đi làm về nghe chúng hót, bao nhiêu cảm giác mệt mỏi tự nhiên tan biến hết. Vì thế tôi dành cho mình cái quyền tự tay chăm sóc chúng. Đúng như tiền nhân nói: “nghề chơi cũng lắm công phu”. Sưu tầm, tuyển lựa được những con chim có giọng hót hay rồi thì cũng phải sắm sửa từ chuồng trại cho tới những phụ kiện như coóng đựng thức ăn, nước uống… cho xứng với đẳng cấp. Thậm chí tôi còn không ngại ngần bỏ nửa tháng lương để mua một cái máy ghi âm chính hãng của Nhật để thu âm tiếng hót của lũ chim làm trò tiêu khiển. Vì việc này mà tôi bị vợ cấm cửa tới cả tháng.

     Cũng chính vì mê chim mà tôi có biệt hiệu “Tuấn chim”. Nhiều lúc đi ra nơi công cộng bạn bè cứ ông ổng réo “Tuấn chim, Tuấn chim” làm mấy cô gái ngồi bên cạnh cứ khúc khích cười. Nhưng phiền toái nhất vẫn là những gì tôi gây ra cho vợ tôi. Có lần đi làm về chưa kịp dựng xe, tôi đã hỏi vợ: “Chim có sao không?”. Vợ tôi trả lời nghe có vẻ hờn giận: “Suốt ngày chim với chả cò, người ốm thì không hỏi…”. Tôi nổi cáu: “Người có mồm, ốm thì phải nói chứ!”. Không để ý gì đến phản ứng của vợ, tôi bỏ đi vệ sinh chuồng trại và cho lũ chim ăn. Khi lên phòng lấy quần áo đi tắm, tôi thấy cô ấy vẫn còn đang khóc tức tưởi. Lần ấy, bố con tôi phải dỗ dành mãi cô ấy mới chịu đi ăn cơm. Thú thực tôi cũng hối hận về thái độ cư xử với vợ hôm ấy. Nhưng vì quá mê chim nên lại chứng nào tật đấy. Cứ đi thì chớ về đến nhà là hỏi chim ngay. Vì thế mà hễ có khách dù bất kỳ người đó là ai, vợ tôi đều tố cáo tôi: “Mê chim hơn mê vợ”. Lần đầu nghe vợ nói xấu mình với khách, tôi vằn mắt lên bực tức. Dần dà nghe mãi cũng quen tai, tôi không còn cảm thấy khó chịu nữa mà coi đó là lời giới thiệu yêu của vợ tôi về tôi với khách.

     Chỉ cần nhìn vào mắt chúng và nghe chúng hót là tôi biết chúng muốn gì. Và dường như chúng cũng hiểu thấu những cử chỉ và lời nói của tôi. Ấy vậy mà bây giờ ngồi trước những xác chim còng queo “âm dương đôi đường cách biệt”, tôi không sao cầm được nước mắt. Mới đầu giờ chiều hôm qua chúng còn ngó nghiêng cái đầu, cất tiếng hót lảnh lót chào tôi… Thế mà chỉ một lần say quá thể, tôi đã đưa chúng tới chỗ lìa đời.

     Bước chân nặng chình chịch của cô giúp việc lôi tôi ra khỏi nỗi đau đớn. Bất chợt tôi nhớ ra cái máy ghi âm.

***

     Tiếng sáo mồm của tôi huy huýt rộn ràng: “Tiếng chim rừng chào mừng bình minh…”. Tiếng chim hót thánh thót như một chương hoà tấu tạm biệt tôi… Tiếng chị hàng xóm dặn với ra cổng bắt con đội mũ kẻo cảm nắng…

     “Có điện!”. Tiếng người đồng loạt reo mừng làm lũ chim thức giấc. Tiếng các thiết bị điện ù ù, ro ro… Vành Khuyên giọng thều thào khô khốc nói với sang Sơn Ca: “Coóng nước của em cạn sạch từ chập tối… Sao hôm nay ông chủ lâu về thế nhỉ?”. Sơn Ca động viên: “Chưa hôm nào nóng như hôm nay. Chỗ anh cũng vừa hết nước hồi nãy, họng đang bắt đầu khô đây. Anh nghe thấy tiếng xe của ông chủ từ nãy rồi. Chắc lát nữa ông sẽ xuống đưa chúng ta vào trong nhà và anh em ta sẽ có nước uống thôi”. Họa Mi thỏ thẻ: “Cậu thấy ông chủ về rồi à? Tớ cũng đang phải đối phó với lũ kiến đây. Chúng bò cả vào coóng đựng thức ăn. Có mấy con chết đuối trong coóng nước. Khiếp quá! Mà nước cũng sắp hết rồi”. Sơn Ca trả lời bạn như đinh đóng cột: “Chắc chắn, tớ còn nghe thấy chị giúp việc chào ông chủ cơ mà”. Cu Gáy từ nãy đến giờ lắng nghe bọn trẻ, chậm rãi lên tiếng: “Chỗ bác bị cái máy điều hòa hàng xóm thốc gió sang thành ra nóng quá. Ở đây vẫn còn ít nước nhưng chả có cách nào chuyển cho các cháu được. Họa Mi đừng uống nước có kiến vày nhé, dễ đau bụng đấy. Thôi, bác cháu mình cùng ráng chịu nghe. Ông chủ không để chúng ta chết khát đâu. Bác sống ở nhà này đã ba năm rồi, bác biết mà. Chắc hôm nay ông chủ có việc gì đột xuất thôi. Đừng nói chuyện nữa, có con mèo khoang của hàng xóm đang rình rập dưới gốc cây trà mi đấy”.

***

          Vì lý do mất điện, cuốn băng ghi âm chỉ có ngần ấy nội dung. Nhưng không hiểu tại sao từng chi tiết về giây phút hiểm nghèo của lũ chim cứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi một cách rành rọt.

Một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng trôi qua. Lũ chim nhắm mắt, khép mỏ, hai chân quặp chặt vào thanh chuyền mặc cho không khí nóng nực, oi ả mỗi lúc một nặng hơn hành hạ chúng. Chính lúc lũ chim tưởng chết khát thì những dò phong lan quanh chúng bắt đầu đung đưa. Gió mạnh nổi lên, lá đổ ào ào. Sấm nổ đùng đoành, tiếng vọng âm u lan khắp bầu trời. Chớp nhoáng nhoàng, chằng chịt làm lộ ra những đám mây đen sũng nước. Cửa sổ các nhà xung quanh đập rầm rầm. Những chiếc lồng lắc lư nghiêng ngả như những con thuyền gặp bão giữa biển khơi.

          Ngay từ những cái lắc đầu tiên, lũ chim đã bị bật ra khỏi thanh đậu. Khi định thần biết là giông gió, chúng cố tung cánh bay lên nhưng lại bị hất xuống góc chuồng. Cu Gáy xem chừng là người có bản lĩnh từng trải gào lên dõng dạc: “Bình tĩnh! Quặp chặt chân vào”. Nhưng dường như giọng của Cu Gáy thường ngày chỉ gù là hay chứ gào lên lúc sấm chớp thế này chẳng có nghĩa lý gì. Giữa lúc Cu Gáy đang cố gắng để giúp cho lũ chim nhỏ qua được cơn hoạn nạn thì một nhành cây mục không biết từ đâu xiên qua khe lồng, sượt ngang mí mắt làm nó choáng váng. Đến nước này thì chính nó cũng chẳng còn khả năng thực hiện mệnh lệnh mà nó vừa truyền cho lũ chim nữa. Nó cố nén đau, vung cánh lên đỡ mặc cho cái lồng lộn lên, lộn xuống. Máu bắt đầu rỉ ra nơi khóe mắt, xót như có ai xát muối…

          Vành Khuyên vừa khát vừa đuối sức, đôi chân mỏi nhừ, mấy lần suýt tuột khỏi nan lồng. Cái coóng đựng thức ăn bị bật ra, lăn lông lốc dưới sàn thỉnh thoảng lại va vào người làm nó đau điếng. “Chắc em chết mất”. Nó định nói với Sơn Ca điều mà nó vừa nghĩ nhưng một tiếng sấm inh tai làm nó co rúm lại…

          Sơn Ca nhìn cảnh tượng Cu Gáy và Vành Khuyên, cứ loay hoay muốn nghĩ ra kế gì đấy để cùng chia sẻ hoạn nạn. Nhưng thật không may cho nó, trong lúc đang mải mê tính kế, một cú lắc mạnh làm chiếc lồng quật vào giỏ phong lan, tuột khỏi móc treo rơi xuống đất…

          Họa Mi ở gần Cu Gáy nên nhận được đầy đủ lời chỉ dẫn. Từ nãy đến giờ hai chân luôn bám chặt nan lồng, đôi cánh nhịp nhàng tung lên theo chiều lắc của chiếc lồng giống như một anh chàng chơi đu cừ khôi. Vậy mà vào thời điểm Sơn Ca bị rơi, nó mất bình tĩnh, lỏng chân bám, bị hất ngược lên, cánh va vào thanh đậu, xương trồi ra.

          Lũ chim kinh hoàng, nén đau đớn vừa lo cho mình vừa lo cho số phận của Sơn Ca.

          Gió có phần giảm hơn. Mưa bắt đầu rơi. Những hạt đầu tiên rơi xuống nghe rờn rợn, tưởng chừng xuyên thủng mái tôn hay để lại vết lõm trên nền xi măng. Mưa đổ xuống ầm ầm, dường như mỗi lúc một mạnh. Mưa tức tưởi trong cơn thịnh nộ của trời đất. Đang khát gặp nước, lũ chim uống lấy uống để, chả mấy chốc bụng trương lên như trống. Toàn thân đứa nào đứa nấy đều ướt sũng, run rẩy mà không dám giũ cánh vì sợ bị đau. Ấy vậy mà tất cả đều nhảy loạn xạ lên trước tiếng kêu cứu bất lực của Sơn Ca.

          Trong ánh chớp chói lòa, cảnh tượng xảy ra thật kinh hoàng. Chỉ bằng vài động tác như múa, con mèo đã dùng chân kéo được Sơn Ca ra khỏi lồng, đưa lên miệng kẹp vào hai hàm răng sắc nhọn mang đi. Nhìn những sợi lông còn sót lại dính trên nan lồng và những giọt máu loãng dần ra trong nước, lũ chim đều ứa nước mắt.

          Mưa, gió dường như thưa dần. Đã có người lội bộ đi qua đoạn ngõ ngập nước, bước chân bì bõm. Vành Khuyên rên hừ hừ: “Lạnh quá! Lạnh quá!” Họa Mi nói như khóc: “Thôi thế là gẫy cánh rồi…” Cu Gáy mặt sưng húp híp vẫn bình tĩnh: “Không ngờ hôm nay cánh ta lại đến nông nỗi này. Ta thương Sơn Ca quá...!” Dường như chỉ chờ có thế Vành Khuyên và Họa Mi khóc nấc lên rưng rức, Cu Gáy dỗ dành thế nào cũng không chịu nín. “Thôi! Đằng nào thì Sơn Ca cũng đã mất rồi, để sức mà...” Cu Gáy chưa dứt lời thì có tiếng động mạnh đánh “xoạt” một cái làm cả lũ im bặt.

          “Éc, éc! Ta đã bảo chúng mày rồi. Chúng mày chết vì tiếng hót đấy! Chúng mày có kêu thế chứ kêu nữa cũng chẳng ai cứu nổi đâu”. Nhận ra thằng Chim Lợn độc mồm độc miệng, Họa Mi nén đau bực tức: “Thằng Chim Lợn thối mồm mày không còn việc gì để làm sao…?” Vành Khuyên vừa lau nước mắt vừa nói: “Sao mày ác thế…? Chim Lợn sửng cồ: Tao nói thế không đúng à? Cũng chỉ vì chúng mày hót hay nên mới bị nuôi nhốt. Mà lại chết vì sự vô tâm, sa đọa của ông chủ mới nhục chứ…”. Bình thường thì Cu Gáy chẳng bao giờ đôi co với ai, nhưng nghe những lời độc địa của Chim Lợn, Cu Gáy đĩnh đạc lên tiếng: “Đồ chim lợn xấu xa, mày không có tình thương đồng loại hay sao mà trong lúc anh em tao hoạn nạn, mày lại thở ra những lời độc địa vậy. Mày có biết rằng ông chủ đã nuôi nấng chăm bẵm chúng tao từ lúc còn đỏ hỏn không? Nếu không có ông chủ, rừng bị người ta phá hết rồi chúng tao sống ở đâu? Mày có thể chê trách ai, chứ chê trách ông chủ tao, tao không để mày yên”… “Nhưng mà hôm nay là ngày chúng mày phải chết đấy!”- Chẳng biết đuối lý hay tình đồng loại bỗng dưng trỗi dậy mà Chim Lợn ậm ừ ném lại những lời cay độc rồi chuồn thẳng.

          Quay trở lại với Vành Khuyên và Họa Mi, Cu Gáy cố làm ra vẻ tự tin: “Đừng để ý tới lời xằng bậy của Chim Lợn! Chắc chắn chúng ta sẽ qua được thời khắc khó khăn này. Ngủ đi cho đỡ mất sức các cháu ạ”.

***  

          Tiếng xe đẩy phát ra tiếng kêu “cót két” của bà cụ hàng xóm bán xôi  sáng làm lũ chim thức giấc. Cả lũ còn đang trong cơn đau đớn ê chề thì nghe tiếng Họa Mi kêu thất thanh: “Kiến…kiến…!”. Cả Cu Gáy và Họa Mi cùng lắc mình, quẹt mỏ. Lũ kiến tản ra khắp các nan lồng. Riêng Vành Khuyên nằm gần như bất động mặc cho lũ kiến lăng xăng trên đầu, trên mỏ. Nó dồn hơi thở cuối cùng: “Cho… cháu… gửi … lời… cha…a… ào…!” Họa Mi sụt sùi thương Vành Khuyên bé bỏng. Cu Gáy nghẹn ngào: “Vĩnh biệt cháu, Vành Khuyên!”

          Sau mưa bầu trời như cao xanh hơn báo hiệu những ngày nắng to sắp tới. Cây cối, nhà cửa như được tắm mát. Không gian tĩnh mịch lạ thường. Song Họa Mi cảm thấy có gì không ổn. Vết thương trên cánh mỗi lúc một nhức hơn. Ruột gan cồn cào tưởng như lũ kiến đã chui cả vào bụng. Nghĩ vậy trái tim nó bắt đầu co thắt lại. “Chả nhẽ ta cũng chết sao?”. Trong cơn đau đớn nó nghĩ miên man rồi thiếp đi lúc nào không hay biết.

          Lúc này Cu Gáy cũng đang trong tâm trạng rối bời. Nó không thể nghĩ rằng trong một thời gian ngắn ngủi lại có những ngần ấy tổn thất xảy ra. Nhìn qua gương thấy cái đầu mình u lên, vết máu đã khô nhưng mắt bên trái thì không sao mở ra được. Nó thấy xót xa vô cùng cho Sơn Ca và Vành Khuyên đã sớm thiệt thân. Nhìn Họa Mi một cánh rã ra đang nằm ép bụng xuống sàn rên “hừ hừ”, nó không sao cầm lòng được.

          Thế rồi, điều Cu Gáy không mong đợi đã đến. Họa Mi rùng mình một cái, gấp gáp nói qua hơi thở: “Cháu chắc không qua được đâu. Bác nói với ông chủ cháu không còn cơ hội… nữa rồi. Bác ở lại mạnh khỏe…!” Dứt lời đầu nó vặt sang một bên. Hai chân  duỗi dần ra buông thõng dưới sàn.

          “Sao lại ra nông nỗi này nhỉ? Có phải anh em ta chết vì sự vô tâm và sa đọa của ông chủ hay không?… Chả nhẽ thằng Chim Lợn nói đúng…? Bao ý nghĩ vởn vơ trong đầu Cu Gáy nhưng nó không thể trả lời được bởi những cơn đau như búa bổ nơi vết thương đang sưng tấy nhói lên cắt ngang dòng suy nghĩ của nó. Một cơn gió sớm bất chợt thoảng qua. Nó cảm thấy đói và buồn ngủ. Trong cơn mơ màng nó thấy hình ảnh ông chủ hoan hỉ, vuốt ve nó, đổ vào cái coóng sứ mới tinh những hạt đậu xanh tròn vo, thơm nức và rồi ông chủ cầm nó trên hai tay tung lên giữa bầu trời xanh…

***

          Tôi ngồi như chết lặng trước những điều nghe được và cảm nhận được về những giây phút kinh hoàng, bất lực của lũ chim. Thế là từ nay trở đi không bao giờ tôi còn được nghe giàn đồng ca ríu rít, hân hoan của những con chim mà tôi yêu quý nữa. Chắc chúng sẽ oán trách tôi. Không, chúng sẽ tha thứ cho tôi… Đầu óc tôi như muốn nổ tung bởi hàng trăm câu hỏi về chuyện nhân tình thế thái ở đời.

Ngoài trời nắng bắt đầu lên trên những ngọn cây me, cây sấu. Chợt nhớ tới cô giúp việc lúc nãy bị mắng oan, tôi lần xuống bếp xoa xoa mái tóc mượt như nhung của cô: “Đằng ấy tha lỗi cho tôi nhé!”… Đúng lúc ấy chẳng biết từ đâu vợ tôi xuất hiện. “Bịch”- túi hoa quả rơi xuống lăn lóc khắp sàn. Nàng đứng chết lặng, mồm há hốc. Tôi lo quýnh lên trong khi cô giúp việc còn đang rúm ró mặt mày. Và chính khi tôi mừng thấy nàng cử động thì giông gió lại nổi lên phủ lấp mọi điều:

- Đồ khốn nạn, đồ khốn nạn! Anh mà cũng đểu cáng thế ư?


Đinh Thường

ĐT: 0912.242.998
Email: dinhthuongtho.hp@gmail.com

 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: