Thứ năm, 10/10/2024,

“Nỗi buồn pha lê” - Bước tiến mới trong thơ Trương Nam Chi (Văn Lê) (18/09/2014)

Bìa tập thơ "Nỗi buồn pha lê" do NXB Hội Nhà văn ấn hành, năm 2014

          Cổ nhân có câu: “Thơ chính là viết về cái đau, cái thốn, cái cảm của con người trước hoàn cảnh”. Hoặc: “Ý hết, lời dứt đã là hay. Nhưng lời hết mà ý chưa dứt mới hay hơn.” Lại nói: “Nhân tình luyện đạt, ấy văn chương”. Điều đó có nghĩa văn chương chính là nghệ thuật diễn đạt nhân tình. Đọc tập thơ “Nỗi buồn pha lê” của Trương Nam Chi, tôi thấy le lói đâu đó cái luận của người xưa. Tôi cũng bắt gặp ở đâu đó trong thơ của chị những cảm nhận sắc lẻm về cuộc sống, cảm nhận về cái đau, cái thốn và cả những được, mất của thân phận con người.


Chị viết:
Con đường đất tiễn người đi
Ruộng mương nứt nẻ mấy khi nhớ về
Phố đông lẫn khuất câu thề
Tiếng quê thảng thốt vỉa hè phồn hoa.
(Tiếng quê)


           Tôi quý trọng Trương Nam Chi ở điểm này: Thơ chị nói toàn những điều bâng quơ, đôi khi chẳng ăn nhập đâu vào đâu, nhưng nó cứ cứa vào lòng người ta, xới tung những thứ tưởng như đã lặn chìm trong lòng, buộc người ta cứ phải dằn vặt, nghĩ ngợi, đồng cảm với chị. Thơ của chị đôi khi cũng tung tẩy, làm mình làm mẩy theo cách của con gái, nhưng trong sâu thẳm của từng con chữ lại lóe lên những ánh lửa nồng nàn. Trong tập thơ, chị viết nhiều về nỗi buồn. Nhưng tuyệt nhiên chị không trách ai, ghét ai, mà tự mình an ủi lấy mình. Chị chỉ mong có được sự cảm thông của mọi người để sống.


Nếp nương cất bước theo chồng
Cheo leo dò bậc thang lòng tìm quên
Xa rồi còn một cái tên
Khi buồn mình tự hát lên ru mình.
(Tự ru...)


          Trương Nam Chi có một tâm hồn quá ư nhạy cảm, đồng thời là một người làm kinh tế. Người ta nói làm thơ mà lại làm kinh tế thì chỉ có “ăn chữ”. Nhưng hình như sự nhạy cảm của người làm thơ cũng rất cần cho việc kinh doanh. Chí ít là người làm thơ không thể kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nhà thơ chuyển sang kinh doanh bị đổ nợ. Nhưng Nam Chi vẫn trụ được, ít nhất là vào thời điểm này. Đây cũng là môi trường giúp cho chị cảm nhận được cái xô bồ, hỗn độn, tráo trở của xã hội. Công việc đã đưa chị đến nhiều nơi mà chị cần phải đến. Có thể do vậy mà chị được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, nhiều nỗi éo le của người đời. Đó cũng là lúc mà lòng trắc ẩn con gái trỗi dậy trong lòng chị. Để rồi chị nghĩ, chiêm nghiệm và viết về những điều mà chị cảm nhận. Đơn giản lắm, bình thường lắm, nhưng lại tràn đầy những nỗi niềm khắc khoải.


Nụ cười duyên dáng yêu kiều
Mà sao ánh mắt giấu nhiều ưu tư
Mà sao nước mắt hình như...
Hình như máu đỏ loang từ trong tim.
(Hình như máu đỏ)


          Trương Nam Chi là phụ nữ. Do vậy mà chị hiểu về sự phức tạp trong tình cảm của giới nữ. Họ vui đấy. Buồn đấy. Cười đấy. Rồi khóc đấy. Với Nam Chi, chị không chối bỏ nỗi buồn trong lòng, mà trân trọng giữ gìn nó. Dẫu sao, nỗi buồn cũng là một phần của cuộc sống con người. Người mà không có nỗi buồn thì thành người thế nào được!?


Nỗi buồn mình chị nhen lên
Một mình canh lửa bốn bên ba bề
Một mình đốt đến si mê
Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à...
(Nỗi buồn pha lê)


          Dù là viết về mình, viết về nỗi đau thầm kín cùng với những khát vọng của riêng mình, thì thơ của Trương Nam Chi vẫn nói về cái chung, cái đạo làm người. Chị vun vén cho bản thân, dĩ nhiên, nhưng chưa đủ. Chị vẫn đa đoan, vẫn mua nhọc vào mình, như người ta thường nói. Chị vẫn thường sẻ chia, vun đắp cho những mảnh đời bấp bênh, cô quạnh. Dường như cái số kiếp bắt chị phải thế, bắt người thơ phải thế. Nếu không như thế đã chẳng phải là chị. Chị vui với nỗi vui của người đời, buồn với nỗi buồn của người đời, để rồi trải lòng ra với họ. Theo chị, chỉ có tình người mới có thể hàn gắn, làm vợi đi nỗi đau, niềm cô quạnh của chính con người.


Quê nhà trở lại mấy khi
Mùa đông bóng nước phẳng lì mặt sông
Thương em có sợi nắng hồng
Đêm về ủ ấm nỗi lòng tha hương.
(Lạnh!)


          Trương Nam Chi viết nhiều về tình yêu. Điều này chứng tỏ tình yêu rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất đối với chị. Chị trân trọng tình yêu cao đẹp bao nhiêu, thì lại càng tiếc thương cho những mối tình vội vàng, lầm lỡ bấy nhiêu, để rồi phải ăn năn, tự vấn. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là tình yêu. Có như thế tình yêu chân thành mới có chỗ đứng, mới xứng đáng được tôn thờ:


Em về anh lén nhìn sang
Nụ cười cắn chỉ vắt ngang cõi lòng
Thì thôi, thôi nhé là xong
Anh còn lại mối tình không là tình.
(Thôi nhé người dưng)


          Trương Nam Chi chọn thể thơ “lục bát” làm nguồn cảm hứng sáng tác. Đối với chị, thơ lục bát không chỉ là phương tiện để cứu rỗi cảm xúc mà còn là số phận nữa. Chị chung thủy với thơ lục bát không chỉ là để tôn vinh sự sáng tạo của dân tộc, mà còn ở sự tương hợp với tình cảm của mình. Thơ lục bát dễ làm, nhưng khó hay. Thơ lục bát biến hóa như rồng. Cái quan trọng là người viết phải cao tay, sử dụng chữ nghĩa một cách đồng bóng, tài tình giống như phù thủy điều khiển âm binh vậy. Làm được như thế mới là bậc thượng thừa. Trương Nam Chi đã chọn cái khó nhất ấy để thể hiện mình. Tập thơ “Nỗi buồn pha lê” của chị đã đem đến cho người đọc một cảm xúc mới lạ, ray rứt, chân thành. Về mặt này, tôi nghĩ chị đã thành công. Xin chia vui với chị.


Nhà thơ VĂN LÊ

 


Đang chín dần một “Thương hiệu”
Lục Bát mang tên Trương Nam Chi


          Ngày 27/12/2009, một cái tên tác giả lạ hoắc, lần đầu tiên xuất hiện trên website Lục Bát Việt Nam, với bút danh Trương Nam Chi, được ký dưới bài thơ “Đợi chờ”, với 16 câu, được viết theo thể truyền thống 6/8. Đọc tác phẩm đầu tay này, người ta cảm nhận phảng phất một nỗi buồn hoài cổ: Mơ màng tỉnh tỉnh say say / Chạnh lòng nhớ bóng trăng gầy cô liêu / Chòng chành giấc mộng đìu hiu / Liêu xiêu như chiếc lá chiều đầu đông…

              Công bằng mà nói: Cho dù tác giả đã cố gắng “Vớt từng con chữ ghép thơ / Bồi hồi kết lại dây tơ đứt rời” thì vần luật của bài thơ vẫn chưa thật chuẩn. Tác phẩm chưa toàn bích, nhưng bù lại, người ta đã thấy lấp lánh một điều gì đó rất khó giải thích, để bạn đọc có quyền chờ đợi và hi vọng…


          Một điều thú vị nữa: Không hiều sao, nhiều người đã nhầm tưởng Trương Nam Chi là… nam giới. Chẳng thế mà bạn đọc Vương Quỳnh Thy (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), đã gửi lời góp ý qua email thy_bienkich@gmail.com: Hai chữ “giùm tôi” cuối bài theo tôi nên thay bằng "ngày xưa" sẽ hay hơn anh Trương Chi ạ! Mong đọc nhiều sáng tác của anh. Trân trọng!


          Thế rồi, ít ai có thể hình dung ra rằng thời gian sau đó, thơ Trương Nam Chi đã xuất hiện thường xuyên, liên tục trên nhiều diễn đàn và báo chí. Tác phẩm của chị được sáng tác bằng nhiều nhiều thể loại, nhưng ấn tượng nhất vẫn là Lục Bát. Những bài 6/8 rất dân tộc, nhưng cũng rất hiện đại đã chinh phục không chỉ cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, bạn đọc của website Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn rất nhiều báo chí khác, kể cả Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần báo Văn nghệ và website của Hội Nhà văn Việt Nam…

 
         Trong 4 năm (2011 – 2014), Trương Nam Chi đã liên tiếp trình làng 4 tập thơ riêng: “Quà tặng tình yêu” (Nhà xuất bản CAND, 2011); “Lạc Duyên” (Nhà xuất bản Trẻ, 2012); “Dốc thiêng” (NXB Hội Nhà văn, 2013) và “Nỗi buồn pha lê” (NXB Hội Nhà văn, 2014)… Các tác phẩm của chị đã được các nhà thơ Lê Quang Trang, Văn Lê, Nguyễn Thụy Kha, Lâm Xuân Vi, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Vũ Quỳnh, … giới thiệu và đều đánh giá cao.


          Năm 2012, khi viết lời giới thiệu cho tập “Lạc Duyên”, Nhà thơ, Nhà phê bình Lê Quang Trang đã nhận xét và dự báo:
“Trương Nam Chi được đào tạo chuyên ngành hóa học, nhưng là người có tâm hồn đam mê với thơ ca, nhất là chị rất yêu mến thể thơ Lục Bát. Chị đến với thơ như là để giải tỏa những rung động của lòng mình trước những cảm xúc, ý tưởng nảy sinh trong cuộc sống, trong tình yêu. Trong câu chuyện cùng bạn bè, người ta nhận thấy trong sâu thẳm tâm hồn chị, có chất nghệ sĩ ưa lãng mạn phiêu bồng của người cha xứ Quảng từng nhiều năm là Biên tập Văn nghệ của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Cộng với phẩm chất của người mẹ xứ Thanh, mang khí phách của những trang nữ nhi đảm lược hòa quyện cùng nét duyên kín đáo của người phụ nữ xứ Bắc dịu dàng. Cho nên, thơ chị vừa đam mê bùng nổ vừa đằm thắm giữ gìn.


          Năm 2013, sau khi đọc tập “Dốc thiêng”, Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã viết: “Dốc thiêng” là một tiếng thở dài về nhân tình thế thái bằng thơ của một phụ nữ đã qua tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”… Từ ám ảnh gốc ấy, cảm xúc Trương Nam Chi đã tỏa ra nhiều chiều, trên nhiều cung bậc xao xuyến đến lạ lùng. Trước thực tại hôm nay, Trương Nam Chi không né tránh như nhiều nhà thơ nữ khác. Chị đã nhìn thẳng vào để chia sẻ qua “Người quê ở phố”, “Góc đêm” và đặc biệt là “Chuyện nơi đầu phố”. Có gì nghèn nghẹn, đớn đau… Một bài thơ toàn bích, một bài thơ vào hạng hay nhất viết về thân phận đàn bà trên trái đất này, có thể sánh với thơ Zimboska (Nhà thơ nữ người Ba Lan đoạt giải Nobel gần đây)… Và: Có thể nói qua “Dốc thiêng”, Trương Nam Chi đã trở thành nhà thơ theo đúng nghĩa của giới chuyên môn…


          Còn nhà thơ “bụi đời và ngang tàng” Bùi Chí Vinh thì thốt lên: Đọc “Dốc thiêng” thấy “Đời phàm”…
Tự nhiên thấy lòng thật thanh thản. Thanh thản bởi chữ “Tình”, đã được Trương Nam Chi giải quyết nhẹ như không: “Lạt mềm em buộc làm sao/ Phút giây ai đổ dầu vào lửa than/ Phút giây tiên bụt quy hàng/ Phút giây lòng dạ ruột gan bời bời” (Lạt mềm…). Thanh thản bởi chữ “Đời”, đã được cô cảnh báo: “Ra đường bụng nhủ dạ rằng/ Tránh xa kẻ cướp nhập nhằng thường dân/ Coi chừng gặp kẻ tà tâm/ Giả danh nhân nghĩa kết nhầm tâm giao” (Tự nhủ)... Và, Tập thơ “Dốc thiêng” khẳng định được sở trường phóng tay làm “Lục Bát” của nữ sĩ. Không tin, mời bạn liếc qua bài thơ “Suông…” chỉ vẻn vẹn 4 câu phá cách mà “thấm” khả năng “chơi chữ giỡn từ” bao la của cô. Ở bài thơ này, hai chữ “suông” và “nhạt” săn đuổi nhau làm thành một bức tranh âm nhạc “Serenade” trữ tình: “Rượu suông/ Nhạt mảnh trăng thề/ Tình suông/ Nhạt cỏ ven đê hững hờ/ Chuông suông/ Nhạt giọt thẫn thờ/ Chiều suông/ Nắng nhạt/ Em chờ/ Đêm suông”.


          “Dốc thiêng” đã lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013. Tập thơ đã nhận được khá nhiều lời khen ngợi của các thành viên trong Hội đồng xét giải. Nhưng cũng có ý kiến phản ứng quyết liệt, vì cho rằng tác giả còn “trẻ” quá, mới sáng tác được đôi ba năm đã dễ dàng được công nhận là Hội viên Nhà văn Thành phố, nay lại thêm giải thưởng thì hình như “có điều gì đó không ổn” và cần phải… thử thách thêm!


          Năm nay, 2014, Trương Nam Chi lại “trình làng” một tập thơ mới mang tên “Nỗi buồn pha lê”. Phần nhiều là những bài Lục Bát vừa được sáng tác, dường như còn nóng hổi câu chữ và những vấn đề nhân tình thế thái mà đời sống xã hội đang quan tâm. Giới thiệu về tập thơ này, nhà thơ Văn Lê đã khẳng định đây là “Bước tiến mới trong thơ Trương Nam Chi”: “…Đối với chị, thơ Lục Bát không chỉ là phương tiện để cứu rỗi cảm xúc mà còn là số phận nữa. Chị chung thủy với thơ Lục Bát không chỉ là để tôn vinh sự sáng tạo của dân tộc, mà còn ở sự tương hợp với tình cảm của mình. Thơ Lục Bát dễ làm, nhưng khó hay. Thơ Lục Bát biến hóa như rồng. Cái quan trọng là người viết phải cao tay, sử dụng chữ nghĩa một cách đồng bóng, tài tình giống như phù thủy điều khiển âm binh vậy. Làm được như thế mới là bậc thượng thừa. Trương Nam Chi đã chọn cái khó nhất ấy để thể hiện mình. Tập thơ “Nỗi buồn pha lê” của chị đã đem đến cho người đọc một cảm xúc mới lạ, ray rứt, chân thành…


          Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh cũng có chung cảm nhận về “Nỗi buồn pha lê”: Với Trương Nam Chi, Thơ Lục Bát như hương vị của cuộc đời, cứ ngọt lịm, lắng đọng đến tận cùng tâm can. Thơ Lục Bát là mối tình đầu của chị khi bước chân vào con đường thi ca. Cho nên, thơ Lục Bát với chị là người bạn tâm giao. Làm thơ Lục Bát không khó nhưng để có bài thơ Lục Bát hay đi theo năm tháng, và sống mãi cùng bạn đọc thì cực khó, và không nhiều người làm được điều ấy. Trương Nam Chi đã có những câu thơ, bài thơ đạt đến đỉnh cao của Lục Bát, vương vấn trong tâm can sâu xa của người đọc và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.


          Không phải ngẫu nhiên mà “Nỗi buồn pha lê” đang được dư luận người yêu Thơ cả nước đánh giá cao! Nhiều bạn thơ đã thừa nhận: “Viết Lục Bát như Trương Nam Chi thật khó và rất ít người làm được”. Ba năm trước, một nhóm tác giả yêu Lục Bát ở Thành phố mang tên Bác đã thành lập CLB Lục Bát Sài Gòn. Họ mở cả trang riêng, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Và Trương Nam Chi luôn là một trong những thành viên tích cực nhất. Có lẽ cũng vì thế mà vài năm gần đây, chị cũng là một trong những tác giả được website của Hội Nhà văn Thành phố giới thiệu nhiều chùm Thơ Lục Bát nhất.


          Những bài thơ đích thực và những câu thơ hay, thường không cần ai quảng cáo, hay “lăng xê” như người ta vẫn nói trong thế giới nghệ thuật và giải trí. Nhưng tự chúng sẽ có cách tìm đến với bạn đọc và lưu lại trong trí nhớ mỗi người. Để kiểm chứng, chỉ cần bạn mở máy tính và gõ tìm kiếm qua Google… “Thơ Trương Nam Chi”, thì sẽ biết tác phẩm của chị, hầu hết là Lục Bát, đã được lan tỏa và đăng tải nhiều như thế nào. Và đó cũng là phần thưởng lớn nhất mà các tác giả đều mơ ước.


          Giờ đây, những bài Lục Bát của Trương Nam Chi đã xuất hiện thường xuyên, liên tục và được bạn đọc, đặc biệt là cộng đồng mạng, đón nhận rất tự nhiên. Giới Văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, khi ngồi cà phê mà nói về Thơ Lục Bát, chắc chắn không thế không nhắc đến tên chị. Không còn nghi ngờ gì nữa, đã có một “Thương hiệu” Lục Bát mang tên Trương Nam Chi, đang chín dần và hứa hẹn cho những mùa trái ngọt bội thu.

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2014
Nhà thơ Đặng Vương Hưng


TRƯƠNG NAM CHI: NỖI BUỒN TRONG NHƯ PHA LÊ


          Hơn một năm rồi tôi chưa đọc Trương Nam Chi, có lẽ từ sau tập Dốc Thiêng của chị ra đời hồi giữa năm ngoái đến nay, cũng không biết nhà thơ này đang cày bừa hay gieo trồng gặt hái được những gì trên cánh đồng thơ của chị nữa. Hôm rồi, bất ngờ nhận được tập thơ mới mang tên “Nỗi buồn pha lê” của Trương Nam Chi rất đẹp còn thơm mùi mực, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Đọc Nỗi buồn pha lê, suy ngẫm giữa Trương Nam Chi trong tập Dốc Thiêng như trong trẻo, nồng nàn, xao động, tự do, lãng mạn cùng Trương Nam Chi của Nỗi Buồn Pha Lê lặng lẽ, nhẹ nhàng, sâu lắng đằm thắm hơn trên cung bậc thời gian.
          Hình như Trương Nam Chi sinh ra và lớn lên ở vùng quê ca dao, dân ca hay chị bước chân vào cánh đồng thơ trên bệ phóng lục bát mà cuộc đời gắn liền với hàng trăm bài thơ lục bát viết về làng quê và thân phận con người. Thơ Trương Nam Chi ưu tư suy tưởng, thấm đẫm tình quê, tình đời, âu yếm đến da diết, nhả hết tơ lòng dệt nên những thi ảnh huyền diệu, ngôn ngữ thơ giàu hình tượng, giản dị rất đời thường mà lung linh.

Lúa xanh làm khổ cánh cò
Qua sông ngoái lại bến đò lạc nhau
Nén lòng vội vã bước mau
Kẻo giông kéo đến làm đau gió đồng
(Về Tiền Giang)


          Không hiểu sao con người sinh ra ở làng, đi xa từ thuở bé thơ, quê xa lắc xa lơ, đã ở thành phố hàng mấy chục năm rồi mà Trương Nam Chi vẫn cứ tâm tưởng nhớ nông thôn da diết, bồn chồn. Dòng sông, cánh đồng, con đò, bờ kênh… trong thơ Trương Nam Chi thấp thoáng bóng những nàng tiên hiện về nguyên vẹn chân quê:


Con đường đất tiễn người đi
Ruộng nương nứt nẻ mấy khi nhớ về
Phố đông lẫn khuất câu thề
Tiếng quê thảng thốt vỉa hè phồn hoa.
(Tiếng quê)


          Viết về nông dân, nông thôn, ngòi bút của Trương Nam Chi nhảy múa như một họa sĩ tài hoa chuyên vẽ tranh thủy mạc và các bức thi họa ấy hiển hiện ra cái chân thiện mỹ và nhân văn lãng mạn lay động đến tâm thức của người đọc. Câu chữ trong thơ của chị không gân guốc, cao siêu, không cần giảng giải mà sức lan tỏa bay xa thấm đẫm tình đời.


Cái hôm ngọn gió đi rong
Vắt trên vạt nắng đường cong hững hờ.
(Nỗi niềm mây trắng)


          Một Trương Nam Chi dung dị trên cánh đồng thơ đã thả hồn vào câu chữ một cách đằm thắm, gieo vào tâm trí người yêu thơ nỗi nhớ nhung lưu luyến, đầy quyến rũ.


Con gà trống nhớ xóm thôn
Nghe trong tiếng gáy vắng hồn lũy tre
(Tha hương)


          Song, lại có một Trương Nam Chi ưu tư, rong ruổi trong cuộc hành trình, nhạy cảm trong khắc khoải vui buồn.


Hoa rơi để lại nhụy tàn
Người rơi nước mắt tôi tràn nỗi đau
Phím đàn gảy lệch lòng nhau
Đền thiêng nghiêng đổ còn đâu cõi thờ
(Xót xa)


          Hình tượng người mẹ và người lính hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988, Trương Nam Chi đã hòa quyện vào trong thâm tâm của mẹ để chiêm nghiệm nỗi đau mất mát mà chỉ có tấm lòng của người mẹ mới trằn trọc, thao thức chịu đựng đến thắt ruột gan. Nhà thơ đã chạm vào tâm thức sâu xa của nhân sinh sâu sắc của tình mẹ:


Con ơi giàn mướp hàng cau
Cũng buồn vắng bóng con lâu chưa về
Con nay đã vẹn lời thề
Máu hòa sóng biển vỗ về Gạc Ma
Và :
Đêm nay mẹ nén nỗi đau
Lắng trong tiếng gió biết đâu… con về
(Lòng mẹ)


        Viết về cuộc sống lứa đôi của tuổi trẻ giận thương, gần xa và chia li của những mối tình tươi trẻ, những bộc bạch tâm tư cũng đủ thấy một Trương Nam Chi trải nghiệm mà không dằn vặt xót xa, âu cũng là duyên phận…


Con đò chung thủy bến sông
Khó neo được mối tình không bến bờ
(Suy ngẫm)


Hay :
Biết rằng mình đã người dưng
Thì thôi xem nhé chưa từng gặp nhau
Em về chưng cất niềm đau
Lạ chưa! Kỷ niệm giấu đâu cũng thừa.
(Lạ chưa!)


          Với Trương Nam Chi, có lần chị tâm sự rằng: Thơ lục bát như hương vị của cuộc đời, cứ ngọt lịm, lắng đọng đến tận cùng tâm can. Thơ lục bát là mối tình đầu của chị khi bước chân vào con đường thi ca. Cho nên, thơ lục bát với chị là người bạn tâm giao. Làm thơ lục bát không khó nhưng để có bài thơ lục bát hay đi theo năm tháng, và sống mãi cùng bạn đọc thì cực khó, và không nhiều người làm được điều ấy. Trương Nam Chi đã có những câu thơ, bài thơ đạt đến đỉnh cao của lục bát, vương vấn trong tâm can sâu xa của người đọc và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.


Ừ, thì buồn buốt mùa đông
Ừ, thì buồn thấu cánh đồng cô đơn
Ư, thì nắng quái chập chờn
Ừ, thì giông tố vuốt vờn bao phen
(Nỗi buồn pha lê)


          Trong cuộc sống hiện tại đa dạng và phong phú, nhiều lúc cuộc đời phải chấp nhận giông tố phũ phàng, để vượt qua nghiệt ngã của định mệnh. Song, nỗi buồn trong như pha lê của nhà thơ đã được Trương Nam Chi lượng hóa kéo nó về chốn ân tình


Cho em được nắm bàn tay
Đời người dễ có mấy ai hiểu mình
Tri âm chẳng lụy bóng hình
Mai xa còn tấm chân tình sao quên
(Tri âm)

          Qua đó, cũng đủ cho ta thấy một Trương Nam Chi bản lĩnh tư tin làm nên bản sắc riêng cho tiếng thơ của chị, đọng lại trong tâm tưởng người đọc một cách đồng cảm, hàm súc mà sức hấp dẫn ngôn ngữ thi vị như thầy phù thủy đang rung lên cung bậc âm thanh sâu lắng, đĩnh đạc trên văn đàn thi ca ngày nay.

 


Thành phố Hồ Chí Minh, cuối tháng chín năm 2014
Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh

 

 

BỚ HỒN CON CHỮ…
VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC
“NỖI BUỒN PHA LÊ” – THƠ TRƯƠNG NAM CHI

 

          Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.


          Sự đồng điệu chẳng dễ gì gặp gỡ trong hiện thực quá ư chộn rộn chuyện cơm áo gạo tiền. Thường những lúc vậy, tôi hay lêu bêu vào trang giới thiệu tác phẩm mới của Tủ sách Văn Tuyển, một trang mạng thuần túy văn học (vantuyensaigon.net).


          Và rồi chiều nay… bắt gặp ở đây một thi phẩm mới toanh, mang cái tựa đề nhè nhẹ miên man: Nỗi Buồn Pha Lê, của Nhà thơ Trương Nam Chi.
          Tên của Người, tên của thi phẩm và thể thơ Lục Bát, gần như cùng một lúc xui giục cú kích chuột.


          Vốn rất thích thơ Lục Bát, một dạng thức thi ca hoàn toàn Việt, là của người Việt, và hầu như chưa bị tác động, biến đổi gì nhiều trong dòng chảy thi ca đang ngồn ngộn tiếp nhận nhiều trào lưu thơ hiện đại, nên cái quốc hồn quốc túy luôn chảy xiết trong lòng câu thơ Lục Bát từ xa xưa cho đến bây giờ. Dù rất nhiều nhà thơ từ thế hệ này sang thế hệ khác trên thi đàn Việt, dày công vận dụng thi tài của mình để cải cách, nâng cao tính nghệ thuật cho thứ ngôn ngữ trực quan, giao tiếp nhưng mang đầy âm điệu, nhạc tính rất riêng biệt của người Việt. Dẫu vậy, trước bao nhiêu biến tấu tài hoa của bao thế hệ thi nhân, thể thơ sáu - tám vẫn giữ được nguyên vẹn hình hài vốn có của nó, vẫn là thứ phương tiện gần gũi thân quen để người làm thơ chuyển tải tâm cảm đến với người yêu thơ, từ Tâm đến Cảnh.


          Dĩ nhiên, với những lợi thế ấy, thơ Lục Bát đã được nhiều, rất nhiều nhà thơ chạm vào nên cũng dễ bị “bình dân hóa”, sáo mòn, cũ kĩ… nếu nhà thơ không bị rù quyến thật sự để gởi gắm hết hồn vía và luôn làm mới nó.


          Trở lại với tập Nỗi Buồn Pha Lê, từ cú kích chuột đầu tiên, dòng đầu tiên, trang đầu tiên của Nỗi Buồn Pha Lê, tôi hơi bị giật mình:


Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ
Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần…
(Gọi hồn)


          Mới ghé vào, mới đặt nửa bàn chân vào cõi thơ của Trương Nam Chi, là chạm ngay một lối cấu trúc khá đặc biệt, mới mẻ và một cảm giác khắc khoải thống thiết của người đang cầu hồn, cái hồn vía chữ nghĩa.
Phải thừa nhận rằng cái hồn vía chữ nghĩa trong thế giới thơ hôm nay đang bị loãng tan mờ nhạt, bởi sự xâm thực của đời sống lệch nghiêng về phía quá thực dụng.


          Sự tâm cảm giữa một người viết và một người đọc, có lẽ là cốt lõi thành công hay thất bại của một thi phẩm. Và tôi, người đọc.
Người đọc thì bao giờ cũng muốn tìm thấy cái cảm xúc thật, trong mong muốn, ước ao tìm thấy phần hồn qua xác chữ. Sự đồng cảm ấy cũng đã xúi giục tôi bước đi tiếp đến tận cùng 99 bài thơ trong Nỗi Buồn Pha Lê.


         Đọc từ đầu đến cuối, rồi lại đọc… và… đọc, tôi đọc đến lần thứ ba và không thể không viết vài dòng cảm nhận khi tìm thấy cho mình một khoảng lặng đầy suy tư:


          Trong bài Chiếc Lá, viết theo dạng thơ tứ tuyệt, chỉ bốn câu, bằng dung lượng của một bài hài cú, cũng đầy đủ yếu tố chiêm nghiệm và giải quyết rốt ráo tâm ý và tâm cảnh:



CHIẾC LÁ

Ước là chiếc lá
Đong đưa
Mặc trời sáng
Nắng
Chiều mưa
Cũng đành…

Tháng ngày lấy biếc
Làm
Xanh
Lấy sương
Giữ
Nét long lanh
Dâng
Đời.

          Hay những nét phác họa chân dung rất lạc quan của Trương Nam Chi trong Cời lửa có thể trở thành một bài học cần thiết cho những người không dám trút bỏ thân phận nỗi buồn pha lê, trong veo, trắng ngần và dễ vỡ:

U buồn thổn thức
Gọi tên
Người đem xâu chuỗi
Phơi
Trên tro tàn
Mình tôi lóng ngóng
Cời than
Khơi lên đốm lửa
Dập tan muộn phiền.
(Cời lửa)


          Dung dị, mộc mạc nếu không nói là rất đơn giản trong sử dụng ngôn ngữ, vậy mà câu thơ đã nói hết, nói bằng hết, nỗi buồn sâu thẳm của tác giả trong hình ảnh rất đơn độc u uất một người, một mình ngồi cời than. Lan man trong trầm tư liên tưởng hình ảnh, tôi cũng bị rơi vào một không gian hun hút cô độc đến kì lạ.

          Và cũng chính trong bức tranh tưởng chừng rệu rã ấy lại ẩn chứa bản lĩnh vượt thắng “…khơi lên đốm lửa / dập tan muộn phiền…” của bậc trí giả.


          Tôi không biết tiểu sử, không biết cuộc sống của Trương Nam Chi, nhưng qua tập thơ này, tôi cảm nhận chị phải trải qua nhiều thăng trầm trong đời thực mới nhận thức được cái chân lý bất biến là vô ưu, để cân bằng được nội tâm với khách thể.
Nhà thơ cũng đi trước cuộc đời mình một bước, vượt qua được cảm tính thông thường của một nữ nhân, khi xác thực sự hiện hữu chỉ là giai đoạn phù phiếm trong vòng chuỗi sinh diệt như một người đã đắc đạo:


Ơ này! Nhan sắc gió mây
Có nghe tiếng gọi cỏ cây đang chờ
(Nhan sắc)


          Hay trong Gánh buồn, Trương Nam Chi đã viết:


Gánh buồn ngúng nguẩy rong chơi
Vẩn vơ thiên hạ buông lời quàng xiên…

Gánh buồn xốc lại xiêm y
Kẻo bụi oan trái lắm khi bám vào…

          Tôi càng đọc, càng thấy thích thú với cung cách thể hiện tâm ý của chị qua vần thơ sáu - tám tưởng chừng như đã quá cũ kĩ sáo mòn. Mỗi vần thơ như một lời độc thoại với nội tâm, với cuộc đời bằng thứ ngôn ngữ trực quan, không màu mè, không bóng lộn như rất nhiều người làm thơ khác. Có lẽ chính sự đơn giản, mộc mạc trong câu chữ, sự cách tân ngắt câu, lật dòng mang hơi hướm của dạng hình “thơ thị giác” đã tạo nên phong cách riêng biệt và thành công trong cuộc chơi gọi hồn cho xác của Nhà thơ Trương Nam Chi.



Huế, tháng 10/2014
Nhà thơ Nguyên Quân




Nhà thơ Trương Nam Chi: Trái tim yếu đuối, đa cảm…

 

 

             Dáng vẻ thanh tao, gương mặt đôn hậu với nụ cười tươi duyên dáng, tính cách tinh tế, nhà thơ Trương Nam Chi dễ gây được sự tin yêu và thiện cảm với mọi người.

           Tuy đã từng là sĩ quan quân đội (với cấp hàm đại uý), sống trong môi trường được đào luyện khắt khe nhưng Trương Nam Chi có phong cách của một nhà thơ với tâm hồn thật dịu dàng, đầy nữ tính và không kém phần lãng mạn.

           Được thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của người cha là soạn giả Trương Phú Xuân, người nghệ sĩ đã từng là bộ đội, tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong thời kỳ đánh Mỹ, là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và từ những năm 1971- 1975 là cán bộ phụ trách chương trình phát thanh địch vận của Đài tiếng nói VN, cùng thời và cùng công tác với các nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Văn Lê, soạn giả Trần Nam Dân… Nhắc tới ông, người ta không quên những tác phẩm ông viết đã một thời được các ca sĩ gạo cội hát, được phát trên đài khiến nhiều người say mê như “ Vào xuân”,” Bức tranh quê”, “ Cây tre đất Quảng”, “ Nhìn qua khung cửa”, “ Xóm dệt Bảy Hiền”… 

               Sinh ra trong một gia đình gia giáo lại có “gien” nghệ sĩ của người cha nên Trương Nam Chi dù đang bận rộn việc kinh doanh chị vẫn dành riêng một “cõi thơ” cho mình và chọn dòng thơ gần gũi, quen thuộc với dân tộc là “lục bát”, một loại thơ dễ làm, dễ nhớ nhưng khó đạt tầm cao trong đền thiêng thơ.

               Trương Nam Chi không ngại điều đó, chị vẫn lặng lẽ sáng tạo với tất cả sự say mê, sự trải lòng cùng những con chữ để nói lên tấm tình tha thiết của mình với quê hương, với gia đình, bè bạn và tình yêu riêng tư qua gam màu phong phú, nhiều chiều kích đa dạng khiến cho người đọc như chìm lắng vào cõi rất riêng, nhẹ nhàng, bãng lãng, tình nặng nghĩa sâu mà cũng rất say đắm ưu tư.

                Trong suốt 4 tập thơ: Quà tặng tình yêu, Lạc duyên, Dốc thiêng, Nỗi buồn pha lê, hầu hết tác giả dùng lục bát để tỏ bày, ngoài ra cũng có những bài thơ tự do khác để thay đổi nhịp điệu làm cho người đọc bất ngờ.

               Mảng thơ tình thật đầy đặn nhưng người viết bài này thích dòng thơ về quê hương, gia đình, chiến tranh hơn. Có nhiều bài viết về quê hương thật nhẹ nhàng lãng đãng “ Quê em phố cổ Hội An/ Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ/ …Thuyền ai ngược  bến ra khơi/ Biết chăng bến cũng đầy vơi nỗi niềm.. ( Sông Hoài thương nhớ) hay “… Bếp quê khói tỏa mùi rơm/ Cốm xanh mẹ giã, chiều thơm nắng vàng/ Hồn thu se sẽ ghé ngang/ Mắt ai lúng liếng xốn xang giàn trầu…( Gái quê), Hà Nội là “miền nhớ”, miền chứa đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, dù đi đâu về đâu, lòng nữ sĩ vẫn đau đáu nỗi niềm khi nhớ về chốn ấy “ Gió Đông về thay gió heo may/ Cái rét ngọt chạm vào ô cửa/ Đêm Hà Nội xưa nay vẫn thế/ Cứ âm thầm lặng lẽ thanh tao…”  Nhớ Hà Nội chưa đủ, tác giả còn có một “miền nhớ” khác, mặc dù miền đó mình đang sống, đang làm thơ “ Mai người về nón lá nghiêng che/ Góc Sài Gòn những cơn mưa bất chợt/ Hương Hoàng lan ướp thơm làn tóc ướt/ Hoài niệm nào chẳng sâu đậm nên thơ…” (Miền nhớ).

              Viết về nỗi đau của các bà mẹ có con đã hy sinh bằng những câu chữ nhẹ nhàng, sâu lắng “Hôm nay con trở lại làng/ Vẫn bông gạo đỏ vẫn hàng lau thưa/ Vẫn là mẹ của ngày xưa/ Chờ con bao vụ chiêm chưa trở về/ Con về men lối bờ đê/ Cờ sao gói trọn lời thề ngày đi…”; “ Cờ sao gói trọn lời thề ngày đi”, câu thơ nhẹ tênh mà sao khiến ta xa xót chạnh lòng, thương người lính trẻ trở về với nắm hài cốt gói gọn trong những lá cờ. Nói về những bà mẹ ở đảo Gạc Ma, từ ngữ không “lên gân”, cũng giọng điệu nhẹ nhàng mà trĩu nặng nỗi nhớ con, nỗi mong chờ con trong vô vọng và tình cảm của xóm làng đầy xúc động “ Bao năm mẹ vẫn chờ con/ Ngọn đèn cha thắp đang còn sáng đây/ Bấc tàn mẹ sẽ lại thay/ Bàn thờ vẫn ấm bàn tay xóm giềng… Đêm nay mẹ nén nỗi đau/ Lắng trong tiếng gió biết đâu… con về”. Còn nhiều câu thơ chứa chan nỗi buồn, vẽ nên cảnh chiến tranh xơ xác hoang tàn, những câu thơ dành cho những người anh, người chú ruột thịt đã ra đi vì đất nước “Chú yên nghỉ dưới hàng cây/ Nhìn lên những áng mây bay cuối trời/ Trẻ trung ánh mắt rạng ngời/ Nụ cười dừng lại giữa thời thanh xuân…” ( Chú tôi), “Chiến tranh, con đường xa tít tắp/ Đạn bom bay khói lửa mịt mù/ Khắp cánh rừng già trơ trụi lá. Anh xa rồi… Xa mãi mùa đông”.    

              Tình thương yêu những người ruột thịt trong gia đình cũng được tác giả bộc bạch trên những trang thơ “ Khi cha chinh chiến miền xa/ Mẹ đi làm vắng ở nhà bà chăm/ Cháu đi học lúc lên năm/ Thương cháu bé bỏng đêm nằm bà ru…” (Bà tôi), bài thơ viết về bà Ngoại khiến tôi nhớ bài thơ “ Bông cau thôi nở”, bài thơ đầu tay của mình cũng viết về bà Ngoại tôi, ngày xưa đã bơi xuồng đưa tôi đi học, hình như người mẹ, người bà nào của chúng ta cũng thương yêu chăm chút cháu con, để cho con mình tròn việc nhà việc nước. Bài thơ vắng cha khiến tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc (không biết phải vì mình cũng mồ côi cha như tác giả): “ Tóc con dù chớm ngả màu/ Vẫn còn mong được tựa đầu vào cha/ Bàn tay gầy ấm nếp nhà/ Gót mòn cha đã bôn ba dặm đường/ Tuổi xanh gửi lại chiến trường/ Gian lao vất vả không dừng bước chân/ Trả xong hết nợ duyên trần/ Cha đi để lại muôn phần đớn đau…”

                    Những câu thơ viết về tình yêu, về nhân tình thế thái cũng lắm đa đoan như cuộc đời tác giả, một tâm hồn đa sầu đa cảm, mong manh và lãng mạn, dào dạt tình thương yêu và mơ ước khôn cùng, đôi lúc cũng không kém cắc cớ, tinh nghịch. Đối với thơ, tác giả tự bạch “ Đời ta dốc đứng đường trơn/ Thơ là chiếc gậy Trường Sơn vượt đèo/ Thơ là dòng suối trong veo/ Tiếng hò khoan nhặt mái chèo nhẹ trôi/ Những khi lòng muốn buông xuôi/ Thơ là tri kỷ, sánh đôi song hành/ Bỏ qua chức tước công danh/ Ta về gỏ cửa cấm thành thơ ca…”(Tự bạch), những câu thơ trong “ Gia vị tình yêu” cho thấy tình yêu đối với người phụ nữ là quan trọng, là vị tha đến dường nào “Cho em ánh mắt nồng nàn/ Là em sẽ đẹp dịu dàng hiền ngoan/ Ngắm em pha chút mơ màng/ Là em quên hết lỡ làng buồn đau/ Lá trầu sẽ thắm duyên cau/ Và em vẫn ước kiếp sau có người..”, “ Bên anh giây phút nồng nàn/ Tình yêu chạm ngõ điạ đàng, nên thơ/ Anh, cơn sóng khát bất ngờ/ Từ đâu trôi dạt tràn bờ bến em” (Hạnh phúc). Cuộc đời đầy hỉ nộ ái ố, hạnh phúc đó rồi cũng buồn đau đó, đem nỗi buồn chưng cất để biến nỗi đau thành chất pha lê trong suốt cũng là một cách biến hóa những u ám trong cõi lòng thành khối trong trẻo cho tâm hồn “ Nỗi buồn mình chị nhen lên/ Một mình canh lửa bốn bên ba bề/ Một mình đốt đến si mê/ Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à…” (Nỗi buồn pha lê), buồn thì buồn vậy nhưng những mảnh tình thơ dại ngày xưa đôi lúc vẫn ám ảnh, vẫn nhắc nhớ bỡi cơn mưa “ Chỉ tại cơn mưa chiều/ Nhắc lại điều chưa cũ/ Nên lòng em tự nhủ/ Đã xa rồi… đã xa (Cơn mưa chiều). Sắp lên xe hoa theo chồng mà vẫn còn vấn vương, căn dặn người năm cũ “Thương em nhớ giấu trong lòng/ Mai em theo chồng ra bến đò xa/ Ân tình bao tháng ngày qua/ Nâng niu em giữ làm quà vu qui/ Rượu mừng cạn chạm đáy ly/ Tình mình tan vỡ… còn gì nữa đâu..”. Yêu đương đắm say là vậy nhưng nhiều lúc người thơ cũng có những câu hỏi thật cắc cớ “ Anh có yêu em không/ Khi dưới lớp phấn son là làn da rám nắng/ Và có còn mộng mị/ Nếu nhìn thấy em không có bộ ngực căng tròn/ Thì những lời ca tụng/ “ Bà tiên của anh, công chúa của anh” có còn không?... Anh còn yêu em không/ Nếu một ngày kia/ Thượng đế bỗng nổi trận lôi đình/ Chia em ra thành nhiều mảnh/ Thì ai (trong số các anh) có đủ bản lãnh/ Nhận về mình một mảnh vì yêu? (Câu hỏi cho những người đàn ông).

                Nói về nhân tình thế thái, đôi lúc tác giả thở dài ngao ngán “Có những lúc em thấy đời chật hẹp/ Chen chúc thế nào rồi cũng lại vòng quanh/ Có những lúc em thấy mình bất lực/ Trước muôn vàn thật- giả- trắng-đen…” (Có những lúc) nhưng rồi nhà thơ cũng tự nhủ, cuộc sống trần gian là cõi tạm, cõi của lục dục thất tình “ Sống là ở trọ trần gian/  Ngẫm ra mọi sự đã an bài rồi/Mẹ cho tiếng khóc chào đời/ Cha cho thanh thản nụ cười mà đi”, tác giả muốn đi đâu, đi về nơi thanh tịnh an nhiên, ung dung tự tại đọc kinh niệm Phật, bỏ ngoài tai những ghét ganh tị hiềm, những thật giả trắng đen “ Kiếp người vất vả gian nan/ Cõi sân si, với tham lam ta bà/ Lên chùa niệm Phật Di Đà/ Mong về cực lạc ngôi nhà mộng mơ/ Nhạc trời, chim hót lời thơ/ Thánh hiền là bạn, Nam mô Di đà…”

                 Chìm đắm trong dòng thơ lục bát với bao nhiêu cảm xúc buồn vui, tác giả dùng những câu thơ Lục bát khá nhuần nhuyễn có sức gợi mở, để diễn tả tâm trạng, nhà thơ Trương Nam Chi đã trải trên trang giấy bao nỗi niềm riêng tư khiến cho người đọc càng hiểu thêm trái tim yếu đuối, đa cảm của chị.

                 Thiết nghĩ, thơ đạt được độ lắng, trong, chân thật và xúc động, chuyển tải được nội dung đến trái tim người đọc là thơ có hồn, cao hơn nữa được gọi là thơ hay. Thơ của nữ sĩ Trương Nam Chi có những bài, những câu đã đạt được điều đó.

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22.9.2014
Nhà thơ Kim Quyên

 

 

 

Trương Nam Chi làm chi trong tập thơ Lục Bát "Nỗi buồn pha lê"


          Cả ngàn năm tồn tại, thơ Lục Bát như một con thuyền, mang khái niệm tiếp nhận và lưu chuyển. Người bình dân xưa gửi vào con thuyền ấy một chút, chỉ mới một chút tâm tư nhỏ lẻ, bình dị như nông phẩm cũng nhỏ lẻ của họ “Qua đình ngả nón trong đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Chút tâm tình ấy chở bằng Lục Bát là hợp lý và đắc dụng! Nhưng gửi cả một cuộc đời với triết lý về sự xung đột của Tài/ Mệnh vào Lục Bát thì phải kể đến Nguyễn Du, ấy là nói gửi một cách gọn gàng và lưu chuyển thành công. “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa / Buồn trông ngọn nước mới sa/ Mây trôi man mác biết là về đâu” thì không còn là “hàng” manh mún nữa, thành “hàng” có giá trị gia tăng rất cao rồi: Một thân phận người!

          Tôi nghĩ, sau cụ Nguyễn có một cuộc đổi mới con thuyền Lục Bát để nó không chỉ chuyên chở được “hàng nội” mà còn đắc dụng lưu chuyển cả “Cái Tôi” triết lý, nhân sinh, trái tim lãng mạn tiếp thu từ nền văn hóa mới phương Tây. Và người thành công là Huy Cận! Hồi những năm 1960 ở Sài Gòn, tôi có viết về “Lục Bát Huy Cận” theo suy nghĩ này, khiến một số nhà thơ hơi khó chịu nhưng rồi thấy êm và có lẽ họ nhận quả đúng có một dòng lục bát mang tên như tôi viết! “Đi rồi, khuất ngựa sau non / Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu / Trơ vơ buồn lọt quán chiều / Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người” và “Tay anh em hãy tựa đầu / Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” và “Nai cao gót lẫn trong mù / Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về”. Đó là những câu thơ Huy Cận tôi trích vào bài viết năm xưa ấy, có nhấn mạnh hai chữ “nẻo thuộc” và các nhà thơ khi ấy im trước “thương hiệu” Lục Bát Huy Cận!

          Từ ấy đến nay, Lục Bát luôn được làm mới. Thường là “chẻ” hai câu thành bốn câu, năm câu nhưng xem ra cũng vẫn rón rén trên “con thuyền ba lá” chứ chưa cho thấy một sự mạnh dạn nào đáng kể. Thật sự chưa có một nhà thơ nào làm lục bát theo kiểu này một cách kiên trì, chỉ lâu lâu đá vào một chút. Là sao? Tuy không phải người bảo thủ nhưng có lúc đọc những câu lục bát “chẻ” này tôi nghĩ… thôi cứ nên 6/ 8, xuống hàng làm chi cho… tốn giấy! Vì nghĩ vậy nên tôi không trích đăng những câu ấy vì sẽ rất mất lòng mà chẳng lợi chi và lợi cho ai! Vả, thơ cũng là một cõi chơi, không ai có thể bắt người ta đi một lối hay không được đi một lối…

          Rồi một hôm mới đây thôi, tôi ngẫu nhiên có cuộc gặp “kép” với Trương Nam Chi, vừa gặp người lần đầu lại là lần gặp thơ của người, tập thơ “Nỗi Buồn Pha Lê” ghi mạnh bạo ngoài bìa là thơ Lục Bát. Vốn tin vào chữ nghĩa của các nhà thơ, tôi hiểu nhà thơ đang có quyết tâm, kiên trì thể hiện mình bằng cách làm công việc là… làm mới kiểu thơ này.

          Trương Nam Chi làm chi trong tập lục bát của cô?

          Trước hết là “chẻ” câu nhưng không “chẻ” như nhiều người thành 2/4/4/4 mà tôi nói ở trên.

“Nợ nần vắt
Kiệt đời nhau
Nên duyên tiền kiếp
Buông câu
Ú…
Òa!”

Thoát công thức 6/8 để tạo dựng một tiết tấu 3/3/4/2/1/1, có vẻ là phá hơi dữ và cái tiết tấu này không dùng cho mọi bài, ngay sang đoạn thơ khác của cùng bài, nó đã thành 3/2/1/4/2/1/1:

“Trước ta thành
Lũy chắn
… Và
Sau ta biển động
Khó mà
Lội
Sang”

          Và cứ thế tiết tấu biến báo khôn lường, chỉ âm hưởng lục bát là còn lại! Cách “chẻ” chữ của Trương Nam Chi là vậy, và cô không phải chỉ có “chẻ” chữ, “chẻ” tiết tấu truyền thống, còn thứ khác nữa: Chẻ ý!

          Lục bát truyền thống vốn hao hao như thế này: “Cho em được nắm bàn tay/ Đời người dễ có mấy ai hiểu mình”, và: “Vì đời lắm nỗi/ Bất minh/ Nên tình trong sáng/ Giúp mình vững tâm” đó cũng là thơ Trương Nam Chi - những suy nghĩ rất con gái và rất hiền lành. Nhưng Trương Nam Chi đột nhiên chuyển ý từ sự “vẩn vơ” như vậy sang một sự… tung tẩy:

“Mà/ Sao nước mắt
Hình như…
Hình như máu đỏ
Loang
Từ trong tim”.

          Và như thế vẫn còn nhẹ nhàng cái duyên làm mình làm mẩy của người nữ, rất khác những câu này của tác giả:

“Thì
Em cứ việc
Cách tân
Bao nhiêu đau đớn
Cho lần
Rạch
Da

Bao nhiêu lầm lỡ
Xót xa
Hóa thành tiếng khóc
Oan gia lạc
Loài”.

          Điều tôi cảm nhận ở đây là những câu không cùng độ dài và được ngắt ý đột ngột kia lại là những mệnh đề, có khi là mệnh đề độc lập! Chẻ ý nhưng khéo léo lắm mới được như vậy!

          Tôi nghĩ thơ Lục Bát là một dòng dài bất tận, lâu lâu lại nổi lên những “nhánh” độc đáo làm thành một biểu đồ Dân gian – Nguyễn Du – Huy Cận và tiếp tục sau này. Ở nhánh thứ nhất, lục bát như con thuyền chở theo nông phẩm của nền văn minh lúa nước. Nhánh tiếp theo ai cũng hay là chở một triết lý về kiếp hồng nhan. Nhánh Huy Cận chở nặng cảm xúc, con tim của “cái Tôi” được giải phóng khao khát yêu và cũng bơ vơ… Nhánh hiện tại của nhiều người ra đời trong bối cảnh nền kinh tế hướng về thị trường, nhiều khi cuộc sống bị bê-tông hóa từ chỗ ở đến cả tư duy, cảm xúc. Lục bát hiện đại phải chở cả một khối nặng nề…

          Người đọc thơ nào cũng có những tham vọng nhìn thấy những “thương hiệu” mới và tôi nhận ra một Trương Nam Chi trong số những nhà thơ đang đi tìm “thương hiệu” cho dòng lục bát của mình. Là người làm thơ cũng khá lâu nhưng tôi rất sợ lục bát, cả đời tôi có lẽ chỉ được cặp này “Tôi về sầu trắng đôi vai/ Đi như quân tướng trong ngày bại vong” nên chi tôi rất chú ý đến tập thơ của người bạn mới gặp.

          Đổi mới thì nhiều, nhưng có căn cơ và quyết tâm thì hình như Trương Nam Chi đang một mình một cõi. Rất mong cô thành công để cho tôi thỏa lòng mong ước, nhưng rồi sẽ ra sao thì tùy thuộc vào chỗ nhà thơ chỉ làm mới một chút cho vui hay là… Trương Nam Chi, nhà thơ lục bát, tại sao không?

 

Long An, Tháng 10/2014 
Nhà thơ Cao Thoại Châu

 

CHÀO EM, NỖI BUỒN PHA LÊ

(Tâm tình cùng Trương Nam Chi)


          Trong ánh sáng Thái Dương hệ đang chiếu rọi sự lấp lánh cái đẹp thiên nhiên, hay chiếu rọi tôn vinh cuộc sống con người với những tài năng danh giá, thì một khuôn mặt ''đời cát'' như tôi khó mà ''thể hiện mình'', dù chỉ là để góp vui cuộc sống...
Nhưng cuộc sống vốn luôn sản sinh ra nhiều cái đẹp, cái hay rất cuốn hút, quá hấp dẫn nên tôi cũng dễ sa đà buông thả tận cùng cảm xúc, theo kiểu ''điếc không sợ sấm'' như khi chạm phải ''Nỗi Buồn Pha Lê'' của Nhà thơ Trương Nam Chi.
          Tập thơ Lục Bát xinh xắn, dày hơn trăm trang với những bài thơ được ''cắt'' rất mới và rất khéo. Dù chỉ có mấy câu lục bát thôi, Trương Nam Chi đã ''tóm gọn hồn tôi'' ngay bài thơ đầu của tập thơ:

GỌI HỒN
Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ
Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần
Đời đang ủ
Ché rượu cần
Thêm lần vít ngọn
Thêm
Lần ta say.


          Tuyệt vời cho cái réo gọi của Trương Nam Chi...
          Có phải vì ''bí chữ'' mà réo chữ hay không? Nếu chỉ vậy thôi thì ''tội nghiệp'' cho Thơ và cho tôi quá... Không biết tại sao tôi lại chìm sâu trong cái bát ngát tình yêu phía sau câu chữ ở hai câu đầu như ''nụ cười có mang theo nước mắt'' rất bao dung của Kẻ Sĩ trước muôn mặt của sự ly tán luôn dễ xảy ra của tình đời. Cái bao dung còn lớn thêm ở niềm tin yêu cuộc sống, dù cho cuộc sống có nghiệt ngã thế nào đi nữa, thì men tình vẫn đầy ắp, người thơ vẫn bước qua ''dấu bầm'' không thể hủy diệt, và còn biến nó thành ''nỗi buồn sang trọng'', đó chính là chất liệu ''rất thơ'' dành riêng cho người Nghệ sĩ chân chính…
          Từ tiếng gọi Hồn Thơ tôi đã theo Trương Nam Chi dấn sâu qua nhiều vùng miền khác của đời thường, của tâm tư, của tình cảm riêng cô…
Dù là vùng miền nào, thú thật, đối với ''Lục bát của Trương Nam Chi'' tôi cũng say mê trước những hình tượng khái quát, những ẩn dụ thấm đẫm một chiều sâu thật sâu của cảm xúc và nghĩa tình. Nhất là cái ''ngọt dịu mà đắng chát'' của Trương Nam Chi, như trong bài ''Vạn kiếp tu''.



Heo may theo

Vào chùa
Nằm nghe kinh
Kệ
Chờ mùa thu
Qua
Lá này là
Chiếc
Lá Đa
Tu từ vạn kiếp
Chưa
Ra khỏi
Chùa.

          Thật là thú vị. Thật là tài tình... Một ''phát'' thăng thiên của trái pháo bông tủa tia hoài nghi bao trùm khắp cõi... Từ lớn tới nhỏ, từ nam sang nữ… ai có ''kiểu lá đa'' như thế trong cuộc đời lắm dối gian này thì tha hồ giật mình... Còn Trương Nam Chi vẫn với nữ tính chu đáo và dịu dàng, y như những vần thơ mềm mại tinh tế nhưng kín đáo của cô dắt ta đi qua từng nhói đau của từng con chữ. Cái nhói đau ít ai ngờ được vì những vần thơ ''nói điều không nói''.
          Trương Nam Chi đem thơ ra “Trảm” mà thơ không bị cụt đầu, không nghe dù chỉ một tiếng khóc nhỏ nhưng lại vẽ ra lồ lộ thân phận con người trong những thói đời nhỏ nhen, ích kỷ. Những kiếp người suốt một đời chỉ luôn là ''hình tượng'', một hình tượng không sự sống, không sức sống, không dấu ấn riêng...

Tiễn thơ
Lên
Đoạn đầu đài
Quay về con
Cuốc
Vẫn
Ngoài bụi tre
Trên cành
Còn
Lại xác ve
Mắt
Nhìn trân trối
Giữa hè
Nắng
Loang.

          Với bài ''Hậu hiện đại'', Trương Nam Chi lại vẽ rất sâu một nỗi đau khác, nỗi đau rất thật nhưng không ai ngờ tới xuất phát từ sự tị hiềm, ghen ăn tức ở của những con người luôn cho rằng “không ai thiêng hóa chữ nghĩa bằng mình” trong cái ''trò chơi hội đồng'', một trò chơi nhưng họ đã ra sức rất thật để chà đạp nhau trong một “sàn diễn” mà họ vừa là diễn viên vừa là khán giả:

Bác Cò
Chị Vạc
Anh Nông
Cả ba xăng xái
vặt
Lông
Cô gà
Vặt
Xong chà trấu lên

Xát thêm tro nữa
Thế

Hụt hơi…


          Thủ pháp “nghịch đảo và cắt dán” đắt giá này thể hiện tính cách và nội lực của riêng Trương Nam Chi, nhẹ nhàng như không nhưng oằn đau cái ''hài hước sâu cay'' của thế thái nhân tình. Vì rằng:


Lột da
Cáo
Chẳng nên người
Đứt đuôi vẫn
Rõ mười mươi
Thằn lằn.
(Lột da)


      Thú thật, tôi đã cười… rất buồn nhờ vào sự tinh tế, sâu thẳm nhưng nhẹ nhàng và độc đáo ấy, đúng như tính cách của Trương Nam Chi ngoài đời. Sự đồng cảm ấy khiến tôi thèm một cái bắt tay với tác giả:

 

Cho em được
Nắm bàn tay
Đời người dễ

Mấy
Ai hiểu mình
(Tri âm)

Tại sao không!? Chỉ vì tác giả đã CÓ trong cái KHÔNG hun hút của tôi rồi.

Tri âm
Chẳng
Lụy bóng hình
Mai xa
Còn
Tấm chân tình
Sao quên!
(Tri âm)

          ''Nỗi buồn pha lê'' đã hoàn toàn chinh phục tôi, với chính những xúc cảm rất thật nhưng không dễ mấy ai khơi gợi nên được bằng những con chữ luôn ở tư thế khiêm tốn. Vốn không phải là người có thói quen phê bình nên chỉ xin nói ra những gì rất thật ở lòng mình, không hổ thẹn, cũng chẳng ngại ngùng...



Cần Thơ, 12/11/2014
Nguyễn Thị Thanh Huệ

 


 

Chia sẻ:                  
Các bài khác: